Nghệ sĩ Phương Dung: Sống thật thì sẽ đỡ bi kịch

Cách đây gần chục năm, nghệ sĩ Phương Dung phải ở nhà thuê, ngày kiếm được hai mươi nghìn, trả xe ôm hết mười lăm nghìn. Đêm đến, chị gác tay lên trán: "Ngày mai lấy gì trả tiền nhà?".

Nghệ sĩ Hữu Châu gửi tin cho tôi biết: "Phương Dung đi Mỹ về rồi kìa em". Tôi gọi ngay cho chị. Chúng tôi gặp nhau ở cà-phê Điểm hẹn Sài Gòn, nơi chị thường ngồi với bạn bè để hàn huyên. Tôi uống cam vắt, còn món quen thuộc của chị là bánh mì pa-tê, ốp-la, thịt nguội.

Vẫn chất giọng khỏe, vang, vẫn kiểu nói chuyện nhanh như tên lửa đạn đạo như trong phim, kịch, Phương Dung ngoài đời còn năng động với quần jeans, áo thun.

Buồn, tôi lê la quán cóc với Hữu Châu

Trước đây, Hữu Châu từng giới thiệu nghệ sĩ Phi Phụng để tôi tìm hiểu và viết bài. Bây giờ là Phương Dung. Tức là hai người phải có mối thân tình và "sống được", anh mới làm vậy. Thêm một điều ít người biết, Hữu Châu và Phương Dung có mối thâm tình gần hai mươi năm.

Phương Dung kể lại: "Tôi lớn tuổi hơn Hữu Châu nhưng học cùng trường sân khấu. Tôi gặp Hữu Châu lần đầu lúc hai đứa gom tiền đi xe đò xuống Long An thăm lớp thực tập. Ngày xưa, chúng tôi nghèo lắm. Đi đường, đói bụng, cả hai chỉ đủ tiền mua miếng thơm (dứa), bẻ đôi, ngồi lề đường ăn, sau đó dần thân thiết với nhau.

Những khi buồn, không biết nói cùng ai, kể cả mẹ, tôi lại nhớ đến Hữu Châu. Đang ngủ, Châu cũng bắt điện thoại nghe tôi gào, rú, la hét. Châu luôn bảo: "Thôi bà ơi, bình tĩnh, nín đi. Chuyện gì, nói tui nghe..." rồi chạy ra quán, ngồi nghe tôi càm ràm đến tận sáng. Thấy bạn hết bực Châu mới về.

Sân khấu của Châu là Idecaf, còn của tôi là Kịch Sài Gòn. Nhiều người nói: "Quen thân với Hữu Châu, sao không nhờ vả để về Idecaf diễn?". Tôi nói với họ, hai đứa có một quy tắc: Khi ngồi cùng nhau, chúng tôi sẽ không kể về sân khấu, về những người làm nghệ thuật. Chưa bao giờ Châu nói: "Bà muốn về sân khấu của tui không? Tui giới thiệu cho" hay "Tui đang buồn. Sân khấu của tui thế này, thế kia"... Đi cà-phê nói chuyện công việc thì mệt mỏi quá!"

Nghệ sĩ Phương Dung còn kể thêm, trước đây, thứ Hai mỗi tuần, chị và Hữu Châu thường gặp nhau, ngồi ở một quán cóc lề đường Mạc Thị Bưởi, Q.1, Tp. HCM. Quán cóc đó đặc biệt vì...bà chủ rất khó chịu với khách. Tuy nhiên, dù Hữu Châu và Phương Dung đến muộn, bà chủ đã dọn hàng, cả hai vẫn có thể nài nỉ cho ngồi nán thêm.

Bây giờ, do quá bận rộn nên chị và Hữu Châu thường liên lạc qua điện thoại. Nhưng cứ mỗi khi buồn, chị lại lê la quán cóc đó cùng ông bạn thân.

Mỗi lần đi Mỹ lưu diễn, chị thường nhắn tin cho bạn: "Ông muốn mua gì không?". Lần nào chị cũng nhận được tin nhắn duy nhất :"Bà mua giùm tui thuốc Advil trị nhức mỏi khớp nha". Lần đi Mỹ gần dây nhất, chị đem về cho Hữu Châu vài cái quần jeans, hộp sô-cô-la và cả thuốc Advil rồi nhắn tin cho anh biết. Và Hữu Châu đáp lại: "Ha ha, thuốc Advil được đó".

Phương Dung bảo đó là tin nhắn kỳ cục, nhưng chị lại quý.

