Ngọc Trinh VTV24: "Tôi không muốn chết như một con thiêu thân"

"Tiền quan trọng nhưng không mua được giá trị và lòng tự trọng. Tôi sẽ chi tiêu cái gì trong nằm trong giới hạn mình có", Ngọc Trinh thẳng thắn.

"Tiền quan trọng nhưng không mua được giá trị và lòng tự trọng. Tôi sẽ chi tiêu cái gì trong nằm trong giới hạn mình có", BTV Ngọc Trinh thẳng thắn.

Khác với những cuộc trò chuyện - đối thoại trước đây của tôi với các nhân vật, riêng lần này, ngay từ khi bắt đầu – không phải tôi mà là Ngọc Trinh mới là người đặt ra hàng loạt câu hỏi. Tôi là người trả lời những câu hỏi đó, trước khi cả hai quay trở lại vai trò thực sự của mình.

Chúng tôi bằng tuổi, cùng làm báo, có nhiều băn khoăn và trải nghiệm với nghề nghiệp đã chọn, nên có rất nhiều câu chuyện mà Trinh kể, tôi thấy như đang nói hộ những gì tôi muốn nói.


Tô Lan Hương: Thật kỳ lạ là hầu hết những gì tôi đọc về chị trên báo đều rất "showbiz" với bộ sưu tập đồng hồ tiền tỷ, hàng hiệu, xe sang. Dù nhiều người trong nghề đều biết chị là một BTV thông minh, sắc sảo có tiếng ở VTV24. Là nhà báo nhưng lại được biết đến nhiều hơn bởi sự hào nhoáng kiểu showbiz, chị có thấy vui với việc đó?

BTV Ngc Trinh: Nếu điều đó là sự thật, thì đó sự thất bại của tôi, khi để những người khác chỉ nhìn vào những thứ xung quanh chứ không nhìn vào mình.

Có những lời đồn đến tai tôi nói rằng, mọi người đang nghĩ tôi chi tiền ra để đánh bóng tên tuổi. Thực sự mà nói, nghệ sĩ làm như vậy là chuyện bình thường. Nhưng nếu đã là người làm báo mà chi tiền ra để đánh bóng thì đó là một sự sỉ nhục chứ không đơn thuần là thất bại nữa. Bởi nếu đánh bóng tên tuổi theo cách đó, giá trị thực sự của tôi nằm ở đâu?

Chưa kể, "tác dụng phụ" của nó cũng ảnh hưởng ít nhiều đến công việc, hoặc thậm chí còn khiến mình bị coi thường.

Nên sau những bài báo kiểu như "BTV Ngọc Trinh dùng đồng hồ tiền tỉ" xuất hiện, tôi đã phải khóa tài khoản instagram của mình. Giờ nếu chị vào fb cá nhân của tôi, chị sẽ thấy chỉ có hoa và đồ ăn, không gì khác.

Tôi từng có ý nghĩ, liệu có thể nhờ được ai gỡ hết tất cả những bài báo đó xuống hay không? Nhưng cuối cùng tôi hiểu là không thể. Bởi khi một thông tin về bạn được đăng tải lên mạng, nó sẽ biến thành một thứ bằng chứng sống và cả đời bạn không bao giờ xóa đi được.

Tô Lan Hương: Nếu chị coi việc người khác chỉ nhìn vào những món đồ mặc trên người để đo đếm giá trị là một sự xúc phạm, vậy thì chị muốn người khác nhìn mình theo cách nào?

BTV Ngc Trinh: Một nhà báo có năng lực, là một người làm được việc và là một người có ích!

Tô Lan Hương: Đó là lý do mà chị - dù xuất thân trong một gia đình giàu có – lại chọn một nghề vất vả như nghề báo, nhất lại là truyền hình?

BTV Ngọc Trinh: Thật ra nhiều người làm báo chí truyền thông hiện giờ có xuất phát điểm hơn tôi rất nhiều. Nên có lẽ không cần nói về vấn đề điều kiện. Chưa kể làm báo không phải nghề vất vả nhất theo quan sát của tôi. Nên tôi sẽ nói về chuyện sống trong môi trường làm báo đem lại cho một người trẻ như tôi những gì.

Cách đây khoảng mười mấy năm về trước, tôi là một cô bé tự ti đến mức độ không thể tự mình chạy lên sân khấu tặng hoa cho đoàn ca nhạc diễn ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô dù rất muốn, để rồi sau đó đành ôm bó hoa đứng ở một góc đầy tiếc nuối.  

