Trung tâm thương mại ế ẩm, vì sao nhà đầu tư vẫn đổ vốn?

Vị trí đắc địa, hàng hóa chất lượng, nhưng các TTTM cao cấp vẫn chung cảnh “chợ chiều”. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, xây TTTM chưa hẳn là bước đi thiếu suy tính của DN.

Vị trí đắc địa, hàng hóa chất lượng, nhưng các TTTM cao cấp vẫn chung cảnh “chợ chiều”. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, xây TTTM chưa hẳn là bước đi thiếu suy tính của DN.

Tại sao TTTM cao cấp vắng khách?

Thực trạng vắng khách, mua bán kém sôi động là quang cảnh dễ nhận thấy hiện nay tại các trung tâm thương mại (TTTM) cao cấp ở Hà Nội và TP.HCM.  Đơn cử như TTTM Lotte Center Hà Nội mới khai trương vừa tròn 2 tháng, vị trí đắc địa giữa thủ đô, được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ trở thành “thiên đường” vui chơi,  mua sắm tại Hà Nội. Tuy nhiên, sau ngày khai trương đón lượng khách khổng lồ gây tắc nghẽn giao thông cục bộ khu vực xung quanh tòa cao ốc, số lượng khách giảm dần và chỉ sau 2 tháng, TTTM này rơi vào cảnh ế ẩm.
 

Quang cảnh sang trọng nhưng đìu hiu của Lotte Hà Nội. Ảnh: Lê Hiếu

Cách đây hơn 1 năm, Tràng Tiền Plaza với diện mạo mới được đầu tư tới 400 tỷ đồng tại “đất vàng” của Hà Nội, hội tụ các thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Versace, Burberry, Christian Dior, Catier… cũng đi vào hoạt động và nhanh chóng vắng khách lui tới.

Để kích cầu, nhiều TTTM thường xuyên thực hiện các chiến dịch giảm giá đồng loạt 30-50%, nhưng lượng khách không mấy cải thiện. Lý giải thực trạng này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, ngoài các lý do khách quan như: kinh tế khó khăn, dòng khách hạng sang cắt giảm chi tiêu, khách tầm trung tìm về với chợ truyền thống, môi trường cạnh tranh gay gắt giữa các TTTM cao cấp trên thị phần nhỏ hẹp và giữa TTTM với các cửa hàng dân sinh với ưu thế về giá cả và tính thuận tiện… thì câu trả lời còn nằm ở  ý đồ chủ quan của một số nhà đầu tư.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: “Không nên nhìn sự việc từ bên ngoài mà đánh giá TTTM cao cấp tại Việt Nam ế khách, bởi biết đâu doanh nghiệp không chủ đích hướng tới thị trường bán lẻ, các nhà đầu tư đã cân nhắc yếu tố thị trường và xác định phân khúc khách hàng cho riêng mình”.

Là người có nhiều năm kinh doanh tại Mỹ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đi sâu phân tích về mô hình TTTM tại Mỹ và các nước phát triển. Ông Hiếu cho biết, mô hình TTTM ở Mỹ là nơi tập trung trưng bày những gian hàng xa xỉ của các thương hiệu cao cấp trên thế giới, hướng tới đối tượng khách hàng chủ yếu là khách mua buôn. Còn các trung tâm mua bán hoặc siêu thị được hiểu như mô hình chợ truyền thống ở Việt Nam, là nơi cung cấp những mặt hàng thiết yếu, có mức giá bình dân mới hướng vào khách mua lẻ.  Do vậy, nếu hiểu đúng nghĩa các trung tâm mua bán hàng xa xỉ tại Việt Nam hiện nay là TTTM thì vấn đề số đầu người đến mua lẻ hàng hóa mỗi ngày không phải là yếu tố một số nhà đầu tư TTTM cao cấp quan tâm hàng đầu.

Xây TTTM, mạo hiểm hay khôn ngoan?

Để được cấp phép xây dựng TTTM với diện tích lớn, vị trí đắc địa, số vốn khủng, các chủ đầu tư phải lên kế hoạch chuẩn bị về thủ tục cấp phép, quá trình đàm phán và kêu gọi đầu tư kéo dài từ 4-5 năm cho tới cả chục năm, dựa trên những đánh giá thị trường tích cực đương thời. Do vậy, theo chia sẻ của chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, khi nhà đầu tư được cấp phép xây dựng, dù nhận thấy các tín hiệu thị trường không hề khả quan nhưng rơi vào thế “đã giương cung, đành phải bắn”.
 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: “Ngay cả việc kinh doanh TTTM nếu có thua lỗ trong thời gian đầu thì khi thị trường BĐS khởi sắc trở lại, chúng ta sẽ thấy các nhà đầu tư đã khôn ngoan như thế nào khi nắm trong tay những khu đất vàng tại các thành phố lớn”. Ảnh: Tuan Mark

Nhận định đầu tư xây dựng TTTM cao cấp trong giai đoạn này là bước đi mạo hiểm của các nhà đầu tư, song theo ông Hiếu, nếu trường vốn, sớm nhất là năm 2016, các TTTM sẽ khởi sắc sau khi kinh tế Việt Nam thoát đáy. “Nhiều chuyên gia tin rằng, kinh tế Việt Nam đã thoát đáy nhưng dựa trên các tín hiệu thị trường, tôi thấy nền kinh tế vẫn đang chạy dài ở đáy chữ U ít nhất là 2 năm nữa. Do vậy, việc của các doanh nghiệp hiện nay nên làm thực hiện những thay đổi thích hợp để TTTM thân thiện hơn với người tiêu dùng, hút khách trở lại và cầm cự tốt trong 2 năm tới”.

Phân tích theo hướng khác, chuyên gia Nguyễn Minh Phong chia sẻ, đầu tư xây dựng TTTM cao cấp hiện nay chưa hẳn là bước đi thiếu suy tính của các doanh nghiệp. Ông cho rằng, kinh tế khó khăn là thực trạng chung. Do vậy, nếu các TTTM bị sụt giảm về số lượng khách hàng thì mặt khác, lại thuận lợi trên nhiều yếu tố, như BĐS hạ nhiệt, giá đất giảm, giá nhân công giảm, giá hàng hóa giảm, ưu đãi thuế… Xét trên các yếu tố ấy, khó có thể đánh giá việc doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại về kinh tế lớn khi sụt giảm khách mua.

Mặt khác, chuyên gia này cho biết, đầu tư xây TTTM là hướng đi lâu dài của các doanh nghiệp nên không thể nhìn vào thực tế một vài năm đầu vắng khách để kết luận tính khả thi của các dự án kinh doanh lớn. “Ngay cả việc kinh doanh TTTM nếu có thua lỗ trong thời gian đầu, thì khi thị trường BĐS khởi sắc trở lại, chúng ta sẽ thấy các nhà đầu tư đã khôn ngoan như thế nào khi nắm trong tay những khu đất vàng tại các thành phố lớn”, ông Phong chia sẻ.

Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.