Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về 22%

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề xuất của Chính phủ đưa thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp về 22%, nhưng yêu cầu áp dụng sớm với một số đối tượng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề xuất của Chính phủ đưa thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp về 22%, nhưng yêu cầu áp dụng sớm với một số đối tượng.

Chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tại phiên làm việc chiều 16/4. Trước đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về 20% thay vì 23% của Chủ tịch Quốc hội và cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ đã tiếp thu và đưa mức thuế suất phổ thông về 22%. Thời điểm áp dụng theo cơ quan soạn thảo là đầu năm 2014 và với mọi đối tượng.

Riêng doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối tượng kinh doanh nhà ở xã hội sẽ được hưởng mức ưu đãi 22% ngày từ 1/7. Lý giải sự "ưu tiên" này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết trong khi đối tượng đầu thuộc nhóm dễ tổn thương, gặp khó khăn thì việc ưu tiên cho nhóm kinh doanh nhà ở xã hội là để giải quyết hàng tồn kho bất động sản.

Tại buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hoan nghênh quan điểm này của Chính phủ nhưng ông vẫn đề nghị tính toán để cho mọi đối tượng hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp từ ngày 1/7 năm nay thay vì chờ đến 1/1/2014.

. Ảnh: Hoàng Hà.
Phương án giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% về 22% ưu tiên trước cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh doanh nhà ở xã hội. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo phân tích của bà Vũ Thị Mai, việc này khó thực hiện bởi sẽ gây ảnh hưởng và áp lực lớn lên ngân sách. Bà Mai lấy dẫn chứng, thu ngân sách quý I năm nay chỉ bằng 20,6% dự toán cả năm trong khi mọi năm thường đạt 25%-27%. "Nếu thực hiện ngay từ 1/7 với mọi doanh nghiệp, ngân sách giảm thêm 9.000 tỷ nữa và gây áp lực lớn cho cân đối ngân sách năm nay", đại diện Chính phủ lý giải trước Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Trước những ý kiến khác nhau này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu cả cơ quan soạn thảo và thẩm tra nghiên cứu thêm để chốt hiệu lực thi hành. Bà Ngân cũng nhấn mạnh, lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là từ năm 2014 thuế suất phổ thông là 22% và 20% với một số đối tượng ưu đãi. Đến năm 2016 sẽ đưa tất cả đối tượng về một mức thuế suất 20%.

Dự án sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế giá trị gia tăng dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2014 trong khi việc đưa ra các chính sách về thuế đang rất cấp bách để cứu doanh nghiệp gặp khó khăn. Do đó, Chính phủ đã đề xuất ban hành Nghị quyết về một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn và áp dụng ngay từ 1/7. Tuy nhiên, đa số ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo ngại việc ban hành Nghị quyết này song song với 2 Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Thuế giá trị gia tăng sẽ gây mâu thuẫn và chồng chéo. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý gợi ý nên kết hợp đưa Nghị quyết vào 2 luật này.

Đồng tình với đề xuất trên, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng không cần ra Nghị quyết về thuế bởi theo ông, các chính sách về thuế nên đơn giản để tránh tiêu cực. "Làm luật thì thôi Nghị quyết. Nghị quyết nhằm để hỗ trợ doanh nghiệp sớm từ 1/7. Nếu vậy thì chỉ cần ghi trong luật là các điều khoản hỗ trợ này thi hành từ 1/7 là được", ông Hùng đề nghị.

Không chỉ lo ngại sự chồng chéo trong chính sách luật, các ý kiến tại Thường vụ Quốc hội cũng thẳng thắn cho rằng quy mô gói cứu trợ thông qua Nghị quyết các chính sách về thuế để cứu doanh nghiệp (ước tính giảm thuế khoảng 2.300 tỷ đồng) sẽ khó có sức lan tỏa.

Ông Phan Trung Lý bình luận mức giảm thuế của gói này còn "lắt nhắt và manh mún". "Mức thuế này giảm có thực sự tháo gỡ khó khăn đúng trọng tâm cho doanh nghiệp không? Doanh nghiệp cần nhiều cái khác như giải quyết nợ tồn động, tồn kho hàng hóa, tiếp cận vốn. Nếu thế này thì sức lan tỏa sẽ không cao", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội nói thẳng.

Cuối buổi thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng kết luận Ủy ban thường vụ thống nhất sẽ không ban hành Nghị quyết về một số chính sách thuế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thay vào đó, các chính sách này sẽ đưa vào dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế giá trị gia tăng.

Để tháo gỡ tồn kho bất động sản, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị giảm sâu hơn nữa thuế VAT đầu ra cũng như kéo dài thời gian giảm thuế. Cụ thể, giảm 50% VAT đầu ra (thay vì 30% như đề xuất của Chính phủ) đối với hoạt động bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng một m2. Thời gian giảm kéo dài từ 1/7 năm nay đến hết ngày 30/6/2014. Ngoài ra, không chỉ nhà ở xã hội mà nhà ở thương mại cũng nên được miễn giảm.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại việc ưu đãi thuế với căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2 có thể dẫn đến việc các chủ đầu tư ồ ạt chia nhỏ diện tích sàn, phá vỡ quy hoạch. "Nếu thiếu các giải pháp quản lý sẽ dẫn đến tình trạng tập trung đầu tư các căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2. Do vậy, cần xem xét một cách cẩn trọng, toàn diện trước khi ban hành chính sách này", ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị.

Theo VNE


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.