Độc Cô Cửu Kiếm dùng giết ếch
Trong truyện Kim Dung, Độc Cô Cửu Kiếm thuộc loại kiếm pháp oai lực và thần bí nhất. Chỉ gồm có 9 thức, nhưng Độc Cô Cửu Kiếm có thể phá được mọi loại võ công trong thiên hạ, từ đao, kiếm, phi tiêu, chưởng lực cho tới nội công. Được rút gọn tới mức cô đọng nhất, nguyên lý tối cao của lộ kiếm thuật này chỉ bao gồm trong năm chữ: "Vô chiêu thắng hữu chiêu".
Tất cả chủ nhân của Độc Cô Cửu Kiếm đều là những võ lâm đại cao thủ về kiếm thuật. Chủ nhân đầu tiên của lộ kiếm pháp này là Độc Cô Cầu Bại, người cả đời chỉ mong có một lần thua trận.
Người kế tiếp là Phong Thanh Dương của Hoa Sơn, một thân võ công xuất quỷ nhập thần của ông khiến võ lâm đồng đạo không ngớt trầm trồ, ca tụng, dù đã mai danh ẩn tích hàng chục năm trời. Dương Quá cũng luyện thành môn kiếm pháp uy lực bá đạo này, để rồi một tay một kiếm tung hoành khắp Trung Nguyên, lừng lẫy với danh hiệu Tây Cuồng!
Lệnh Hồ Xung dùng Độc Cô Cửu Kiếm để giết ếch.
|
Lệnh Hồ Xung cũng là một trong những truyền nhân hiếm hoi của Độc Cô Cửu Kiếm. Dưới tay Lệnh Hồ Xung, nó được phát dương quang đại, đại hiển thần uy không ít lần, tuy nhiên cũng có lúc môn kiếm thuật xuất quỷ nhập thần này phải cam chịu cảnh ấm ức dưới tay gã lãng tử tửu đồ phái Hoa Sơn. Đó là lúc Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh bị thương nặng, gần như không còn chút sức lực nào, Độc Cô Cửu Kiếm phải thể hiện uy lực khôn cùng của mình khi... giết ếch.
Cả hai đều đói lả và mệt mỏi, nên khi Nhậm Doanh Doanh dùng chút sức lực cuối cùng đi bắt ếch, Lệnh Hồ Xung không chút ngại ngần dùng kiếm pháp của mình... mổ ếch. Nhậm Doanh Doanh khi đó đã chọc ghẹo chàng: "Người xưa thường nói 'giết gà dùng dao mổ trâu'. Ngày nay, Lệnh Hồ đại hiệp lại dùng Độc Cô Cửu Kiếm làm thịt ếch".
Lệnh Hồ Xung trong khoảnh khắc ấy chợt nhớ về vị cao nhân từng sáng tạo ra lộ kiếm pháp đỉnh cao này và thầm nghĩ: "Giá mà lão biết được ta dùng Độc Cô Cửu Kiếm để làm thịt ếch, có khi sẽ tức tới chết mất". Tuy nhiên, ngay sau khi suy nghĩ, chàng lại hối hận ngay bởi Độc Cô Cầu Bại tiền bối đã qua đời từ lâu, làm sao có thể tức mà chết thêm lần nữa!
Trong bộ Tiếu ngạo giang hồ năm 2001, Lý Á Bằng trong vai Lệnh Hồ Xung khiến những fan Kim Dung "đã mắt" nhất với diễn xuất và ngoại hình cực giống với gã tửu đồ lãng tử. Những chi tiết đắt giá nhất trong truyện cũng được đưa chi tiết vào trong phim, kể cả tuyệt chiêu giết ếch bằng Độc Cô Cửu Kiếm.
Lục Mạch Thần Kiếm dùng để giải rượu
Lục Mạch Thần Kiếm là môn kiếm khí bá đạo và cực kỳ uy lực của Đoàn Thị Đại Lý. Nó sánh ngang với Dịch Cân Kinh bí truyền của chùa Thiếu Lâm, có khả năng dùng kiếm khí vô hình đả thương đối thủ từ xa.
Nói là kiếm pháp, nhưng thực chất, Lục Mạch Thần Kiếm lại là một môn chỉ pháp tối thượng. Nội lực sẽ được lưu chuyển tới đầu ngón tay, sau đó phóng ra ngoài thành luồng kiếm khi vô hình vô ảnh, có sức sát thương không thua gì một thanh lợi kiếm, nên mới được gọi là Lục Mạch Thần Kiếm.
