Chuyện Mai Linh và những đại gia vỡ nợ

Phát triển nóng, đầu tư dàn trải, lấy vốn ngắn hạn dùng cho dài hạn đã khiến cho rất nhiều doanh nghiệp (DN) lao đao. Năm 2012 chứng kiến sự suy sụp, chìm vào vũng bùn đen tối của không ít những tên tuổi lớn, những đại gia một thời lừng lẫy.

Phát triển nóng, đầu tư dàn trải, lấy vốn ngắn hạn dùng cho dài hạn đã khiến cho rất nhiều doanh nghiệp (DN) lao đao. Năm 2012 chứng kiến sự suy sụp, chìm vào vũng bùn đen tối của không ít những tên tuổi lớn, những đại gia một thời lừng lẫy.

Sai lầm giống nhau

Trong những ngày cuối cùng của năm 2012, giới kinh doanh chứng kiến Mai Linh - một đại gia vận tải hành khách - bị vỡ nợ. Tình huống bi đát khiến Mai Linh tính bán hơn 1.000 xe để thu hồi về 200-300 tỷ đồng dùng để trả nợ cho các nhà đầu tư.

Cho dù đang đứng đầu trên phạm vi cả nước về thị phần dịch vụ taxi với khoảng 12.000 đầu xe nhưng Mai Linh đang phải khất nợ với từng trường hợp nhà đầu tư. Thê thảm tới mức, DN nổi tiếng này không thể thanh toán được những khoản nợ vài trăm triệu đồng của người góp vốn mà phải tìm cách gia hạn, mời gọi những người cho vay nhiều trở thành cổ đông trong công ty...

Nói về thực trạng đáng buồn này, ông chủ của Mai Linh, Hồ Huy, thẳng thắn thừa nhận, DN thua lỗ là do "chúng tôi" sai lầm, dùng tiền ngắn hạn đầu tư dài hạn.

Theo ông Huy, các khoản nợ nói trên thực chất là nguồn vốn của những người cùng hợp tác đầu tư, vốn nhàn rỗi của cán bộ công nhân viên, cựu chiến binh và được DN dùng làm vốn lưu động và đầu tư cho hoạt động kinh doanh vận tải.

Đây là nguồn vốn ngắn hạn nhưng được đem đầu tư dài hạn 5-10 năm nên khi mà các nhà đầu tư rút vốn, đặc biệt trong thời buổi kinh doanh khó khăn, dòng tiền cạn kiệt như năm 2012 thì DN không thể xoay xở và chìm ngập trong nợ nần.

Sự mở rộng không ngừng của Mai Linh trong vài năm gần đây với số đầu xe liên tục tăng, đứng đầu cả nước, với gần 60 công ty con rồi việc mua các bất động sản làm trụ sở, trạm dừng chân và việc đầu tư vào vận tải đường dài... trong khi lãi từ công ty con trả về cho công ty mẹ không đủ bù lãi trả cho người góp vốn đã khiến DN lao đao vì nợ nần, đến hạn không trả được.

Trước đó, giới đầu tư chứng khoán hầu như đều biết đến trường hợp khó khăn đến cùng cực của Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (THV), đến mức, ông chủ của doanh nghiệp này, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn An phải chấp nhận thế chấp cả nơi mình đang ở để vay tiền, hỗ trợ công ty.

Bắt đầu từ cuối năm trước và suốt những tháng đầu năm 2012, Thái Hòa đã liên tục phải đàm phán với các chủ nợ là các ngân hàng nhằm chuyển các khoản nợ ngắn hạn sang dài hạn trong bối cảnh DN này ngấp nghé bờ vực phá sản, mất thanh khoản, không có khả năng thanh toán.

Thái Hòa là DN đầu ngành trong lĩnh vực cà phê. Quy mô và sự nổi tiếng của DN này gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây với tổng tài sản lên tới gần 2.000 tỷ đồng nhưng lại hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ triền miên, đối mặt với án hủy niêm yết do phát triển nóng, đầu tư dàn trải, dùng vốn ngắn hạn đầu tư cho dài hạn, chi phí tài chính cao...

Hàng loạt các dự án trồng cà phê dàn trải trên nhiều tỉnh thành đã đẩy DN này vào khó khăn do vay quá nhiều mà không có nguồn thu đủ lớn và kịp thời để trang trải các khoản nợ đến hạn.

