Hạnh Thúy: "Tôi không hiền nhưng giỏi nhịn"

Hạnh Thúy lạ lùng nhất trong những phụ nữ tôi từng gặp. Chị từng là đồng môn của Việt Hương, Thúy Nga, Tiết Cương… Trong khi hầu hết tên tuổi bạn bè đều được nhiều người nhắc đến thì Hạnh Thúy chỉ như kẻ mới nhập cuộc.

Lận vào lưng hai tấm huy chương vàng (một của điện ảnh với vai trò diễn viên phụ, một của sân khẩu với vai trò đạo diễn) nhưng có những khoảnh khắc trong lúc trò chuyện, ánh mắt của Thúy ngơ ngác trước những câu hỏi của tôi, như chẳng biết mình đang là ai, muốn và cần gì.

Tôi nhìn thấy trong người phụ nữ này sự mâu thuẫn cùng cực, kiểu của một kẻ đi trên sa mạc, khát bỏng cổ nhưng thấy nước lại không dám đến uống, vì nghĩ khi đụng vào, nước sẽ cạn. Thế nhưng, chị tự nhận mình không hiền. Đã có lần không nhịn được, chị đã nổi nóng với các bậc tiền bối, cãi đến cùng để khẳng định giá trị bản thân.

Chị cũng xinh, duyên dáng và có tài, lại được đào tạo bài bản. Nếu không, chị khó lọt vào mắt đạo diễn Bùi Thạc Chuyên để có mặt trong phim Sống trong sợ hãi. Bộ phim đã mang về cho chị giải diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15. Vậy tại sao sau nhiều năm vật lộn với nghề, cái tên Hạnh Thúy vẫn còn là một ẩn số?

Mỗi người có một số phận, số của tôi chỉ ở mức trung bình. Đôi khi, nhiều người nghĩ lẽ ra tôi phải được như vậy, như kia, còn tôi không thấy chạnh lòng chút nào. Tôi cảm giác những thứ đang có phù hợp với mình, tính cách của mình. Nếu có nhiều hơn, chẳng hạn như một cái nhà to, đi xe hơi đẹp… chưa chắc tôi đã có cách ứng xử ngang tầm.

- Sao chị lại an phận trong cái nghề cần sự cầu tiến, cầu danh?

Ai cũng muốn có nhiều thứ, nhưng mỗi người chỉ đạt được tới một mức nào đó thôi. Còn nếu làm mọi cách để đạt được điều mình muốn thì người ta sẽ phải mất thêm nhiều thứ khác. Quan trọng là tôi biết mình muốn gì. Muốn nhiều, sau đó được nhiều, và cuối cùng là mất nhiều thì không nên.

- Tôi hiểu tâm tư chị. Nhưng tôi thấy chị có tố chất để trở thành diễn viên hạng nặng, kiểu như Hồng Ánh, Mai Hoa… chẳng hạn?

Tôi thấy mình như một cục than đá, chưa có lửa để làm nó tỏa sáng. Tôi thêm một cái gì đó để thổi bùng mình lên, vắt hết những thứ còn lại trong người. Đó là tình yêu với vai diễn, là tinh thần lao động miệt mài. Tôi cảm thấy mình còn màu mỡ, chỉ có điều không quen tìm cơ hội. Tôi cứ ngồi đợi cơ hội đến với mình chứ không đi tìm. Trong suy nghĩ của tôi, một cơ hội đẹp, ngon chắc chắn không đến với mình. Cho nên, tôi chỉ kiếm sống là chính.

- Hiện chị kiếm sống bằng những công việc nào?

Diễn kịch, quay phim. Nhiều người nói điện ảnh đang quay lại cái thời mì ăn liền, bát nháo hồi xưa. Nhưng tôi thấy nhiều diễn viên sống được bằng phim truyền hình.

- Chị không khát khao, mơ ước có một vai diễn để đời sao?

Tôi vẫn mong mình giỏi hơn nữa. Tôi có thể làm được tốt hơn nữa, nhiều hơn nữa và kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng hiện giờ, tôi tự bằng lòng với những gì đang có.

- Nói chị đừng giận, tôi thấy chị nhạt, cái gì cũng lấp lửng?

