Thưởng tết 200 viên gạch nung, không nhận mất việc

Cuối năm, ai ai cũng mong mỏi một khoản tiền cuối năm để có tí chút sắm sửa, lo toan Tết nhất. Nhưng đáp lại sự mong mỏi ấy, nhiều doanh nghiệp lại giở mưu hèn, kế bẩn để trốn khoản chi phí này.

Cuối năm, ai ai cũng mong mỏi một khoản tiền cuối năm để có tí chút sắm sửa, lo toan Tết nhất. Nhưng đáp lại sự mong mỏi ấy, nhiều doanh nghiệp lại giở mưu hèn, kế bẩn để trốn khoản chi phí này.

Những món thưởng Tết vô duyên

Chuyện thưởng Tết bằng hiện vật, sản phẩm của công ty đã không còn là chuyện lạ. Hàng ế không bán được, các doanh nghiệp “dí” luôn cho công nhân viên và quy ra tiền thưởng. Thôi thì nếu sản phẩm của công ty là nước ngọt, mì chính, bột canh hay thậm chí giấy vệ sinh thì còn có tí tác dụng trong dịp Tết, còn cố mà dùng được. Đằng này, nhiều doanh nghiệp thưởng cho công nhân viên những món quà chẳng liên quan, khiến họ phải khóc dở mếu dở.

Điển hình như một công ty may mặc ở quận Hoàng Mai, Hà Nội thưởng Tết cho nhân viên 70 cái quần đùi. Trong thời tiết giá lạnh, mưa rét căm căm như thế này, khoản thưởng Tết này vừa vô duyên, vừa vô dụng.

thưởng-tết, gạch-nung, doanh-nghiệp, thưởng-tết-công-ty, tết, mua-sắm-cuối-năm
Nhiều người chết đứng khi nhận được những món thưởng Tết vừa vô duyên, vừa vô dụng - (Ảnh minh họa)

Chị Trần Thị Hải, nhân viên công ty cho biết, nếu như năm trước, mỗi công nhân được thưởng một tháng lương thì năm nay do hàng bán không chạy nên công ty thưởng luôn… hàng ế cho nhân viên. “Trời lạnh nên nếu được tặng quần áo rét thì còn dùng được chứ quần đùi thì…Tôi đã tặng họ hàng, bạn bè mỗi người vài cái nhưng vẫn không hết nên tiếc của phải mang đi bán. Thôi thì được đồng nào hay đồng ấy”, chị than thở.

Vô duyên, vô dụng hơn nữa là khoản thưởng Tết 200 viên gạch của một Công ty vật liệu xây dựng N.D (trụ sở tại đường Lương Ngọc Quyến - TP. Thái Nguyên).

Ông L.T, Giám đốc công ty cho biết, dù công ty là chuyên buôn bán vật liệu xây dựng, nhưng bất động sản năm 2013 điêu đứng, nhu cầu xây, sửa nhà cửa của người dân cũng chẳng là bao, nên cửa hàng của ông T. đều vắng khách và hàng tồn chất đầy kho.

"Đã nửa năm nay tôi chưa nhập hàng mới, còn hàng trong kho hiện nay vẫn đang chất đầy", ông T cho biết. Trong số những lô hàng còn tồn lại, nhiều nhất vẫn là hàng gạch men lát nền do năm ngoái ông T. ham rẻ, mua thanh lý từ một công ty phá sản ở Thái Nguyên.

"Mua về rõ nhiều nhưng chẳng bán được bao nhiêu, nên năm nay tôi tính không thưởng Tết cho nhân viên bằng tiền mặt nữa mà cứ quy ra gạch. Mỗi người 200 viên, tương đương với hơn 2 triệu, mang về để dành sau này xây nhà thì dùng hoặc thích bán, thích tặng cho ai cũng được", ông T nói.

