Hiệu ứng 3D chỉ phù hợp với phim thị trường?

Có ý kiến cho rằng, việc làm phim 3D ở VN là “chạy theo phong trào”, lại có người bảo, phim 3D chỉ là “cuộc chơi công nghệ”, còn giá trị đích thực của điện ảnh vẫn nằm ở phim 2D.

Có ý kiến cho rằng, việc làm phim 3D ở VN là “chạy theo phong trào”, lại có người bảo, phim 3D chỉ là “cuộc chơi công nghệ”, còn giá trị đích thực của điện ảnh vẫn nằm ở phim 2D.

Giới điện ảnh Việt chưa quan tâm tới 3D

Từ 20 năm nay, công nghệ kỹ thuật số đã cho phép giới điện ảnh làm phim nổi và công nghệ này được cải tiến, nâng cao theo thời gian cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Nếu như trước đây, chiếu phim nổi phải luôn chạy theo hai máy chiếu thì hiện nay chỉ cần một máy chiếu kỹ thuật số với phiên bản chiếu 3D. Trước đây phim nổi đa số là phim ngắn, thì nay nhiều bộ phim truyện lớn của điện ảnh nước ngoài được sản xuất và phát hành với cả phiên bản 2D và 3D. Không những phim truyện, nhiều phim tài liệu, phim ngắn trên thế giới cũng đã và đang được sản xuất theo công nghệ 3D.

Tại VN, mấy năm gần đây, sinh viên ĐHSK ĐA Hà Nội cũng đã có dịp làm quen với máy quay 3D và được các nhà làm phim nước ngoài giới thiệu cách thức làm phim này. Riêng giới làm phim - những người đang trực tiếp tác nghiệp trên phim trường vì nhiều lý do lại tỏ ra thờ ơ với công nghệ mới.

Đạo diễn Đào Bá Sơn tâm sự: “Tôi ít tiếp xúc với công nghệ 3D”. Còn đạo diễn Phan Đăng Di thì khẳng định: “Tôi chưa hề xem bất kì một phim 3D nào kể cả của thế giới cũng như của VN”.

Đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ, anh chưa hề xem bộ phim 3D nào của cả Việt Nam và thế giới.

Là đạo diễn của bộ phim phải sử dụng khá nhiều hình họa 3D cho các cảnh quay cần kỹ xảo trong phim Những người viết huyền thoại đang thực hiện tại Hà Tĩnh, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nói: “Kỹ nghệ 3D hỗ trợ rất nhiều cho chúng tôi trong các cảnh quay cần kỹ xảo. Tuy nhiên, để làm phim theo công nghệ 3D như các nước đã và đang làm thì còn lâu VN mới thực hiện được. Nói cách khác với kinh phí đầu tư cho phim như hiện nay, cho dù là tư nhân với mức kinh phí là 20 tỷ, chứ không phải 5-6 tỷ như các phim làm bằng tiền trợ giá của Nhà nước... thì mơ ước làm phim 3D là chuyện hài hước”.

Đồng quan điểm với đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, đạo diễn Vũ Xuân Hưng quả quyết, giới làm phim phía Bắc nói chung và Hãng phim Truyện VN nói riêng chưa nghĩ đến việc sẽ làm phim bằng công nghệ 3D. Đơn giản vì điều kiện làm phim tại VN hiện nay không đáp ứng được việc làm phim theo công nghệ mới này. Ngay đến việc ứng dụng kỹ xảo 3D trong các phim 2D cũng là bài toán khiến những người làm phim đau đầu vì thiếu tiền. Vì chưa quan tâm, nên hiểu biết về công nghệ làm phim 3D cũng rất hạn chế. Theo tôi được biết, hiện tại có 1-2 đơn vị của nước ngoài vào VN làm dịch vụ liên quan đến công nghệ 3D nhưng hiệu quả cũng mức độ. Nói chung, 3D là tương lai của điện ảnh, và đã là tương lai thì mọi động thái liên quan đến công nghệ này đều chỉ là thể nghiệm.

