Cận cảnh cuộc sống hiu quạnh của NSƯT Trần Hạnh
Ở tuổi gần đất xa trời, tài sản quý giá của người nghệ sĩ già Trần Hạnh không phải nhà lầu xe hơi mà chính là những kỷ niệm đọng lại trong lòng qua những bộ phim mà ông đã cống hiến.
Ở tuổi gần đất xa trời, tài sản quý giá của người nghệ sĩ già Trần Hạnh không phải nhà lầu xe hơi mà chính là những kỷ niệm đọng lại trong lòng qua những bộ phim mà ông đã cống hiến.
Tôi đến gặp bác Trần Hạnh trong một ngày cuối thu, cơn mưa phùn cùng gió lạnh của mùa thu làm cho con ngõ ngoằn nghèo vào nhà nghệ sĩ thêm hiu quạnh, dừng xe trước căn nhà 4 tầng khang trang nằm gần cuối ngõ, nghệ sĩ Trần Hạnh mở cửa đón tôi bằng một nụ cười thân thiện.
Khi tôi đến, trong bộ quần áo màu nâu sòng đã cũ, người nghệ sĩ già ấy đang cặm cụi nhặt rau cho bữa cơm chiều |
Nghệ sĩ Trần Hạnh nói tiếp: "Bình thường bác vẫn tự chạy xe máy đi đóng phim. Ngày nào không đóng phim thì ở nhà, nấu cơm hai bữa, ăn xong lại rửa bát cho con trai áp út. Mọi khi bác vẫn đi chợ nhưng dạo này con dâu lại nhất định giành lấy. Nó bảo tiện nhưng bác biết nó không muốn để bác phải trả tiền.
Nếu không đi đóng phim, bác vẫn có lương hưu, khoảng gần 3 triệu, cũng đủ ăn. Giờ ngoài việc nấu ăn thì bác lại mang kịch bản ngày trước từng đóng mang ra đọc lại coi như là một cách để mình nhớ lại những kỷ niệm đã qua. Cũng chẳng mấy khi bác đi chơi với bạn bè vì mỗi người đều có gia đình công việc riêng. Bác cũng chẳng muốn ảnh hưởng đến cuộc sống của người ta.
Gần đây, bác chẳng đóng phim gì. Không phải bác nghỉ mà người ta không gọi đi nữa, chứ bác cũng thích làm lắm. Với cả, vui là một chuyện, còn có tiền nữa".
Ở độ tuổi gần đất xa trời mà người nghệ sĩ già vẫn phải tự nấu cơm rửa bát và làm vệ sinh nhà cửa |
Những đồ dùng cũ kĩ trong căn bếp của người nghệ sĩ già |
Cái nghề diễn đến với ông như một duyên phận đã định |
"Bác làm nghề đóng giày ở Tràng Tiền từ năm 16 tuổi. Ngày làm giày, tối đi sinh hoạt đoàn kịch thanh niên. Năm ấy sân khấu kịch của thành đoàn thanh niên Hà Nội sinh hoạt ở hồ Thuyền Quang bây giờ. Đáng lẽ ban ngày đi làm mệt, tối phải nghỉ nhưng bác cứ sinh hoạt đến 11, 12 giờ đêm. Cái nghề diễn này nó đến với bác từ đấy.".
"Năm 1959, bác vào đoàn kịch Hà Nội nhưng đến 1961, sau khi nhận được huy chương mới được biên chế. Thời ấy, bác định đi học để được đào tạo bài bản khi nghe tin trường Sân khấu mở khóa đào tạo chính quy đầu tiên. Nhưng một người bạn của bác lúc đó đã khuyên: 'Thôi, bây giờ mày học làm gì, học cũng phải ra làm, để tao giới thiệu mày về đoàn kịch Hà Nội'. Năm ấy bác đã một vợ ba con rồi. Lương hồi đó bác được lương bậc hai, khoảng 36 đồng. Hồi ấy 36 đồng to lắm, nước bây giờ hai nghìn một chén chứ ngày xưa có hai xu thôi. Nhưng thật ra thì cũng đủ ăn thôi, vợ với ba con cơ mà".
"Bác có hai vai được nhiều huy chương vàng nhất, đó là vai Nguyễn Trãi trong vở Lam Sơn Thụ Nghĩa. Chỉ tiếc là những năm đó tốn tiền quá nên người ta không quay phim lại. Vở thứ hai là vở Tiếng gọi.
Người nghệ sĩ già bật cười khi nhớ lại chuyện quá khứ |
Nụ cười hiền từ mà khán giả vẫn thường được thấy trên tivi |
"Đóng phim và đóng kịch có rất nhiều thứ khác nhau. Trước ống kính cũng không ngại lắm, trước khán giả mới sợ. Từ móng chân đến sợi tóc đều lọt vào mắt khán giả nên những sai sót là điều không thể cho phép".
