'Tôi không tin lãnh đạo và con họ không biết chuyện được nâng điểm'

TS Nguyễn Việt Cường nhận định nhiều thí sinh liên quan gian lận điểm thi đã chủ động bỏ giấy trắng, tạo thuận lợi cho việc điền đáp án, nâng điểm ở khâu chấm thi.

TS Nguyễn Việt Cường nhận định nhiều thí sinh liên quan gian lận điểm thi đã chủ động bỏ giấy trắng, tạo thuận lợi cho việc điền đáp án, nâng điểm ở khâu chấm thi.

Người dân Sơn La bức xúc cho thí sinh trượt oan vì 'con quan' gian lận Nhiều người dân, cán bộ về hưu tại Sơn La bức xúc vì hành vi gian lận điểm thi của một số cá nhân để lại tai tiếng cho cả địa phương.

"Tôi đang làm thủ tục để gửi Sở GD&ĐT Sơn La phúc khảo điểm cho con. Tôi không nhờ vả ai để nâng điểm cho con cả", ông Q., Phó chủ tịch UBND TP Sơn La, tỉnh Sơn La, người được cho là có tên trong danh sách phụ huynh nâng điểm cho con, khẳng định với báo chí.

Tương tự, một lãnh đạo khác là ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, cũng nói rằng: "Tôi quá tự tin về sức học của con ấy chứ, có vấn đề gì đâu, việc gì phải làm chuyện để mất uy tín như thế".

Trước đó, nhiều lãnh đạo ở địa phương bị phát hiện có gian lận thi cử cũng phủ nhận chuyện "chạy vạy", xin điểm cho con và không biết chuyện con bị can thiệp nâng điểm.

Bạn đọc Quach Toan bức xúc cho rằng: "Đừng nói cha mẹ hay thí sinh không biết chuyện nâng điểm, nhiều khả năng có kế hoạch trước hết rồi. Nghe ngụy biện mấy hôm nay rất bực mình".

Theo phân tích của TS Nguyễn Việt Cường, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Mekong, người nhiều năm liền có tên trong danh sách 5% nhà kinh tế hàng đầu thế giới, không thể loại trừ trường hợp phụ huynh và thí sinh đều biết chuyện, thậm chí chuẩn bị cho việc tẩy xóa đáp án và nâng điểm thi.

"Thí sinh biết mình được nâng điểm nên chủ động không tô đáp án"

TS Cường cho hay ông và nhiều người đều không thể tin lời của các lãnh đạo Sơn La, Hòa Bình rằng họ không biết con mình được nâng điểm. Nhiều ý kiến thiên về hướng thí sinh không hay biết việc bài thi của mình được chỉnh sửa cũng rất vô lý.

Ông Cường phân tích nhiều môn thi THPT quốc gia, với hình thức trắc nghiệm, mỗi câu hỏi có 4 phương án trả lời. Chỉ cần chọn câu trả lời ngẫu nhiên, thí sinh cũng có xác suất điền đúng 25%, tương đương 2,5 điểm mỗi bài thi. Do đó, ông tin rằng thí sinh muốn được điểm dưới một cũng không hề dễ.

Tôi không tin lãnh đạo và con họ không biết chuyện được nâng điểm-1

Điểm do gian lận và điểm sau khi chấm thẩm định của 2 thí sinh. TS Cường nhận định thí sinh đã chủ động không tô đáp án để việc chỉnh sửa, nâng điểm sau đó dễ dàng hơn. Ảnh: M.N.

Giả sử, 900.000 thí sinh dự thi, sẽ có 4.230 thí sinh được dưới một điểm mỗi môn. Con số này vẫn khá nhiều, nên có thể những thí sinh được nâng điểm thực sự có bài thi dưới một điểm. Với 40 câu hỏi và xác suất đúng là 0,25, số câu trả lời đúng sẽ phân phối theo quy luật nhị thức. Muốn được dưới một điểm, thí sinh chỉ được phép đúng tối đa 3 câu, và xác suất cho phương án này là 0.0047. Xác suất để được điểm 0 thấp hơn nhiều (bằng 0.00001006).

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, nói Bộ GD&ĐT và các trường đại học đang lúng túng trong việc xử lý vì quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT 2018 có lỗ hổng "con voi chui qua lỗ kim".

Lỗi này thuộc về Bộ GD&ĐT khi quy chế chỉ quy định "xử phạt trực tiếp" ở phòng thi, mà không có quy định cụ thể về xử lý gian lận ở phần chấm thi.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho rằng Bộ GD&ĐT và cá nhân bộ trưởng nên xin lỗinhất là những thí sinh bị trượt oan đại học vì bị "con ông cháu cha" lấy mất cơ hội.

Nghĩa là, một triệu thí sinh đi thi sẽ có một em có 3 bài thi dưới một điểm. Có thí sinh thậm chí còn được 2 điểm 0, xác suất là một phần 10 tỷ. Có nghĩa bắt cả thế giới này đi thì trắc nghiệm và yêu cầu chọn ngẫu nhiên cũng chưa chắc tìm được ai có 2 điểm 0", TS Cường phân tích.

Theo lý giải của chuyên gia kinh tế này, chỉ ở mấy tỉnh với vài chục nghìn học sinh nhưng đã tìm được vài em có 3 bài thi điểm dưới 1, thậm chí có em được 2 bài thi 0 điểm trong 3 môn là không thể tin được. Điều này dẫn đến phán đoán học sinh đã chủ động không điền đáp án, để việc can thiệp bài thi sau đó dễ dàng hơn.

