Hoàng Hường: "Thành đạt là bằng lòng với những gì mình có!"

- "Tôi đang có một cuộc sống bình yên, một gia đình hạnh phúc và một công việc tôi ưa thích, nơi tôi được thể hiện năng lực cá nhân cũng như đóng góp cho xã hội nhiều nhất. Với tôi như vậy là thành đạt". - Đó là quan niệm về sự thành đạt trong cuộc sống của diễn viên, người đẹp làm báo Hoàng Hường.

Diễn viên, phóng viên Hoàng Hường

- Nghe nói chị sẽ tham gia cuộc thi Hoa hậu Quý bà Đẹp và Thành đạt 2009. Chị quan niệm thế nào về “đẹp” và “thành đạt”?

Đó là hai mệnh đề khác nhau, khách quan và chủ quan. Đẹp dựa vào góc nhìn khách quan. Một người được coi là đẹp phải được đánh giá và ghi nhận của những người xung quanh. Chẳng ai tự nói “tôi rất đẹp nhưng không ai nhận ra vẻ đẹp của tôi”!. Thành đạt lại phụ thuộc vào mong muốn chủ quan của mỗi cá nhân. Có người đặt tiêu chí phải có nhiều học hàm học vị, chức vụ cao mới là thành đạt. Có người mong muốn làm chủ một cửa hàng nho nhỏ đã là thành đạt rồi.

- Tiêu chí thành đạt của chị là gì?

Là bằng lòng với những gì mình có. Tôi đang có một cuộc sống bình yên, một gia đình hạnh phúc và một công việc tôi ưa thích, nơi tôi được thể hiện năng lực cá nhân cũng như đóng góp cho xã hội nhiều nhất. Với tôi như vậy là thành đạt.

Với chị, một cuộc sống bình yên, một gia đình hạnh phúc và một công việc ưa thích, nơi chị được thể hiện năng lực cá nhân cũng như đóng góp cho xã hội nhiều nhất. đó là thành đạt

- Nhiều người biết chị với vai trò là diễn viên nhiều hơn, vì lý do gì chị lại chuyển ngang sang làm báo?

Chuyện cũng dài, nhưng theo tôi nghĩ cuộc sống luôn có chữ duyên. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, tôi về làm ở Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội được 3 năm. Nhưng tôi nhận ra tôi đã đi nhầm đường. Tôi đã thử tìm một lối khác, bắt đầu bằng học và luyện viết bài bằng Tiếng Anh gửi đăng báo. Sau đó tôi được nhận vào làm việc ở trang Tiếng Anh báo VietNamNet. Từ đó tới nay đã được gần 6 năm, và tôi cũng đã thử sức ở nhiều lĩnh vực. Hiện tôi theo dõi mảng Văn hóa – Xã hội, báo VietNamNet.

- Tham gia thi hoa hậu có thể hiểu là cách chị quay lại với công chúng?

Cũng không hẳn! Lý do đầu tiên là tôi muốn kiểm tra xem mình đã… già chưa. (Cười) Thứ hai là do chồng tôi rất nhiệt tình động viên. Lý do thứ ba… có lẽ tôi nên giữ cho riêng mình.

- Thật thú vị, trong khi nhiều “quý bà” khác không thể tham gia thi vì chồng cấm, chị lại được chồng động viên?

Tôi may mắn có được một người chồng yêu chiều vợ. Nói theo cách của một đồng nghiệp là tôi có một người chồng “văn minh”. Anh ấy luôn ủng hộ những gì tôi thích làm, tôn trọng không gian riêng của tôi, luôn hối thúc tôi cố gắng học tập, phấn đấu.

Chính chồng tôi (một nhiếp ảnh gia) là người động viên tôi tích cực nhất tham gia vào cuộc thi này. Anh trực tiếp đưa tôi đi chọn từng kiểu váy áo, là người đưa ra ý kiến chụp ảnh cho tôi một cách chuyên nghiệp để cho tôi có cảm giác làm quen lại khi đứng trước ống kính.

- Bỏ hẳn nghề diễn viên chị có thấy hối tiếc, có lúc nào chị muốn quay lại nghiệp diễn không?

Thỉnh thoảng tôi vẫn đóng phim đấy chứ. Nhưng quả thực tôi thích báo chí hơn. Đấy là một nghề thú vị đã cho tôi trưởng thành, tự tin lên nhiều, nhìn cuộc sống đa chiều hơn.

- Làm chồng của một nữ diễn viên - nhà báo xinh đẹp, hẳn người đàn ông của chị phải là một đại gia?

Đúng! Chồng tôi là một đại gia. Anh ấy cho tôi hai kho báu có tên là một trai và một gái (Cười)

Thực ra những danh xưng ấy đều chỉ tồn tại ngoài xã hội. Trong gia đình chỉ có quan hệ chồng vợ, mẹ con. Mỗi người có bổn phận và trách nhiệm của mình. Hơn nữa tôi quan niệm cuộc sống đã đủ vất vả và áp lực, trong gia đình cố gắng giản đơn hóa mọi việc cho không gian sống được nhẹ nhàng. Tôi luôn suy luận theo hướng lược giản tích cực. Vấn đề lớn cố gắng nghĩ là nhỏ, vấn đề nhỏ coi như không có gì, và cố gắng độc lập nhất ở mức có thể để không trở thành gánh nặng cho người thân.

