Minh tinh một thời Hoàng Cúc bộc bạch chuyện đời

Gặp nữ minh tinh màn ảnh thuở nào trong một sáng mùa đông Hà Nội, người viết không khỏi ngạc nhiên khi đi qua những năm tháng rộng dài rong ruổi trên con đường nghệ thuật, trên khuôn mặt ấy giờ đây như một hồ nước phẳng lặng, bình thản đến lạ lùng.

Gặp nữ minh tinh màn ảnh thuở nào trong một sáng mùa đông Hà Nội, người viết không khỏi ngạc nhiên khi đi qua những năm tháng rộng dài rong ruổi trên con đường nghệ thuật, trên khuôn mặt ấy giờ đây như một hồ nước phẳng lặng, bình thản đến lạ lùng.

NSND Hoàng Cúc nói rằng mình vừa thiền xong, và cuộc sống với cô sau ánh đèn sân khấu là hạnh phúc và bình yên lắm. Và “Đừng nói tôi cô đơn hay ở ẩn, những khái niệm đó không tồn tại trong con người tôi”.
 
Minh tinh một thời Hoàng Cúc bộc bạch chuyện đời 1

Sinh nghề, tử nghiệp và nỗi nhớ quay quắt ánh đèn sân khấu

Là người nghệ sĩ một thời kì hoàng kim cả trên sân khấu kịch và trong điện ảnh, lý do nào khiến NSND Hoàng Cúc từ bỏ tất cả, tĩnh tâm lại để đến với phật, với thiền như thế, chúng ta có thể bắt đầu từ việc ngày ngày cô ngồi thiền và nghe nhạc phật?

Chẳng nên bắt đầu từ thiền hay từ cái gì cả, hãy bắt đầu cái nhìn từ cuộc đời.

Tôi đã nhận sổ hưu mà lẽ ra tôi phải nhận từ năm ngoái, nghĩa là đã đến lúc phải dừng chân sau cả cuộc đời làm nghệ thuật không mệt mỏi.

Nói vui và ví von thế này, mỗi công dân đều có nghĩa vụ và quyền lợi trong công việc. Về quyền lợi, thì tôi đã được nghỉ ngơi đúng cái tuổi của mình.

Về nghĩa vụ, tôi đã cống hiến cho nghệ thuật từ năm 17 tuổi cho đến bây giờ, gần 40 năm, có lẽ đã là quá đủ trong cuộc hành trình của một đời người. Biết rằng người làm nghệ thuật không có tuổi, còn minh mẫn là còn sáng tạo, nghệ thuật cũng không có đỉnh cao, nó là bất tận, là tận hiến, nhưng với một người nghệ sĩ như tôi, thế là đủ.

Trên hết, tôi có một gia đình bé nhỏ, một cậu con trai đã lấy vợ và sinh con đầu lòng, tôi muốn dành tất cả thời gian và tình yêu thương cho gia đình mình, đặc biệt là cô cháu gái nhỏ bé của mình.

Người xưa nói không sai, có nuôi con mới biết lòng cha mẹ. Từ khi con trai một tháng rưỡi tuổi tôi đã mang con đi làm phim ở bệnh viện phụ sản, người ta chụp cho một bức ảnh mà giờ tôi vẫn giữ. Đến giờ tôi lại vào bệnh viện đó đón đứa cháu đầu lòng từ cô con dâu, đặc biệt người ta lại bảo cháu giống bà khủng khiếp, thì còn gì vui hơn.

Bây giờ bế đứa cháu tôi thấy cuộc đời như một cuốn phim quay chậm, từ khi tôi đón con trai, đến giờ là cháu gái, và tôi nhận ra rằng đó là vai diễn tròn trịa nhất trong cuộc đời mình. Chính vì thế tôi dừng lại chẳng có gì là ngạc nhiên.

Còn tôi đến với thiền, cũng giống như nhiều người, khi áp lực trong cuộc sống và trong công việc quá nhiều, thêm nữa nó cũng giúp tôi nâng cao sức khỏe.

Thiền giúp tôi ngộ ra nhiều điều của cuộc sống một cách sâu sắc. Chỉ có thiền lòng tôi mới lắng lại nhất, tĩnh tâm nhất và ngộ ra được nhiều điều khiến con người ta tồn tại.

