"Chỉ trích NS Phó Đức Phương là thiếu hiểu biết"

Bảo Lan, Trưởng nhóm 5 Dòng Kẻ, cho rằng NS Phó Đức Phương hết mình vì nghệ sĩ.

Bảo Lan, Trưởng nhóm 5 Dòng Kẻ, cho rằng NS Phó Đức Phương hết mình vì nghệ sĩ.

- Sở hữu vốn ca khúc lên đến cả trăm bài, Bảo Lan làm thế nào để bảo vệ quyền tác giả cho mình?

- Cách đây gần 10 năm, nhờ Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, lần đầu tiên trong đời tôi chính thức nhận được một khoản tiền từ tác quyền ca khúc do mình sáng tác. Số tiền không nhiều nhưng giá trị tinh thần rất lớn.

Tôi được nghe nhạc sĩ Phó Đức Phương nói về những trăn trở muốn bảo vệ cho các tác phẩm của những nhạc sĩ ở Việt Nam nhiều năm về trước. Tôi biết nhạc sĩ đã lâu, một người rất yêu nghề, đam mê với nghệ thuật và luôn đau đáu với từng tác phẩm của mình và cả với những tác phẩm của các nhạc sĩ khác. Có lẽ cũng chính vì cái tâm đó cùng với sự đồng thuận của nhiều nhạc sĩ gạo cội như ông mà Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) được hình thành.

"Chỉ trích NS Phó Đức Phương là thiếu hiểu biết" - 1

 Bảo Lan - Thành viên nhóm 5 Dòng Kẻ. 

- Nhiều nghệ sĩ sau một thời gian gửi gắm những đứa con tinh thần của mình cho VCPMC đã tố trung tâm làm ăn không minh bạch. Là người trong cuộc, chị nói sao?

- Đều đặn hàng quý, tôi đều nhận được điện thoại đến VCPMC nhận tiền tác quyền với những kê khai khá chi tiết. Tôi cho rằng nếu để nghệ sĩ tự mình làm việc này thì chắc chắn họ sẽ tự làm thất thoát rất nhiều, họ không thể đem tư cách cá nhân để thực hiện luật và cũng không thể tự kiểm soát tất cả các ca khúc của mình được sử dụng ra sao. Việc này chỉ có một tổ chức có quy mô mới có thể làm được. 

Bản thân tôi cảm thấy điều VCPMC mang lại cho nghệ sĩ là điều rất đáng cổ vũ. Nhạc sĩ Phó Đức Phương là người có công tiên phong, đi những bước đầu tiên khó khăn để dành lại quyền lợi cho nhiều con người. VCPMC đã được Bộ nội vụ và các cơ quan chức năng cấp phép. VCPMC là thành viên của CISAC (tức Liên minh quốc tế các Hiệp hội nhà soạn nhạc và lời). Vì vậy nhiều người nói VCPMC hoạt động chui là không có cơ sở.

- Có nhiều nhà tổ chức show than phiền rằng tiền tác quyền VCPMC thu không đồng nhất và “có thể thương lượng”, chị nghĩ thế nào về vấn đề này?

- Trong một show diễn, quy mô kinh doanh khác nhau, mục đích biểu diễn khác nhau thì định mức thu phí hoàn toàn có thể thay đổi. Nhiều bầu show than rằng tiền tác quyền thu không đồng nhất vậy tại sao họ cũng không đồng nhất với mỗi lần mời ca sĩ trong mỗi chương trình ca nhạc? Ca sĩ nào cũng đều nghe họ trình bày về quy mô chương trình rồi mới dám đưa ra catse, vậy nhạc sĩ tại sao không được quyền hưởng theo quy mô chương trình? 

Tôi tin chắc rằng nếu là một show diễn từ thiện, không bao giờ nhạc sĩ Phó Đức Phương lại khăng khăng đòi một khoản tiền lớn như vậy. Việc “có thương lượng” trong vấn đề thu phí là bất đắc dĩ vì không có bảng quy định cụ thể về kinh phí phải chi trả cho tác quyền. Cũng giống như nhạc sĩ bán độc quyền cho ca sĩ, tiền tác quyền sẽ phụ thuộc vào mục đích sử dụng, xếp hạng ca sĩ, thời hạn sử dụng và cả mối quan hệ giữa nghệ sĩ và ca sĩ.

"Chỉ trích NS Phó Đức Phương là thiếu hiểu biết" - 2

Nhạc sĩ Phó Đức Phương trong buổi làm việc với ban tổ chức show Khánh Ly tại Đà Nẵng, tối 8/8.

- Hành động đến tận Trung tâm Hội nghị Quốc gia hay bay vào Đà Nẵng đòi tiền tác quyền của nhạc sĩ Phó Đức Phương bị đánh giá là “không văn minh”. Chị nhìn nhận gì về ý kiến này?