Theo mạch tư duy này, trước khi thi, những thí sinh đó đã biết trước rằng họ sẽ được nâng điểm. Các em biết điều này thì không thể nói cha mẹ không biết.

TS Trần Nam Dũng - người đoạt huy chương bạc Toán quốc tế năm 1983, cũng đồng tình với phân tích của TS Nguyễn Việt Cường. Năm 2018, khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi và phổ điểm các môn, TS Trần Nam Dũng từng thắc mắc con số 951 bài thi điểm 0 ở môn Toán. Lúc đó, ông cũng cho rằng những thí sinh này đã không tô đáp án.

"Lý giải của TS Nguyễn Việt Cường đã giải thích một phần nhỏ lý do có đến 951 điểm 0 môn Toán.", ông Dũng nói.

Căn cứ để công an điều tra 

Nhiều người đồng ý với phân tích và nhận định của TS Cường. Một số luật sư cũng cho rằng đây là lập luận quan trọng để cơ quan điều tra xác định những người tham gia gian lận thi cử.

"TS Cường nêu cơ sở đúng. Giả thuyết không những con cái biết mà còn được cha mẹ dặn dò mọi việc để đề phòng, đối phó, là hoàn toàn có thể xảy ra", tài khoản Facebook Phạm Phan nêu ý kiến.

Bạn đọc Tran Viet Anh cũng nhận định với những thông tin ban đầu trên truyền thông dư luận có quyền đặt câu hỏi về việc có hay không "đường dây gian lận", mà ở đó phụ huynh là quan chức, cùng con cái mua điểm? Theo ông, nếu như vậy, đó là phạm tội có tổ chức, cần truy tố hình sự cả người sửa điểm và người mua điểm.

Tài khoản Do Quyen nói phân tích của TS Cường có lý, nhưng chỉ chứng minh được một số ít thí sinh liên quan gian lận (được điểm dưới một). Đây cũng mới là lập luận, công an phải dựa vào chứng cứ để điều tra, kết luận.

Tôi không tin lãnh đạo và con họ không biết chuyện được nâng điểm-2

Trước khi bị phanh phui gian lận, lãnh đạo ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có những phát ngôn trái ngược thực tế. Kết quả điều tra ban đầu sau khi vụ việc được phát hiện năm 2018 là 12 bài thi ở Sơn La giảm điểm sau chấm thấm định. Nhưng theo công bố mới nhất của Bộ GD&ĐT hồi tháng ba vừa qua, 44 thí sinh ở Sơn La được nâng điểm thi. Ảnh: Phượng Nguyễn.

"Những phân tích này rất phù hợp và logic nhưng cơ quan điều tra làm việc trên chứng cứ và lời khai của những người liên quan, không thể dùng suy luận để xử lý thí sinh. Dù vậy, cơ quan điều tra có thể tham khảo ý kiến này", luật sư Hiệp nói. Xét ở góc độ pháp luật, luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn luật sư TP.HCM, nói đây không thể là chứng cứ để cơ quan điều tra kết luận về sự tham gia của thí sinh hoặc phụ huynh trong việc gian lận, nhưng là luận điểm đáng chú ý.

Tương tự, thạc sĩ luật học Nguyễn Tấn Hoàng Hải, giảng viên ĐH Luật TP.HCM, cho rằng việc điều tra và xử lý thí sinh, phụ huynh liên quan gian lận phải dựa trên sự đối chất giữa các bên.

"Tôi nghĩ việc điều tra phụ huynh và thí sinh có liên quan, tham gia vào việc gian lận hay không là điều không hề khó với nghiệp vụ của công an. Dù những suy luận khoa học không thể là bằng chứng, cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào những lập luận này để truy tìm sự thật", thạc sĩ Hoàng Hải cho hay.

Sơn La từ chối bình luận về thông tin con cán bộ được nâng điểm thi Khi phóng viên đến trụ sở liên hệ làm việc, đại diện Sở GD&ĐT, UBND tỉnh Sơn La đều nói lãnh đạo đi vắng, từ chối trả lời.
 

Liên quan vụ gian lận thi THPT quốc gia 2018, kết quả chấm thẩm định cho thấy Hòa Bình có 64 và Sơn La 44 thí sinh được nâng điểm. Nhiều em đã trúng tuyển vào các trường công an, quân đội, sư phạm, y, kinh tế... Thậm chí, một số em còn đỗ thủ khoa các trường đại học lớn ở Hà Nội.

Hiện tại, nhiều trường đại học đã cho thôi học sinh viên liên quan gian lận thi cử. Một số trường hợp khác vẫn được học, dù được nâng điểm, vì không có căn cứ xử lý.

Sau khi Bộ GD&ĐT kết luận 108 thí sinh ở hai tỉnh Hòa Bình, Sơn La được nâng điểm, cộng đồng mạng chia sẻ danh sách thí sinh gian lận điểm thi được cho là con quan chức ở Sơn La. Theo danh sách này, 21 thí sinh được nâng từ 3 đến 25 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Những em trên được cho là con lãnh đạo UBND thành phố, UBND huyện, sở GD&ĐT, cục trưởng, công an, giáo viên và nhiều cán bộ ở lĩnh vực khác tại Sơn La.
 

 

Theo Zing


nâng điểm thi

Gian lận điểm thi ở Sơn La

Gian lận điểm thi

gian lận thi cử


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.