Cuộc đời doanh nhân bạc mệnh Hà Thúy Linh: Đậm vị trà ô long

Cái chết của nữ doanh nhân Hà Thúy Linh trong chuyến công tác tại Trung Quốc khiến dư luận bàng hoàng mà còn khiến cho không ít người tỏ ra lo ngại.

Cái chết của nữ doanh nhân Hà Thúy Linh trong chuyến công tác tại Trung Quốc không chỉ khiến dư luận bàng hoàng mà còn khiến cho không ít người tỏ ra lo ngại về một thị trường trà ô long xuất khẩu của Cty TNHH Hà Linh sẽ bị gián đoạn, và như thế là sẽ ảnh hưởng phần nào đến sản phẩm trà có tính đặc trưng thế mạnh của Lâm Đồng.

Từ ý định ban đầu
 
Đến ngày 25/9, xem ra, mọi thông tin về nguyên nhân cái chết của Giám đốc Công ty TNHH Hà Linh - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Lâm Đồng Hà Thúy Linh - vẫn còn mờ mịt lắm! “Mặc dầu phía Việt Nam, các cơ quan hữu trách đã làm hết trách nhiệm, song đến lúc này vẫn phải chờ thông tin chính thức từ bên Trung Quốc”, một cán bộ có trách nhiệm của Sở Ngoại vụ Lâm Đồng phát biểu.
 
Sự ra đi đột ngột của nữ doanh nhân Hà Thúy Linh khiến nhiều người thương tiếc. Còn có lý do chị là người hầu như cả đời gắn với cây trà, với sản phẩm trà ô long mà nhiều năm qua được xem là sản phẩm thế mạnh đặc trưng của Lâm Đồng.
 

Nữ doanh nhân Hà Thúy Linh.

 
Hơn thế, Hà Thúy Linh còn được xem là một nữ doanh nhân luôn biết quyết định các vẫn đề một cách đúng lúc. Nói như chị: “Quyết định đúng thời điểm là thắng lợi 50%”.

Hiện sản phẩm trà ô long Việt Nam xuất sang nước ngoài đã được “cởi trói”. Song, để sản phẩm thực sự thông thương, rất cần đến sự “xắn tay áo” của chính doanh nghiệp. Và, có thể xem chuyến đi Trung Quốc để khai thông thương trường cho ô long Công ty Hà Linh của vị nữ giám đốc lần này là một trong những cách “xắn tay áo” đó!

Còn nhớ, lâu lắm rồi (khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước), trong một chuyến công tác của ngành bưu điện Lâm Đồng về vùng Xuân Trường - Cầu Đất, để khảo sát vị trí đặt bia tưởng niệm các chiến sỹ bưu chính viễn thông đã hy sinh trong chiến tranh. Có rất đông người cùng đi, trong đó có Hà Thúy Linh với tư cách là một cán bộ của ngành du lịch (lúc này, Hà Linh còn làm việc trong ngành du lịch).

Buổi trưa, ngồi ăn bánh mì dưới một vòm đá bên cạnh một con suối, bỗng Hà Linh nói một câu tưởng chừng như chẳng ăn nhập gì với xung quanh: “Em mê vùng đất Xuân Trường - Cầu Đất này lắm! Mê mấy thứ cây...”.

Nghe Hà Linh nói tuy... bâng quơ, nhưng anh Nguyễn Duy Ninh - GĐ Bưu điện Lâm Đồng - đoán ngay được ý đồ của cô gái trẻ: “Có phải em thích cây cà phê hoặc cây chè không? Vùng Cầu Đất này được sinh ra như thể để dành riêng cho hai thứ cây trồng quan trọng là chè và cà phê. Cà phê Cầu Đất ngon có tiếng bao nhiêu thì chè Cầu Đất cũng ngon có tiếng bấy nhiêu!”. Hà Thúy Linh bảo: “Em chọn cây chè...”.

Rồi, câu chuyện cũng chỉ dừng ở đó; và xem ra không để lại ấn tượng nào cho nhiều người cùng đi trong đoàn.

Nhưng rồi, chỉ vài năm sau, vào cuối những năm 90, khi Hà Thúy Linh đã có chồng - một ông chồng người Đài Loan - người ta lại thấy “tái xuất” câu chuyện “em chọn cây chè” của Linh trên chính vùng đất mà mấy năm trước đó, chị đã thổ lộ ý định “chiến lược” của mình.

Từ quê chồng ở Đài Loan, sau khi khảo sát, nghiên cứu các giống chè, Hà Thúy Linh “rủ” chồng về Việt Nam làm... doanh nhân trồng chè. Haiyih, chồng của Linh, đồng ý. Nhưng anh không sang Việt Nam một mình cùng với vợ, mà rủ thêm một nhóm bạn bè cùng sang để cùng làm... doanh nhân.

