Sơn Tùng nên “kính trên nhường dưới”

Những ngày qua, MV (phim ca nhạc) "Không phải dạng vừa đâu" của giọng ca trẻ Sơn Tùng M-TP gây “sốt” trên thị trường âm nhạc vì ý nghĩa tiêu cực của nó.

Những ngày qua, MV (phim ca nhạc) "Không phải dạng vừa đâu" của giọng ca trẻ Sơn Tùng M-TP gây “sốt” trên thị trường âm nhạc vì ý nghĩa tiêu cực của nó.

Từ đạo nhạc, nhái phong cách, lần này, Sơn Tùng M-TP thể hiện sự ngông cuồng, láo xược của mình khi công khai công kích những nhân vật tên tuổi trong giới chuyên môn âm nhạc Việt Nam vì dám chê trách tài năng cậu ta.
 

Sơn Tùng M-TP và “ông bầu” Quang Huy của mình Ảnh: LEON TRẦN

 
Không khó để nhận ra hình tượng của nhạc sĩ Phó Đức Phương (với đặc điểm tóc xoăn, đeo kính) và nhạc sĩ Dương Khắc Linh (với hình ảnh quen thuộc là tóc dài) trong MV Không phải dạng vừa đâu. Đây là 2 nhạc sĩ từng lên tiếng chỉ trích gay gắt việc Sơn Tùng M-TP đạo nhạc Hàn Quốc khi thẩm định ca khúc Chắc ai đó sẽ về sử dụng phần hòa âm (beat) ca khúc Because I miss you của ca sĩ Hàn Quốc.

Không chỉ tạo hình 2 nhân vật theo kiểu “gương mặt thân quen”, nội dung của MV còn xoáy vào câu chuyện: Sơn Tùng buộc phải hát theo “chỉ đạo” của 2 nhân vật “đạo mạo, cửa quyền” kia nhưng anh lại bộc lộ sự phản kháng bằng cách hát chính tác phẩm của mình.

Hầu hết ý kiến của công chúng đều tỏ ra bất bình với nội dung của MV này bởi như thế là quá “hỗn xược, vô văn hóa”, như nhiều người nhận xét. Nhạc sĩ Phó Đức Phương nói rằng: “Nếu đã xác định làm nghệ thuật chân chính thì không “ăn cắp” ý tưởng của người khác để phục vụ lợi ích cá nhân của mình. Sơn Tùng nên xem xét lại mình và những góp ý của những người trong nghề, nhất là những người đáng bậc cha chú của cậu ta. Nếu chỉ vì những lời góp ý ấy mà cậu ta phản ứng một cách thái quá như vậy thì đó là điều đáng buồn. Không chỉ buồn vì Sơn Tùng kém hiểu biết mà còn buồn cho một bộ phận giới trẻ đang bảo vệ thần tượng của mình một cách mù quáng”.

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh không quan trọng việc mình bị công kích trong MV này nhưng anh thấy đáng tiếc đối với trường hợp nhạc sĩ Phó Đức Phương, người đáng tuổi cha, tuổi bác của Sơn Tùng và là một nhạc sĩ gạo cội của nền âm nhạc Việt Nam. Những gì các nhà chuyên môn nhận định, đánh giá về ca khúc của Sơn Tùng M-TP trước đây chỉ vì 2 mục đích. Thứ nhất là để Sơn Tùng đi theo con đường đúng đắn hơn trong âm nhạc và ngăn chặn trào lưu xấu lấy beat nước ngoài viết thành ca khúc.

Thứ hai là để khán giả hiểu về luật quốc tế và có những kiến thức cơ bản về âm nhạc, hiểu thế nào là beat, là hòa âm, vòng hòa thanh.

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh chia sẻ: “Tôi thấy vui vì sau ca khúc Chắc ai đó sẽ về, Sơn Tùng đã có những sản phẩm mới không dính nghi án đạo nhạc nữa như Thái Bình mồ hôi rơi hay Không phải dạng vừa đâu với sự hỗ trợ tuyệt vời của producer Slim V. Điều đó chứng tỏ Sơn Tùng đã biết sửa sai và những lời nói của các nhạc sĩ đi trước đã không vô ích. Sơn Tùng cũng đã thấy được ở Việt Nam có những producer rất tài năng như Slim V, có thể đưa những ca khúc của cậu ta lên một tầm cao mới chứ không cần lấy beat nước ngoài để tạo nên ca khúc như trước đây”.

Thái độ và hành động mượn tác phẩm để chửi xéo người lớn tuổi có kiến thức chuyên môn khi những nhận xét của họ hoàn toàn đúng đắn, thậm chí có lợi cho người được góp ý, như cái cách của Sơn Tùng M-TP làm là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, Sơn Tùng dù ngông cuồng đến đâu cũng không dám nghĩ ra ý tưởng này nếu sau lưng anh không có một “ông bầu” ngạo mạn như Quang Huy. Sơn Tùng M-TP chỉ là người thừa hành và là diễn viên chính trong MV mà thôi.

Từ khi kéo được Sơn Tùng từ Công ty Văn Production về với mình, Quang Huy đang khai thác tối đa tài năng của giọng ca trẻ này. Thay vì dạy dỗ “gà” của mình phải “kính trên nhường dưới”, Quang Huy lại xây dựng cho Sơn Tùng tư tưởng: Ta là tài năng số 1, không ai được phép đụng đến, dẫn đến thái độ ứng xử “coi trời bằng vung”. Bị phát hiện đạo nhạc, Sơn Tùng chưa một lần lên tiếng xin lỗi mà chỉ biết gào thét: “Tôi muốn sống cho mình cũng không được sao?”. Tệ nhất là thái độ thiếu tôn trọng đối với bất cứ ai và bất kể những góp ý ấy đúng đắn, có ích đối với mình.

Đến nay, Sơn Tùng M-TP vẫn chỉ là một hình tượng ca sĩ Hàn Quốc sao chép (nhái ngôi sao D- Gragon của Hàn Quốc). Sự dung dưỡng của một bộ phận không nhỏ công chúng trẻ mê phiên bản Hàn Quốc ở Việt Nam cũng góp phần khiến các giọng ca như Sơn Tùng M-TP càng trở nên ngông cuồng, ngạo mạn và những “ông bầu” của họ có những cách ứng xử chẳng ra gì.

Theo Người lao động

Bình luận