- Nhạc sĩ Phó Đức Phương đã đích thân tới các show diễn để làm việc với Ban tổ chức, cái mà lẽ ra phải có một bộ phận riêng làm cho ông trong vấn đề này cho thấy sự đau đáu và quyết tâm của ông trong việc đòi công bằng cho người nhạc sĩ. Điều này làm tôi cảm thấy chạnh lòng, nhất là khi thấy dư luận ồ ạt lên tiếng chỉ trích ông với nhiều lời lẽ rất thiếu hiểu biết. Trong khi những điều ông và VCPMC mang lại cho nhiều nghệ sĩ là không thể phủ nhận.

Có thể cách giải quyết còn chưa thực sự chuyên nghiệp, nhưng với một nghệ sĩ lớn tuổi mà vẫn đứng ra hứng mũi chịu sào thì tôi cảm thấy ông vô cùng dũng cảm. Lẽ ra ở cái tuổi trung niên như ông, công việc này nên được gánh vác bởi các bạn trẻ như tôi hay lớp nghệ sĩ trẻ hơn nữa, chứ không phải vẫn đều đặn đi lấy tiền từ VCPMC và rồi lúc nào đó theo dư luận lại giật mình cảm thấy thiệt thòi rồi lên án. Điều quan trong nhất là tôi không thấy họ đưa ra được giải pháp nào để cải thiện cho quyền lợi của chính mình và để thay đổi mang tính tích cực cho thế hệ mai sau.

- Một người nghệ sĩ như chị mong mỏi điều gì trong vấn đề bảo vệ tác quyền ở Việt Nam?

- Tôi có thể cảm nhận được sự khó khăn của công việc thu quyền tác quyền. Luật pháp quốc tế quy định cho lĩnh vực tác quyền rất chặt chẽ và chi tiết, trong khi ở Việt Nam vẫn chưa được cụ thể cho từng mục. Tôi rất mong nhà nước sẽ quan tâm sát sao hơn tới lĩnh vực này, đưa ra những phép tính cụ thể hơn để chính VCPMC có cơ sở để thực hiện theo luật. 

Theo quan điểm của tôi, việc đề cập đến nghĩa vụ tác quyền trước khi biểu diễn thể hiện sự tôn trọng của nhà tổ chức, của nghệ sĩ dành cho các tác giả, cho luật pháp. Là người nghệ sĩ, ai cũng mong muốn chất xám của mình được bảo vệ một cách công bằng nhất. Riêng bản thân tôi muốn gửi đến nhạc sĩ Phó Đức Phương sự tôn trọng và mong ông vượt qua được dư luận để tiếp tục tâm huyết của mình. Tôi mong dư luận hãy nhìn nhận một cách thấu đáo, đừng làm thui chột những cố gắng về cách nhìn nhận bản quyền mới được nhen nhóm chỉ hơn 10 năm nay.

Cảm ơn chị Bảo Lan!

Trước giờ liveshow Khánh Ly diễn ra vào tối 2/8 tại Hà Nội, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm quyền tác giả Việt Nam - đã phải tới tận nơi biểu diễn để yêu cầu đơn vị tổ chức đóng phí tác quyền âm nhạc. Cả hai đã có buổi làm việc riêng với nhau, nhạc sĩ Phó Đức Phương đại diện Trung tâm quyền tác giả Việt Nam (VCPMC) đã đưa ra mức phí là 170 triệu đồng chưa bao gồm thuế. Phía ban tổ chức (BTC) ký giấy cam kết thực hiện thanh toán tác quyền và đồng ý 170 triệu là tiền tạm tính và hẹn 4/8 có mặt tại Trung tâm để đàm phán thêm.

Cuộc tranh cãi giữa nhạc sĩ Hồ trên núi và đơn vị tổ chức liveshow Khánh Ly vẫn chưa đi tới hồi kết. Tối 8/8, trước thời điểm Khánh Ly biểu diễn ở TP. Đà Nẵng khoảng 30 phút, nhạc sĩ Phó Đức Phương cùng trưởng VP đại diện VCPMC ở Đà Nẵng - đã có mặt tại Cung Thể thao Tiên Sơn để đòi BTC chương trình hoàn trả tiền tác quyền tác giả theo đúng cam kết vào ngày 2/8. Tuy nhiên, đại diện BTC cho biết, VCPMC không đủ tư cách để đòi tiền tác quyền cho cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do thiếu những giấy tờ hợp pháp chứng minh tư cách đại diện của Trung tâm với những sáng tác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Khi cuộc tranh cãi đang gay gắt, nhạc sĩ Phó Đức Phương cùng người của Trung tâm bất ngờ bị "mời" ra ngoài.

Chiều 12/8, đại diện BTC có buổi gặp gỡ báo giới tại TP.HCM để bày tỏ quan điểm về việc thanh toán tác quyền ca khúc sử dụng trong các liveshow Khánh Ly ở Hà Nội và Đà Nẵng. Trong đó, ban tổ chức tố cách hành xử của nhạc sĩ Phó Đức Phương là không văn minh và sẵn sàng ra tòa nếu xảy ra kiện tụng dân sự. Về phía nhạc sĩ, ông cũng chia sẻ sẽ theo đuổi vụ việc tới cùng. 

Theo Dung Trần (Zing.vn)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.