Hành trình tụt dốc của DN nhà Cường Đôla

Lập kế hoạch phát triển các dự án bất động sản quá lớn trong khi thị trường khủng hoảng là nguyên nhân khiến đại gia Quốc Cường Gia Lai (QCG) gặp khó khăn.

Lập kế hoạch phát triển các dự án bất động sản quá lớn trong khi thị trường khủng hoảng là nguyên nhân khiến đại gia Quốc Cường Gia Lai (QCG) gặp khó khăn.

Theo bản cáo bạch, QCG được thành lập năm 1994 với tên gọi Xí nghiệp tư doanh Quốc Cường, lĩnh vực kinh doanh chính là khai thác chế biến gỗ xuất khẩu; mua bán và xuất khẩu hàng nông lâm sản và cà phê; xuất nhập khẩu phân bón, với hơn 500 lao động.

Năm 2005, liên kết với Xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh thành lập Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh và bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực bất động sản tại TP.HCM, với 2 dự án điển hình là khu căn hộ cao cấp Hoàng Anh 1 và Hoàng Anh 2.

Đến ngày 21/3/2007 chính thức chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai với vốn điều lệ là 259 tỷ đồng. Từ thời điểm này, QCG được biết đến như một doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề, trong đó bất động sản vẫn là lĩnh vực chủ lực.

Sau khi chuyển hướng sang lĩnh vực bất động sản, QCG liên tục tăng vốn để đổ vào lĩnh vực đòi hỏi nguồn tiền mặt dồi dào. Cụ thể, từ 332 tỷ đồng năm 2009 tăng lên 1.215 tỷ đồng trong năm 2010 (tăng gần 3 lần trong vòng 1 năm).

Sau đợt chuyển đổi trái phiếu phát hành riêng lẻ cho VinaCapital , vốn điều lệ của QCG đã tăng lên 1.270 tỷ đồng. Với số vốn khủng này, QCG được chọn là đại diện cho các cổ phiếu tiêu biểu trên thị trường để tính toán chỉ số VN30 trên sàn HOSE từ tháng 2/2012.

Thế nhưng, khi vốn điều lệ của QCG vượt mốc 1.000 tỷ đồng thì thị trường bất động sản rơi vào tình trạng nguội lạnh sau thời gian tăng nóng. QCG bắt đầu nếm trái đắng từ sự trầm lắng này, nhất là sau năm tài chính 2011. Theo BCTC năm 2011, lợi nhuận của doanh nghiệp âm hơn 43,8 tỷ đồng, trong khi năm trước đó còn lãi hơn 358 tỷ đồng.

Sau năm tài chính bết bát này, lãnh đạo QCG vẫn cố gắng trấn an cổ đông rằng khả năng thanh toán của doanh nghiệp vẫn rất khả quan và doanh nghiệp đã có giải pháp ứng phó với khó khăn. Cụ thể, vốn chủ sở hữu tính đến thời điểm 31/12/2011 chiếm 183,37% vốn điều lệ, thể hiện giá trị thặng dư trên vốn chiếm rất cao, đảm bảo cho các rủi ro kinh doanh trong năm 2012 nếu như thị trường không có dấu hiệu hồi phục.

Tuy nhiên, sự tự tin này của lãnh đạo QCG đã không được "đền đáp", khi lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2012 tiếp tục là con số âm. Theo báo cáo tài chính quý II/2012, lợi nhuận của QCG trong quý này đạt chưa đầy 2,4 tỷ đồng (giảm hơn 93% so với cùng kỳ năm 2011).

Dù lợi nhuận là con số dương, nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm 2012, QCG vẫn lỗ hơn 1,4 tỷ đồng. Kết quả này khiến QCG bị loại khỏi nhóm VN30 trong lần xét duyệt lại mới đây. Từ mức giá khoảng 1.6, sau khi bị "rớt hạng" QCG liên tục rớt giá và hiện giao dịch ở mức 0.7 (tương đương mức giảm hơn 50%).

Dự án căn hộ cao cấp Quốc Cường Gia Lai 2 trên đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh) do Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư. Dự án đã xây phần thô đến tầng 30,  nhưng đã ngưng xây dựng từ nhiều tháng qua.

Quốc Cường Gia Lai chọn hướng đi sai?

Theo giải trình của QCG, nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm này do doanh thu chính là sản phẩm bất động sản không thể đẩy mạnh bán ra như dự kiến. Trong khi đó, chi phí tài chính và chi phí đầu vào lại tăng đáng kể khiến hiệu quả kinh tế không như mong đợi.

Dù xác định thị trường bất động sản trong năm 2012 là hết sức khó khăn, nhưng QCG vẫn đề ra chủ trương tiếp tục đầu tư vào những dự án bất động sản trọng điểm. Thậm chí, doanh nghiệp còn tiến hành hợp tác đầu tư với các đối tác chiến lược để triển khai các dự án chung cư, văn phòng, căn hộ cho thuê, khách sạn, khu thương mại cao cấp và trung cấp.

Ngoài bất động sản, hiệu quả kinh doanh của QCG ngày càng đi xuống còn bắt nguồn từ việc doanh nghiệp "ôm đồm" nhiều dự án không thuộc sở trường. Điển hình là việc đầu tư vào lĩnh vực xây dựng nhà máy thủy điện. QCG hiện đang thực hiện 4 dự án thủy điện gồm: Iagrail I, Iagrail 2, Ayuntrung và Plekeo.

Trước tình hình khó khó khăn hiện nay, QCG đã chủ động triển khai các dự án thủy điện chậm lại thay vì xây dựng cùng lúc 4 dự án. Dù chủ động chậm lại nhưng QCG vẫn phải triển khai các việc đo vẽ, đền bù và hoàn tất thủ tục giấy phép đầu tư cho 4 công trình thủy điện. Đây là vấn đề nan giải, bởi đây là lĩnh vực đầu tư đặc thù nên phần lớn các dự án thủy điện thường khan hiếm nhân lực trong giai đoạn đầu tư và xây dựng.

Trong khi đó, gặp phải mùa mưa nên việc xây dựng hết sức khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nhập khẩu máy móc, nếu không địa phương sẽ thu hồi dự án. Vì lý do này, QGC vẫn phải thường xuyên dồn vốn vào các dự án thủy điện dù lãi suất vay và tỷ giá tăng.

Theo Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.