Sụt hố 2 triệu USD, đại gia Hà Thành mắc kẹt ở Đà Nẵng

Tổng số vốn góp lên tới hơn 40 tỷ - khoảng 2 triệu USD nhưng tới nay ông Thắng - một đại gia ở Hà Nội vẫn chưa thể thu hồi vốn.

Tổng số vốn góp lên tới hơn 40 tỷ - khoảng 2 triệu USD nhưng tới nay ông Thắng - một đại gia ở Hà Nội vẫn chưa thể thu hồi vốn. Việc phát triển ồ ạt khách sạn ít sao ở Đà Nẵng đang gây ra cảnh kẻ hy vọng, người khóc thầm.

'Vỡ trận' khách sạn Đà Nẵng: Nhìn nhau bán tháo, thoát lỗ

Cách đây mấy năm, khi Đà Nẵng nổi lên là một thị trường du lịch mới mẻ thu hút khách du lịch, ông Nguyễn Mạnh Thắng, một nhà đầu tư đến từ Hà Nội, đã đi tắt đón đầu chung vốn xây dựng khách sạn tại đây. Khi đó, ông nhận thấy kinh doanh khách sạn là nghề “hái ra tiền”.

Ở thời điểm đó, theo cách tính của ông Thắng cùng mấy anh em trong nhóm làm ăn, lượng khách tới Đà Nẵng đông, phòng khách sạn luôn khan hiếm. Đây chính là cơ hội cho những người đi trước đón đầu thị trường.

Sau nhiều lần khảo sát thực tế, ông quyết định bỏ vốn vào đầu tư. Hơn một năm đi tìm đất, khách sạn hơn 40 phòng đã được triển khai xây dựng. Tuy không được vị trí mặt tiền giáp biển nhưng ông Thắng vẫn tự tin về khả năng cho thuê phòng của khách sạn này.

Đà Nẵng, kinh doanh khách sạn ở Đà Nẵng, rao bán khách sạn ở Đà Nẵng
Khách sạn nhỏ ở Đà Nẵng đang gặp áp lực lớn về cạnh tranh

Song, thực tế không giống như quan sát bề ngoài. Với lượng khách du lịch tăng mỗi năm từ 10%, tình hình kinh doanh của khách sạn vẫn gặp nhiều khó khăn, lỗ triền miên. Ông Thắng cho hay, kinh doanh khách sạn đang rất khó khăn trong thời điểm này.

“Ai cũng nghĩ phân khúc khách sạn bình dân sẽ đông khách, nhưng cả năm chỉ được vài thời điểm còn lại là phòng để trống”, ông chia sẻ.

Bản thân khách sạn của ông công suất cho thuê đạt 100% chỉ trong vài tháng cao điểm. Những ông chủ khách sạn luôn cố gắng tự tìm nguồn khách, ít chi hoa hồng để nâng chất lượng phục vụ đối mặt với cảnh cạnh tranh không lành mạnh vì không thể chịu nổi tình trạng vắng khách kéo dài. 

Hiện, doanh nghiệp này đang liên kết với các công ty lữ hành, với mức giá ưu đãi để có thêm khách và liên tục quảng bá, marketing. Mặc dù vậy, doanh thu vẫn chưa bù đủ chi. 

Ông Thắng kỳ vọng vào lễ hội pháo hoa và kỳ nghỉ lễ dài 30/4-1/5 sắp tới sẽ giúp khách sạn thu được một nguồn tiền lớn để bù đắp. Nếu tỷ lệ công suất phòng cho thuê vẫn thấp, ông có thể phải chuyển nhượng khách sạn.

“Tính ra, nếu gửi số tiền góp vốn hơn chục tỷ của mình vào ngân hàng cho tới nay có khi lại tốt hơn đầu tư khách sạn. Giờ đã trót góp vốn rồi muốn rút ra cũng không ai đồng ý”, ông Thắng buồn rầu.

Ông Đặng Văn Quang, một nhà đầu tư cũng tới từ Hà Nội, nhận xét, lý do các khách sạn “ít sao” lâm nguy chính là việc ra đời quá ào ạt, dẫn đến cung vượt cầu. Cạnh tranh về giá trở thành cuộc chiến khốc liệt khiến giá phòng xuống thê thảm, dẫn tới hiệu quả kinh doanh không cao. Từ đó, chất lượng dịch vụ sụt giảm. Khi chất lượng giảm đồng nghĩa với việc khách quay trở lại thấp, kéo theo đó doanh thu giảm. Một vòng luẩn quẩn diễn ra: các chủ khách sạn lại phải giảm giá thêm để hy vọng kéo thêm được khách.