Khi đi học, có những thứ tôi biết và hiểu, nhưng không bao giờ dám giơ tay phát biểu, mà chỉ cầu mong hôm đó cô giáo làm ơn gọi mình đi. Tôi không tự tin về bản thân, luôn luôn cảm thấy mình kém cỏi so với người khác vì vẻ bên ngoài, học lực và rất nhiều thứ khác. Tôi của ngày xưa kém rất xa, không bằng một góc của tôi bây giờ.

Tôi tin là công việc làm báo giúp cho nhiều người có cơ hội tiếp cận những con người, cuộc đời đặc biệt, từ đó được trải nghiệm sự muôn màu muôn vẻ của cuộc sống, thậm chí có thể tiếp xúc với những bộ óc lớn, được nghe họ chia sẻ, biết được tư duy của họ, góp nhặt, lượm lặt những tinh hoa của họ làm "tài sản" cho mình. Đó là những giá trị không phải có tiền là mua được. Tôi học hỏi, cải thiện bản thân mình mỗi ngày từ đó. VTV là môi trường giúp tôi thay đổi như thế.

Tô Lan Hương: Nhưng VTV không thể cho chị một mức thu nhập đủ để đáp ứng những nhu cầu xa xỉ, phải không?

BTV Ngọc Trinh: Mong muốn của một con người không biết như thế nào là đủ đầy. Nhưng giá trị lớn nhất khi làm nghề này, đó chính là chi phí cơ hội - những điều tôi vừa nói ở trên. Tiền quan trọng nhưng không mua được giá trị và lòng tự trọng. Tôi sẽ chi tiêu cái gì trong nằm trong giới hạn mình có. Gia đình tôi vẫn còn kinh doanh, tôi không tham gia trực tiếp nhưng được hưởng một phần lợi tức. Nên tôi cảm thấy may mắn vì mình được chuyên tâm với con đường mình chọn.

Tô Lan Hương: Làm việc ở VTV hơn chục năm, chị có thấy VTV là một cơ quan báo chí phức tạp, rất bon chen như nhiều người đồn đoán?

BTV Ngọc Trinh: Có nơi nào hấp dẫn mà lại không có bon chen? Những cái chị nói như đố kỵ, bon chen… đều là những câu chuyện cá nhân chứ không phải của cả một tập thể. Và những điều đó thì chỗ nào cũng có, chứ không riêng gì VTV, phải không?

Tôi không quá rành những câu chuyện của riêng ai. Nhưng điều này tôi có thể khẳng định: VTV luôn có chỗ giành cho những người có năng lực. Do vậy, thay vì dùng từ "bon chen" tôi sẽ thay bằng từ "cạnh tranh". Thay vì từ "đố kỵ", tôi cho là nên dùng từ "biết nhìn mình, nhìn người"!

Tô Lan Hương: Thật ra ở tuổi chị ngày đó, thường thì người ta vào Đài truyền hình làm việc vì sự hào nhoáng của nó hơn là khát vọng nghề nghiệp thực sự…

BTV Ngọc Trinh: Thú thực, tôi cũng không ngoại lệ. Tôi bước chân vào Đài theo tư cách học việc lúc mới 18-20 tuổi. Nhưng khi đã thực sự dấn thân rồi, tôi hiểu rằng nếu chỉ vì sự hào nhoáng đó, bạn sẽ chết như con thiêu thân. Nhưng nếu mình tìm cách trở thành bóng đèn thì lúc nào mình cũng tỏa sáng và có ích.

Chị biết đấy, thời gian khắc nghiệt có thể xóa đi mọi thứ, nhân tiện cũng có thể xóa luôn những gì chúng ta đã làm. Nếu chỉ đơn thuần là một người dẫn chương trình, dù xinh đẹp, dù nổi tiếng đến mấy, thì có thể tôi sẽ lụi tàn trong chính hào quang mà tự mình tưởng tượng ra. Để tồn tại được thì ngoài dẫn chương trình, tôi phải trở thành một phần của chương trình: BTV, phóng viên, thậm chí phải làm ra một chương trình.  Hào nhoáng thì sẽ không bền vững. Tôi muốn sự bền vững,  muốn làm bóng đèn chứ không muốn làm con thiêu thân.

