Chờ xử lý “cục máu đông” nợ xấu

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các ngân hàng (NH) phải hạ ngay lãi suất (LS) các khoản vay cũ về 15%/năm và các khoản vay mới đối với các lĩnh vực ưu tiên mức 13%/ năm.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các ngân hàng (NH) phải hạ ngay lãi suất (LS) các khoản vay cũ về 15%/năm và các khoản vay mới đối với các lĩnh vực ưu tiên mức 13%/ năm.

Ngay sau đó, nhiều ý kiến cho rằng việc triển khai rất chậm chạp nếu “cục máu đông” nợ xấu không được đánh tan.

Doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay khiến đời sống của nhiều công nhân lao đao. Ảnh minh họa

Trao đổi với PV , đại diện các NH cho biết sẽ bế tắc nếu NHNN không có giải pháp, hướng dẫn cụ thể về phân loại nợ so với quy định hiện nay.

Đợi hướng dẫn...

Ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch HĐQT Eximbank, cho biết ngày 15-7 NH sẽ giảm LS các hợp đồng vay cũ về mức LS mà NHNN yêu cầu. Tuy nhiên còn phải đợi văn bản chỉ đạo cụ thể của thống đốc. Trong tuần tới NHNN sẽ có văn bản chỉ đạo cụ thể tới chi nhánh NHNN tại địa phương và các NH thương mại. Chi nhánh NHNN tỉnh sẽ làm việc với các NH để triển khai.

Tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ: giảm 13,69%

Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, tính đến ngày 30-6, chỉ tăng 0,76% so với năm 2011. Tính đến ngày 31-5, tín dụng xuất khẩu tăng 12,63%, nông nghiệp nông thôn tăng 3%, công nghiệp hỗ trợ ước tăng 7,13%, riêng tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 13,69%.

Ông Dũng cho biết hiện dư nợ cho vay của Eximbank khoảng 70.000 tỉ đồng và NH đang cho các chi nhánh thống kê lại mức LS cho vay hiện tại để có sự điều chỉnh thích hợp. “Lần giảm LS này không phải đơn lẻ từng NH mà toàn ngành NH cùng chung tay giảm LS. Đó là việc phải làm và được xem như sự chia sẻ của hệ thống NH với khách hàng” - ông Dũng nói.

Ngoài việc giảm LS, Eximbank còn cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi với doanh nghiệp khó khăn. Ông Dũng cho biết không đợi đến hội nghị vừa rồi, mà NH đã có điều chỉnh phù hợp nhằm giúp khách hàng có thể tồn tại và vượt qua khó khăn.

Chủ tịch HĐQT một NH cổ phần tại TP.HCM cho biết đang chờ văn bản hướng dẫn cụ thể từ NHNN. Nếu việc giảm LS hợp đồng vay cũ xuống 15%/năm chỉ dành cho các lĩnh vực ưu tiên thì NH có thể làm được. Tuy nhiên nếu NHNN yêu cầu các NH phải giảm LS cả với các khoản vay tiêu dùng, tín chấp, vay bằng nguồn thu thì không phù hợp vì đây là những khoản vay mang tính rủi ro cao, do vậy NH phải áp dụng biên độ lợi nhuận cao để bù đắp. Ông này cho rằng tốt nhất những khoản vay dạng này NHNN nên để các NH tự tính toán LS.

Phó tổng giám đốc một NH cổ phần lớn tại TP.HCM nói rằng quy định trên sẽ tạo áp lực cho những NH nhỏ, vốn đang áp dụng LS cho vay xoay quanh mức 20%/năm. “Chúng tôi đang đợi hướng dẫn nhưng khả năng sẽ phức tạp do phải sửa lại toàn bộ khế ước cũng như ký lại hợp đồng vay với khách hàng. Chắc khi ban hành văn bản chính thức NHNN sẽ phải cân nhắc từng câu chữ sao cho đảm bảo tính khả thi cũng như quy định đưa ra có thể đi vào đời sống” - vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại diện lãnh đạo một NH thương mại tại Hà Nội đã thẳng thắn cho rằng biện pháp hành chính yêu cầu các NH thương mại buộc phải hạ LS các khoản cũ xuống dưới 15%/năm khiến nhiều NH thương mại không “tâm phục khẩu phục”. Theo ông này, NHNN chỉ nên vận động, khuyến khích các NH thương mại hạ LS thì hợp lý hơn thay vì áp đặt trần LS cho vay.

“LS cho vay vẫn có thể kéo xuống theo chỉ đạo của NHNN nhưng có thể bằng cách này cách khác, có NH sẽ tính toán để bù lại phần chênh lệch LS bị hạ xuống. Có thể ép doanh nghiệp phải trả lãi ngay. Hoặc cộng thêm các khoản phí... Nói chung sẽ xảy ra tình trạng để tự cứu mình thì có NH sẽ tìm cách lách luật” - đại diện lãnh đạo NH thương mại trên nhận định.

