'Nam muốn học diễn xuất, xem NSND Hoàng Dũng'

Mới vừa khoác lên vẻ mặt của người đàn ông đức độ, chỉ sau một cái chớp mắt đã trở thành tên trùm mafia khét tiếng, làm được điều đó chỉ có thể là NSND Hoàng Dũng.

Mới vừa khoác lên vẻ mặt của người đàn ông đức độ, chỉ sau một cái chớp mắt đã trở thành tên trùm mafia khét tiếng, làm được điều đó chỉ có thể là NSND Hoàng Dũng.

'Nam muốn học diễn xuất, xem NSND Hoàng Dũng'

Anh được so sánh như “con dao pha” của nền sân khấu, điện ảnh Việt Nam. Còn ngoài đời thật, vị Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội này là một người như thế nào, lãng tử kiêu bạc hay thâm trầm sâu sắc?

Hoàng Dũng chọn một buổi trưa trong tuần để trò chuyện bởi anh chỉ rỗi vào giờ ấy. Biết Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội nhiều việc bận rộn, tôi hứa sẽ gọi điện nhắc anh lịch hẹn từ tối hôm trước đề phòng anh quên. Thế rồi chính tôi lại quên khuấy đi mất, để khi đến nơi, anh nhắc lại lời hứa kèm theo nụ cười: “Tôi còn tưởng em sẽ không đến”.

Anh xin phép châm điếu thuốc vì đã trót nghiện món này từ nhiều năm. Có những lúc mải nói, điếu thuốc cứ cháy dở trên tay không gạt, đoạn tàn thuốc dài tới cả lóng tay, ấy vậy mà mắt anh vẫn nhìn tôi nói tiếp câu chuyện, tay canh đúng lúc gạt đi phần thuốc cháy rụi. Cái cách điềm đạm ấy, sự thản nhiên ấy, chỉ có ở người đã bỏ lại sóng gió phía sau lưng và coi điều đang chờ ở phía trước cũng chẳng mấy quan trọng.

“Nữ muốn học diễn xuất, nhìn Lê Khanh, còn nam, xem Hoàng Dũng”

Công bằng mà nói, Hoàng Dũng chưa chắc đẹp trai, hay nếu có, anh khó đẹp trai theo kiểu vừa xuất hiện đã khiến các cô gái trầm trồ. Hoàng Dũng là kiểu đàn ông khiến những người đàn bà từng trải thấy ấm áp, an tâm và khiến những cô gái trẻ thấy sự lãng mạn kiêu hùng như chàng trai Tây Tiến trong thơ Quang Dũng.

Thế nhưng, Hoàng Dũng có hai điểm mà tôi đặc biệt ấn tượng. Anh có đôi mắt to, mí mắt dày khác lạ. Đôi mắt ấy có thể trừng lên nổi giận qua vai diễn một vị vua, hoặc hồn hậu như người cha đức hạnh, cũng có thể nheo nheo giống cái nhìn của gã Sở Khanh.

Bên cạnh đó, anh có một chiếc lúm đồng tiền nằm ở má bên phải, một cái đẹp “ăn điểm” với các cô gái nhưng rất “mất điểm” khi vào vai ông trùm mafia. Tôi trêu anh đẹp trai nhờ có má lúm đồng tiền, cái duyên mà các cô phải mất đến chục triệu để “thẩm mỹ” mới được. Anh lại nhận rằng, mình không có được nhiều lợi điểm về ngoại hình như các nam diễn viên cùng khóa, cho nên bạn bè xung quanh cố gắng một, thì anh phải cố gắng tới bốn, năm lần.

Có lẽ biết mình là ai so với đồng môn nên anh nỗ lực đến nỗi NSND Huỳnh Nga, người đạo diễn tài hoa của sân khấu cải lương, có lần phải thốt lên: “Đào tạo 100 kỹ sư, hy vọng được khoảng 60 người thành nghề. Còn nghề diễn, cả khóa may ra trông chờ được một, hai em. Hoàng Dũng là một, hai em mà tôi đặt hy vọng”. Còn Phó giáo sư Tất Thắng, một nhà lý luận phê bình sân khấu uy tín, lần nào trò chuyện với lớp diễn viên trẻ khóa mới cũng bảo: “Nữ muốn học diễn xuất, nhìn Lê Khanh, còn nam, xem Hoàng Dũng”.