Tô Lan Hương: Tôi vẫn nhớ độ 10 năm về trước, VTV là cánh cổng rất xa vời với những sinh viên tỉnh lẻ như tôi. Người ta nói rằng, VTV thì "phải có cơ" là cuộc chiến không dành cho những kẻ thân cô thế cô. Điều đó có đúng không, kể cả với trường hợp của chị?

BTV Ngc Trinh: Chị có tin không, nếu tôi nói rằng rất nhiều tiền bối và kể cả thế hệ trẻ hiện nay đang làm việc tại VTV đều có hai yếu tố vừa được nhắc đến: tỉnh lẻ và thân cô thế cô. 

Nghề báo có một đặc thù rõ ràng: khi bạn không có năng lực thì bạn không thể làm được việc, kể cả có ai ưu ái bạn thế nào. VTV thậm chí còn khốc liệt hơn. Bởi với truyền hình, bạn hay hoặc dở, khán giả sẽ biết hết. 

Còn với câu chuyện vào Đài 12 năm trước, tôi thừa nhận, mình cùng nhiều anh chị em đồng nghiệp quá may mắn khi thời đó VTV đổi mới và tuyển dụng người trẻ. Thời đó internet chưa mấy phát triển, độ lan tỏa cũng hạn chế. Tôi may mắn khi vô tình biết thông tin và ứng tuyển. Nhưng phải đi đến 4-5 chương trình tôi mới đỗ, mà còn đỗ với một cái vé vớt.

Từ "Tôi yêu Việt Nam", "Theo dòng lịch sử", "Bài hát tôi yêu" đến "Bản tin tài chính", tôi đều xác định tâm thế mình sẽ thua, nhưng vẫn phải tham gia, vẫn phải cố gắng hết sức, bởi tôi không còn cơ hội nào khác cả.  Và đến "Bản tin thời chính" thì tôi mới dành được một cái vé vớt vào VTV.  Nhưng ngay cả khi đã được nhận vào "Bản tin tài chính", thì tôi vẫn chỉ đóng "vai phụ".

Bởi khi ấy ở "Bản tin tài chính" có rất nhiều ngôi sao sáng, rất nhiều tên tuổi khác như chị Minh Hà, chị Thu Hương, Thụy Vân. Còn tôi, tôi chỉ là một "ngôi sao"... tối, vẫn không ngừng tìm kiếm cơ hội cho mình. 

Tô Lan Hương: Và cơ hội của chị đến khi…?

BTV Ngọc Trinh: Khi tôi biết rằng tính toán thiệt hơn sẽ chỉ đem lại thiệt thòi cho mình.  Đồng nghiệp bận, tôi sẵn sàng hỗ trợ, làm người thay thế. Tôi xung phong nhận lịch các ngày cuối tuần, giờ giấc công việc được giao như thế nào cũng được. Mỗi ngày làm tôi đều vỡ ra một điều mới mẻ.

Rồi khi Thụy Vân phải đi thi hoa hậu, còn một chị đồng nghiệp khác sinh em bé, có lẽ đó là giai đoạn đem lại cơ hội cho tôi để được khán giả nhớ mặt. Được làm nhiều hơn, va đập nhiều hơn để trưởng thành và được được ghi nhận.

Ngọc Trinh VTV24: Tôi không muốn chết như một con thiêu thân - Ảnh 11.

Tô Lan Hương: Vào Đài với một chiếc vé vớt, nhưng hiện tại, chị đã trở thành một BTV dày dạn bản lĩnh và được ghi nhận. VTV đã biến một cô bé nhút nhát  thành người phụ nữ thông minh, sắc sảo như thế nào, khi mà xung quanh chị toàn những ngôi sao sáng và cũng không thiếu những tượng đài?

BTV Ngọc Trinh: Môi trường sẽ tôi rèn lên con người bạn. Khi xung quanh mình quá nhiều người giỏi, tự khắc sẽ nhìn thấy cái dốt để tự điều chỉnh và hoàn thiện bản thân. 

Tôi phát hiện ra, nhiều người dẫn chương trình tầm cỡ từ Việt Nam đến thế giới đều không có thế mạnh về "nhan sắc". Thần thái, vẻ thu hút của họ toát ra từ những cái mà họ trải nghiệm hàng ngày, từ kinh nghiệm, bài học. Và tôi tin chị có thể ngồi nói chuyện với họ cả ngày không chán. Nếu mình may mà có được cái duyên, cái năng khiếu hút người khác cuốn vào câu chuyện thì không nói, nhưng nếu không có thì vẫn có thể rèn luyện.