Nhiều lúc tôi cũng cảm thấy mình nhạt nhạt, thiếu sự gai góc. Thế nhưng, tôi rất ngại đụng chạm.

- Ngại va chạm làm sao có đủ vốn sống để làm nghề?

Va chạm không có nghĩa là phải đụng chạm với người này, người nọ. Tôi không thiếu kinh nghiệm va chạm, cọ xát với cuộc sống, gia đình tôi ai cũng tự lập từ nhỏ. Tôi cũng đã từng trải qua những khó khăn, vui có, buồn có. Nhiều người hỏi tại sao tôi lại làm rất nhiều nghề, vì tôi phải làm gì đó để sống. Có thể là bán rau ngoài chợ, bán phở, phụ bán quán, hay đi múa, diễn kịch, tấu hài… Hồi nhỏ, tôi mua vịt về nuôi rồi bán để kiếm tiền đi học. Sau đó, tôi đi bắt cá rồi học nghề uốn tóc. Thỉnh thoảng, tôi đi sửa quần áo, bán chuối nướng. Nói chung, tôi làm đủ nghề, thành ra việc gì cũng có chút kinh nghiệm.

- Nếu đã va chạm nhiều, chị phải năng động, sao cứ mãi chờ cơ hội? Thậm chí nếu cần, chị phải biết xắn tay áo nhảy vào giành chứ?

Nhiều lúc tôi cũng muốn giành nhưng không được (cười)

- Chị không chạnh lòng khi nhìn thấy người này, người kia sao?

Thỉnh thoảng cũng có, nhưng để nghĩ nhiều thì không. Mỗi khi nhận một công việc nào đó, tôi nghĩ nhiều về nó, để có thể làm tốt nhất. Sau khi hoàn thành, tôi không nghĩ về nó mà để dành đầu óc cho những việc khác.

- Chị không thấy buồn khi các bạn đồng môn của mình như Tiết Cương, Việt Hương, Thúy Nga đang kiếm được nhiều tiền?

Thực ra, nghề diễn viên cũng bấp bênh lắm, vì không có vai diễn thì không biết làm gì. Lớp tôi ngày đó ai cũng nghèo, Tiết Cương, Minh Đạt cũng vậy, chỉ Thúy Nga là khá. Cả lớp ra trường không biết làm gì. Hương và Thúy Nga xin theo tấu hài, thầy không cho. Thầy nói nếu có diễn thì nên diễn kịch, nhưng lúc đó làm gì có nhiều phim hay để đóng. Thế nhưng bây giờ ai cũng thành danh nên tôi rất vui. Tổ nghiệp đã thương lớp tôi và thầy Minh Nhí dạy cũng mát tay.

- Chị mới nhận được Huy chương vàng với vai trò đạo diễn sân khấu trong Hội diễn Sân khấu kịch nói toàn quốc cuối tháng chín, đầu tháng mười vừa qua. Cảm giác có khác khi nhận được huy chương vàng bên điện ảnh?

Rất sướng! Lần trước cũng sướng nhưng lần này cảm giác sung sương nhiều hơn. Tôi thấy mình trưởng thành hơn trong nghề. Quan trọng hơn, khi tôi nhận giải có rất nhiều bạn bè đồng nghiệp biết đến và ủng hộ. Lần nhận huy chương bên điện ảnh, khi ban tổ chức gọi tên tôi, mọi người cùng vỗ tay, nhưng bên cạnh tôi chỉ có chị Mỹ Uyên.

- Chị có vẻ rất thân với Mỹ Uyên?

Không, vì tôi và chị Mỹ Uyên chỉ làm việc với nhau có một lần. Nhưng qua lần đó, tôi thấy được sức sống mạnh mẽ ở chị ấy.

- Đang làm diễn viên, chị nhảy sang học đạo diễn sân khẩu, trong khi nghề này vốn đất chật người đông và ai cũng than không đủ sống. Phải chăng chị muốn cái tên Hạnh Thúy nghe sang hơn?