Dù vậy, chuyện để dành 200 viên gạch men trong nhà hoặc đùng đùng đem tặng 200 viên gạch men vào mùa Tết có vẻ hơi phi lý. Bán lấy tiền thì lại càng khó hơn, nếu dễ dàng bán được gạch như vậy, ông T. đã chẳng ế ẩm đến mức phải mang gạch ra thưởng Tết cho nhân viên.

Đuổi luôn, khỏi thưởng

Không gì cay bằng chuyện cuối năm mà bị cho nghỉ việc bởi còn có vài ngày nữa là được tiền thường Tết.

Chị Hà, nhân viên một công ty quảng cáo ấm ức khi đột nhiên nhận được thông báo cho nghỉ việc với lý do là thường xuyên đi làm muộn. Chẳng là nhà chị có con nhỏ nên chị được trưởng phòng linh động cho đôi chút về thời gian đi làm. Cả năm chị vẫn đi muộn về sớm thì chẳng sao, đột nhiên hai tuần gần đây, chị bị sếp cảnh cáo 2 lần liền về việc đi làm muộn. Đến lần thứ 3 thì chị nhận án phạt kèm luôn với thông báo nghỉ việc. Chị Hà bực bội vô cùng bởi đã cuối năm rồi mà còn bị đuổi, bao nhiêu khoản thưởng Tết, lương tháng 13 cũng coi như đi tong.

Không chỉ nhân viên quèn, nhiều người “có chức, có quyền” cũng bị tống tiễn không thương tiếc vào dịp sát Tết. Anh Huấn, trưởng phòng marketing một công ty chuyển phát nhanh tại Hà Nội, kể lại: năm ngoái, khi chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đến tết, đột nhiên anh nhận được đề nghị chấm dứt hợp đồng. Công sức một năm cống hiến của anh coi như công cốc. Anh Huấn chỉ nhận được 50% tiền lương tháng 13, mà mãi mới lấy được tiền chứ không phải do công ty “tự nguyện” trả.

Nhiều công ty thẳng tay “hất cẳng” các nhân viên lương cao, có thâm niên chỉ để trốn khoản chi phí thưởng Tết cho họ. Sau đó, ra Tết họ lại tuyển dụng thêm người mới. Thời buổi “ghế ít, đít nhiều” như hiện nay, kiếm một nhân viên trám vào chỗ trống chẳng phải là chuyện khó khăn gì.

Muốn ở lại ư? Một là tiền, hai là tình!

Tháng vừa rồi, công ty CP X. mới tiến hành thanh lọc, cắt giảm nhân sự. Ai nấy đều lo lắng như ngồi trên đống lửa, nơm nớp sợ hãi mình bị nằm trong danh sách đen.

Để tránh bị khai tử, nhiều người đã phải “vận động hành lang”, xách quà kèm phong bì đến nhà sếp khi nghe phong phanh tin dữ. “Bỏ con săn sắt, bắt con cá rô”, thà mất tí tiền còn hơn là đi tong cả đống tiền lương tháng 13, thưởng Tết.

Hà My, nhân viên phòng kế toán không cam tâm bỏ khoản tiền, bèn dùng nhan sắc để đổi lại vị trí chắc chân. Sau vài cuộc mây mưa chớp nhoáng với sếp, cô nàng ngồi rung đùi, yên tâm về tương lai an ổn trong khi đồng nghiệp mất ăn mất ngủ lo sợ bị cho thôi việc.

Trong Bộ Luật Lao động của Việt Nam không có quy định bắt buộc về lương tháng 13 hay thưởng Tết cho người lao động. Tuy nhiên, chuyện có thêm lương tháng 13 và thưởng Tết vào cuối năm đã trở thành một nét văn hóa mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam áp dụng lâu nay. Đáng tiếc, nét văn hóa này đang bị méo mó phần nào do các "mưu hèn, kế bẩn" né thưởng của các doanh nghiệp trong thời kỳ khủng hoảng.

Theo Tri thức trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.