Truyền hình thực tế hết vai trò với nhạc Việt?

Nửa thâp kỷ qua, Vpop có thêm lứa ca sĩ nổi lên từ truyền hình thực tế. Tuy nhiên, không phải ai kinh qua các cuộc thi cũng thành sao khiến thị trường âm nhạc dần trở nên quá tải.

 Nửa thâp kỷ qua, Vpop có thêm lứa ca sĩ nổi lên từ truyền hình thực tế. Tuy nhiên, không phải ai kinh qua các cuộc thi cũng thành sao khiến thị trường âm nhạc dần trở nên quá tải.

Mới đây, ca/nhạc sĩ - nhà sản xuất âm nhạc Thanh Bùi đưa ra quan điểm: "Nên dừng những chương trình tìm kiếm tài năng ca nhạc". Phát ngôn của một trong những nghệ sĩ có tham vọng đưa nhạc Việt ra thế giới  khiến không ít người sốc.

Lý do nào khiến cho một nghệ sĩ từng thành danh từ cuộc thi tìm kiếm tài năng (Australia Idol) lại có suy nghĩ như vậy? Đây là sự phản tỉnh của Thanh Bùi đối với Vpop hay thực tế, loại hình giải trí này đã hết vai trò với thị trường âm nhạc Việt Nam?

Truyền hình thực tế hết vai trò với nhạc Việt?
Ca nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Thanh Bùi.

Không thể thành người hùng

Nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế vẽ ra câu chuyện cổ tích dạng “Từ số 0 đến người hùng” (From Zero to Hero) là điều không còn xa lạ. Để đến được ngôi vị quán quân, mỗi thí sinh đều phải hội nhiều yếu tố nhưng nhất quyết phải là người có giọng hát hay. Số 0 ở đây nhằm chỉ sự vô danh còn “người hùng” là sự nổi tiếng.

Một thập kỷ các chương trình truyền hình thực tế đổ bộ lên sóng truyền hình trong nước, tính từ cái mốc Vietnam Idol mùa đầu tiên năm 2007, có rất ít “người hùng” như vậy. Vietnam Idol đã từng tìm ra nhiều quán quân như Phương Vy, Quốc Thiên, Uyên Linh, Ya Suy, Nhật Thủy, Trọng Hiếu… Rất ít trong số này tạo được cá tính mạnh mẽ sau cuộc thi. Tương tự với các cuộc thi gần đây và bùng nổ hơn như Giọng hát Việt, Nhân tố bí ẩn, Tôi là người chiến thắng càng thấy rõ được sự thiếu vắng của những “người hùng” âm nhạc.

Nhìn lại các cuộc thi ca hát diễn ra thời gian qua, Vpop được tiếp nhận quá ít những tài năng. Từ Vietnam Idol, nhạc Việt mới chỉ tìm thấy được 1 đến 2 hiện tượng mà tên tuổi của họ thành công ngay trong cuộc thi cũng như khi hoạt động chuyên nghiệp.

Đó là Uyên Linh và Văn Mai Hương. Không chỉ đong đếm ở việc hét giá cát-xê, họ còn là những ca sĩ làm việc nghiêm túc thể hiện qua những sản phẩm âm nhạc được chăm chút, tỉ mỉ.

Truyền hình thực tế hết vai trò với nhạc Việt?
Uyên Linh từ hiện tượng trở thành ca sĩ tài năng, có chỗ đứng trong Vpop.

Giọng hát Việt lên sóng mùa đầu tiên vào năm 2012 và lập tức tạo thành hiện tượng. Nhiều ca sĩ như Hương Tràm, Trúc Nhân, Bùi Anh Tuấn, Đinh Hương… nhanh chóng nổi tiếng và bệ phóng tốt bước chân vào showbiz.

Nhưng ngoảnh lại 3 mùa The Voice vừa qua, khán giả chỉ thấy nổi bật được 2 cái tên là Vũ Cát Tường và Trúc Nhân. Hai ca sĩ này không chỉ khẳng định được cá tính, luôn cống hiến, họ còn lần lượt chứng minh ở các đề cử, giải thưởng và sự yêu quý của người hâm mộ.

Diva Hà Trần, từng ở vị trí hướng dẫn và giám khảo khách mời cho chương trình Vietnam Idol 2015 từng chia sẻ cách hướng dẫn thí sinh là “đi tắt đón đầu”. Điều này khá dễ hiểu bởi các cuộc thi không có thời gian để dạy bài bản cho thí sinh.

Không chỉ riêng với Vietnam Idol, các cuộc thi khác cũng đều chọn cách “huấn luyện” thí sinh như vậy. Hay nói cách khác, không thể “ăn xổi” mà tạo ra người hùng.

Bên cạnh đó, ở các nước khác, người thắng cuộc đồng nghĩa với hợp đồng ghi âm với hãng đĩa. Nhìn lại tại Việt Nam, điều này thực sự bị bỏ ngỏ bởi Việt Nam chưa có một hãng ghi âm thực thụ nào. Hương Tràm, quán quân The Voice mùa đầu tiên từng “lỡ hẹn” hợp đồng ghi âm với hãng Unviersal nổi tiếng.

Đằng sau câu chuyện hãng ghi âm còn có những góc khuất khác. Đơn cử như nữ ca sĩ TiA Hải Châu – quán quân The Winner is mùa đầu tiên từng tiết lộ với người viết, cô hợp tác với hãng đĩa danh tiếng vì muốn làm âm nhạc thực sự, chậm mà chắc và vươn ra thế giới.