Đến giờ tôi vẫn cho rằng khả năng của mình rất tạm thời, không thể xây dựng thành đẳng cấp nào đó. Hiện nay, người ta nhìn nhận và đánh giá tôi rằng: “À, Cô bé này làm việc hết sức mình, nó nhiệt tâm”. Thế thôi. Còn để gọi là đủ cái tên Hạnh Thúy bảo đảm cho điều gì đó chắc chắn sẽ thành công thì không phải.

- Nghĩa là giải thưởng lần này do chị ăn may mà có?

Vừa có may mắn vừa có sức lao động của tôi đấy chứ. Thật ra, đó là công sức của một e kip, là các anh chị diễn viên, thầy chủ nhiệm Nguyễn Văn Phúc, nhạc sĩ, thiết kế… diễn viên quần chúng và bộ phận hậu đài.

- Chị lành thật đấy, tôi khiêu khích từ nãy đến giờ mà chẳng thấy chị có vẻ gì là muốn khẳng định cả.

Không phải đâu, nhiều lúc tôi cũng muốn chửi thề lắm. Thật ra tôi không hiền, chỉ giỏi nhịn thôi. Chẳng hạn như đi ngoài đường đụng xe, người ta nhảy xuống chửi mình, mình không chửi nhưng nếu có gậy sẽ đập lại rồi.

- Hình như chị có va chạm với một vài người lớn trong nghề?

Sao lại gọi là va chạm? Chỉ là chút bất đồng quan điểm thôi. Có thể tôi đã đánh mất cơ hội khi để xảy ra bất đồng đó, nhưng đành chịu. Tôi vốn không khéo nói và khả năng “hòa nhập cộng đồng” lại hơi kém.

- Tại sao chị không nghĩ người ta quý, thương mình nên mới cho cơ hội, tặng mình việc làm?

Nếu không có khả năng, tôi sẽ không nhận. Vì nhận một việc mình không làm được sẽ gây hại cho người đã tạo ra cơ hội đó. Thế nhưng, nếu làm tốt, tôi muốn được ghi nhận một cách công bằng. Trong cuộc sống, tôi hiếm khi nhận của người khác vì “của biếu là của lo, của cho là của nợ” mà. Ngay cả chồng cũng vậy. Tôi thích anh ấy tặng trái cây hay hoa, còn mọi thứ khác thì không. Mọi người chơi với tôi đều biết tôi chưa nhận quà của ai cả, nếu nhận chỉ là sách và hoa thôi. Những món quà dù rẻ hay đắt, mình cũng khó có thể trả đúng giá trị người ta cho mình.

- Chị có cực đoan quá không?

Tôi không nhận quà và cũng chẳng đủ tự tin để tặng quà cho ai. Mỗi món quà có một ý nghĩa thiêng liêng, nhưng trong xã hội hiện nay, điều đó hình như không còn nữa. Có thể bản thân người tặng và người nhận có cảm nhận rất đẹp, nhưng người khác nhìn vào sẽ thấy toàn vụ lợi, tranh chấp. Vì thế, tôi sợ người ta nhìn vào chỉ thấy điều xấu, không biết món quà đó có ý nghĩa gì.

- Chị nói chị ngại đụng chạm, nhưng xem ra cách nghĩ của chị cũng ghê gớm đấy chứ!

Bình thường, tôi luôn nhịn, ai nói cái gì cũng nhịn. Bởi vì đã làm nghệ thuật thì phải tự biết mình không làm điều gì ảnh hưởng đển hai chữ “nghệ sỹ” mà cuộc đời ưu ái ban tặng, dù tôi biết mình chưa thực sự xứng với hai chữ thiêng liêng ấy. Nhưng khi buộc phải lên tiếng, tôi sẽ lên tiếng.

- Đến giờ, công việc diễn xuất đã mang lại cho chị những gì?

Có thể nhìn vào, người ta nói tôi không phải là ngôi sao, không nổi tiếng và thu nhập không nhiều. Nhưng thật sự, tất cả những gì tôi có đều do nghề diễn mang lại.

- Cụ thể, những gì chị có là gì?

Có nhà để ở, xe để đi, một cuộc sống hạnh phúc. Tôi có thể đi học, lo cho cha mẹ, anh em. Ngoài ra, tôi còn nhận những giải thưởng và được người khác biết đến.

