Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Vì đâu nên cảnh “đòi nợ thuê”?
Nhưng với hơn 10 năm làm công việc “đòi nợ” này, ông có cái lý và có kinh nghiệm của riêng mình.
Câu chuyện nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phải thân chinh đến đòi tiền tác quyền cho các nhạc sĩ ở đêm nhạc Khánh Ly vừa qua, đã được nhiều người ví như hành động “ăn vạ”. Nhưng với hơn 10 năm làm công việc “đòi nợ” này, ông có cái lý và có kinh nghiệm của riêng mình.
Đêm nhạc Khánh Ly đang bị thu phí tác quyền là 170 triệu đồng. Ảnh: Chí Linh |
“Ăn vạ”, “chây ì” đều được việc
Thành lập từ năm 2002, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (gọi tắt là Trung tâm) do nhạc sĩ Phó Đức Phương làm giám đốc có vẻ như đã quá quen với việc các đơn vị tổ chức vì nhiều lý do không nộp hoặc không đồng ý với mức thu phí bản quyền tác giả. Thế nên, để thực hiện nhiệm vụ với hơn 2.000 tác giả ủy quyền, có nhiều khi, nhạc sĩ “Trên đỉnh Phù Vân” phải dùng đến “biện pháp mạnh”.
Cách đây 2 năm, trong đêm nhạc của một ca sĩ hải ngoại tổ chức tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), đích thân nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng phải đến tận nơi sau những thỏa thuận bất thành. Và cuối cùng, hành động “cực chẳng đã” của ông đã mang lại tác dụng. Lần mới đây nữa là trong đêm nhạc Khánh Ly hôm 2/8. Ông lại càng có cái lý khi vin rằng, cùng một đêm nhạc, cùng một địa điểm, giá vé, số ghế… nhưng ở lần đầu tiên vào tháng 5, đơn vị tổ chức Đồng Dao đã nộp đầy đủ với 268 triệu đồng cho 20 ca khúc sử dụng trong chương trình. Vậy nhưng lần này lại tìm cách “chây ì” (chữ dùng của nhạc sĩ Phó Đức Phương). “Nếu không làm quyết liệt thế này, họ sẽ kiếm rất nhiều cớ để không nộp. Đã có tiền lệ đơn vị tổ chức bỏ trốn, thay đổi tên công ty trong những lần tổ chức sau”, nhạc sĩ Phó Đức Phương nói.
Trong đêm nhạc Khánh Ly tối 2/8, theo nhạc sĩ Phó Đức Phương nói thì từ chỗ “họ trốn tránh, không nghe điện thoại” thì ngay trước đêm diễn 1 giờ đồng hồ, hai bên đã đồng ý ký một biên bản thỏa thuận. Theo đó, Đồng Dao sẽ thực hiện nghĩa vụ với Trung tâm sau khi kết thúc chương trình biểu diễn của Khánh Ly ở Đà Nẵng. Nhưng thay vì cách tính 5% x 75% số vé x giá vé trung bình, Trung tâm đồng ý với mức “mềm” hơn là 40% thay vì 75% như lúc đầu vì trời mưa và vé của chương trình không bán hết. Lý do tưởng như là sự cảm thông này cho đơn vị tổ chức lại vô tình trở thành “bằng chứng” tố cáo cách thức làm việc thiếu đồng nhất của Trung tâm. Thậm chí NSND Trần Bình - Giám đốc nghệ thuật đêm nhạc Khánh Ly cho là “tùy tiện”.
NSND Trần Bình cho rằng: “Khi đã là một tổ chức hội nghề nghiệp thì mọi hoạt động đều có điều lệ, nguyên tắc. Lần trước Trung tâm nhân với 75% số vé, còn lần này thu 40%. Vậy cơ sở để anh thu 75% này lấy từ đâu?”. Còn với các đơn vị tổ chức khác, nghe đâu, đang có ý nghĩ lần sau sẽ “học hỏi” chuyện này. Rằng, “chây ì” nhiều khi cũng có lợi và Trung tâm sẽ “hạ giá” so với con số mà họ cho là ngất ngưởng ban đầu.
Đứng ở góc độ là đơn vị tổ chức, NSND Trần Bình cho rằng: “Trung tâm luôn phàn nàn chuyện nhà sản xuất không thực hiện quyền tác giả âm nhạc với nhạc sĩ, nhưng nói như thế là không chuẩn. Không phải họ không nộp mà là họ không đồng ý với cách tính hiện nay. Đây là thỏa thuận dân sự nhưng Trung tâm luôn áp đặt cách tính của mình lên các nhà sản xuất. Cứ cho là bên Đồng Dao không đóng phí bản quyền cho các nhạc sĩ thì bên Trung tâm hoàn toàn có quyền khởi kiện họ ra tòa chứ không phải là cách làm việc theo kiểu la lối như cách mà đại diện Trung tâm làm ở đêm nhạc Khánh Ly”.
