Hay nhỉ, The Voice Việt?!

Vòng Giấu mặt của cuộc thi Giọng hát Việt vừa khép lại. Trong tập cuối cùng phát sóng tối 29-7, sự thành công của các thí sinh hát tiếng nước ngoài lên tới đỉnh điểm với tiết mục được cả bốn giám khảo lựa chọn của Tiêu Châu Như Quỳnh.

Vòng Giấu mặt của cuộc thi Giọng hát Việt vừa khép lại. Trong tập cuối cùng phát sóng tối 29-7, sự thành công của các thí sinh hát tiếng nước ngoài lên tới đỉnh điểm với tiết mục được cả bốn giám khảo lựa chọn của Tiêu Châu Như Quỳnh.

Hát xong I will survive đầy cảm xúc, cháu gái của ca sĩ Lam Trường khóc mà huấn luyện viên Hồ Ngọc Hà cũng khóc.Cùng thời điểm, ở tư gia của Giáng Son, nữ nhạc sĩ kể chị rủ ông xã người Mỹ xem tập 4 của chương trình Giọng hát Việt vì thấy hầu hết thí sinh hát tiếng Anh. Xem được mấy tiết mục, chồng Son - giảng viên ngành tài chính - thốt lên một câu tiếng Anh hơi thô một chút, tạm chuyển ngữ: "Cái kiểu tiếng Anh quái quỷ gì thế này?!". Ðến tiết mục thứ 6 của một giọng ca đầy nội lực cũng được cả bốn HLV bấm nút và ca ngợi, ông xã Giáng Son được miêu tả là "bỏ chạy", để lại lời nhận xét: "Tôi không hiểu tẹo nào trong số những gì cô ấy phát âm ra!".

Thật tiếc cho vị khán giả Mỹ đã không vượt qua được rào cản ngôn ngữ để thưởng thức những giọng hát Việt. Còn khán giả Việt Nam thật may mắn vì không rành tiếng Anh nên tha hồ... rớt nước mắt vì sung sướng.



Tiêu Châu Như Quỳnh trên sân khấu Giọng hát Việt với ca khúc I will survive

Bình thường... giọng hát Việt?

Có khi cũng nên cảm ơn luật chơi của Giọng hát Việt đã cho phép người chơi thoải mái lựa chọn bài hát. Kết quả: khoảng 2/3 thí sinh xuất hiện trong vòng Giấu mặt chọn bài hát tiếng Anh. Ðiều này làm lộ ra nhu cầu hát và nghe nhạc tiếng Anh của người Việt là rất lớn? Và chẳng có gì là không tốt khi chúng ta tự giải trí cho nhau bằng một thứ âm nhạc đã phổ cập trên trường quốc tế. Rào cản ngôn ngữ chẳng thành vấn đề vì chúng ta đã có điểm chung: tuyệt đại đa số đều không thạo tiếng Anh.

Nhưng cũng có thể việc hát tiếng Anh chẳng qua là định hướng của chương trình. Giám khảo Hồ Ngọc Hà phát biểu: "Thí sinh tham dự Giọng hát Việt lần này dành cho chúng tôi rất nhiều sự ngạc nhiên. Chúng tôi muốn chọn những người trên cả Giọng hát Việt, có thể vươn tầm ra ngoài thế giới." Tham vọng của chương trình hẳn là rất lớn.

Từ Mỹ, Hà Trần đặt câu hỏi: "Hay nhỉ, The Voice Việt toàn hát tiếng Anh. Như thế này là nhạc Việt chán hay là ý thức hội nhập quốc tế của nhân dân tăng vọt?". Cuộc tọa đàm mini do ca sĩ khởi xướng trên mạng xã hội nhận được khá nhiều ý kiến đáng suy ngẫm. Chẳng hạn "Bây giờ nhạc Việt mà hổng Việt nên nghe nhạc Tây cho sướng tai. Bản thân tôi cũng giã từ nhạc Việt mấy năm nay rồi". Hoặc "Nghe buồn cười thế nào, giống như The Voice Anh mà hát toàn tiếng Pháp. Hát y như nước ngoài thì được khen, nhưng nếu hát y như nước ngoài thì lên mạng mà xem chính nước ngoài hát chả thích hơn à!".

Vẫn cuộc tọa đàm trên mạng xã hội, có người góp chuyện về ca sĩ trong nước sang Mỹ hát tiếng Anh cho khán giả hải ngoại nghe, khán giả nói: "Nếu muốn nghe tiếng Anh, tôi đã chẳng mua vé xem ca sĩ Việt Nam hát!". Còn ở trong nước nghe tiếng Việt mãi nhàm rồi, người ta lại muốn có sự "đổi món"?! Thêm một ý kiến: "Cứ để các bạn trẻ hát tiếng Tây thỏa thích đi, cũng là kéo nền văn hóa Việt Nam gần hơn với thế giới, rồi một ngày chán chê các bạn ấy lại quay về với tiếng mẹ đẻ thôi... Quy luật?".


Bùi Anh Tuấn - giải nhất Ngôi sao tiếng hát truyền hình 2011,
 một trong số ít ỏi thí sinh thành công với tiếng Việt tại Giọng hát Việt.