- Chị có áp dụng nguyên tắc đó ngoài xã hội?

Không! Đặc biệt với một phóng viên. Với tôi công việc và gia đình là hai mũi tên ngược chiều nhau. Làm thành viên trong gia đình thì “mắt nhắm mắt mở”. Nhưng là nhà báo phải mở thật to cả hai mắt và suy luận theo chiều ngược lại. Từ cái nhỏ tìm ra cái lớn, từ chi tiết lôi ra vấn đề. Nhà báo luôn phải nhìn ra những sự bất bình thường ở bề ngoài bình thường mà người khác không thấy.

- Nếu thì tương lai lại có một chữ “duyên” đến với chị. Sau báo chí chị sẽ chọn công việc gì?

Trở thành nhà hoạt động xã hội, đấu tranh với nạn bạo hành nhằm vào phụ nữ và trẻ em. Vấn nạn này diễn ra hàng ngày hàng giờ trên khắp đất nước. Những câu chuyện thương tâm xuất hiện thường xuyên trên mặt báo làm trái tim những người phụ nữ, những người mẹ như tôi vô cùng đau xót. Tôi đã từng viết một bài về vấn nạn này với sự day dứt xót xa.

Điều làm tôi bức xúc hơn cả chính là thái độ sống, sự lạnh lùng của những người xung quanh, của xã hội trước sự bất hạnh của con người. Bên cạnh hệ thống pháp luật chưa thật chặt chẽ, thì ý thức bảo vệ giúp đỡ con người ở xã hội Việt Nam vẫn còn nhiều điều đáng nói.

Bản thân tôi đã từng chứng kiến một câu chuyện: trên đường đón con trai nhỏ của tôi từ trường về, tôi nhìn thấy một người đàn ông đang đánh đập bạn gái anh ta bên vỉa hè. Cô gái ngã lăn ra và khóc lóc thảm thiết. Tôi không thể vào ngăn cản vì nguy hiểm con trai nhỏ. Tôi bế con chạy vào quán bia gần đó có rất nhiều đàn ông đang ngồi, thông báo với họ và đề nghị họ cứu giúp cô gái. Thật thất vọng, thay vì đứng dậy, họ nói với tôi rằng họ đã nhìn thấy cảnh đó, và không có ý định can thiệp. “Người yêu của nó, nó có quyền đánh”, một người trong số họ nói. Tôi sững sờ thất vọng, cũng như bức xúc với việc ai đó thản nhiên “giáo dục” trẻ nhỏ bằng đánh đập tàn bạo.

Điều này ám ảnh thôi thúc tôi. Tôi nghĩ mình cần phải đứng lên, làm gì đó để cải thiện thái độ xã hội và nhận thức cộng đồng. Tôi tin rằng, chỉ khi nào người dân ý thức việc đánh đập một người phụ nữ hoặc một đứa trẻ là hành động không chấp nhận được trong xã hội hiện đại, thì khi ấy phụ nữ - trẻ em mới được an toàn.

Hoàng Hường và hai con nhỏ

- Gần đây việc làm từ thiện và công tác xã hội được coi là một kiểu “mốt” được ưa chuộng để những người nổi tiếng đánh bóng tên tuổi. Những điều chị nói không thể không khiến người ta nghi ngờ, đặc biệt trong thời điểm chị chuẩn bị tham gia cuộc thi HHQB?

Bất cứ ai cũng có quyền nghi ngờ và phán xét từ góc độ của họ, và nghi ngờ là cần thiết. Với riêng tôi thì việc đánh bóng nếu có cũng chẳng sao. Ai cũng có quyền lựa chọn cho mình con đường đến thành công. Hơn nữa, nhờ có việc đánh bóng đó mà những người kém may mắn được giúp đỡ và được xã hội quan tâm qua ảnh hưởng của những người nổi tiếng.

Có thể những điều tôi nói hơi xa lạ với các bạn trẻ, nhưng với bất kỳ người mẹ có hai con nào như tôi đều cảm thấy bình thường. Khi làm mẹ, trái tim người phụ nữ nhạy cảm và nhân hậu hơn.

Tôi cũng đã ấp ủ việc này từ lâu. Với sự giúp đỡ của một người bạn Canada, tôi đang lên những kế hoạch lâu dài, bao gồm cả việc học hành bài bản về truyền thông cộng đồng. Hiện tôi là tình nguyện viên của một tổ chức phi chính phủ địa phương, chuyên giúp đỡ những nạn nhân bị bạo hành gia đình.

- Đó có phải là lý do thứ ba khiến chị quyết định tham gia cuộc thi HHQB?

Tôi không phủ nhận mong muốn cuộc thi sẽ giúp tôi đến đích nhanh hơn. Là người làm truyền thông, tôi rất hiểu hiệu ứng của những hoạt động này tới cộng đồng.

- Cảm ơn chị!

MN (Thực hiện)



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.