Trong quý III vừa qua, cho dù đã có doanh thu thuần trở lại, nhưng Thái Hòa tiếp tục lỗ thêm 70 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 389 tỷ đồng. Từ chỗ là một đơn vị có tiếng tăm, hàng đầu trong lĩnh vực trồng cà phê, Thái Hòa đang phải chấp nhận bán bớt tài sản để bù đắp cho sự thiếu hụt thanh khoản và sự mất cân đối nguồn vốn. Giá cổ phiếu THV từ mức 16.000-17.000 đồng cách đây vài năm, xuống chỉ còn xung quanh ngưỡng 1.000 đồng/cp.

Không chỉ các đại gia mất thanh khoản, nhiều doanh nghiệp lớn vốn được coi là ông trùm về tiền mặt như Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông bầu Đoàn Nguyên Đức - người có tầm nhìn chiến lược rất tốt cũng gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2012 do đầu tư dàn trải quá nhiều vào các lĩnh vực BĐS, thủy điện, cao su, mía đường...

Tình trạng doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn do nợ nần, thua lỗ, mất thanh khoản... do đầu tư dàn trải hoặc/và phát triển nóng xảy ra rất nhiều trong năm 2012, đếm không xuể như trong lĩnh vực BĐS (HQC, VPH, QCG, KBC, NTB, PVR...), các lĩnh vực khác như DDM, TNG, SBA...

Vũng bùn nợ nần

Lý thuyết cho thấy việc dùng đòn bẩy tài chính để phát triển nhanh hơn, mang về lợi nhuận cao hơn cho cổ đông là cần thiết. Tuy nhiên, ở Việt Nam, rất nhiều DN đã lạm dụng đòn bẩy quá đà.

Trong thời kỳ nền kinh tế phát triển nóng, các DN đã ồ ạt vay vốn từ rất nhiều nguồn khác nhau. Tỷ lệ 1 vốn 4 vay thậm chí còn được coi là bình thường và có những trường hợp vay gấp tới hàng chục lần so với vốn tự có.

Kinh tế khó khăn tiếp diễn trong năm 2012 đã khiến sự bất hợp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đầu tư của các DN bộc lộ. Chỉ trong phạm vi sàn chứng khoán, điểm sơ sơ đã có hàng chục doanh nghiệp có nợ ngắn hạn cao hơn nhiều tài sản ngắn hạn. Nợ nần quá nhiều, lãi suất cao, không bán được hàng... đã khiến một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp thua lỗ liên tục, lỗ lũy kế có trường hợp xấp xỉ, thậm chí vượt vốn điều lệ.
Bài toán phát triển nóng, đầu tư dàn trải nhờ vào việc dụng tín dụng dễ dãi trong những năm cuối thập kỷ vừa qua đã khiến không ít các doanh nghiệp vốn đang ở vào vị trí hàng đầu một một ngành nghề chìm xuống bùn đen, thậm chí nó khiến cho các ông chủ doanh nghiệp trắng tay sau bao nhiêu năm gây dựng.

Trường hợp Bianfishco là một ví dụ rất đáng tiếc. Mong muốn phát triển nhanh đã đẩy một DN hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản rơi vào bế tắc, suýt phá sản và cuối cùng đã buộc phải cầu cứu tới sự trợ giúp của Nhà nước và các nhà đầu tư khác.

Bianfisco của đại gia Diệu Hiền vốn nổi tiếng trong lĩnh vực thủy sản xuất khẩu, nuôi hàng ngàn công nhân, làm ăn phát đạt cả chục năm qua. Nhưng DN này đã nhanh chóng rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán với tổng các khoản nợ lên tới trên 1.000 tỷ đồng. Số nợ sau đó đã được Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng (Bộ Tài chính) và ngân hàng SHB mua lại, bơm vốn vào để tổ chức sản xuất kinh doanh.

Có thể thấy, tình trạng mất cân đối tài chính diễn ra ở rất nhiều doanh nghiệp trong năm 2012 khi mà nền kinh tế rơi vào khó khăn. Hàng loạt các vụ đổ vỡ đã xảy ra trên phạm vi cả nước. Tình trạng này rất có thể sẽ còn tiếp diễn trong năm 2013 bởi tình hình tài chính của rất nhiều DN vẫn chưa được cải thiện. Tham vọng phát triển bùng nổ của các DN đang mang lại những hậu quả vô cùng đáng tiếc.
Theo VEF


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.