Trên sân khấu, Hoàng Dũng đã ghi dấu hình ảnh của anh vào tâm trí khán giả với vai thầy khóa trong vở Thầy khóa làng tôi (đạo diễn Ngô Xuân Huyền). Đây là một vai diễn khiến anh phải tính toán rất kỹ trước khi hóa thân, bởi tùy theo cách diễn sẽ thể hiện hai kiểu người: một người có chữ nhưng lưu manh hoặc một kẻ trí thức lận đận thi cử dẫn đến bức bánh nên tha hóa bán đi chất xám. Cuối cùng, anh bàn với đạo diễn chọn thể hiện bi kịch người trí thức, khiến cho vở diễn hài hước, nhưng xem kỹ lại thấy đau sâu.

Anh vẫn thường nói chuyện với học trò, đồng nghiệp trẻ rằng đạo diễn là một nghề, diễn viên là một nghề, chứ đạo diễn không phải là người áp đặt diễn viên. Muốn vai diễn đầy đặn, lưu lại trong trí nhớ khán giả thì chính diễn viên phải suy nghĩ và đầu tư sáng tạo trước khi tập với bạn diễn và đạo diễn.

Anh quay lại hỏi tôi: “Em có tin khi lên lớp, tôi nói to một câu là mọi người trật tự hết không? Tôi là một người rất nóng tính, nhưng đến một lứa tuổi nào đó, tính tình tự nhiên đằm xuống. Hơn nữa, ở vị trí giám đốc nhà hát, sự nóng nảy của tôi dịu đi rất nhiều khi đặt mình vào vị trí người khác để thấy sự khó khăn, vất vả của mọi người, từ đó thông cảm với họ”. Anh tâm niệm ngoài đời, mình phải luôn hạ bớt cái tôi cá nhân, còn trong sáng tạo nghệ thuật thì phải làm sao đẩy cái tôi lên cao nhất có thể.

Từ thời của anh đến thế hệ các diễn viên trẻ bây giờ đã gần 20 - 30 năm, thế nên việc “truyền lửa” cho các bạn trẻ như thế nào luôn là điều khiến Hoàng Dũng đau đáu. Anh có cách làm riêng là không bao giờ phung phí lời khen cho một vài sinh viên từ lúc họ vào trường đến khi tốt nghiệp.

Tôi ngạc nhiên hỏi: “Lời khen cũng là sự khích lệ chứ?” Anh điềm đạm bảo: “Không phải tôi tiết kiệm lời khen, nhưng có một số cô cậu học trò mà tôi biết chắc hễ nhận lời khen là sẽ thỏa mãn và chỉ diễn được đến thế. Nhưng nếu tạo áp lực thì có thể hôm sau họ lại diễn hay hơn nữa”.

Có lần, diễn viên trẻ Hồng Đăng, một học trò của Hoàng Dũng đã nói với anh: “Nhiều lúc em ức chế lắm, lần nào em diễn cũng bị thầy mắng, rất hiếm khi thầy không tìm ra lỗi gì. Nhưng sau này mới biết thầy tạo áp lực để bọn em phấn đấu nhiều hơn”.

Lại có những sinh viên mà anh không bao giờ mắng, toàn lựa lời “gần được rồi, cố gắng tí nữa” để tạo thêm hưng phấn cho các bạn diễn tốt hơn. Dù la mắng hoặc động viên, anh đều hết lòng chia sẻ kinh nghiệm và trải nghiệm sân khấu của mình. Khi showbiz có những cá nhân nổi lên qua vài vai diễn, cát-sê cao ngất ngưởng chỉ sau một đêm, Hoàng Dũng vẫn miệt mài lên lớp truyền lửa nghề cho thế hệ trẻ một cách tỉ mỉ. Cứ như anh sẽ đi qua hết cả cánh đồng lớn, bỏ vào từng hố đất chỉ với một hạt cây, thì thầm với chúng và đợi ngày cánh đồng xanh lá.

“Cưới vợ một tuần mới có tiền mua phích nước nóng”

Phía sau một người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng của một người phụ nữ, hẳn anh cũng thế?

Mọi người cứ ưu ái phóng đại lên thôi chứ tôi cũng không giỏi cân bằng lắm đâu. Trong công việc, tôi cũng chẳng thật sự thành đạt, có rất nhiều điều bản thân không làm được. Còn với gia đình, tôi cũng chẳng lo lắng chỉn chu được mọi thứ. Có khi con tôi còn trách sao bố về đến nhà mà cứ cầm điện thoại bàn việc cơ quan suốt.

Tôi nghĩ mỗi người có một quan niệm về mái ấm hạnh phúc riêng. Với tôi, đó là nơi mọi người vui vẻ và tôn trọng lẫn nhau. Có khi về nhà cả ngày vợ chồng không nói được với nhau câu nào âu yếm cả, nhưng ở bên nhau vẫn có cảm giác bình yên.

Để có cảm giác bình yên ấy, chắc anh cũng đã nếm đủ sóng gió?