- “Đồng vợ, đồng chồng tát biển Đông cũng cạn”. Chồng chị có chia sẻ được những trăn trở đó của vợ không?

Không nhiều lắm, vì tôi không có thói quen nói nhiều với người khác. Làm gì, tôi đều lầm lũi làm. Ngay cả trợ lý của tôi cũng nói: “Chị muốn cái gì thì nói, chứ cứ cặm cụi làm, sao em biết đường”. Chị Kim Xuân hay nói: “Chị lo cho em quá. Sao em cứ làm tất cả mọi thứ vậy”.

- Giới nghệ sỹ thường sợ dư luận xăm soi, chị có là ngoại lệ?

Tôi rất ngại dư luận nên luôn tìm cách che giấu những gì đang nghĩ! Thường, tôi hay nghĩ đến mặt ngược lại của chuyện mình đang thấy. Thấy chuyện tốt, tôi lại nghĩ ngay đến điều xấu và ngược lại.

- Tôi chưa hiểu hết ý này của chị?

Ví dụ, khi nghe người ta nói về đối tượng nào đó, tôi lại đặt mình trong trường hợp của họ xem mình sẽ xử sự ra sao. Tôi nghĩ mình chưa chắc đã làm khác người ta. Hơn nữa, tôi không tin tưởng vào bất cứ cái gì. Tôi nghe chuyện nọ, chuyện kia vậy thôi chứ không tin. Tôi chỉ tin vào những gì chính mình chứng kiến.

- Chị làm tôi hoang mang vì hình như tôi đang ngồi trước một khối phức tạp khổng lồ?

Nhiều khi tôi còn không hiểu mình nữa. Tôi chưa bao giờ hài lòng trước bất cứ chuyện gì. Khi đi học, được điểm mười, nhưng tôi thấy điểm số ấy xa lạ với mình quá. Tôi thấy mình vẫn chưa cố gắng hết sức. Có thời gian, tôi nói với một người bạn là mình không có cảm giác. Anh bạn cũng sợ, thấy tôi không vui, không buồn, không mơ ước, không muốn làm gì, chi muốn ngồi nhưng cũng không có gì để nghĩ. Tôi từng rơi vào trạng thái đó một tháng. Nó cực kỳ đáng sợ. Thà rằng buồn, tôi khóc, tức thì đập phá, mắng chửi, còn vui vẻ hạnh phúc thì cười. Đằng này, tôi không có cảm giác gì.

- Đang lo cho chị, giờ tôi chuyển sang lo cho chồng chị, anh Phan Phương, vì chẳng biết anh ấy sẽ chịu đựng “khối thuốc nổ âm ỉ” đang ngồi trước mặt tôi thế nào.

Không! Tôi tin anh ấy không là người bất hạnh (cười). Tôi có ưu điểm là biết mình, biết người, không hay đòi hỏi chồng. Tuy vậy, tôi cũng có khuyết điểm là hay đi và ở nhà thì lười. Tôi chỉ thích nấu ăn, chơi với con, cắm hoa, còn chuyện dọn dẹp nhà cửa thì lười kinh khủng. Vì thế, nhà cửa hơi bề bộn, nếu có cặm cụi dọn dẹp cả ngày thì sáng hôm sau mọi thứ lại lôi thôi. Tôi sống hơi phiến diện và tự ti, tức là luôn chuẩn bị cho mình kết quả thất bại. Trước mặt tôi luôn có cái đồi, cái đỉnh không thể vượt qua.

- Sao chị không để cuộc sống trôi đi một cách tự nhiên mà phải hành hạ mình chi cho khổ vậy?

Đó là tôi muốn chuẩn bị cho mình tâm thế để khi thất bại cũng chỉ buồn một nửa thôi. Đừng đặt quá nhiều hy vọng để khi thất vọng, mình không đứng dậy nổi. Trên đời, đâu phải làm gì cũng thành công. Vì thế, tôi luôn nhắc nhở mình. Nếu mình không thành công thì sao, nếu không làm được thì sao?

- Xin cảm ơn chị về những chia sẻ trong công việc, cuộc sống. Chúc gia đình chị ngày càng hạnh phúc, riêng chị ngày càng mạnh mẽ, tự tin vào bản thân hơn!

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.