
Ngay từ khi mới bước chân về nhà chồng, tôi đã thấy mẹ chồng tỏ vẻ không hài lòng về mình. Bà không nói thẳng, nhưng ánh mắt thì đủ lạnh để khiến tôi hiểu: Bà chưa bao giờ muốn một “đứa nhà quê” như tôi bước vào nhà này.
Gia đình tôi không nghèo, nhưng so với thế lực của họ thì bố mẹ tôi chỉ là những người làm công ăn lương bình thường. Lễ hỏi, đám cưới, tất cả đều do nhà chồng lo. Mọi người nghĩ tôi may mắn, còn tôi thì chỉ thấy mình bị gán mác “ăn nhờ ở đậu” từ ngày đầu tiên.
Mẹ chồng xét nét tôi từ lời ăn tiếng nói đến cách mặc đồ. Chỉ cần tôi mặc chiếc váy không vừa ý, bà sẽ nhẹ nhàng nhắc: “Con gái quê hay chuộng đồ màu mè, mẹ không trách, nhưng làm dâu nhà này nên tiết chế lại.”
Mỗi lần bố mẹ tôi lên chơi, bà lại viện cớ mệt, không ra tiếp. Có lần mẹ tôi mang ít trái cây quê lên biếu, bà nói thẳng với giúp việc: “Mấy thứ này đem đi phát cho người làm, nhà này không ai ăn đâu.”
Tôi giả vờ không nghe thấy nhưng trái tim tôi không giả vờ được. Tôi im lặng, nhẫn nhịn và tự nhủ rằng chỉ cần chồng thương, mọi thứ rồi sẽ qua. Nhưng càng bên nhau lâu, tôi lại càng thấy tuyệt vọng hơn vì chồng mình thuộc kiểu "con cưng của mẹ", việc gì cũng nghe lời mẹ. Mỗi khi tôi phàn nàn về việc nhà, anh đều nói: “Thôi em à, mẹ cũng vì muốn tốt cho em thôi mà.”
Rồi một ngày, tôi nhận được điện thoại của mẹ báo tin bố tôi bị tai biến, cần nhập viện gấp. Giọng mẹ nức nở phía đầu dây bên kia: “Nhà mình giờ chỉ còn 30 triệu, mà bác sĩ nói cần đóng tạm ứng 80 mới làm phẫu thuật...”
Tôi không nghĩ nhiều. Tôi rút ngay 50 triệu từ tài khoản tiết kiệm là tiền tôi tích góp từ hồi còn làm việc rồi bí mật chuyển về. Dù không nói với ai ngay cả chồng nhưng chỉ sau 2 ngày, mẹ chồng đã gọi tôi lên phòng khách. Bà đưa cho tôi bảng sao kê tài khoản và hỏi lạnh lùng: “Cô nghĩ cô là ai mà muốn chuyển tiền cho ai thì chuyển? Đây là tiền chồng cô, là tài sản nhà này. Ai cho phép cô tiêu?”

Tôi nghẹn họng. Tôi cố giải thích rằng đó là tiền tôi tích góp, không phải tiền chồng cho nhưng bà không để tôi nói hết câu đã nói ra một tràng: “Tiền ai kiếm ra không quan trọng. Về nhà này rồi thì phải biết tôn ti trật tự. Gia đình chồng là trên hết. Còn nhà mẹ đẻ? Cô nghĩ tôi sẽ để nó bòn rút của nhà này à?”
Tôi đứng đó, không nói nổi một lời. Bà lại tiếp tục thể hiện quyền lực khi áp đặt tôi: “Từ nay, tôi giữ toàn bộ thẻ ngân hàng của cô. Không có lệnh tôi, cô không được rút đồng nào.” Rồi bà sai người mang lên một cái hộp, trong đó là toàn bộ thẻ ngân hàng, sổ tiết kiệm, kể cả chiếc vòng cưới và đôi bông tai mẹ tôi tặng hôm cưới. Bà nói: “Tôi giữ hộ. Để khỏi có chuyện sau này lại lén lút gửi tiền về nhà mẹ đẻ nữa.”
Tôi quay về phòng, nằm vật ra giường như người không còn sức. Tôi không khóc mà chỉ lặng người nghĩ: “50 triệu cho bố, là cái giá để tôi mất đi quyền kiểm soát cuộc đời mình sao?.”
Kể từ hôm đó, mỗi lần tiêu gì, tôi phải xin phép. Đi chợ 100 nghìn cũng phải ghi sổ. Mua đồ cho chồng thì được. Mua đồ cho bản thân thì bị soi: “Sao con dâu mà tiêu hoang thế?”
Tôi sống như một cái bóng. Không tiếng nói. Không tự do. Chỉ cần nhắc đến nhà ngoại là bị liếc xéo nhưng cứ hễ tôi mở lời nhờ chồng can thiệp thì anh lại nói: “Thôi em ạ, mẹ kỹ tính tí thôi. Miễn bà không mắng em trước mặt người ngoài là được.”
Có những đêm tôi nằm trong căn phòng đầy đủ tiện nghi, giường nệm cao cấp, máy lạnh êm ái… nhưng trong lòng chỉ toàn là lạnh lẽo. Tôi nhớ cái giường nhỏ ở quê, mẹ vẫn hay chờ tôi về mới ngủ. Tôi nhớ căn bếp đơn sơ, bố vừa ngồi nhặt rau vừa kể chuyện tiếu lâm. Nhớ cả những bữa cơm không có cao lương mỹ vị, nhưng đầy ắp tiếng cười. Còn ở nhà chồng dù nhà cao cửa rộng nhưng lòng thì… chật hẹp.
Ngày trước, tôi từng mơ ước có một cuộc sống đủ đầy cho bố mẹ nở mặt nở mày. Nhưng giờ đây, tôi không thể mua nổi cho bố một hộp thuốc mà không bị móc mỉa. Tôi từng nghĩ tình yêu sẽ là chiếc khiên bảo vệ mình nhưng cuối cùng, chính anh lại là người đứng yên nhìn tôi bị tổn thương chỉ để “giữ hòa khí trong nhà”.
Tôi không biết cuộc hôn nhân này sẽ kéo dài bao lâu. Tôi không biết mình còn chịu đựng thêm được bao nhiêu nữa. Nhưng tôi biết, nếu một ngày tôi rời đi… thì lý do chính là giới hạn cuối cùng của tôi đã bị phá vỡ.
Bây giờ, tôi không còn ham muốn được làm dâu nhà giàu. Tôi chỉ muốn làm một người con gái có quyền yêu thương cha mẹ mình mà không phải cúi đầu xin phép. Tôi chỉ muốn được tự tay giữ lấy đồng tiền mình làm ra, không cần giấu giếm, không sợ bị tước đoạt. Tôi chỉ muốn một cuộc sống bình thường… nhưng tự do và bình yên.
Đến một lúc nào đó, khi vết chai trong tim tôi đủ dày, khi những nỗi đau bị kìm nén quá lâu không còn chỗ chứa… tôi sẽ rời đi. Không phải để hận thù mà là để giải thoát cho chính mình. Nếu hạnh phúc là thứ phải xin mới có thì tôi chọn rời bỏ nó vì tôi tin: Người phụ nữ biết đứng lên, sẽ luôn tìm lại được ánh sáng cho riêng mình.

Theo Thương Trường