Khi mới bắt đầu bước chân vào VTV, tôi xem rất nhiều chương trình để học hỏi, trong đó chương trình yêu thích nhất là Thời sự. Tôi phát hiện ra mỗi người đều có một điểm thú vị riêng. Ví dụ nhà báo Đức Hoàng rất hóm hỉnh, nhà báo Quang Minh có thần thái khiến cho người ta tin tưởng, nhà báo Vân Anh rất sang trọng nhưng lại ấm áp khiến tạo ra cảm giác vừa xa vừa gần cho người tiếp xúc…

Tôi phân tích xong rồi tính đến chuyện bắt chước nhưng không thể nào bắt chước được điều mình không có. Tôi đành tự kiếm phong cách cho chính mình dựa vào những quan sát trên. Tôi tập giao tiếp với người khác không chỉ bằng cơ mặt, cơ miệng mà còn bằng cả ánh mắt. Thậm chí, tôi còn đưa ra thử thách cho chính mình, làm sao để mình ngồi nghe người ta nói 1 tiếng và làm thế nào mình nói, người ta ngồi hàng tiếng đồng hồ vẫn say mê nghe.

Khi làm ở VTV, tôi nhận thấy điều rất đặc biệt là "bạn không thể nào hoà hoãn được việc bạn phải thay đổi". Bởi vì, dù tôi hay bất cứ ai có việc gì quan trọng đi chăng nữa thì chương trình vẫn phải lên sóng đúng giờ và chất lượng phải đảm bảo. Vấn đề nữa là chúng tôi lại làm tin tức, đó lại là câu chuyện của mỗi ngày. Chính điều này rèn cho những người làm VTV thói quen phải luôn đưa ra các cách giải quyết vấn đề. Mà vấn đề thì xảy ra mỗi ngày,  mỗi phút, và muôn hình vạn trạng: từ khách mời, người dựng, người quay phim, đồng nghiệp…

Nên mỗi ngày ở VTV với tôi và nhiều người là một cuộc đua như thế. Dần tạo ra thành thứ phản xạ ăn sâu vào máu. Chỉ làm việc trong môi trường như thế này mới giúp tôi rèn luyện được những kĩ năng giải quyết vấn đề đó. Đó là lý do mà tôi chọn gắn bó với VTV mà không phải lựa chọn an nhàn nào khác. Và cũng có có nhiều người có lựa chọn tương tự. 

Tô Lan Hương: Nhưng đã có rất nhiều BTV có tên tuổi rời bỏ VTV trong thời gian qua? Nếu tốt thế sao họ lại ra đi?

BTV Ngọc Trinh: Tôi không ở hoàn cảnh của mỗi người nên khó mà trả lời được khách quan. Vì thế tôi không bình luận về lý do có những người rời VTV ra đi. Chúng ta nên tôn trọng sự riêng tư của họ. Nhưng tôi tự hỏi tại sao chúng ta không nhìn vào việc có bao nhiêu người đến? Thậm chí nhiều bạn trẻ mới đang học cấp 2, nhiều sinh viên và cả những người dày dạn kinh nghiệm chia sẻ với tôi, họ muốn trở thành đồng nghiệp của tôi ở VTV. 

Ngọc Trinh VTV24: Tôi không muốn chết như một con thiêu thân - Ảnh 14.

Tô Lan Hương: Chắc chị chưa quên vụ tai nạn để đời của chị và những đồng nghiệp ở VTV24 với vụ việc điều tra tuổi thật của Công Phượng đâu nhỉ? Vụ tai nạn mà tôi biết chị là một trong những người ở chính giữa tâm bão của khủng hoảng?

BTV Ngc Trinh: Với tôi đó là kinh nghiệm quý báu thì đúng hơn là tai nạn. Thật ra, thời điểm đó, kinh nghiệm và trình độ để xây dựng một kênh truyền hình  như VTV24 theo mô hình CNN chỉ là con số 0 ở Việt Nam. Trước khi thành lập, các thành viên VTV24 được tham khảo, tư vấn từ nhiều kênh truyền hình lớn như CNN, FranceTV...