Theo lý giải của ông Quang, kinh doanh khách sạn thua lỗ vì năng lực quản lý, dịch vụ kém, mùa đông chỉ khai thác được 10% phòng, tỷ lệ hoa hồng cho các công ty lữ hành, taxi dẫn khách quá cao.

Bán để trả nợ

Các công ty tư vấn và cơ quan quản lý nhà nước tại Đà Nẵng đã cảnh báo kinh doanh khách sạn "thấp cấp" không thật sự hiệu quả. Sau một thời gian xâm nhập vào lĩnh vực này, không ít nhà đầu tư đã phải “nuốt” trái đắng vì kinh doanh thua lỗ, cộng với giá trị BĐS liên tục tụt giảm và hàng tháng vẫn phải trả lãi vay ngân hàng ở mức khá cao.

Đà Nẵng, kinh doanh khách sạn ở Đà Nẵng, rao bán khách sạn ở Đà Nẵng
Một khách sạn ở Đà Nẵng rao bán

Một chủ khách sạn đã bán công trình của mình sau ba năm ôm nợ. Vị giám đốc này than vãn, đúng là đầu tư theo phong trào dẫn tới “chôn vốn”, tăng nợ vay ngân hàng nhưng kinh doanh không hiệu quả để rồi “rã đám” dây chuyền.

“Ai cũng tưởng chỉ cần ngồi chơi chờ khách đến là lượm tiền, nhưng khi lao vào cuộc chơi mới thấy sai lầm vì mình đầu tư kinh doanh thiếu tính chuyên nghiệp. Cuộc chiến khốc liệt tất yếu dẫn đến hiệu quả kinh doanh sụt giảm. Vì vậy, rất nhiều khách sạn trên địa bàn phải bán hoặc chuyển sang hướng kinh doanh khác”, ông chia sẻ.

Được bạn bè giới thiệu đầu tư vào Đà Nẵng cách đây gần 10 năm, ông đánh giá rất cao về triển vọng của thị trường này. Sau khi bàn với gia đình, ông đã bán mảnh đất ở hồ Tây để ôm tiền vào Đà Nẵng đầu tư. 

Tuy nhiên, do không trực tiếp ở Đà Nẵng nên công tác triển khai xây dựng gặp nhiều khó khăn. Dự án khách sạn của ông bị chậm tiến độ, sau đó ông vay thêm vốn ngân hàng và bạn bè để tiếp tục đầu tư. 

Khi khách sạn đi vào hoạt động năm 2012, lượng khách ban đầu cũng khá ổn định. Song, sau đó, xung quanh đó cũng ồ ạt xây dựng khách sạn, kéo theo đó là cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Để giữ khách, ông bắt buộc phải đầu tư thêm để nâng cấp chất lượng, một lần nữa ông lại phải vay thêm vốn. “Lãi mẹ đẻ lãi con”, trong khi tình hình kinh doanh không được như mong muốn ban đầu khiến ông méo mặt.

Ông nghỉ cả việc ở Hà Nội để vào trực tiếp điều hành khách sạn. Sau thời gian dài bám trụ, ông đã quyết định rao bán nó để rời bỏ cuộc chơi. Chủ khách sạn này cho rằng, khi làm ăn không hiệu quả, tốt nhất tìm mối bán hoặc cho thuê lại khách sạn để thu hồi và bảo toàn vốn. Đây là sự lựa chọn tối ưu nhất. Khách sạn của ông được đánh giá 2 sao, có hơn 30 phòng đang rao bán với giá 35 tỷ đồng.

Thê thảm hơn, không ít nhà đầu tư đã lỡ bỏ tiền đầu tư vào lĩnh vực này đang trong cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Theo giới kinh doanh trong nghề, các chủ khách sạn đang âm thầm tìm đối tác để bán lại vì không dám rao bán công khai, sợ không bán được sẽ mất uy tín.

Theo VietNamNet


Đại gia Việt

bất động sản Đà Nẵng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.