Khi còn độc thân, tôi sống trong căn phòng riêng chẳng có đồ đạc gì. Cưới xong, chúng tôi bắt đầu mua sắm từng thứ. Thậm chí cưới xong một tuần sau mới có tiền mua cái phích nước nóng. Vậy mà sau này, có tờ báo mạng viết về tôi, giựt tít Những nghi án lấy vợ giàu, tôi đưa nhà tôi đọc mà cười mãi.

Nếu lấy vợ giàu thật thì còn gì để nói. Lúc kết hôn vợ chồng tôi chẳng có gì. Hai người ky cóp một số tiền để tổ chức đám cưới, rồi vay mượn thêm mọi người, mãi lâu sau mới trả hết nợ.

Là một diễn viên phong độ và có tài, anh thường diễn chung với nhiều mỹ nhân của sân khấu, màn ảnh Việt. Ngay đến nhiều người vẫn nghĩ anh và NSND Minh Hòa là một cặp đôi vợ chồng. Chị nhà có ghen không?

Nhà tôi rất quý Minh Hòa. Tôi và Hòa chỉ là hai anh em, chứ không có tình cảm mà mọi người vẫn tưởng. Vợ tôi quý Minh Hòa từ hồi cô ấy còn chưa đóng cặp với tôi. Ngày chúng tôi cưới, anh Lâm (lúc đó là bạn trai, bây giờ là chồng của Minh Hòa) còn đến quay phim. Hai người ấy giúp đỡ đám cưới của tôi rất nhiệt tình.

Có nhiều vở không có tôi, chỉ có Minh Hòa diễn nhưng vẫn mời nhà tôi đến xem. Có những quan hệ nảy sinh tình cảm, có những quan hệ thì không. Mọi người thấy thân quen quá thì nghĩ nọ nghĩ kia, đó là việc của mọi người.

Tôi có duyên được làm việc với rất nhiều diễn viên đẹp, không chỉ Minh Hòa mà có chị Minh Trang, Hoàng Cúc, Thu Hà, lứa diễn viên gần đây có Kiều Thanh, ở bên ngoài nhà hát cũng có Lan Hương, Lê Khanh, Chiều Xuân... Ngay cả nhiều người cứ nghĩ Hoàng Cúc và Hoàng Dũng là hai anh em ruột hoặc hai chị em ruột vì giống tên nhau.

Ở Hoàng Dũng, có sự điềm đạm và thản nhiên của người đã bỏ lại sóng gió sau lưng và coi điều đang chờ phía trước cũng chẳng mấy quan trọng.

Nhưng không thể phủ nhận anh và nghệ sĩ Minh Hoà là một cặp vợ chồng đẹp trên sân khấu cũng như trên truyền hình, hẳn là hai người rất hiểu nhau?

Với Minh Hòa, chúng tôi diễn cùng nhau rất nhiều, đóng vai vợ chồng rất nhiều. Tôi vẫn nhớ một kỷ niệm khi Minh Hòa mới ra trường thì được phân một vai trong vở kịch "Bình minh đó trái tim anh" của nhà viết kịch Tất Đạt. Trong đó tôi đóng vai bác sĩ mới ra trường, bố mất, mẹ ngoại tình, còn Hòa đóng vai em gái tôi.

Em gái thương anh vất vả nên đi bán thuốc lá rong và bị mấy thanh niên trêu ghẹo. Do hiểu lầm, anh trai tát em gái. Minh Hòa hỏi tôi: “Anh tát thật hay tát giả?” Tôi đáp: “Giả thôi, ai lại tát thật”. Nhưng đến lúc quay, cảm xúc dâng trào, tôi không những tát thật mà còn hơi mạnh tay, khiến cho Minh Hòa đau quá. Hơn nữa, cô ấy cũng nhập tâm với vai diễn nên đã khóc thật. Khi cảnh quay xong, tôi hỏi Minh Hòa có đau không. Cô ấy đáp, rất đau, nhưng không sao, bởi có cái tát thật này thì cô mới ưng ý, chứ những lúc tập với cái tát giả vờ, cảm xúc không thể đẩy được đến cao trào. Diễn xong, tôi nhìn mọi người trong trường quay hôm ấy, từ người lo hóa trang, phục trang, đến người làm ánh sáng, đều rơi nước mắt xúc động.

Đó là một trong những kỷ niệm đầu tiên khi bước vào sân khấu, đến giờ cô ấy vẫn nhớ lắm. Những người làm nghệ thuật, nếu không mang cảm xúc vào vai diễn thì làm sao truyền được cảm xúc ấy đến với khán giả.

Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Theo Mốt và cuộc sống



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.