Lý do khiến "Cô dâu 8 tuổi" dài lê thê mà vẫn có người xem

Mặc dù "giọt nước mắt lăn từ mắt xuống mũi đã mất nửa tập phim" nhưng bộ phim "Cô dâu 8 tuổi" vẫn được xem là bom tấn của điện ảnh Ấn Độ.

 Mặc dù "giọt nước mắt lăn từ mắt xuống mũi đã mất nửa tập phim" nhưng bộ phim "Cô dâu 8 tuổi" vẫn được xem là bom tấn của điện ảnh Ấn Độ.

Nếu nói từ khóa hot nhất những ngày qua là gì có lẽ không thể bỏ qua "Cô dâu 8 tuổi".

Nội dung phim xoay quanh cuộc đời của cô bé Anandi cùng những mâu thuẫn trong gia đình quý tộc Ấn độ và cả những khó khăn, thử thách mà một bé gái 8 tuổi phải chịu khi làm dâu với các lễ nghi rườm rà, áp đặt.



Ngày 21/7/2008 , "Cô dâu 8 tuổi' bắt đầu lên sóng kênh truyền hình Colors TV của Ấn Độ. Sau gần 7 năm lên sóng (một thời gian bị cấm chiếu),  bộ phim hiện đã ra tới tập thứ 1.927 (tính tới ngày 20/6/2015).

Dài và dai là vậy nhưng "Cô dâu 8 tuổi" vẫn được xem là bom tấn của điện ảnh Ấn Độ. Nhiều nhà phân tích cho biết, "Cô dâu 8 tuổi" sau 7 năm lên sóng thì gần như chẳng gia đình nào ở Ấn Độ không biết tới cái tên Anandi.

Không chỉ nổi tiếng tại Ấn Độ,  "Cô dâu 8 tuổi" còn làm khuynh đảo nền điện ảnh Châu Á khi có mặt ở các khung giờ vàng ở rất nhiều nước.

Và ở Việt Nam, "Cô dâu 8 tuổi" đang chiếu được hơn 200 tập, với thời lượng phát sóng 2 tập/ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu.

Vậy đâu là lý do khiến "Cô dâu 8 tuổi" dù dài dù chậm vẫn làm mê mệt những bà nội trợ?

1. Dàn diễn viên có thực lực và ngoại hình

Một trong những yếu tố làm nên thành công của phim không thể nào bỏ qua chính là dàn diễn viên có thực lực. Không ai có thể phủ nhận rằng "Cô dâu 8 tuổi" sở hữu một dàn diễn viên Bollywood đẹp mắt và diễn xuất tinh tế.


Các diễn viên đóng vai Anandi từ nhỏ đến lớn: Avika Gor, Toral Rasputra và Pratyusha Banerjee.


Đầu tiên phải kể tới nữ diễn viên đảm nhận vai chính, "cô dâu" Anandi.

Được biết, có tới 3 nữ diễn viên phụ trách vai diễn này theo tiến trình từ nhỏ tới lớn. Và dù ở giai đoạn nào, "cô dâu" Anandi vẫn giành được sự yêu mến bởi nhan sắc xinh đẹp của mình.

Nổi tiếng không kém "cô vợ" của mình trong phim là 2 nam diễn viên phụ trách vai Jagdish do ngôi sao nhí 16 tuổi Avinash Mukheriee (từ tập 1 - 516) và Jagdish trưởng thành do nam tài tử điển trai Shashank Vyas thể hiện (từ tập 517 đến hiện tại).



Hiện tại, đây là 2 nam diễn viên đang được yêu thích nhất Ấn Độ bởi ngoại hình bảnh bao và khả năng diễn xuất có thần của mình.

Vẫn biết rằng diễn viên phải nói chuyện bằng vai diễn nhưng không thể phủ nhận được vai trò ngoại hình trong thành công của mỗi ngôi sao.

2. Kịch bản phim "tấn công" vấn đề nhạy cảm tại Ấn Độ




"Cô dâu 8 tuổi" được xây dựng trên một câu chuyện có thật diễn ra tại một làng quê ở bang Rajasthan. Bộ phim là những mối quan hệ phức tạp, những mâu thuẫn khó giải quyết giữa các thành viên trong gia đình.

Và hơn hết, bộ phim "tấn công" trực tiếp vào vấn đề nhạy cảm nhất của xã hội Ấn Độ là nạn tảo hôn.

