Thêm một "đại gia" thủy sản bị vỡ nợ

Nối bước nữ “đại gia” Diệu Hiền, ông Lâm Ngọc Khuân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng), cũng đi Mỹ trị bệnh trong lúc công ty ngập nợ.

Nối bước nữ “đại gia” Diệu Hiền, ông Lâm Ngọc Khuân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng), cũng đi Mỹ trị bệnh trong lúc công ty ngập nợ.
 

Mới đây, ông Lâm Ngọc Khuân từ Mỹ gửi thư về nước cáo bệnh và đồng ý giao tài sản để 7 ngân hàng đang có dư nợ tại công ty này xử lý.
 
Từ Mỹ chỉ đạo xử lý nợ!
 
Trong thư, ông Khuân cho rằng tình hình sức khỏe chưa ổn định nên bác sĩ ở Mỹ chưa đồng ý cho ông về nước để trực tiếp thỏa thuận với các ngân hàng. Vì vậy, khi nhận được các văn bản từ Việt Nam chuyển sang, ông sẽ thực hiện đầy đủ thủ tục xác nhận chữ ký tại cơ quan ngoại giao để ủy quyền bàn giao tài sản cho 7 ngân hàng tham gia tái cấu trúc Công ty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam (Công ty Phương Nam).

Đó là các ngân hàng có chi nhánh tại Sóc Trăng, gồm: NN-PTNT (Agribank), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VietcomBank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cùng 2 ngân hàng ngoài tỉnh Sóc Trăng là An Bình (ABBank) Chi nhánh Bạc Liêu và Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tại Hậu Giang.
 
 
Ông Nguyễn Tấn Bửu, Giám đốc Agribank Sóc Trăng, xác nhận chi nhánh này đang chủ trì việc tái cấu trúc Công ty Phương Nam song không tiết lộ con số cụ thể về nợ nần tại công ty sắp được tái cơ cấu. Theo ông Bửu, tài sản bên trong khuôn viên Nhà máy Chế biến thủy sản Phương Nam chủ yếu được thế chấp tại Agribank và LienVietPostBank. Hiện nay, phía ngân hàng đang yêu cầu Công ty Phương Nam thống kê lại những khoản nợ bên ngoài nhà máy, nợ doanh nghiệp (DN) đối tác, thầu xây dựng... để có đầy đủ số liệu phục vụ cho đề án tái cấu trúc.
 
Theo đó, Agribank dự kiến chuyển một phần vốn vay ngắn hạn (tối đa 6 tháng) sang trung hạn (5-7 năm) để phù hợp với giá trị tài sản đang thế chấp cho Agribank.LienVietPostBank dự kiến chuyển một phần nợ vay sang cổ phần (góp vốn) tại Công ty Phương Nam. VDB có 2 phương án: 50% nợ vay chuyển sang cổ phần, còn lại khoanh nợ 3 năm hoặc khoanh nợ 100% cho DN. Các ngân hàng còn lại, sau khi thanh lý tài sản ngoài khu vực nhà máy, Công ty Phương Nam còn nợ bao nhiêu sẽ chuyển thành vốn góp và chủ sở hữu cũ chỉ nắm giữ 5% cổ phần.
 
Cũng theo người đứng đầu Agribank Chi nhánh Sóc Trăng, sau khi tái cơ cấu, Agribank cam kết bơm vốn cho Công ty Phương Nam vay để phục hồi sản xuất. “Dự kiến đến hết tháng sau, chúng tôi hoàn tất tái cấu trúc Công ty Phương Nam. Dù hoạt động cầm chừng nhưng 9 tháng đầu năm, DN này vẫn duy trì được trên 1.100 công nhân, doanh thu đạt 7 triệu USD” - ông Bửu cho biết.
 
Trụ sở Công ty Phương Nam tại Sóc Trăng
 
Nợ hàng trăm tỉ đồng

 
Trước đó, chiều 21-9, công ty con của Phương Nam là KM Phương Nam đã tổ chức họp với 11 chủ nợ là các DN tham gia xây dựng nhà máy chế biến tôm và cá tra tại thị trấn Kế Sách (huyện Kế Sách - Sóc Trăng). KM Phương Nam hy vọng thống nhất nợ nần với đối tác để báo cáo các ngân hàng tiếp quản.
 
Theo ông Nguyễn Hồng Lâm, người phát ngôn của KM Phương Nam, Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân nhiều tháng nay ở Mỹ, chưa biết bao giờ về nước. Thời gian qua, 2 DN của ông Khuân gặp khó khăn trong thanh khoản, cộng với lãi suất tiền vay cao, ngân hàng thắt chặt tín dụng nên mọi nỗ lực huy động vốn để trả nợ đối tác bị chậm trễ. Hiện nay, lãi thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chỉ đủ trả lãi ngân hàng, lương công nhân và chi phí điện, nước để duy trì hoạt động của nhà máy.
 
Cũng theo ông Lâm, KM Phương Nam nợ ngân hàng khoảng 170 tỉ đồng, nợ các nhà thầu trên 30 tỉ đồng. Công ty mẹ nợ nhiều hơn nên hiện nay có đến 7 ngân hàng là chủ nợ đang bàn hướng chuẩn bị tái cấu trúc DN. Lộ trình tái cơ cấu nợ nần tại Công ty Phương Nam chưa biết bao giờ xong. Vì vậy, DN mong các chủ nợ thông cảm đợi khi nào có lãi sẽ trích ra 50% trả nợ ngân hàng, 50% trả nhà thầu.
 
Kiện ra tòa đòi nợ
 
Không đồng tình với kế hoạch này, các chủ nợ đề nghị KM Phương Nam triệu tập cuộc họp khác với sự có mặt của các ngân hàng để thống nhất phương án xử lý nợ. Ông Bùi Ngọc Thượng, Quản đốc Công ty TNHH Xây dựng Tân Việt Tín (TPHCM), cho rằng không còn tin vào lời hứa nào của lãnh đạo KM Phương Nam vì nhiều lần hẹn trả nợ nhưng không thực hiện. Cùng quan điểm này, 10 nhà thầu chủ nợ của KM Phương Nam cũng thống nhất trong tuần này nộp đơn ra tòa nhờ xử lý các khoản nợ tại DN của ông Khuân.
 
Như vậy, Công ty Phương Nam là DN thủy sản thứ 2, sau Công ty Bình An (Bianfishco) của nữ đại gia Phạm Thị Diệu Hiền lún sâu vào nợ nần.
 Theo NLĐ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.