Đằng sau những câu nói gây tiếng vang của Táo Xã hội

Trong vai Táo Xã hội, Chí Trung được khán giả nhớ đến với những phát ngôn như "Nước trong thì không có cá, người tốt quá không ai chơi", "Cô Đẩu vỏ iPhone, phần mềm Android"...

 Trong vai Táo Xã hội, Chí Trung được khán giả nhớ đến với những phát ngôn như "Nước trong thì không có cá, người tốt quá không ai chơi", "Cô Đẩu vỏ iPhone, phần mềm Android"...

Chí Trung đã có cuộc trò chuyện với phóng viên về những câu nói nổi tiếng của Táo Xã hội trong chương trình Táo quân 2016, hiện vẫn gây xôn xao dư luận.

"Tôi ghi lại những câu nói hay sau buổi học chính trị"

- Cảm xúc của anh thế nào sau khi Táo quân 2016 nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả, đặc biệt, nhân vật Táo Xã hội khiến người xem thích thú với những phát ngôn ấn tượng?

- Thực sự tôi rất bất ngờ và ngạc nhiên khi được mọi người yêu mến. Công lớn nhất thuộc về đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Những câu nói hay đó đã được anh ghi lại sau nhiều buổi học chính trị hoặc vô tình đọc được trên các trang báo. Công thứ hai vẫn là của đạo diễn vì chọn đúng tôi để nói những lời đó. Tôi nổi tiếng thâm mà! (cười).

Tôi quan tâm đến các vấn đề chính trị, xã hội rất nhiều. Những câu như thế thuộc sở trường nên tôi nhả chữ thành công và mọi người thấy thích thú!

Mọi người nghe có thể thấy đơn giản và liền vần, nhưng cách nhấn nhá và ngữ điệu cũng là cả một nghệ thuật. 38 năm công tác tại Nhà hát Tuổi Trẻ đã tạo cho tôi phong cách, "xì-tai" đó. Tôi có nhiều học trò ở Nhà hát nhưng để tìm một phiên bản Chí Trung thì hơi khó vì nó là "đặc sản" riêng của tôi.


Đằng sau những câu nói gây tiếng vang của Táo Xã hội
NSƯT Chí Trung trên sân khấu Táo quân 2016. Ảnh: VFC


- Từng thành công với vai Táo Giao thông trong nhiều năm, cá nhân anh đánh giá ra sao về Táo Xã hội lần này?

- Ngay đêm Giao thừa, tôi chia sẻ trên Facebook "Táo năm nay thế nào hả các bạn?" và ngay lập tức nhận được 100 nghìn like cùng nhiều bình luận khen. Lúc đó tôi mới cảm thấy nó tốt và thở phào nhẹ nhõm.

Có một câu chuyện rất thật mà tôi muốn kể cho các bạn nghe. Còn nhớ trước đó một năm, khi Táo quân năm 2015 bị chê nhạt, mồng 1 đi chùa, tôi phải bịt khẩu trang. Năm nay khán giả thích, tôi ra đường không cần dùng khẩu trang nữa (cười lớn).

Nhưng để nói thành công, thực sự tôi không bằng lòng với chính mình, có lẽ tôi luôn khắt khe với bản thân. Hồi Táo Giao thông thành công, tôi vẫn nói không phải nhờ duyên và tài năng. Đó là vì người dân bức xúc và tôi giúp họ nói lên nỗi lòng. Gần đây, giao thông tốt lên, ít chất liệu nên tôi không nhận vai này nữa. Giống như mọi người thường nói khi nào cuộc sống tốt lên thì Táo quân không còn đất diễn.

Nhắc đến sự duyên trong hài chỉ có Xuân Bắc, Tự Long, Quang Thắng - mở miệng là thấy duyên rồi! Tôi là người ít hài nhất trong dàn Táo.

- Như vậy, theo anh, vai diễn ở Táo quân 2016 được yêu mến cũng bởi người dân bức xúc với các vấn đề xã hội?

- Hàng ngày, tôi đọc báo rất nhiều và quan tâm cả những vấn đề quốc tế. Có lẽ chính điều đó giúp tôi cân bằng khi đóng Táo Xã hội. Tôi thấy hay nhất ở Táo quân vừa rồi là vòng quay tham nhũng. Còn lại phần vào chầu của tôi cũng ít chất liệu, ít đất diễn.

