Hàng thủy sản ế chất đầy kho

Để tồn tại, nhiều doanh nghiệp đã phải tìm cách chuyển hàng tồn ra nước ngoài, bán cá với giá rẻ hoặc giảm sản lượng chế biến xuống bằng nửa trước kia.

Để tồn tại, nhiều doanh nghiệp đã phải tìm cách chuyển hàng tồn ra nước ngoài, bán cá với giá rẻ hoặc giảm sản lượng chế biến xuống bằng nửa trước kia.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), mặc dù nuôi cá tra gặp khó khăn về sản xuất và tiêu thụ nhưng sản lượng chín tháng đầu năm vẫn tăng 4,2% so với cùng kỳ, đạt 865.000 tấn. Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tiết lộ vừa qua, nhiều đơn vị thành lập công ty con ở nước ngoài, nhiều nhất là Mỹ, châu Âu, sau đó bán hàng qua công ty này để lập hồ sơ vay vốn ngân hàng. Như vậy, số lượng thống kê xuất khẩu tăng, nhưng thực chất, thay vì tồn kho trong nước, doanh nghiệp lại chuyển hàng ra nước ngoài.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu cũng mất 1,8% do giá cá giảm. Theo tính toán của một số doanh nghiệp, với giá cá tra ở mức gần 22.000 đồng một kg như hiện nay, để làm ra một kg cá tra philê cần 2,5kg nguyên liệu, tương đương 55.000 đồng. Xuất khẩu khó khăn, chi phí tồn kho làm đội giá thành hơn 700 đồng một kg philê mỗi tháng. Trong lúc đó, nhiều doanh nghiệp do tình hình tài chính yếu kém đã buộc phải bán cá với bất kỳ giá nào để tạo ra dòng tiền tự nuôi sống mình.

Công nhân đóng gói thủy sản. Ảnh: VASEP
Công nhân đóng gói thủy sản. Ảnh: VASEP

Ông Nguyễn Văn Kịch - Tổng giám đốc công ty Thuỷ sản Cần Thơ (Cafatex), cho biết với giá thành hơn 50.000 đồng một kg philê mà vẫn có doanh nghiệp chỉ chào giá 2,2 - 2,4 USD một kg. Bán dưới giá thành như vậy, theo ông, các nhà máy đang ăn vào vốn. "Rơi vào tình cảnh hiện nay nếu không ăn thì không được. Chỉ cần một tuần, một tháng không có dòng tiền xuất khẩu quay về để làm nóng tài khoản thì ngân hàng sẽ ngưng cho vay ngay lập tức", ông Kịch phân tích.

Ông Nguyễn Văn Ký - Tổng giám đốc Agrifish cho rằng việc chấp nhận chịu lỗ bán dưới giá thành để đẩy hàng tồn và xoay vòng vốn đang xảy ra khá phổ biến trong các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, đó lại là con dao hai lưỡi. Thị trường xuất khẩu rất khó hồi phục trong ngắn hạn, vì vậy, doanh nghiệp bán rẻ cá không thể chịu đựng lâu. Hơn nữa, việc xuất khẩu bằng mọi giá còn tạo tiền lệ xấu cho khách hàng ép giá. Bán rẻ cá còn đồng nghĩa với việc doanh nghiệp làm ăn gian dối, hạ chất lượng, dễ gây tổn hại đến uy tín, thương hiệu cá tra.

"Thành tích" sản lượng xuất khẩu đầu năm càng lu mờ khi hiện tại các kho lạnh đầy ắp cá tồn kho. Một số kho lạnh ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Tân Tạo ở Cần Thơ, An Giang không kho nào còn trống số lượng lớn, đa phần đều kẹt cứng. Hầu hết nhà máy chế biến cá tra có xây kho lạnh trữ hàng, rất ít khi phải đi thuê kho. Tuy nhiên, hiện kho thuê ngoài cũng đã quá tải.

Báo cáo tỷ lệ tồn kho hàng thuỷ sản chế biến, gia súc gia cầm được Bộ Công Thương cập nhật chín tháng đầu năm 2012 đã tăng trên 34%. Theo Vasep, thuỷ sản chế biến tồn kho chủ yếu nằm ở mặt hàng cá tra bởi khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp trong những tháng qua là đầu ra không có.

Ông Nguyễn Văn Ký - Tổng giám đốc Agrifish An Giang, cho biết công ty này đã phải giảm sản lượng chế biến từ hơn 200 tấn cá nguyên liệu mỗi ngày xuống còn trên dưới 100 tấn vì có làm ra nhiều thì cũng chỉ để tồn kho. "Nếu ngưng hoàn toàn thì có khác gì công bố phá sản nên vẫn phải làm cầm chừng để nuôi công nhân, bán hàng ra từ từ để có dòng tiền, ngân hàng mới tiếp tục giải ngân", ông Ký nói.

Theo SGTT



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.