Lòng tin trong thiền ấy nâng lên mức tuyệt đối, nó nâng đỡ tinh thần con người ta trong cuộc sống, biết tránh xa tội lỗi; tránh xa tham, sân, si; những ham muốn đời thường; dục vọng bất thường, nó giúp con người ta sống đẹp hơn, tốt hơn, giá trị hơn.

Có khi nào cô nhớ nghề quay quắt khi rời xa ánh đèn sân khấu, rời xa tiếng máy quay?

Người ta vẫn nói sinh nghề tử nghiệp, mà cái nghề ấy nó vận vào tôi như một định mệnh, thế nên, nỗi nhớ trở về thường xuyên đến mức như bữa ăn giấc ngủ.

Ngày xưa, tôi luôn sống trong cảm giác mình không thể làm được gì khác ngoài nghề, nhưng giờ, khi thiền đã giúp tôi tĩnh tâm lại, tôi đã có thể xem nhiều bộ phim với cảm quan của một khán giả, của một nghệ sĩ chứ không phải của người làm nghề. Và tôi thấy lòng mình thảnh thơi.

Có những người nghệ sĩ cả đời chỉ đóng một dạng vai chính diện, hoặc phản diện, nhưng cô lại nổi tiếng với việc hóa thân đa dạng về tính cách nhân vật, dường như với người làm nghệ thuật, đó cũng là hạnh phúc lớn nhất?

Trên sân khấu kịch tôi đa dạng về tính cách nhân vật, trong điện ảnh người ta lại nhìn thấy chất phản diện nhiều, nhưng tôi vui vì mình hóa thân được vào nhiều dạng vai như thế.

Khai thác đa chiều là niềm hạnh phúc của tất cả mọi người nghệ sĩ, chúng tôi được bơi, được vùng vẫy sáng tạo, mặc dù đôi khi làm cho các nghệ sĩ nếu không có tay nghề vững sẽ lúng túng.

Khi hóa thân vào nhiều dạng vai, tôi cảm nhận được thế giới xung quanh, thế giới của văn học, của tiểu thuyết, của những nhân vật mình khai thác, mình cảm nhận, để nắm bắt, chắt lọc cho nó trở thành sự sáng tạo của mình.

Là Hoàng Cúc, một bà già 70, 80 tuổi có những đứa con hy sinh hết cho Tổ quốc trên sân khấu kịch, vẫn chỉ là khuôn mặt ấy thôi, nhưng trong Tướng về hưu là một người con dâu sòng phẳng và thức thời đến tàn nhẫn và đáng sợ.
Không riêng gì nghệ sĩ mà bất kì ai cũng luôn muốn mình trẻ trung, xinh đẹp, nhất là người phụ nữ có sẵn vẻ đẹp trời phú như của cô, vậy mà trên sân khấu kịch cô lại chấp nhận làm mình già đi, vào vai diễn đầu tiên là nhân vật 35 tuổi khi tuổi đời mới tròn 17?

Tôi vào vai nhân vật 35 tuổi khi 17 tuổi và khi 19 tuổi tôi đã vào vai nhân vật 60 tuổi.

Có lẽ bộ phận hóa trang đã làm rất tốt, ăn mặc già nua đi một chút, thêm nhiều nếp nhăn một chút, bôi dầu hóa trang của Liên Xô đen vào răng, mỗi lần nói lại nuốt đi một tí là thành bà lão rồi (cười).

Có rất nhiều thứ để hỗ trợ, nhưng không có gì hỗ trợ một cách tròn trịa, đúng đắn mà chuẩn nhất như diễn xuất của chính diễn viên.
 
Minh tinh một thời Hoàng Cúc bộc bạch chuyện đời 2
NSND Hoàng Cúc trong Tướng về hưu.
 
Tôi không có khái niệm cô đơn và ở ẩn

Đã khi nào cô ngồi lục lại kí ức, gặm nhấm dần những kỉ niệm của một thời sống chết với nghệ thuật ấy?

Gần 40 năm làm nghệ thuật, cả một chặng hành trình dài của đời người, làm sao không nhớ, nỗi nhớ luôn thường trực và sẵn sàng ùa về bất cứ khi nào.

Tôi còn nhớ kỉ niệm khi tôi diễn vởEm đẹp dần lên trong mắt anh,một lúc hóa thân thành 4 vai với những tính cách khác nhau, hóa trang khác nhau.