Một cán bộ cấp cao của NH TMCP Hàng hải VN cũng cho rằng điều quan trọng quyết định tăng trưởng tín dụng là việc xử lý nợ xấu. Ông này e rằng sẽ bế tắc nếu NHNN không có giải pháp, hướng dẫn cụ thể về phân loại nợ so với quy định hiện nay. Rõ ràng để cải thiện tăng trưởng kinh tế tốt hơn thì NH và doanh nghiệp phải cùng chia sẻ, ngồi lại với nhau. Song thực tế LS các khoản vay cũ có giảm xuống 15%/năm, thậm chí thấp hơn thì có một phần không nhỏ doanh nghiệp không thể trả được vốn vay chứ nói gì đến tiền lãi.

Lãi suất phụ thuộc vào “sức khỏe”

Riêng với chỉ đạo LS cho vay đối với khoản vay mới tối đa là 13%/năm, một số NH cho biết hiện đang thực hiện. Bảng LS cho vay đến 20 mức được phân theo các loại ngành nghề, “sức khỏe” doanh nghiệp... Với các doanh nghiệp khỏe mạnh có dự án kinh doanh tốt thì LS cho vay cũng chỉ 11-12%/năm, thậm chí có thể sẽ xuống trong vài tháng tới. Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc NH Phương Đông, cho biết các hợp đồng giải ngân trong tháng 6 tại NH, LS không vượt quá 14%/năm. Với các hợp đồng cũ, đến kỳ hạn LS sẽ giảm về 14%/năm.

Theo ông Phạm Huy Hùng - chủ tịch HĐQT NH TMCP Công thương VN, LS cho vay lĩnh vực khuyến khích, ưu tiên đã giảm còn 10,5-12%/năm; riêng cho vay mua lúa gạo tạm trữ từ 9-11%/năm.

LS cho vay ngắn hạn của Vietinbank ở mức 11-13%/năm, hầu hết là 12%; trung dài hạn đã xuống 15%, tuy nhiên vẫn có những khoản vay 16%/năm nhưng sẽ giảm trong thời gian tới.

Song cái khó hiện nay không phải chỉ LS mà là ở “sức khỏe” doanh nghiệp có đáp ứng được điều kiện vay hay không. Doanh nghiệp cần LS  thấp đáp ứng được đủ điều kiện vay thì Vietinbank sẵn sàng cho vay ở mức 12%/năm.

Có tài sản cũng không dám vay

Dù có nhu cầu vay vốn sản xuất nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn không tiếp cận được nguồn vốn LS thấp từ NH. Như Công ty cổ phần Tập đoàn dầu khí Anpha cho biết cả tập đoàn đang có nhu cầu vay khoảng 200 tỉ đồng nhưng LS vẫn ngất ngưởng khiến công ty không thể vay.

Để duy trì hoạt động sản xuất, công ty đang phải làm việc với các nhà cung cấp yêu cầu kéo dài thời gian nợ, tăng cường hình thức bảo lãnh thanh toán bằng cách mua tín dụng thương mại với tỉ lệ nhiều hơn.

Lãnh đạo của công ty này cho rằng: “NH đưa ra hàng loạt điều kiện như tài sản thế chấp, báo cáo tài chính phải có lãi và có hợp đồng chứng minh bán được hàng..., toàn những điều kiện mà doanh nghiệp không thể đáp ứng được trong điều kiện hiện nay”.

Vị lãnh đạo này phân tích: các doanh nghiệp đang trong điều kiện khó khăn như hiện nay thì gần như không thể đáp ứng được các điều kiện đó. Nhiều doanh nghiệp đang bán hàng không được, hàng tồn kho cao, chi phí lỗ thì làm gì có báo cáo lãi được. Thứ hai, trong lúc thị trường như vậy làm sao ký được hợp đồng chứng minh bán được hàng. Thứ ba, tài sản đảm bảo thì trước đây có bao nhiêu thế chấp vay NH hết rồi, các khoản vay này hình thành LS cao ngất trời chưa trả được, giờ tài sản ở đâu mà bỏ thêm vô nữa để vay.

Tương tự, với nhu cầu vay 2 tỉ đồng, Công ty TNHH DVTMSX Việt Sin cả tháng nay không thể vay. Hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp này liên tục bị NH trả về do công ty không còn tài sản thế chấp. Bà Tâm, chủ doanh nghiệp này, cho biết công ty đã sử dụng hết tài sản thế chấp để vay bên NH ACB. Hiện khoản vay cũ này bà Tâm đang phải trả LS 16%/năm. Trong khi đó tổng cộng các khoản nợ của các đối tác nơi công ty cung cấp hàng đang nợ công ty 4-5 tỉ đồng.

Theo Tuổi trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.