Phim Việt gian nan đến gần công chúng

Việc Chuyện của Pao được chọn để khai màn cho giờ phim đặc sắc cuối tuần trên kênh VTV1 có thể coi như một bước đưa các phim điện ảnh đình đám đến gần hơn với công chúng. Tín hiệu vui này liệu có phải là bước để “đại chúng hóa” cho những bộ phim vốn rất gần mà lại luôn xa lạ với công chúng.

Việc Chuyện của Pao được chọn để khai màn cho giờ phim đặc sắc cuối tuần trên kênh VTV1 có thể coi như một bước đưa các phim điện ảnh đình đám đến gần hơn với công chúng. Tín hiệu vui này liệu có phải là bước để “đại chúng hóa” cho những bộ phim vốn rất gần mà lại luôn xa lạ với công chúng.

Phim điện ảnh Việt có thêm cơ hội mới

Việc Chuyện của Pao được chọn là phim mở hàng cho dự án Phim cuối tuần - phim điện ảnh Việt Nam đặc sắc trên kênh VTV1 được nhen nhóm từ thời điểm cuối năm 2011 tại họp báo Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 31. Dự án này sẽ bao gồm cả việc chiếu lại các bộ phim kinh điển nổi tiếng trên toàn thế giới, các bộ phim do chính nhà đài sản xuất và những thông tin hậu trường thú vị.

Chuyện của Pao sẽ mở hàng cho dự án quảng bá các phim điện ảnh Việt

Còn nhớ, tại buổi họp báo ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng Ban Thư ký biên tập, Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ rằng: "Đài Truyền hình Việt Nam hy vọng thông qua chương trình phim cuối tuần với kết cấu mới được bắt đầu thực hiện từ năm 2012, công chúng có điều kiện thuận lợi tiếp cận với các phim xuất sắc của Việt Nam và thế giới. Đài Truyền hình Việt Nam cũng xác định chương trình là một trong những cách góp phần quảng bá, thúc đẩy nền điện ảnh nước nhà phát triển”. Tuy nhiên, bẵng đi một thời gian dự án này khá im hơi lặng tiếng, trước thời điểm Chuyện của Pao được lên sóng hôm 5/8 vừa qua.

Không có gì khó hiểu khi hiệu ứng truyền thông với dự án này có vẻ như bị “chìm xuồng” vì việc phát lại các bộ phim kinh điển thế giới đã là câu chuyện “diễm xưa”. Hầu hết những phim này đã quá quen thuộc với khán giả màn ảnh nhỏ và nó từng được phát đi phát lại trên khắp các kênh phim truyện nổi tiếng như: HBO, Max, Star Movie… Với độ phủ sóng của truyền hình cáp như hiện nay, việc theo dõi các bộ phim này là điều quá dễ dàng đối với khán giả.

Nhưng đến trường hợp Chuyện của Pao, câu chuyện bắt đầu có những tín hiệu đáng mừng vì ít nhất, đó là phim của người Việt Nam, một bộ phim điện ảnh Việt. Thanh Thủy, một nhân viên văn phòng cho hay: “Sau khi nghe thông tin phim được chiếu lại mình đã dành thời gian để theo dõi trọn vẹn. Quả thực, nghe đến tên phim từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên được xem. Rất cảm động và sẽ tiếp tục chờ để xem các phim Việt tiếp theo”.

Rất nhiều bộ phim điện ảnh Việt đã gây hiệu ứng tốt với khán giả nhưng độ phủ sóng của nó chưa thật sự như mong đợi

Thực tế cho thấy, các phim chiếu rạp Việt sau khi được chiếu ở rạp đều nhanh chóng bị rơi vào quên lãng. Trong khi các nhà làm phim Hollywood ngoài việc đưa các phim lên màn ảnh rộng thì họ thường phát hành dưới định dạng DVD ngay sau đó. Một mặt đây là động thái giúp tăng lợi nhuận cho bộ phim, mặt khác đây cũng là hình thức duy trì độ nóng cũng như là kênh quảng bá hữu ích. Tại Việt Nam, mới đây nhất Hotboy nổi loạn của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng đã đi theo mô hình này.

Với sự phát triển của truyền thông và internet đây được xem là kênh quảng bá hữu hiệu nhất. Không quá ngạc nhiên khi có đến hàng trăm bộ phim Hollywood vừa được xuất xưởng ngay lập tức được đưa lên mạng và lượng người xem tải về rất lớn. Nhiều bộ phim truyền hình của Việt Nam cũng đã áp dụng cách làm này.