Định hình sản phẩm
 
Tại vùng Cầu Đất, nhóm thương gia Đài Loan thành lập một Công ty và tiến hành khảo sát chất đất, trồng thử nghiệm các giống chè đưa sang từ Đài Loan. Ban đầu, thất bại không ít. Và cuối cùng, kết quả lớn nhất họ thu được là vùng đất Xuân Trường - Cầu Đất của Đà Lạt (Lâm Đồng) hoàn toàn phù hợp với các giống chè, chuyên dùng để chế biến ra sản phẩm trà ô long.

Hơn thế, với ưu thế vượt trội mà không nơi nào ở Việt Nam có được như độ cao cao hơn độ cao trung bình của Đà Lạt, nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ trung bình của Đà Lạt... và đặc biệt là vùng đất quan năm sương bao phủ nên xứ sở Xuân Trường - Cầu Đất, hoàn toàn hội đủ các điều kiện để cho ra đời sản phẩm trà ô long vượt trội với chất lượng cao hơn so với trà ô long của nước ngoài.

Sau đó, năm 2002, vợ chồng Linh - Haiyih tách ra thành lập công ty riêng, chuyên trồng và chế biến trà ô long xuất khẩu lấy tên HaiYih, do Linh làm phó giám đốc và chồng - anh Haiyih - làm giám đốc.

Lại thêm một quyết định đúng đắn của Phó Giám đốc Công ty TNHH HaiYih: Liên kết với nông dân để tạo vùng nguyên liệu trà ô long cho công ty.
 

Vùng chè Cầu Đất (Đà Lạt) nổi tiếng từ thời Pháp.

 
Nói về lý thuyết thì đơn giản, nhưng khi bắt tay vào thực tế thì mới thấy sự liên kết ấy không phải dễ dàng tạo dựng. Bởi lẽ, lúc bấy giờ, cây chè Lâm Đồng cũng đang bước vào giai đoạn “cách mạng”, là cải tạo hoặc ghép các giống mới, có năng suất và chất lượng cao hơn so với giống chè hạt mà nông dân đang trồng. Như vậy, vô tình, cây chè giống ngoại Đài Loan để chế biến trà ô long phải cạnh tranh ngay chính trên “sân nhà” Cầu Đất với các giống chè nội của Lâm Đồng.

Tuy nhiên, với sự kiên trì, bền bỉ thuyết phục, với việc chứng minh hiệu quả thông qua cách làm để cho ra sản phẩm cụ thể giúp nông dân mắt thấy, tai nghe, cuối cùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH HaiYih đã tạo lập được vùng chè liên kết hơn 200 ha chuyên sản xuất các giống chè cao cấp dùng cho chế biến trà ô long, như ô long (giống nguyên bản), kim xuyên, ngọc thúy, thanh tâm, tứ quý, thúy ngọc...

Năm 2008, Hà Thúy Linh tách khỏi HaiYih để đứng ra thành lập công ty riêng, lấy tên là Công ty TNHH Hà Linh, chuyên sản xuất và chế biến trà ô long cao cấp.

Từ HaiYih đến Hà Linh, Hà Thúy Linh đã gặt hái được rất nhiêu thành công. Trong đó, đáng kể là việc góp phần đưa sản phẩm trà ô long trở thành sản phẩm trà tiêu biểu của Lâm Đồng.

Xin được nói thêm, một trong mười chiến lược phát triển mà Lâm Đồng đưa ra cho giai đoạn phát triển sắp đến, là “Xây dựng Lâm Đồng trở thành trung tâm chè của Việt Nam; thành vùng trà ô long có năng suất cao nhất thế giới” (trên thế giới, trà ô long hiện có mặt chủ yếu ở Trung Quốc (kể cả Đài Loan) và Việt Nam. Trong khi, năng suất hiện nay của trà ô long Trung Quốc chỉ đạt bình quân 8 tấn/ha, cao nhất cũng chỉ 12 tấn/ha, nhưng hiện Lâm Đồng đã đạt năng suất trà ô long trung bình 18 tấn/ha, có vùng lên đến 20 tấn/ha).

Nói điều này để thấy sự đóng góp của cá nhân nữ doanh nhân Hà Thúy Linh, từ suy nghĩ ban đầu đến khi tạo lập được một sản phẩm tiêu biểu ô long của HaiYih, của Hà Linh và của cả tỉnh Lâm Đồng quả là rất đáng được ghi nhận!

Theo Lao động


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.