9X Việt đấm chuông tri thức ở nước ngoài

Nhiều du học sinh Việt Nam đạt thành tích vẻ vang như nhận học bổng tiến sĩ hoặc trở thành nghiên cứu sinh ở những trường hàng đầu nước Mỹ và thế giới.

Nhiều du học sinh Việt Nam đạt thành tích vẻ vang như nhận học bổng tiến sĩ hoặc trở thành nghiên cứu sinh ở những trường hàng đầu nước Mỹ và thế giới.

Những “cơn mưa” học bổng

Châu Thanh Vũ (quê Ninh Thuận) giành học bổng tiến sĩ của 8 trường đại học ở Hoa Kỳ (trong đó có Đại học Harvard), là minh chứng rõ nhất cho khả năng chinh phục những trường hàng đầu thế giới của người trẻ Việt.

Tốt nghiệp cấp 2 tại mảnh đất Phan Rang nắng gió, Thanh Vũ chuyển lên học trường phổ thông năng khiếu tại TP HCM. Năm lớp 11, cậu nhận học bổng của trường United World College (UWC), bang New Mexico, Mỹ. Việc ra nước ngoài học tiếp chương trình phổ thông chính là bước ngoặt để Thanh Vũ tiếp tục nhận được học bổng đại học của 7 trường ở Mỹ, Đức và Canada.

Học xong đại học, Vũ bắt đầu kế hoạch “săn” học bổng tiến sĩ. Với trí tuệ và nỗ lực của mình, Thanh Vũ xuất sắc vượt qua hàng trăm hồ sơ ứng tuyển để giành học bổng toàn phần 5 năm tiến sĩ kinh tế (79.000 USD/năm) tại Đại học Harvard.

9X Việt đấm chuông tri thức ở nước ngoài
Châu Thanh Vũ và bạn.  

Sau khi được Havard xướng tên, Thanh Vũ tiếp tục nhận được học bổng tiến sĩ của 7 ngôi trường danh tiếng khác, gồm: Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học Princeton, Đại học Stanford, Đại học Chicago, Đại học Yale, Đại học Columbia và Đại học Minnesota.

Cũng nổi tiếng trong giới du học sinh Việt Nam về khả năng tìm học bổng, vừa qua, Phan Đức Huy đã từ chối lời mời gọi của 10 trường đại học, chọn học bổng tiến sĩ toàn phần của Massachusetts Institute of Technology - viện công nghệ thuộc hạng số 1 thế giới.

Học tiến sĩ ở Massachusetts, Đức Huy làm việc ở phòng thí nghiệm khoa học hạt nhân để nghiên cứu vật lý năng lượng cao về những hạt cơ bản cấu thành vật chất và sự tương tác giữa chúng với nhau.

Huy tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học như ước mơ hồi nhỏ, dù biết con đường này khó khăn và thu nhập không tốt bằng việc trở thành kỹ sư.

Trước đó, Đức Huy cũng giành được học bổng Harry Jones (mỗi năm chỉ có một suất dành cho sinh viên ưu tú) của Đại học McDaniel. Cậu đồng thời được nhận vào hội Honor Society Phi Beta Kappa - một trong những tổ chức học thuật danh giá của nước Mỹ.

Một du học sinh Việt khác cũng được nhận vào Phi Beta Kappa là Bùi Minh Triết. Tốt nghiệp trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong TP HCM, Minh Triết nhận học bổng toàn phần (4 năm) của trường McDaniel College, Mỹ.

Triết vừa được hội đồng khoa học Đại học Y khoa Harvard gọi tham gia dự án nghiên cứu đào tạo các nhà khoa học và bác sĩ trẻ của năm 2015. Theo đó, Triết vinh dự được làm việc dưới sự hướng dẫn của giáo sư Andrew Kruse tại Đại học Y khoa Harvard.

Bên cạnh đó, Minh Triết sẽ tiếp tục một phần đề tài nghiên cứu của giáo sư Brian Kobilka - người nhận giải Nobel Hóa học năm 2012 - ở trường Y, Đại học Stanford.

Khát vọng sau những thành công

Thanh Vũ, Đức Huy, Minh Triết chỉ là 3 trong số rất nhiều những 9X Việt đang ngày đêm “đấm chuông tri thức” ở nước ngoài. Bằng tài năng, nỗ lực không ngừng vươn lên, các bạn trẻ đã tạo ra một thương hiệu Việt ở các trường đại học hàng đầu thế giới.

Và tất nhiên, đằng sau những thành công khiến nhiều người ngưỡng mộ ấy, những du học sinh Việt Nam tiếp tục đốt cháy khát vọng vươn ra biển lớn của tri thức nhân loại mênh mông.

9X Việt đấm chuông tri thức ở nước ngoài
Minh Triết là một trong những du học sinh xuất sắc ở nước ngoài.

Sau khóa đào tạo tại Harvard, Minh Triết dự định sẽ nộp đơn vào chương trình phối hợp MD/PhD (đồng đào tạo bác sĩ và tiến sĩ nghiên cứu) tại một trường Y uy tín ở Mỹ. Anh chàng sẽ tiếp tục hành trình nghiên cứu, theo đuổi giấc mơ và tham gia đào tạo những nhà khoa học trẻ.

Thanh Vũ chia sẻ “Mình sinh ra ở Ninh Thuận, chứng kiến nhiều cảnh nghèo, nên rất muốn công việc sau này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến quê hương”.

Trả lời câu hỏi “sau khi tốt nghiệp có về Việt Nam cống hiến?”, không chỉ Vũ, mà nhiều bạn trẻ cũng mong muốn trở về. Tuy nhiên, chuyện về hay ở có lẽ không quan trọng bằng việc họ sẽ chọn được cho mình nơi mà tài năng của họ có thể phát huy tối đa.

Điều đáng mừng nhất là khát vọng của những người trẻ vẫn cháy sau những thành công. Họ đã xây được những “cây cầu” nối Việt Nam với bạn bè quốc tế trên dòng sông tri thức của nhân loại.

Theo Bùi Ngọc Tân/Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.