Tuy nhiên, với các bộ phim điện ảnh Việt vấn đề bản quyền cũng như nhiều yếu tố xung quanh là một trở ngại không nhỏ. Khán giả đa phần phải chờ đợi ít nhất từ 1-2 năm sau khi phim được chiếu ở rạp mới có cơ hội được xem hay download từ trên mạng về. Đây cũng là một hạn chế không nhỏ trong công cuộc đưa phim đến gần hơn với khán giả.

Phim ta đang học cách lấy lòng khán giả ta

Năm 2005 Chuyện của Pao bắt đầu công cuộc chinh phục khán giả và các giải thưởng và sớm được khẳng định bằng giải Cánh diều vàng phim truyện nhựa xuất sắc nhất. Phim cũng mang về cho diễn viên Hải Yến và NSND Như Quỳnh giải Nữ diễn viên chính và phụ xuất sắc nhất.

Sau đó một năm, khi chinh chiến tại LHP châu Á – Thái Bình Dương phim được vinh danh với Giải thưởng đặc biệt của ban giám khảo. Chuyện của Pao chính thức được công chiếu trên màn ảnh rộng để phục vụ khán giả trong nước từ ngày 10/4/2006 và nhận được rất nhiều cảm tình.

Từ đó, thương hiệu của đạo diễn Ngô Quang Hải cũng như diễn viên Hải Yến đã được định vị trong tâm trí khán giả.

Những bộ phim như Chuyện của Pao cần lắm sự PR thương hiệu thật tốt để khẳng định giá trị

Với những khán giả yêu mến nền điện ảnh nước nhà, bộ phim của đạo diễn Ngô Quang Hải chắc chắn được coi là một điểm sáng bên cạnh những: Áo lụa Hà Đông, Sống trong sợ hãi, Mùa len trâu, Dòng máu anh hùng… từng chinh chiến khắp các giải thưởng trong và ngoài nước. Thế nhưng, ở thời điểm đó khi nền công nghiệp chiếu bóng của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, chỉ một bộ phận khán giả rất nhỏ được thưởng thức bộ phim trên màn ảnh rộng.

Và thế là, người ta cứ truyền tai nhau phim hay như thế nào, ai đóng, diễn xuất ra sao. Còn trên thực tế, nếu đếm đầu người thì tỉ lệ này còn quá nhỏ so với dân số vài chục triệu người của Việt Nam.

Kì thực, ngay cả đến bây giờ việc được xem lại bộ phim vẫn là một khái niệm khá xa xỉ, vì dân số của ta đa phần ở nông thôn, miền núi và các vùng xa xôi. Thêm vào đó, việc phủ sóng của các bộ phim Hollywood ở khắp các rạp chiếu trên toàn quốc khiến khán giả bội thực trong một không gian điện ảnh luôn sôi động quanh năm.

Tuy nhiên, không chỉ Chuyện của Pao mà hầu hết những phim điện ảnh Việt đình đám trong thời gian qua, nhất là từ đầu thập niên 2000 trở lại đây đều vấp phải những vấn đề trên. Ngay cả khi được phân luồng rõ rệt gồm phim thị trường và phim nghệ thuật thì cả hai dòng phim này đều chỉ dừng lại ở một số đối tượng khán giả nhất định, nếu không muốn nói là hạn chế.

Thực tế cho thấy các rạp chiếu cập nhật các phim mới chỉ tập trung ở một số thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng… Hệ thống các rạp chiếu ở các tỉnh thành còn lại luôn đi sau vài tháng thậm chí hàng năm trời. Nhu cầu của khán giả là rất lớn nhưng không phải ai cũng có điều kiện để đến rạp chiếu và thông tin cung cấp cho họ chưa chắc đã được truyền tải một cách nhanh nhất và đầy đủ nhất.

Không bất ngờ khi nhu cầu đến các rạp chiếu của khán giả Việt ngày càng tăng từng ngày

Không thể phủ nhận, việc phim Việt đang ngày càng chiếm được cảm tình của khán giả nước nhà đặc biệt là các bộ phim chiếu rạp. Ngoài sự thành công và đã khẳng định được thương hiệu của giờ vàng phim Việt với các bộ phim truyền hình về các đề tài nóng hổi, phim điện ảnh dần có chỗ đứng. Rất nhiều bộ phim như: Thiên mệnh anh hùng, Long Ruồi, Nụ hôn thần chết… những năm gần đây đều dễ dàng đạt doanh số lên đến chục tỉ VNĐ.

Đó chính là tín hiệu đáng mừng cho thấy khoảng cách giữa khán giả và các bộ phim điện ảnh do các nhà làm phim trong nước sản xuất đang ngày càng được rút gọn. Với sự phát triển của hệ thống các rạp chiếu như hiện nay, chắc chắn sự kì vọng vào công cuộc “đại chúng hóa” sẽ không còn quá xa.

Theo Khampha.vn



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.