Đoàn Dự dùng môn kiếm khí để giải rượu khi cần thiết.
|
Trong truyện Kim Dung, chỉ có duy nhất Đoàn Dự luyện được môn tuyệt học này. Tuy nhiên, chàng lại sử dụng nó theo kiểu ngẫu hứng, lúc được, lúc không, nên đã sinh ra nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười. Có những lúc Lục Mạch Thần Kiếm có thể đại hiển uy lực, khiến các đại cao thủ võ lâm sống dở chết dở; nhưng cũng có những lúc nó nhất định không chịu phát ra, khiến cho Đoàn công tử phải vắt chân lên cổ chạy giữ lấy mạng.
Có điều, ngoài tác dụng đả thương, giết địch, Lục Mạch Thần Kiếm còn có một tác dụng phụ khác hoàn toàn khác biệt: giúp chủ nhân... ăn gian khi uống rượu.
Lần đầu tiên gặp mặt Kiều Phong, Đoàn Dự bị vị đại ca phóng khoáng khích bác thi uống rượu. Tửu lượng của Kiều Phong vô địch thiên hạ, nhưng khi găp truyền nhân của Lục Mạch Thần Kiếm thì cũng đành cam bái hạ phong. Đoàn Dự uống chưa được một chén đã say mềm, nhưng khi vô tình vận nội công, Lục Mạch Thần Kiếm lại giúp... tiết rượu vừa uống ra đầu ngón tay, chảy sạch ra ngoài.
Đoàn Dự trong cuộc đấu rượu với Kiều Phong.
|
Chàng thư sinh láu cá chỉ việc gác một tay lên cột nhà để rượu chảy ra ngoài, thản nhiên đối ẩm cùng vị đại ca tửu lượng như biển rộng. Cuối cùng, Kiều Phong phải thán phục nhận thua, bởi nếu uống nữa chắc chắn chàng sẽ ngấm rượu mà say mất, chứ không thể không đổi sắc như vị thư sinh trói gà không chặt Đoàn công tử.
Lâm Chí Dĩnh cũng nhận được rất nhiều lời khen ngợi khi nhập vai Đoàn Dự. Cuộc tỉ rượu giữa Đoàn Dự và Kiều Phong tại tửu quán được xây dựng lại chi tiết hệt như trong truyện, mang tới những khoảnh khắc cực kỳ thú vị cho khán giả.
Nội công tâm pháp của Võ Đang được dùng làm lò sưởi
Nội công của Võ Đang phái do Trương Tam Phong chân nhân sáng lập, là một trong những môn nội công thượng thừa của võ lâm. Nó là cái gốc của võ công môn phái, để từ đó có thể luyện ra Thái Cực Quyền, Thái Cực Kiếm hay những môn võ thuật độc môn như Thê Vân Tung, Thuần Dương Vô Cực... Tuy nhiên, với ái đồ của Trương Tam Phong, môn nội công thượng thừa này còn có một công dụng hoàn toàn khác.
Trương Thúy Sơn là đồ đệ thứ năm của Trương Tam Phong, cũng là người được ông yêu quý nhất. Một thân võ công của Trương Thúy Sơn do chính Trương Tam Phong truyền thụ, nên dù tuổi còn rất trẻ, chàng đã nổi danh khắp võ lâm với biệt hiệu Ngân câu thiết hoạch. Không chỉ bút pháp, câu pháp đạt cảnh giới thượng thừa, nội công của Thúy Sơn cũng vô cùng vững vàng và mạnh mẽ.
Trương Thúy Sơn dùng võ công hong khô quần áo trong lần đầu gặp mặt Ân Tố Tố.
|
Trong lần đầu tiên gặp mặt Ân Tố Tố trên một chiếc thuyền, trang phục của Trương Thúy Sơn vô tình bị nước làm cho ướt nhẹp. Ân Tố Tố nhẹ nhàng đề nghị chàng thay bộ trang phục mới. Tuy nhiên, Trương Thúy Sơn nhất quyết từ chối.
