Phim 18+: Càng cấm, càng kích thích sự tò mò!

Phim kinh dị, phim bạo lực... cấm khán giả dưới 18 tuổi được xem. Thế nhưng, poster quảng cáo những phim này lại được dán tràn ngập các khu công cộng, thậm chí ngay cổng trường học.

Phim kinh dị, phim bạo lực... cấm khán giả dưới 18 tuổi được xem. Thế nhưng, poster quảng cáo những phim này lại được dán tràn ngập các khu công cộng, thậm chí ngay cổng trường học. Nhà quản lý vô tâm, cha mẹ vô tình, luật cấm nửa vời kích thích sự tò mò của giới trẻ dẫn đến những hệ quả đáng tiếc.
 
Trao đổi với PV, chuyên gia nghiên cứu xã hội học Nguyễn An Chất (Giám đốc trung tâm An Việt Sơn) cho biết: "Đây là nghịch lý đã tồn tại từ rất lâu, tuy nhiên vẫn chưa có những biện pháp giải quyết thực sự hiệu quả. Thậm chí, tình trạng này ngày càng phổ biến ở mức báo động. Phải chăng người lớn đang bế tắc trong việc định hướng giải trí cho con em mình"?
 
Chuyên gia Nguyễn An Chất phân tích: “Chỉ cần làm một phép so sánh đơn giản chúng ta sẽ thấy những bất cập trong việc quản lý hoạt động giải trí, văn hóa ở Việt Nam. Trên thế giới, việc cấm trẻ em xem phim kinh dị hay phim nhạy cảm được quy định rất rõ ràng, cụ thể và nó đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân. Bên cạnh việc cấm đoán họ có những quy định riêng về các loại phim trẻ em được xem và có môi trường văn hóa riêng dành cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, tại Việt Nam chúng ta không giải quyết được vấn đề này: Cấm nhưng lại không có nơi để cho trẻ đến xem. Bởi vậy, việc cấm sẽ không khả thi và rất khó thực hiện".
 

Poster quảng cáo đã kích thích sự tò mò của giới trẻ? (ảnh minh họa)

 
Nhiều chuyên gia cho rằng, đối với thanh - thiếu niên, cơ thể, tâm - sinh lý đang phát triển, đang thay đổi, đa phần họ đều rất muốn tìm tòi, khám phá. Bản năng của tất cả con người là muốn tăng cường sự hiểu biết, càng cấm sẽ càng kích thích sự tò mò. Bởi vậy, sai lầm của người lớn cũng như các nhà quản lý chính là đưa ra sự cấm đoán. Trong vấn đề thưởng thức văn hóa, giải trí không bao giờ được đưa ra khái niệm cấm, mà chúng ta chỉ nên định hướng, giáo dục một cách rõ ràng, cụ thể cho thế hệ trẻ. Từ đó, họ sẽ có nhận thức đúng đắn nhất để tiếp thu, học hỏi, sàng lọc những điều hay, lẽ phải.
 
Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn An Chất, đối với lứa tuổi vị thành niên, tâm lý đám đông và tâm lý "oai" với bạn bè là khá phổ biến. Chỉ cần một người bạn bất kỳ xem hay bàn tán về các vấn đề nhạy cảm, ngay lập tức bản thân đứa trẻ cũng sẽ học hỏi theo. Đặc biệt, với những vấn đề lạ lẫm và bị cấm đoán, nó sẽ như một vị thuốc kích thích con trẻ tìm đến để chứng tỏ sự biết hơn bạn bè. Về lâu dài, những điều đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tâm - sinh lý của các em: Bị tổn thương hoặc nảy sinh những ham muốn vu vơ,...
 
Xét về góc độ quản lý, ông Nguyễn An Chất cho rằng, luật của chúng ta quá nửa vời, mang nặng tính khẩu hiệu, thành tích và không thực tế. Khi tình trạng quản lý như vậy còn tồn tại, chắc chắn người chịu thiệt thòi nhất vẫn là thế hệ trẻ. Hơn thế, khi đăng những poster này, đơn vị truyền thông chỉ nghĩ làm thế nào để "câu" khách, bán vé chạy nhất, kiếm được lợi nhuận cao nhất, họ chẳng quan tâm đến vấn đề những hình ảnh đó có tác động không tốt đối với thế hệ trẻ như thế nào. Bởi vậy, giáo dục nhận thức văn hóa cho thế hệ trẻ phải rất tinh tế, chỉ khi người lớn nhận thức ra những yếu kém, hạn chế trong việc định hướng văn hóa, dạy dỗ con em mình và có trách nhiệm hơn thì vấn đề này mới được cải thiện.
 
Cùng quan điểm về vấn đề này, luật sư Nguyễn Huy An (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) bày tỏ: "Theo Điều 51, Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc xử phạt hành chính trong hoạt động văn hóa thông tin, sẽ phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với những quảng cáo có nội dung phản cảm, trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải tháo dỡ biển quảng cáo, cải chính thông tin và xin lỗi tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng".
 
"Tuy nhiên, thực tế quy định này vẫn còn rất chung chung vì nó không đưa ra một tiêu chí cụ thể nào: Như thế nào là kinh dị, phản cảm, hở hang, ranh giới nào cho trẻ em được phép xem những thể loại này. Bởi vậy, trong khi chờ đợi các nhà quản lý siết chặt hơn vấn đề này thì tốt nhất, gia đình nên có trách nhiệm với con em mình", luật sư Huy An chia sẻ.

Theo Nguoiduatin


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.