Tuổi của tôi đi Mỹ chỉ có nước trắng tay

Lần lưu diễn gần đây, chị ở lại xứ cờ hoa ngắn nhất: vỏn vẹn hai tuần. Chị bảo, ở Việt Nam vui hơn.

Chị cũng chia sẻ một kinh nghiệm vui cho các chị em đam mê shopping: "Tôi mua một cái áo rất đẹp trong mall, giá 50 đô-la Mỹ. Tôi rất thích nhưng không dám mặc, chỉ ướm sơ, mặc cũng không dám tháo ra, định đợi về Việt Nam khoe với bạn bè. Hai tuần sau, trước khi về, dạo quanh mall đó một lần nữa, tôi thấy cái áo đó đã sale off 50%. Tính ra giảm tới bốn, năm trăm ngàn lận. Tôi tiếc hoài, nhưng chị bạn nói không sao. Ở Mỹ, trong vòng sáu tháng, nếu quần áo, đồ đạc chưa sử dụng, còn mác, hóa đơn sẽ được trả lại. Nghe vậy, tôi chạy ra mall, nói tiếng Anh bập bẹ: "I want refund". Sau khi họ trả lại 50 đô, tôi nói tiếp theo lời chị bạn dặn: "I want buy it". Thế là tôi mua lại cái áo đẹp đó với giá 25 đô, lời 25 đô, vui quá trời luôn".

Nói thì nói vậy, nhưng Phương Dung bảo, ngoài niềm vui nhỏ đó, chị thấy ở Mỹ không vui như Việt Nam. Bên đó, nghệ sĩ không đủ sống vì chỉ cuối tuần mới có thể đi diễn một, hai show, trong khi cuối tháng phải ký cả chồng hóa đơn. Chị đùa: "Ở tuổi tôi, đi Mỹ sống chỉ có nước trắng tay mà thôi".

Nhân tiện, chị kể cho tôi nghe chuyện lần đầu phỏng vấn xin visa đi Mỹ cách đây ít năm. Nhân viên đại sứ quán hỏi:

- Chị làm cách nào để chứng minh cho chúng tôi tin rằng mình sẽ không tìm cách định cư tại Mỹ?

Tôi cười và trả lời:

- Bây giờ, thu nhập trung bình của tôi là mười lăm triệu đồng. Ở đây, mẹ lo cho tôi bữa sáng, giấc ngủ, còn những việc khác đã có người giúp việc. Buồn, tôi ra quán cà-phê với bạn bè. Ở đây, bảy ngày tôi đi diễn đủ cả bảy. Thích thì làm, không thích tôi xả hơi đây đó. Năm nay, tôi hơn bốn mươi tuổi, cuộc sống ở đây thích hợp và sướng hơn ở nước Mỹ của anh chứ. Tôi xin đi Mỹ chỉ để biểu diễn cho người Việt bên đó xem rồi về chứ không bao giờ muốn định cư.

Lần đầu tiên phỏng vấn đó, người ta còn hỏi rất nhiều, như:

- Tại sao chị lớn tuổi rồi mà vẫn ở với mẹ?

- Tôi đã ly dị, hiện không có gia đình nên sống với mẹ.

- Tại sao bốn mươi mấy tuổi chị vẫn không có con?

- Thì tôi lập gia đình muộn và công việc quá nhiều nên không có thời gian nghĩ đến việc sinh con.

Thế là họ cho chị sang Mỹ. Những chuyến đi gần đây, chị không phải phỏng vấn nhiều nữa. Họ cho chị đi dễ dàng vì biết chị không mặn mà với cuộc sống quá nhộn nhịp tại Mỹ. Chị đùa: "Họ nghĩ đúng đó em! Bốn mươi mấy tuổi, tôi sẽ làm gì để sống ở Mỹ. Tôi không có quốc tịch, làm gì có tiền trợ cấp. Làm nail thì mắt mờ hơn các bạn trẻ, giữ em bé chắc không được vì chẳng có kinh nghiệm, hay đi rửa chén? Tôi thấy cuộc sống bên đó mệt mỏi quá!".

Chị kể thêm, vừa rồi ở California, chị đã biết "mùi vị" động đất. Chị đang ngồi xem ti-vi , nhà bỗng rung lên bần bật. Chị đùa: "Ông xe tải nào chạy dữ thần vậy?". Bạn chị tỉnh bơ: "Động đất đó, ngồi im đi. Bây giờ, nếu nó rung thêm lần nữa, phải lấy hết sức chạy ra khỏi nhà nhé". Chị la lên: "Trời ơi, chẳng lẽ tôi bỏ mạng xứ người sao?". Cũng may hôm đó, động đất chỉ diễn ra một lần.