"Nhưng đóng phim khổ lắm, nhiều ngày nắng nóng mà bác cứ phải ra mặt nhựa đường, đứng hàng tiếng đồng hồ. Bác còn nhớ khi quay một phim ở Thái Bình. Lúc đó đoàn làm phim tập trung khoảng 20 nông dân, ông bà nào cũng mang nón đi. Khi đạo diễn hô mở nón ra, thế là 20 người nông dân liền trả lại tiền và đi về. Họ bảo: 'Chúng tôi đi làm phải có nón, không đội nón như này chúng tôi ốm ra thì sao, ai sẽ chịu trách nhiệm'. Thế là họ bỏ về hết. làm cả đoàn phim cứ ngơ ngác nhìn nhau không biết phải làm thế nào, đấy người nông dân còn sợ nắng ấy thế mà bác cứ đầu trần đứng hàng giờ quay cũng không thấy xi nhê gì cả.
Còn có một bộ phim nói về người Mường ở Hòa Bình. Lúc ấy, trời rét lắm. Đạo diễn trẻ mặc đến hai cái áo khoác vẫn còn run, thế mà bác phải cởi áo ra, đã thế lại còn tưới nước để thay mưa. May quá lúc đóng phim, mình nhập tâm vào vai diễn nên không cảm thấy rét. Khi phim đóng máy mới cảm nhận được. Đó, đóng phim vất vả thì không thấy đau ốm gì, thế mà hôm qua, trời chỉ vừa nắng một chút thôi, bác đi ra đường về đã bị cảm ngay".
"Vai nông dân đầu tiên bác chẳng biết gì cả. Là trai phố cổ mà nên bác có biết làm gì đâu. Nhưng nhờ đóng phim mới biết được nhiều chuyện, từ gặt lúa, đi cày, đi cấy cho đến tát nước bằng cả gầu đai và gầu sòng, bác đều làm được, bác làm việc như nông dân, đến độ mà người dân ở đó cũng phải nói: 'Ông này mà khoác áo nông dân về làng, chẳng ai biết ông là diễn viên'".
Bao nhiêu khổ cực trong cuộc sống nhưng ông vẫn giữ được niềm tin và cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống mình đã có |
"Bây giờ còn khá chứ ngày ấy đi làm được bao nhiêu đâu. Làm một bộ phim nhựa dài cũng chỉ được mấy trăm thôi, có khi chỉ được mấy chục. Bao nhiêu người người ta can, bảo đi tìm nghề khác mà làm nhưng bác toàn bảo: 'Chính cái nghề này nó buộc chân tôi, không phải tại tôi. Nghề này nó cuốn rũ tôi đấy chứ".
"Mỗi lần nghe vợ khuyên thôi đừng đóng phim nữa, đi về làm việc khác để nuôi con, bác cũng suy nghĩ, đắn đo nhiều chứ. Mình thương vợ thương con nhưng cũng yêu nghề lắm. Với cả, bác luôn nhớ câu: 'Công tác thì trông lên, sinh hoạt thì phải nhìn xuống'.
Có lẽ khán giả sẽ khó có thể quên được nụ cười này của ông |
NSƯT Trần Hạnh là vậy, dù cuộc sống khó khăn, dù cũng phải nâng lên đặt xuống vì đồng tiền nhưng nếu bắt buộc phải chọn lựa, ông luôn hết mình vì nghệ thuật.
Ông đăm chiêu nhớ lại những kỷ niệm đã qua |
"Ngày xưa người ta tâm huyết hơn, bây giờ thì vì tiền hơn. Người ta cứ thấy phim nào được tài trợ kha khá thì cứ xô vào làm. Khi bác nhận kịch bản, bác biết cái gì làm được, cái gì không. Nếu có vấn đề, bác cũng chỉ biết nhắc đạo diễn. Nhưng đôi khi vì tiền cũng phải nén xuống mà làm thôi, nuốt nước mắt thôi. Có những phim bác không thích một chút nào".
Thế nhưng, khi thấy nhắc đến những nhận xét không mấy tích cực dành cho lớp diễn viên trẻ thời bấy giờ, ông lập tức xua tay: "Nhiều người cứ chê trách, nhiều khán giả cứ nói rằng họ thích xem phim của các bác hơn phim của những diễn viên trẻ. Bác cũng trả lời luôn là cái gì cũng cần phải có thời gian. Ngày xưa các bác cũng vậy thôi. Thêm nữa là bây giờ thị trường phim ảnh bây giờ rất rộng rãi. Nếu so sánh với phim của các nước, phim Việt cũng chưa ăn thua gì".
Suốt nhiều năm lăn lộn với nghề, cất cho mình bao nhiêu vai diễn ấn tượng nhưng thứ mà người nghệ sĩ ấy cảm thấy hài lòng nhất chính là tình cảm của khán giả.
Câu chuyện của chúng tôi kết thúc khi điếu thuốc thứ 6 cháy được một nửa, khi tôi ngỏ lời muốn ông cho xem lại những bài báo đã viết về ông trước đó và nhận được câu trả lời: "Tôi không giữ lại tờ báo nào viết về mình cả, kỷ niệm trong lòng người ta rồi kia mà". |
Trông bên ngoài căn nhà 4 tầng có vẻ khang trang nhưng bên trong thì khó có thể tưởng tượng ra được |
Ông làm mọi việc hàng ngày từ nấu cơm rửa bát, giặt quần áo và các công việc thường ngày khác |
Hôm nay là ngày ông lĩnh lương hưu
|
Với số tiền gần 3 triệu ít ỏi nhưng ông vẫn có thể trang trải được cuộc sống thường ngày |