Bảo Phú Quang ra khỏi Trung tâm thì lại cười hề hề
Cách đây ít lâu, nhạc sĩ Phú Quang cũng phàn nàn rằng, khi ông tổ chức show diễn ở TPHCM thì bị thu phí tác quyền bài hát lên tới 80 triệu đồng. Trong khi đó, phải mấy tháng sau, Trung tâm mới chuyển cho nhạc sĩ Phú Quang 170.000 đồng/bài tiền phí tác quyền. Nhạc sĩ Phú Quang cho rằng, số tiền còn lại của 4 triệu đồng phí tác quyền/bài mà Trung tâm đã thu đi đâu?
Về vấn đề này, đại diện Trung tâm giải thích rằng: “Vì sao thu 4 triệu đồng/bài? Vì chương trình đó sử dụng tác phẩm của tác giả khác trong một show diễn do Phú Quang tổ chức, có quy mô và giá vé bình quân cao, tương đương với mức thu 4 triệu đồng/bài. Còn người khác dùng tác phẩm của Phú Quang, ở quy mô diễn nhỏ hơn, giá vé thấp hơn thì sau khi đã trừ đi các chi phí, trả cho các nhà thơ (vì phần lớn các ca khúc của Phú Quang đều phổ thơ), còn lại trả cho Phú Quang, tương ứng với 170.000 đồng/tác phẩm. Chúng tôi đã giải thích bằng chứng từ, số liệu đầy đủ, nhưng không hiểu sao Phú Quang vẫn luôn thắc mắc. Khi chúng tôi bảo, nếu anh không đồng ý với cách làm của chúng tôi thì cứ rút lại đơn ủy quyền thì lại cười hề hề, bảo “rút thế nào được”.
Không chỉ nhạc sĩ Phú Quang thắc mắc mà nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cho biết, cứ 3 tháng, anh nhận được một số tiền từ Trung tâm, nhiều thì hai chục triệu, ít thì hơn chục triệu nhưng không thấy có bản kê khai từ phía Trung tâm. Anh cho rằng: “Đó là cách thức làm ăn lập lờ”. Nhưng hỏi ra thì mới biết, Hồ Hoài Anh nhận tiền qua tài khoản ngân hàng nên không nhận được bản kê chi tiết. Lẽ ra, để không gặp phải những thắc mắc như thế này, Hồ Hoài Anh hoàn toàn có thể yêu cầu Trung tâm gửi bản kê qua email. Hoặc có khi cũng không cần đợi các nhạc sĩ yêu cầu, đây nên được coi là nghĩa vụ cần thực hiện của Trung tâm để thể hiện tính minh bạch và chuyên nghiệp trong cách làm việc. Dù vậy, lắm nhạc sĩ đến nhận tiền bản quyền chỉ làm có mỗi việc là xem số tiền là bao nhiêu rồi đặt bút ký cho nhanh để còn lĩnh tiền, chứ chả mấy khi có đủ thời giờ và kiên nhẫn xem cái bảng thống kê chi tiết đến từng vài trăm đồng, có độ dài lên đến vài chục trang.
Để chứng minh với PV Báo GĐ&XH, Trung tâm gửi đến hai bản kê chi tiết của các nhạc sĩ Hồ Hoài Anh và Phú Quang. Một bản thống kê hơn 30 trang A4 cho thấy, nhạc sĩ Phú Quang nhận trong quý 4/2013 là 30.446.338 đồng. Bản kê của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh là 21 trang, số tiền nhận trong quý 4/2013 là 30.950.550 đồng, nhiều hơn số tiền mà nhạc sĩ Hồ Hoài Anh phản ánh.
Đại diện Trung tâm cũng khẳng định, các bản kê này được phần mềm quốc tế Mis@asia xây dựng, khi tiền thu về có hóa đơn kế toán, dữ liệu được nhập vào hệ thống, phần mềm tự động chia tách tỷ lệ. Trung tâm không thể theo ý chủ quan để điều chỉnh nó. Ngoài ra, “hoạt động của chúng tôi hoàn toàn trong khuôn khổ pháp luật, được giám sát bởi các cơ quan pháp luật, các kỳ kiểm toán, cơ quan thuế, giống như mọi tổ chức quản lý quyền tập thể trên thế giới”, đại diện Trung tâm quyền tác giả âm nhạc Việt Nam nói.
Gia đình và Xã hội