Xin tiết lộ với khán giả là tôi trực tiếp viết lại lời văn kịch bản thành thơ để tạo sự "hổ lốn" trong suy nghĩ của Táo Xã hội. Chúng tôi ai cũng lo cho vai của mình nhưng không "giày vò" đạo diễn. Bởi năm nào cũng vậy, ê-kíp luôn dồn sức cho một người có thể kéo tất cả đoàn tàu chạy băng băng. Năm nay là Tự Long. Và cuối đoàn tàu luôn là ông Táo béo ì ạch Chí Trung.

Ranh giới giữa thanh - tục trong nghệ thuật hài rất mong manh

- Có thể nói sự bức xúc của dư luận với tệ nạn tham nhũng là một trong những yếu tố giúp Táo quân 2016 thành công. Vở kịch "Quan thanh tra", do anh làm đạo diễn mới đây, có phải cũng xuất phát từ nỗi bức xúc, day dứt đó?

- Sau khi du lịch nhiều nơi trên thế giới, tôi nhận thấy đất nước mình rất đẹp với rừng vàng biển bạc, nhưng du lịch vẫn không phát triển bằng các quốc gia khác. Dường như mọi người chỉ quan tâm lợi ích cá nhân, mà quên đi mối lợi chung cho đất nước. Từ "nỗi đau" đấy, tôi quyết định làm vở Quan thanh tra.

Thực tế tôi lên ý tưởng Việt hóa vở kịch kinh điển của Nikolai Gogol từ tháng 6 năm ngoái và nghiền ngẫm trong nhiều tháng.

Kịch bản Quan thanh tra khi dịch ra tiếng Việt dài 115 trang. Để phù hợp với nhu cầu thưởng thức của khán giả, tôi phải gọt giũa xuống còn khoảng 61 trang. Lượng thời gian diễn cũng cắt hơn một nửa so với kịch bản văn học.

Đằng sau những câu nói gây tiếng vang của Táo Xã hội
Nghệ sĩ Vân Dung và diễn viên trẻ Chí Huy đảm nhận những vai chính trong vở Quan thanh tra. Ảnh: NVCC


- Nghệ thuật kịch vốn kén khán giả, hơn nữa lại là kịch kinh điển. Anh giải bài toán khó đó như thế nào để có thể cân bằng doanh thu với công sức và kinh phí bỏ ra?

- Vở Quan thanh tra được viết từ gần 200 năm trước nhưng đặt ra rất nhiều vấn đề vẫn tồn tại trong cuộc sống hiện nay. Tôi nhìn thấy tác phẩm có thể truyền tải được nhiều bức xúc của dư luận, nhất là với vấn nạn tham nhũng.

Tôi đã biến vở kịch kinh điển khô khan ngày xưa thành hài kịch, có thể khiến khán giả cười từ đầu đến cuối. Trên sân khấu, toàn bộ quan lại nước Nga thời Sa Hoàng bị biến thành thành lũ chuột, chuyên đục khoét. Khi bật đèn lên, vẫn là những con người thật với quần áo đẹp, nhưng khi tắt đèn họ biến thành lũ chuột.

- Với một vở cổ điển như vậy, yêu cầu dành cho các diễn viên chắc hẳn rất khắt khe, thưa anh?

- Kịch kinh điển không thể ngẫu hứng như kịch đời cười được, không thuộc lời thì không diễn được. Trong lúc tập, sơ duyệt cũng như tổng duyệt, tôi kèm từng hơi thở, từng chữ, từng dấu phẩy, dấu chấm của diễn viên. Họ chỉ được phép thả cái thanh xuân, hồn diễn vào nhân vật.

Hài rất mong manh giữa thanh và tục. Nếu bạn sa đà vào tiếng cười tục, bạn có thể nhận được vài lời khen nông cạn, nhưng lại bị cả xã hội chê cười. Với vai trò đạo diễn, tôi luôn khắt khe với diễn viên. Ngay cả một chiếc lông ngỗng rơi trên sân khấu, tôi cũng phải tính toán nhặt thế nào cho phù hợp.

Quá sớm để nói mình thanh cao, mình giỏi hay mình thành công, nhưng tôi khẳng định những mong muốn, khổ luyện, trăn trở với nghề là có thật. Tôi nghĩ câu trả lời khách quan nhất sẽ là phản hồi của khán giả sau khi đến rạp xem vở kịch, công diễn vào ngày 27/2 này.

Theo zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.