Tôi nói với Phước Sang sẽ không bao giờ rời bỏ Sân khấu kịch Sài Gòn.

Chất giọng hài đã khiến cho câu chuyện động đất đó trở nên rất thú vị. Tôi thích chị vì không hoa mỹ, màu mè. Chị cũng đồng ý với nhận định đó. Chị bảo, mình sống theo kiểu "ruột đề ngoài da".

Chị đặc biệt rất thích cuộc sống bình dân. Mỗi lần đi ăn nhà hàng cao cấp, phải khép nép, nói chuyện nhỏ nhẹ, gặp người này, người kia, chị rất ngại. Chị chỉ mong ăn cho xong, chạy ra quán ăn uống bình dân nào đó, có thể gác chân lên ghế ngồi thoải mái. Đó là phong cách không liên quan đến giới phong lưu, quý tộc mà chị đã chọn.

Đợt đi Mỹ gần đây, qua việc tìm nghệ sĩ Hồng Tơ đi lạc, chính phong cách này khiến chị bị mọi người chọc ghẹo.

Đó là lần đầu tiên Hồng Tơ sang Mỹ lưu diễn. Phương Dung xung phong làm người hướng dẫn, đưa Hồng Tơ vào shopping mall. Hồng Tơ không rành tiếng Anh, không biết ra đường nào vì shopping mall nằm dưới tầng hầm, có rất nhiều cửa thông ra các con đường khác nhau, trong khi điện thoại mất sóng.

Ở Mỹ, mọi người rất ngại nói chuyện lớn tiếng, nhưng chị không còn cách nào khác, đành đi vòng vòng trong mall hét to: "Anh Tơ ơi! Anh Tơ ơi!". Chị đùa: "Một trăm cặp mắt nhìn tôi như nhìn quái vật. Nhưng tôi biết làm sao bây giờ, vì ra đường trời rất lạnh. Họ chửi, tôi chịu chứ đưa anh Tơ đi, tôi phải có trách nhiệm lo lắng cho bạn mình. Cũng nhờ tôi la to, anh Hồng Tơ nghe thấy, chạy ù lại rồi cười: "Nhờ tiếng kêu lanh lảnh của bà, không tui lạc rồi".

Chị bảo, nhiều khi mọi người, kể cả mẹ chị, bực mình vì kiểu ăn ngay, nói thẳng của chị. Chị không ăn nói ngọt ngào, nhẹ nhàng mà một phụ nữ vốn phải vậy. Nhưng chị sẽ không sửa đổi vì cho rằng sống thật với bản thân sẽ làm cho cuộc sống bớt bi kịch.

Đôi khi tập kịch ở Sân khấu Kịch Sài Gòn, đàn em nào diễn dở, chị nói thẳng: "Mày giận thì chị chịu chứ học bốn năm mà diễn vậy là chết!". Bù lại, sau khi hiểu ra, ai cũng thương chị.

Tôi hỏi chị có ý định chuyển đến một sân khấu nào khác không?

Chị cho biết: "Tôi đã nói với Phước Sang sẽ không bao giờ rời bỏ Sân khấu kịch Sài Gòn. Sân khấu này đã giúp đỡ và cho tôi cơ hội phát triển. Cách đây khoảng chín năm, tôi gần bốn mươi tuổi nhưng chẳng có gì trong tay. Lúc đó tôi còn nghèo lắm, chỉ diễn tấu hài để sống. Xe không có để đi, tôi nhờ một bạn chở. Một đêm, diễn tấu hài được hai mươi ngàn, tôi trả cô ấy mười lăm ngàn, còn lại năm ngàn đồng, hỏi em lấy gì để sống?".

Đó là những năm tháng khủng hoảng nhất của chị về kinh tế và cuộc sống. Không ai biết đến tên Phương Dung. Sau khi đi diễn tấu hài, chị về nhà. Nói là nhà chứ thật ra đó là căn phòng thue, ăn cũng không có mà ăn. Chị chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có được ngày hôm nay. Chị kể: "Lúc đó, tôi thèm cái xe Honda để chạy mà không có. Đi xe ôm riết không đủ tiền, tôi phải mượn xe đạp để đi. Khán giả hỏi: "Ủa, nghệ sĩ mà đi xe đạp hả?". Tôi bấm bụng nói dối: "Dạ không, tôi đi xe đạp để tập thể dục cho khỏe.