Thế giới họ thích gây shock, thích đẩy cao trào và tranh luận. Còn ở Việt Nam nếu không cẩn thận, tranh luận có thể đẩy đến mâu thuẫn rồi suy ra các thuyết âm mưu.

Tất cả mọi người trong êkip lúc đó chỉ nhìn vào câu chuyện rằng, sẽ đưa ra một đề tài có thể gây tranh cãi, mà không hình dung được đề tài đó sẽ gây tranh cãi đến đâu, bị phản ứng như thế nào và phải chuẩn bị ra sao nếu cơn bão đến! Đó là một trong những bài học kinh điển và tôi cảm thấy cũng là một cái may khi người nằm trong bài học kinh điển đó.

Thực ra một số nhà báo của CNN sau khi xem lại, có nhận xét câu chuyện nói trên là hướng đi CNN thường làm. Thậm chí họ cũng động viên và khen ngợi. Nhưng có lẽ sau tất cả, bên cạnh hay, thì sự phù hợp và làm sao để khán giả được hưởng lợi nhiều nhất mới là điều quan trọng.

Khi còn trẻ người ta thường đi nhanh, nhưng đến một độ tuổi nào đó người ta lại học cách đi chậm lại. VTV24 cũng như thế, những người trẻ như chúng tôi học cách đi chậm lại sau những bài học của mình. 

Tô Lan Hương: VTV24 có thành công với hướng đi mới ấy?

BTV Ngọc Trinh: Thành công hay không thì thời gian sẽ trả lời. Nhưng tôi chắc chắn nó sẽ bớt đi những rủi ro không đáng có. Sự giật gân cũng thú vị đấy, nhưng cũng có những tác dụng phụ, trong đó có thể là vết thương lòng cho chính mình, cho nhân vật và cho khán giả.

Tô Lan Hương: Là một nhà báo, tôi cũng từng trải qua những cuộc khủng hoảng nhỏ, khi mà có thể một bài báo nào đó mà tôi viết gặp phải những đánh giá trái chiều từ độc giả. Chị thì sao? Chị ứng xử thế nào khi bị công kích dữ dội trong vụ Công Phượng?

BTV Ngọc Trinh: Nếu nói rằng tôi không bị sốc do những gạch đá của dư luận thì là nói dối. Lúc đó tôi tự an ủi mình: những cơn sóng lớn sẽ giúp ta trưởng thành. Khi đó tôi có cơ hội quan sát tâm lý của khán giả, quan sát nhận định của đồng nghiệp. Và quan trọng hơn là mình hiểu rằng để sáng tạo đổi mới, bên cạnh ý tưởng thì cũng phải có sự dũng cảm.

Tôi luôn ghi nhận ý kiến đóng góp thẳng thắn và cũng chẳng quá e sợ những lời đơm đặt.

Điều mà tôi sợ nhất không phải là người ta nói xấu, mà những lời nói xấu sẽ biến mình thành người xấu. Đấy là cuộc chiến tâm lý của chính ta.

Nếu hay xem phim, chị để ý xem, đa phần những nhân vật phản diện đều trải qua nỗi đau nào đó tạo thành cú sốc tâm lý. Nếu như không đủ bản lĩnh, những nỗi đau này sẽ biến họ trở thành những nhân vật phản diện. Mà tôi thì không muốn điều đó.Vì làm người xấu chắc sẽ mệt mỏi lắm.

Tôi từng nằm trong list danh sách các thuyết âm mưu và cũng được hân hạnh phỏng vấn, thậm chí chơi cùng với những người bị hứng những thuyết âm mưu nhiều hơn tôi. Họ dạy tôi rằng nếu dành quá nhiều năng lượng để đi phản ứng lại những lời lẽ đó, thì năng lượng thực sự của tôi đã bị tiêu hao sai chỗ, thật vô ích!

Tô Lan Hương: Những tin đồn, thị phi buồn cười nhất mà chị đã từng nghe về bản thân là gì?

BTV Ngọc Trinh: Nhiều lắm tôi cũng không nhớ rõ. nhưng kịch tính như phim. Từ lừa đảo cho đến giới tính có vấn đề.

Tô Lan Hương: Cách chị phản ứng…

BTV Ngọc Trinh: Tôi coi đó là bộ phim hài, nên còn phản ứng nào khác nữa ngoài việc...cười!

Tô Lan Hương: Chị độc lập, tự tin, tự chủ về tài chính và quyến rũ, tiêu chí chọn đàn ông của chị là gì?

