Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, nhóm bạn lớp đại học của tôi muốn tổ chức một buổi dã ngoại 2 ngày 1 đêm ở ngoại thành Hà Nội để kỷ niệm 10 năm ra trường và ôn lại kỷ niệm xưa. Dĩ nhiên, tôi cũng muốn tham gia vì lâu rồi không gặp lại bạn bè cũ. 

Tôi nói với chồng về kế hoạch của lớp và anh ủng hộ, nói tôi thỉnh thoảng nên đi gặp bạn bè cho vui, anh sẽ nhận nhiệm vụ ở nhà trông con (3 tuổi). Nghe chồng nói vậy, tôi vui lắm. Nhưng tôi biết, còn một người nữa tôi cần phải xin ý kiến, đó chính là mẹ chồng tôi.

Hơn 4 năm về làm dâu mẹ chồng, tôi như một người phụ nữ mất tự do, ít khi được quyết định theo ý mình. Ngay cả chuyện sinh con ở đâu, đặt tên con là gì, tôi cũng phải nghe theo sự sắp xếp của mẹ chồng.

Mẹ chồng tôi không phải tuýp người quá cổ hủ, hay soi mói con dâu nhưng bà có những nguyên tắc nhất định. Tôi đi đâu, làm gì cũng phải báo cáo và xin ý kiến mẹ chồng. Và suốt thời gian qua, tôi luôn phải sống theo cái nề nếp, gia phong đó của bà.

Dự định đi họp lớp dịp nghỉ lễ, câu nói của mẹ chồng khiến tôi bật khóc- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Lần này, tôi kể với mẹ chồng về chuyến đi, nhẹ nhàng như một buổi gặp mặt kỷ niệm 10 năm ra trường, chỉ có điều được tổ chức trong 2 ngày.

Tuy nhiên, vừa biết tôi định đi chơi dịp lễ, mẹ chồng đã cắt ngang lời tôi, giọng không lớn nhưng dứt khoát: "Phụ nữ quan trọng nhất là gia đình. Dịp lễ là để ở nhà lo hương khói tổ tiên, thu vén nhà cửa, chứ không phải đi tụ tập bạn bè qua đêm rồi phát sinh nhiều chuyện không hay.

Mình là người đã có chồng con rồi, cũng không còn trẻ để chạy theo những thứ xa xỉ ngoài xã hội nên tốt nhất không nên đi. Mẹ nói ít, con hiểu nhiều, đừng làm điều gì khiến mẹ thất vọng".

Nghe mẹ chồng nói, tôi im lặng. Mọi háo hức trong tôi dường như bị dội gáo nước lạnh. Dù rất muốn nói với mẹ chồng rằng tôi cũng cần có khoảng riêng tư, cần thời gian nghỉ ngơi khi đi làm cả tuần, sáng đi tối về, có hôm mệt đến mức chỉ muốn nằm xuống ngủ một giấc thật sâu, nhưng vẫn cố gắng vào bếp nấu ăn, lo cho gia đình. Chưa một lần tôi bỏ mặc trách nhiệm làm dâu, làm vợ.

Nhưng rồi tôi lại không nói gì. Vì tôi biết, dù có giải thích, mẹ chồng cũng sẽ không hiểu. Trong mắt mẹ chồng, con dâu đi chơi là điều không đúng, là thiếu trách nhiệm với gia đình.

Tôi biết mẹ chồng tôi là người sống theo nề nếp, coi trọng truyền thống. Nhưng đôi khi, tôi ước gì mẹ có thể đặt mình vào vị trí của tôi – một người phụ nữ vừa đi làm, vừa làm dâu, làm vợ, làm mẹ.

Có những lúc tôi tự hỏi: Nếu tôi là con gái ruột của mẹ, liệu mẹ có ngăn tôi đi chơi như vậy không? Hay chỉ vì tôi là "con dâu" nên mọi hành động của tôi đều phải cân nhắc sao cho vừa lòng người khác?

Câu chuyện kết thúc với sự nặng trĩu trong lòng tôi. Về phòng, tôi bất giác bật khóc vì tủi thân. Dù ấm ức trong lòng nhưng cuối cùng, tôi vẫn phải cầm máy, nhắn cho nhóm bạn: "Tao không đi được rồi…".

Chỉ một câu ngắn ngủi ấy nhưng khiến tôi phải suy ngẫm. Mọi sự cố gắng của tôi dường như vẫn chưa chạm được tới mẹ chồng để được bà "thương" như một người con gái trong nhà. Và có lẽ, với mẹ chồng, tôi vẫn là "người ngoài", một đứa con dâu "khác máu tanh lòng" không hơn không kém!

Nhiều bạn bè nói tôi hèn, không dám "bật" lại mẹ chồng vì cuộc sống là của mình, mình có quyền quyết định. Nhưng hoàn cảnh gia đình tôi neo người, bố chồng mất sớm, mình mẹ chồng nuôi chồng tôi khôn lớn. Nếu tôi và mẹ chồng mâu thuẫn sẽ đẩy anh vào thế khó xử khi một bên là mẹ, một bên là vợ. Và thực lòng tôi không muốn căng thẳng xảy ra.

Tôi nên làm thế nào để lòng thoải mái, nhẹ nhàng hơn đây?

Theo Gia đình và Xã hội