Đây không phải là lần đầu tiên nạn tảo hôn lên sóng truyền hình Ấn Độ, tuy nhiên đây lại là lần đầu tiên vấn đề này được nói rõ, nói thật và nói thẳng như vậy.

Có lẽ đấy chính là lý do khiến "Cô dâu 8 tuổi" sau khi phát sóng bị Quốc hội nước này cấm chiếu.

May mắn rằng công chúng vẫn cần những sự thật nên bộ phim đã được phát sóng trở lại.



Bằng cách giải quyết những mối quan hệ trong phim, bộ phim cho thấy việc tảo hôn gây tác động lớn ra sao tới những đứa bé.

Những tập phim qua đi, bộ phim cũng góp phần vạch trần những mảng tối từ vấn nạn tảo hôn đang xảy ra thường xuyên ở Ấn Độ.

Vấn nạn này không chỉ dày vò cuộc sống của những bé gái, bé trai mà nó còn ảnh hưởng vô cùng lớn tới cuộc sống của gia đình, người thân.

Không dừng lại tại đó, những phần mới của "Cô dâu 8 tuổi" lại đang tiếp tục đề cập tới một vấn đề nhạy cảm của xã hội Ấn Độ : nạn giết người vì danh dự.



Trong phim, vì danh dự, người đàn ông sẵn sàng giết bạn trai của con gái vì cậu ta không có cùng đẳng cấp và địa vị với gia đình mình.

Vì người dân Ấn Độ dễ dàng tìm thấy một Anandi đâu đó trong cuộc sống xung quanh nên sự đồng cảm là rất dễ hiểu.

3. Khán giả trung thành là các bà nội trợ

Nếu bạn thắc mắc tại sao "Cô dâu 8 tuổi" lại đi được 1 chặng đường dài thành công như vậy thì xin hãy hỏi những bà nội trợ - khán giả trung thành nhất của bộ phim bom tấn này.

Suốt 7 năm phát sóng, bộ phim "Cô dâu 8 tuổi" đã gắn bó với rất nhiều bà nội trợ ở các quốc gia, những người giữ vị trí vô cùng quan trọng trong mái ấm gia đình.



Và hơn hết, sức mạnh của họ là vô biên.

Theo một thống kê thì 70% khán giả xem "Cô dâu 8 tuổi" là những bà nội trợ. Và ở Việt Nam, khán giả trẻ “phát rồ” chừng nào thì các bà mẹ, các bà nội trợ “phát cuồng” chừng ấy.

Chẳng có gì là khó hiểu khi gia đình bạn phải "an phận" nhường tivi cho mẹ của bạn xem "Cô dâu 8 tuổi" trong giờ vàng.

Tại sao "Cô dâu 8 tuổi" lại làm mê mệt những bà những bà nội trợ?

Có lẽ bởi nội dung của nó là những mối quan hệ gia đình, những xung đột cần được giải quyết. Và họ, những bà nội trợ dễ dàng tìm thấy được câu chuyện của gia đình mình trong đó.

Với cuộc đời bi thương, đẫm nước mắt của cô bé Anandi đã chiếm trọn vẹn tình cảm của người xem phim.

Khán giả có thể cười, có thể khóc và đồng cảm với những biến cố của Anandi trong từng thời khắc của cuộc đời.



4. Văn hóa Ấn Độ bản thân đã là một mê lực

Từ khi bắt đầu du nhập vào Việt Nam, những bộ phim Ấn Độ đã chiếm được một sức hút nhất định trong lòng công chúng.

Phải thừa nhận một điều rằng bản thân nền văn hóa bí ẩn đó đã có sức hấp dẫn riêng đối với khán giả.

Đặc điểm riêng của phim Ấn là bối cảnh lộng lẫy, diễn viên đẹp, múa hát rộn ràng. Và "Cô dâu 8 tuổi" đã đáp ứng được điều đó.

Phải thừa nhận rằng việc khắc họa chân thật và rõ nét những đặc trưng văn hóa sắc nét của người Ấn cũng là một nguyên nhân tạo nên thành công của bộ phim.

Người xem có thể hòa mình vào một thế giới thực ảo lẫn lộn, một thế giới thượng lưu quyền quý nhưng rối ren, phức tạp nhất trong xã hội.

Theo nhiều người xem, sức hút của "Cô dâu 8 tuổi" một phần là do phim khai thác đề tài gia đình phù hợp với văn hóa châu Á và qua mỗi phim khán giả biết thêm về nét văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng miền đất nước Ấn Độ - vốn còn khá lạ với người Việt.

Theo Trí thức trẻ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.