Một phần vì chưa quen biết, phần vì có ác cảm với hành động của Ân Tố Tố và phần khác muốn thể hiện chút võ công, chàng quyết định vận nội công của Võ Đang để hong khô quần áo. Chỉ trong chốc lát, hơi ấm từ đan điền Thúy Sơn bốc ra ngùn ngụt, quần áo trên người lập tức bay hơi và khô ráo hệt như chưa từng bị ướt. Ân Tố Tố nhìn thấy một màn kỳ lạ đó không khỏi khâm phục, buột miệng khen: "Nội công của phái Võ Đang quả nhiên đứng đầu thiên hạ".
Không biết màn thể hiện đó có gieo lại điều gì khác trong lòng Ân Tố Tố ngoài sự lợi hại của nội công phái Võ Đang không, nhưng chỉ ít lâu sau đó, cô quyết định gắn bó trọn đời với Trương Ngũ Hiệp. Biết đâu trong suy nghĩ của Ân đại tiểu thư, khi lấy Trương Thúy Sơn, ít nhất cô cũng không bao giờ phải lo chuyện phơi phóng quần áo cho chàng.
Trong phim, chiêu nội công của Trương Thúy Sơn chỉ được thể hiện thoáng qua. Thay vào đó, họ nhấn mạnh tới sự ảo diệu trong câu pháp và thư pháp của Trương ngũ hiệp khi tỷ đấu cùng Tạ Tốn. Đây cũng là một sự đáng tiếc, bởi chiêu nội công đơn giản ấy lại là cái cớ đầu tiên khiến cặp tình lữ Thúy Sơn - Tố Tố nảy sinh ấn tượng về nhau, để rồi cùng xây dựng lên một câu chuyện dài về giáo chủ Minh giáo Trương Vô Kỵ.
Song thủ hỗ bác được dùng để giải sầu
Song thủ hỗ bác là môn kỳ công tuyệt thế trong thiên hạ, do Chu Bá Thông sáng tạo ra. Môn võ công này kỳ quái ở chỗ nếu luyện thành, người sử dụng có thể mỗi tay dùng một chiêu thức tấn công đối thủ.
Ví dụ như một tay dùng đao chém, tay kia lại dùng kiếm đâm hay chưởng đánh cùng một lúc, e rằng đối thủ sẽ như đang phải đối diện với sự vây công của hai người. Môn võ lợi hại tới mức những đại tông sư võ học như Hồng Thất Công, Hoàng Dược Sư được chứng kiến cũng không khỏi trầm trồ tán thưởng, cho rằng đây là môn võ công hiếm có trong thiên hạ.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến Chu Bá Thông dày công nghĩ ra môn võ công chỉ là vì buồn chán. Bị nhốt tại Đào Hoa Đảo suốt nhiều năm, bản thân lại là người hiếu võ tới mức điên cuồng, Chu Bá Thông chỉ hận không thể tìm ra đối thủ để mà tỷ đấu. Chính vì thế, lão đã quyết định tập cho... hai tay của mình đấu với nhau. Một tay đánh, tay còn lại đỡ và ngược lại. Cứ như thế, Song thủ hỗ bác uy lực bá đạo đã được ra đời.
Chu Bá Thông nghĩ ra Song thủ hỗ bác chỉ vì buồn chán.
|
Có điều, dù đã được luyện thành, môn kỳ công vô tiền khoáng hậu đó vẫn chỉ được lão ngày ngày dùng làm trò tiêu khiển trong hang đá. Lão chỉ coi Song thủ hỗ bác hệt như một trò chơi của đám trẻ con, cho mãi tới tận khi Quách Tĩnh gợi ý lão dùng nó vào việc chiến đấu, thay vì chơi đùa.
Ngay khi được Quách Tĩnh gợi ý, lão mới ngộ ra điều đơn giản ấy và ngay lập tức, trở thành... thiên hạ đệ nhất võ lâm. Khi dùng Song thủ hỗ bác kết hợp với Cửu Âm Chân Kinh và vô số môn tuyệt học khác lão sở hữu, Chu Bá Thông đã có một thân võ công thượng thừa không ai địch lại và trong lần luận kiếm Hoa Sơn cuối cùng, lão đã được tất cả những người còn lại suy tôn ngồi ở ngôi cao nhất, thay thế cho vị sư huynh quá cố Vương Trùng Dương.
Có rất nhiều diễn viên từng đóng vai Chu Bá Thông, nhưng thành công nhất trong số đó phải kể tới Triệu Lượng - diễn viên từng quen mặt trong khá nhiều vai phụ hài hước trong phim cổ trang Trung Quốc. Diễn xuất và biểu cảm của Triệu Lượng khá tự nhiên và sát với tưởng tượng của những fan truyện Kim Dung về một Lão Ngoan Đồng ngộ nghĩnh, vô tư và hỉ nộ bất thường.