Có thể nói, truyền hình thực tế tạo ra một lứa ca sĩ trẻ, mới có chút tiếng tăm rồi để họ tự "bơi" trong showbiz vốn rất nhỏ hẹp, đầy tính cạnh tranh và ngày càng thiếu cá tính.

Không thể mãi ăn xổi

Ca/nhạc sĩ Thanh Bùi từng chia sẻ trên một tờ báo, ngành âm nhạc đang cần thêm thời gian để thở và phát triển một cách đúng đắn, cân bằng với chất lượng của những nghệ sĩ. Anh đặc biệt nhấn mạnh: "Mọi thứ đều cần thời gian, nhiều show thực tế ở nước ngoài đã ngưng lại, đã đến lúc cần những sân chơi mới cho thị trường âm nhạc, mà không phải cho bản thân những thí sinh muốn trở thành ngôi sao theo kiểu “from zero to hero”.

Sự thật, trên thế giới có không ít chương trình vẫn đang tồn tại theo cách khá èo uột hoặc tạm ngừng phát sóng. Sau 15 mùa, cuộc thi American Idol quyết định ngừng sản xuất. Đây là cỗ máy từng tạo ra nhiều ngôi sao âm nhạc cho Hollywood như Kelly Clarkson, Carie Underwood, Adam Lambert, David Cook…

Bên cạnh đó, The X Factor Mỹ cũng chỉ tồn tại trong 3 mùa giải ngắn ngủi trước khi “đóng cửa”. Các chương trình này đóng cửa không chỉ vì format lỗi thời hay sự thừa mứa của những ngôi sao ca nhạc giải trí mà còn ở việc kém thu hút khán giả.

Truyền hình thực tế hết vai trò với nhạc Việt?
Vũ Cát Tường đang dần khẳng định tài năng sau cuộc thi The Voice.


Ở Việt Nam, các cuộc thi ca nhạc ít nhiều vẫn còn nóng đối với công chúng khán giả và nhà sản xuất thì vẫn thu được lợi nhuận. Nhưng nhìn vào chất lượng thí sinh khiến cho công chúng phải lắc đầu lè lưỡi.

Có thể các cuộc thi ca hát trong nước chưa đi đến ngõ cụt nhưng đang luẩn quẩn trong cái “bẫy” của chính nó. Dấu hiệu đầu tiên chính là việc thiếu vắng những thí sinh tài năng và nhà sản xuất lúng túng trước nội dung từng mùa giải.

Điều mọi người có thể thấy rõ chính là việc quá nhiều thí sinh quen mặt tại cuộc thi ca hát trên sóng truyền hình. Đông Hùng, Yến Lê, Đinh Huy, Giang Hồng Ngọc… đều xuất hiện ít nhất từ 2 cuộc thi hát trở lại. Sản xuất dồn dập (1 mùa giải/năm) khiến cho việc tìm kiếm thí sinh tài năng vượt trội như “mò kim đáy bể”. Đối với chương trình sắp lên sóng là Nhân tố bí ẩn, Giọng hát Việt sẽ không lặp lại kịch bản này về thí sinh.

Bên cạnh đó là sự lúng túng của nhà sản xuất trước mỗi chương trình phát sóng. Không phải ngẫu nhiên, những câu chuyện bên lề hay scandal trở thành điểm nóng của những chương trình truyền hình. Từ nghi án gian lận bình chọn, giàn xếp kết quả; thiên vị, trò tố thầy… đều trở thành điểm nóng tại cuộc thi này. Nhiều lúc hoang mang, cuộc thi tìm kiếm tài năng hay là nơi phơi bày những bê bối của ngành giải trí?

Tuy nhiên, điều này có lẽ không đáng bàn về việc “đầu ra” của những tài năng trẻ sau những cuộc thi ca hát. Chính tâm lý "ăn xổi”, nổi tiếng nhanh đã tạo nên một lứa ca sĩ thiếu những kiến thức thanh nhạc nền tảng và ảo tượng về ngành âm nhạc. Cũng chính vì thế, những sản phẩm mà họ tạo ra thường na ná nhau, ảnh hưởng từ nước ngoài và ít mang màu sắc cá nhân độc đáo. Nếu liệt kê những cá nhân thành công nổi bật, tạo dấu ấn với thị trường âm nhạc… có lẽ chưa một thí sinh truyền hình thực tế nào làm được.

Truyền hình thực tế hết vai trò với nhạc Việt?
Nhân tố bí ẩn mùa 2 khởi động với 2 giám khảo mới là diva Thanh Lam và ca sĩ Tùng Dương.


Khi rời xa những lời tung hô của giám khảo, những tràng pháo tay tức thời của khán giả, cũng chính là lúc những ảo tưởng trong mỗi giọng ca trẻ nên giảm xuống một chút. Bởi chính họ, để tồn tại với nghề và trở thành “người hùng” thật sự phải mất nhiều năm để cống hiến và nỗ lực. Ngay cả Thanh Bùi, anh cũng mất 15 năm để khẳng định tài năng, tạo được chỗ đứng vững chắc trong giới làm nghề và khán giả.

Tuy nhiên, để dừng các cuộc thi ca hát lại vào thời điểm này e là điều khó xảy ra.

Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.