Bất thường... giọng hát Hàn?

Nếu chúng ta thích và thấy hoàn toàn bình thường với việc hát tiếng Anh, Pháp tại Giọng hát Việt, hẳn chúng ta sẽ thấy thật bất thường khi xem The Voice of Korea (tức Giọng hát Hàn) - một trong hai nước châu Á (cùng Việt Nam) mua bản quyền chương trình tìm kiếm tài năng ca hát này từ Hà Lan. Cuộc thi có những nét Tây hóa như tên chương trình bằng tiếng Anh, hoặc dưới ghế giám khảo vẫn là dòng chữ "I want you" chứ không phải "Tôi chọn bạn" như Giọng hát Việt.

Thế nhưng xem một số tập của vòng Giấu mặt thì thấy 99% thí sinh hát tiếng Hàn (còn thiếu 1% là vì có 1-2 bài điểm một đôi câu tiếng Anh trong lời hát). Ðáng lưu ý là xuất phát điểm của thí sinh Hàn. Chỉ riêng trong một tập mà có thí sinh định cư ở Mỹ, thí sinh khác đang du học ở Anh, người thì học nhạc jazz và cổ điển ở Canada, người từng biểu diễn ở liên hoan nhạc jazz quốc tế... Tất cả đều về nước hát tiếng mẹ đẻ, thậm chí chả có bài nào là nhạc ngoại đặt lời Hàn.

The Voice Hàn ít tiếng cười và nước mắt hơn The Voice Việt. Giám khảo ít bông đùa hơn và các thí sinh cũng tự tin hơn (thường có màn thí sinh phỏng vấn từng giám khảo để làm căn cứ lựa chọn). Sự nghiêm túc và thực tế của The Voice Hàn thể hiện ngay ở việc thí sinh không hát chơi bằng tiếng nước ngoài mà hát thật bằng chính thứ tiếng mà sau này họ sẽ dùng để xây dựng sự nghiệp trong nước. Bởi thế đừng hỏi vì sao nhạc Hàn tạo thành làn sóng làm chao đảo thế giới, ngay khi các ca sĩ Hàn chưa cần phải hát tiếng Anh.

Những tiết mục hát tiếng Anh trong Giọng hát Việt làm cuộc thi càng thiên về tính giải trí tạm thời và nội bộ - nghĩa là chỉ trong nước nghe và sướng với nhau. Bạn xem thí sinh hát tiếng Anh và khoái trong vài phút, nhưng bạn có thể nuôi sống giọng ca đó hát thể loại âm nhạc đó trong bao lâu? Khoảng cách từ chương trình giải trí đến sân khấu chuyên nghiệp vẫn còn rất xa. Trong sân chơi (có ban tổ chức lo mua bản quyền bài hát nước ngoài), thí sinh tha hồ thử sức với nhạc Tây nhưng sẽ có ai trong số đó đủ tài xây dựng sự nghiệp sau này với ca khúc tiếng Anh? Ðến như Hà Trần ở Mỹ tám năm mà thú nhận chẳng dám hát tiếng Anh: "Hồi xưa ở nhà thì còn dám thu đĩa tiếng Anh, giờ nghe lại ngượng chín cả mặt. Nếu thu hồi hết đốt đi được thì đã làm".

Lời hát là một bộ phận không thể thiếu trong tổng thể một ca khúc khi nó được biểu diễn. Chỉ cần ca sĩ hát đầy lưỡi, người nghe đã có thể khó chịu, nữa là phát âm sai. Vì thế để đạt chuẩn âm nhạc chứ chưa nói đến "âm nhạc vươn ra thế giới", ca sĩ phải nhuần nhuyễn thứ tiếng mình đang hát.

Chúng ta hay chạy theo phong trào

Tôi không thấy có vấn đề gì cả trong việc chọn ngôn ngữ nào (tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn hay tiếng Việt...) để thể hiện khi hát.

Chúng ta đều biết rằng âm nhạc vốn không có ranh giới về ngôn ngữ, đã có biết bao nhiêu bài hát đi vào lòng người dù không được hát bằng tiếng của nơi nó được yêu chuộng. Ðã hàng trăm năm nhạc viện và khắp nơi nghe và hát opera bằng tiếng Ý, chả sao cả. Tuy nhiên, ở Việt Nam ta mọi thứ hay bị chạy theo phong trào, như việc tổ chức các cuộc thi tuyển lựa tài năng, giọng hát bỗng dưng đua nhau ra đời nhiều đến nỗi ngán ngẩm. Hay việc ta thấy ngày càng nhiều bạn trẻ có mốt hát tiếng Anh khi tham gia các cuộc thi.

Mọi thứ bao giờ cũng nên có sự cân bằng, chừng mực và vừa phải. Thiết nghĩ nhà tổ chức sẽ là người giúp cho việc cân bằng đó tốt nhất. Ðừng để khán giả thấy các cuộc thi lúc thì quá nhiều bài hát ngợi ca mà thiếu tính giải trí, lúc thì toàn giải trí mà thiếu tính nhân văn, lúc thì không hội nhập, lúc lại hội nhập quá thành tan chảy.

Nhạc sĩ Đức Trí



Theo Tuổi Trẻ


Bình luận