Song thủ hỗ bác cũng thường xuyên xuất hiện trong mọi phiên bản Anh hùng xạ điêu, qua hình tượng Chu Bá Thông. Môn tuyệt học này lại là một trong những môn võ công dễ dàng đưa ra ngoài đời thật nhất, bởi nó không hề ghê gớm hay thần bí như Hàng Long Thập Bát Chưởng hay Lục Mạch Thần Kiếm. Chỉ cần 2 tay đánh hai thế võ khác nhau, người đọc có thể hình dung ra ngay môn võ công độc môn gắn liền với tên tuổi Lão Ngoan Đồng.
Huyền Thiên Chỉ dùng thay tủ lạnh
Trong Tiếu ngạo giang hồ có bốn nhân vật kỳ lạ: Giang Nam Tứ Hữu. Không chỉ sở hữu võ công cao cường, mỗi người trong số họ còn đeo đuổi một thú vui đặc biệt và thậm chí coi nó như mạng sống của bản thân.
Tứ trang chủ Đan Thanh tiên sinh là một tửu đồ mê rượu, tam trang chủ Ngốc Bút Ông cả đời say mê thư pháp, Hắc Bạch Tử nhị trang chủ lại yêu thích đánh cờ, còn lão đại Hoàng Chung Công thì lại dành hết tâm huyết vào những ngón đàn.
Hắc Bạch Tử là nhân vật nhiều tham vọng nhất trong số bốn anh em, nhưng đồng thời, võ công gã sở hữu cũng cao siêu khó lường. Ngoài bàn cờ bằng sắt pha đá nam châm dùng làm vũ khí cực kỳ lợi hại, Hắc Bạch Tử còn sở hữu một môn chỉ pháp uy lực bá đạo: Huyền Thiên Chỉ.
Huyền Thiên Chỉ là võ công của Hắc Bạch Tử.
|
Không chỉ mạnh mẽ, bén nhọn, chỉ lực này còn mang theo hàn khí buốt xương nhờ một thân nội lực hùng hậu của lão. Có điều, trong suốt câu chuyện, Huyền Thiên Chỉ ghê gớm kia chỉ được sử dụng vào mỗi một mục đích duy nhất: thay thế nhiệm vụ của chiếc tủ lạnh!
Khi bị người em Đan Thanh tiên sinh vật nài đòi xin một ít băng để ướp rượu, Hắc Bạch Tử dù ngao ngán vẫn phải thở dài đồng ý. Lão vận nội lực lên ngón tay, nhúng vào chậu nước. Chỉ sau ít phút, mặt nước sủi tăm li ti và biến thành một lớp băng dày. Chứng kiến nội lực phi thường của lão, tới Thiên Vương Lão Tử Hướng Vấn Thiên một thân bản lĩnh nghiêng trời lệch đất cũng phải tấm tắc khen thầm.
Đáng tiếc, ngoài việc làm ra ít đá lạnh để người em uống rượu cùng Lệnh Hồ Xung, môn chỉ pháp bá đạo này không được Hắc Bạch Tử sử dụng thêm một lần nào nữa. Sau cuộc gặp gỡ cùng Lệnh Hồ Xung ít ngày, Hắc Bạch Tử và ba người anh em của mình đều trúng kế. Riêng Hắc Bạch Tử thê thảm hơn cả khi bị Hấp Tinh Đại Pháp hút hết một thân nội lực, trở thành kẻ tàn phế mất hết võ công.
Trong các phiên bản Tiếu ngạo giang hồ, Giang Nam Tứ Hữu thường chỉ được điểm xuyết thoáng qua. Đây là một điều đáng tiếc, bởi chính Kim Dung tiên sinh đã dụng công rất nhiều khi xây dựng hình tượng bốn nhân vật đặc biệt.
Người xuất hiện nhiều nhất trên phim ảnh trong số Giang Nam Tứ Hữu chỉ là lão đại Hoàng Chung Công, với màn tỷ đấu nội lực cùng Lệnh Hồ Xung. Còn lại cả Đan Thanh tiên sinh, Ngốc Bút Ông và Hắc Bạch Tử chỉ lướt qua màn ảnh nhỏ và chẳng để lại ấn tượng nào đáng kể như trong truyện.