Khi mang vở vào trong miền Nam, khán giả miền Nam chào đón nhiệt liệt lắm, người nghệ sĩ cũng hân hoan háo hức chờ đến ngày diễn, nhưng vừa hôm trước căng băng rôn giới thiệu hôm sau nhận được lệnh cấm diễn.Cái thời ấy nó vậy và người nghệ sĩ phải chấp nhận.

Còn một kỉ niệm mà không bao giờ tôi có thể quên được đó là khi mở cửa hàng áo cưới vào năm 1992, đắt hàng lắm, làm được một năm tôi đã mua được xe dream của Thái.

Hôm ấy đúng vào mùng 8/3, tôi phải đi trang điểm cho khách mà lại kí một hợp đồng biểu diễn vào lúc 9h sáng.Tôi trang điểm cho khách xong vội phóng đến rạp Công Nhân, khi đi qua ngã ba của phố Huế, vì sợ chỉ còn ít phút nữa là mở màn, tôi cuống lên rẽ trong khi đèn đỏ.

Tôi bị một anh công an bắt, vội vàng xuống xe giải thích bằng tất cả các lý do màanh công anấyvẫn không chấp nhận. Tôi bảo anh công an là nếu anh phạt thì phạt nhanh cho tôi đi mà anh ta nhất định không nghe, bắt tôi đứng đó chờ.

Cuối cùng tôi phải gọi một đứa cháu đến đứng đó giải quyết, rồi không gọi được xe ôm, phải nhảy lên một chiếc xích lô, về sau do chậm quá tôi phải nhảy xuống chạy bộ, sau đó gặp một người đi xe máy mới xin đi nhờ, may quá đến lúc màn mở thì tôi thay xong quần áo. Đây là kỉ niệm tôi nhớ mãi.

Trong mọi giấc mơ, điều ám ảnh người nghệ sĩ nhất là bị muộn đêm diễn, thế nên nhiều khi trong giấc mơ vẫn giãy đành đạch khi mơ thấy bị muộn giờ.

Lý do nào khiến người ta lại gắn cô với cụm từ “sự cô đơn của một nhan sắc”?

Tôi không thấy đúng một chút nào cả, có lẽ ai đó đã phóng tác hơi thi vị hóa thêm một chút.




Nhiều người nói tới tôi là nói về sự cô đơn của một nhan sắc, hay nói tôi về ở ẩn, nhưng trong con người tôi không có những khái niệm ấy.

Trong mỗi con người, khi sống giữa nhân quần, ngoài những phút giây bình thường ai cũng có những sư cô đơn. Nhất là người làm nghệ thuật, lại càng cần những khoảng lặng của cô đơn để sáng tạo. Nhưng nói rằng tôi hoàn toàn cô đơn là không đúng.

Dostoevsky nói rằng, tất cả những kẻ mà lúc nào cũng sống hồn nhiên như hội chợ phù hoa, thì những kẻ ấy không có sự sáng tạo một cách sâu sắc được.

Chúng ta nói một cách trí tuệ, tức là anh hãy nhận lấy sự cô đơn về phần mình để anh có sự sáng tạo, cống hiến.

Đừng nghĩ rằng tôi cô đơn vì tôi chưa lấy chồng, chưa có bạn trai hay không có chồng, đơn giản nó chỉ là sự cô đơn cần thiết để sáng tạo.

Hình như nếu không là một NSND Hoàng Cúc trên sân khấu kịch và trên truyền hình thì sẽ có một nhà văn, nhà thơ Hoàng Cúc?

Đúng là thiếu chút nữa tôi đã là sinh viên trường Viết văn Nguyễn Du. Tôi và Mai Hạnh có nói với nhau là muốn vào đó học. Mai Hạnh viết về thằng Bờm, tôi viết về anh Trần Vân đăng trên lao động, đó là chứng chỉ để vào trường viết văn Nguyễn Du.

Nhưng đó lại là giai đoạn đi biểu diễn miền Nam, nên tôi đã quyết định chọn việc đi biểu diễn chứ không vào trường viết văn học.

Nhưng tôi cũng rất cám ơn vì nghề biểu diễn là định mệnh rồi, còn viết lách, đối với một người yêu văn học như tôi tôi vẫn có thể ngồi viết nếu thời gian và sức khỏe cho phép. Đôi khi cũng chẳng qua trường lớp nào người ta vẫn có thể làm được một cái gì đó.

Xin cảm ơn NSND Hoàng Cúc!

Theo VTC



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.