Tôi chưa bao giờ quên được những tháng ngày gian nan đó. Hôm nào không có tiền, tôi phải chạy sang phòng trọ của các bạn sinh viên sát bên và giả vờ :"Trời ơi, món cơm đậu phộng rang muối mè này ngon lắm nè". Tôi phải giả vờ khen như vậy để được các bạn sinh viên mời ăn. Nếu không, tôi có thể sẽ phải nhịn đói".

Chị đã từng nghĩ cuộc đời mình là một bi kịch không lối thoát cho đến khi Phước Sang lập Sân khấu kịch Sài Gòn vào năm 2000.

Chị nhớ lại: "Lúc đó, sân khấu của Phước Sang toàn ngôi sao, tôi vẫn là người không tên tuổi. Thù lao một đêm của tôi là một trăm năm mươi ngàn, quá được so với thời đi diễn ngày xưa. Diễn ở Kịch Sài Gòn rồi đi tấu hài thêm, cuộc sống của tôi từ đó dần ổn định.

Bây giờ, nhiều người rời Sân khấu Kịch Sài Gòn, nhưng tôi vẫn trụ lại. Gần đây, gặp Phước Sang tôi đùa: "Sang, sao lâu quá không lên lương cho Dung vậy?".

Phước Sang quay sang nói nhẹ nhàng: "Chị Dung nghĩ đi, kinh tế ngày càng xuống, các sân khấu khác chỉ diễn vài buổi một tuần, nếu không đủ khán giả sẽ trả vé lại. Còn Sân khấu Kịch Sài Gòn sáng đèn suốt tuần, mấy chục khách cũng diễn, lương anh em không thiếu, không bớt, không tăng. Vậy là Sang đã cố gắng lắm rồi".

Tôi hiểu và chỉ đùa với Phước Sang. Nhưng Sang nói vậy, tôi cũng nói với Sang một câu: "Sau này, khi nào Sang khong muốn Dung diễn ở đây nữa thì thôi, chứ còn làm nghệ thuật, Dung vẫn tiếp tục diễn cho Kịch Sài Gòn. Chính Kịch Sài Gòn đã cứu thoát Dung từ bi kịch của những đêm tấu hài hai mươi ngàn năm xưa".

Không chồng, không con cũng... không sao

Vẫn còn một điều, tôi muốn hỏi thẳng Phương Dung. Tôi muốn biết ngoài niềm vui từ công việc, cuộc sống tốt hơn khi trụ lại với Sân khấu Kịch Sài Gòn, nỗi buồn có song hành cùng chị không? Vì giờ đây, chị đã 47 tuổi nhưng vẫn không có gia đình, con cái bên cạnh vui vầy sau một lần tan vỡ.

Phương Dung cười: "Tôi không buồn đâu em. Ngày xưa, tôi khổ cực quá, chẳng có gì trong tay mà vẫn tiếp tục sống đến tận bây giờ. Bây giờ, tôi sống, được làm nghệ thuật, có nhà cửa, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm. Ngày xưa, tôi ước có một chỉ vàng cũng không mua được. Bây giờ, nếu thích, tôi có thể mua hột xoàn để đeo. Cuộc sống mà, được cái này sẽ phải mất cái kia.

Lúc bi kịch, tôi không có sự nghiệp, tiền không, tình cũng không luôn. Tôi nhớ khi trời mưa, bị đụng xe, người ướt sũng, tay chân đau nhức, đứng ngoài đường nhưng không biết kêu ai, chỉ biết gọi cô bạn thân chạy ra để bảo vệ. Dọn nhà, không có xe, tôi cũng nhờ cô bạn thân đến phụ giúp.

Nhiều khi nghĩ lại, tôi thấy không có người nghệ sĩ nào khổ như mình. Rất nhiều đêm nằm ngủ, tôi gác tay lên trán nghĩ hoài: "Ngày mai, mình lấy tiền ở đâu để trả tiền nhà, để ăn đây?...".Vậy đó, nhưng tôi vẫn sống và có được cuộc sống hôm nay. Tôi tự hào rằng để ngày hôm nay vui vẻ, ấm no, tôi đã bỏ công sức của mình chứ không nhờ vả bất kỳ ai. Không chồng, không con, tôi lại có nhiều khán giả, có Tổ nghiệp. Thôi tạm hài lòng đi".

Phương Dung bảo trong cuộc sống, ai cũng gặp nỗi buồn, nhưng phải chấp nhận và chịu đựng để vượt qua. Chị luôn cố gắng sống thật tốt, thật vui mỗi ngày.

Lúc nào buồn quá, chị chỉ cần bấm điện thoại, Hữu Châu sẽ chở chị đi nhậu, thế là lại vui ngay.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.