3D chỉ phù hợp với phim thị trường?

Phim nổi 3D tạo ấn tượng mạnh và tạo hấp dẫn đặc biệt với hình ảnh nguyên khối từ một điểm nhìn. Bởi vậy các bộ phim sản xuất theo công nghệ này thường sử dụng những cảnh quay dài, dàn cảnh theo chiều sâu, nhiều lớp cảnh, lớp nhân vật. Các cảnh quay 3D cũng rất lợi thế trong các pha hành động, cú máy thay đổi độ cao máy quay. Để hỗ trợ cho các cảnh quay, kỹ xảo đồ họa cũng tạo ra được các phép màu bằng kỹ thuật số như các nền trước và sau, các lớp cảnh bổ sung, các công trình kiến trúc hay những con quái thú... Vì thế, theo đạo diễn Vũ Xuân Hưng, kỹ xảo 3D với hiệu ứng đặc biệt chỉ phù hợp với những phim thị trường.

Nhà quay phim Phạm Thanh Hà thì bảo: “3D là công nghệ mới, là tiến bộ kỹ thuật trên thế giới, là trào lưu. Việc VN thể nghiệm làm phim 3D là hòa vào xu thế chung này chứ không phải là... chạy theo phong trào. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa phim 3D hay hơn phim điện ảnh truyền thống. Xem phim 3D vẫn thiên về tạo khoái cảm bằng thị giác hơn là xúc cảm tâm lý. Nếu một phim tâm lý xã hội với những diễn xuất nội tâm mà làm 3D thì ắt hẳn khó lấy được nước mắt hoặc làm rung cảm khán giả. Tương tự như vậy, những phim tài liệu chính luận làm theo công nghệ 3D cũng khó đạt được hiệu quả nghệ thuật cần thiết...”.

Hiệu ứng 3D không còn mới với điện ảnh thế giới, nhưng vẫn lạ lẫm với VN.

Với kinh nghiệm “vác” Bi, đừng sợ! đi hàng chục LHP quốc tế và trải nghiệm công việc làm phim với nhiều đồng nghiệp điện ảnh các nước, đạo diễn Phan Đăng Di bày tỏ quan điểm cá nhân: “Kỹ nghệ 3D, vốn cung cấp khả năng để người xem có thể “hòa mình” vào phim là một điều có thể làm hại sự tiếp nhận điện ảnh như một tác phẩm nghệ thuật. Vì bất kì một tác phẩm nghệ thuật nào cũng cần phải có một độ “giãn cách” nhất định với chủ thể tiếp nhận (là khán giả); và để giữ được khoảng cách cần thiết đó, người tiếp nhận không nên “đi vào” bộ phim bằng một cặp kính hỗ trợ như vẫn thường thấy trong các buổi chiếu phim 3D hiện nay”.

Cũng theo đạo diễn Phan Đăng Di, mặc dù phim 3D đã trở thành một trào lưu phổ thông lôi cuốn nhiều khán giả nhưng tại các LHP quan trọng người ta vẫn chỉ xem các phim này như một cuộc cách tân trong công nghệ chiếu phim hơn là một cách tân có ý nghĩa đối với nghệ thuật điện ảnh. Đó cũng là lí do chưa có bất kì bộ phim 3D nào được các LHP này lựa chọn tranh giải chính thức.

Từ suy nghĩ của chính những người đang trực tiếp làm nghề trong làng điện ảnh Việt, mới thấy... công nghệ làm phim 3D chưa có chỗ đứng tại VN. Cũng bởi thế, nên ngoài các đơn vị tư nhân muốn tận dụng công nghệ này (hay nói chính xác là cụm từ Phim 3D) để thu hút sự quan tâm của người xem, bán vé..., vấn đề chất lượng loại phim này dường như chưa được coi trọng.

Theo Văn Hóa



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.