BTV Ngọc Trinh: Là một người đàn ông văn minh và cho tôi cảm giác yên tâm. Dĩ nhiên tôi phải có cảm xúc với anh ta nữa.

Tô Lan Hường: Dù biết chị vốn kín tiếng, nhưng tôi vẫn phải hỏi: chị đã kết hôn, đang hẹn hò, hay còn độc thân?  

BTV Ngọc Trinh: Tôi đã kín rồi thì sẽ kín cho trót. Nhưng tôi có thể nói rằng đến thời điểm này tôi không phải là người đơn độc và cô đơn trên con đường của mình.

Tô Lan Hương: Chị nghĩ việc: một nhà báo có nhan sắc là lợi thế cho khi tiếp cận nhân vật?

BTV Ngọc Trinh: Nó vừa là lợi thế và cũng vừa là điểm yếu. Lợi thế đầu tiên là khi tôi có một khuôn mặt dễ nhìn, thì bao giờ người ta cũng sẽ có thiện cảm. Thứ nữa, khán giả truyền hình cũng thích nhìn hình ảnh đẹp, thích những người đẹp. Đó là nhu cầu thẩm mỹ tất yếu. 

Nhưng cái dở là, phụ nữ đẹp cũng có thể đem đến những phiền toái không đáng có, thị phi mà mình không muốn gặp, không muốn nghe. Thậm chí, chính bản thân những người gần nhân vật đấy cũng sợ, e dè mình.

Tô Lan Hương: Thế chị có bị đàn ông làm phiền hoặc quấy rối vì nhan sắc?

BTV Ngọc Trinh: "Trộm vía" là chưa. Có thể bởi tôi luôn trang bị cho mình một ánh mắt nghiêm túc khi nói chuyện, có thể dữ dằn khi cần thiết dù trộm vía chưa bao giờ phải dùng đến.

Mặt khác, bản thân tôi cũng là người khó gần, thậm chí còn giữ cho mình nguyên tắc là không bao giờ mặc đồ gợi cảm khi tiếp xúc với người khác giới.

Tô Lan Hương: Giữa thời buổi có nhiều đồng nghiệp của chúng ta bị tha hóa bởi đồng tiền, hoặc vì áp lực tạo view mà đi ngược lại những quy tắc nghề nghiệp, chị định nghĩa thế nào về lòng tự trọng của một người làm báo?

BTV Ngọc Trinh: Tôi được dạy rằng tài sản lớn nhất của người làm báo đó là uy tín. Và uy tín cũng một phần được giữ bởi lòng tự trọng nghề nghiệp.

Những nhà báo uy tín mà tôi biết, họ không nhìn những cái lợi trước mắt để bán đứng nhân vật, bán đứng tập thể và bán đứng khán giả của mình. 

Có những nhà báo làm nghề để mưu sinh, nhưng trên hết họ trụ lại với nghề vì đam mê. Và họ cũng rất biết "tính toán". Họ cho rằng nếu bán rẻ niềm tin của nhân vật, của khán giả lấy lợi ích, dù lợi ích lớn đến đâu thì vẫn rẻ mạt. Còn cái giá phải trả sẽ là rất đắt khi đến một ngày nào đó, ánh mắt người khác dành cho mình không còn là sự tôn trọng tin tưởng, thay vào đó là sự khinh bỉ dè chừng.  

Nếu như cứ biến người khác thành nạn nhân thì đến một ngày nào đó chính chúng ta sẽ trở thành nạn nhân. Đó là luật nhân quả.

Tô Lan Hương: Chắc chị không bị cám dỗ về vật chất trong 11 năm làm báo đâu nhỉ, khi mà chị chưa từng trải qua sự thiếu thốn?

BTV Ngọc Trinh: Tôi nghĩ chúng ta không thể dùng sự thiếu thốn để ngụy biện cho sự "sa ngã" của mình. Có một thứ cảm giác có thể gây nghiện khi bạn chạm ngõ "văn hóa phong bì", đó là dù số tiền rất ít, nhưng cái cảm giác nhận được đó là cảm thấy bạn được coi trọng, có sức ảnh hưởng nào đó. 

Khi người ta mời bạn dùng miễn phí thứ gì đó, dù bạn hoàn toàn có khả năng chi trả cho những thứ đó, nhưng bạn vẫn thích được miễn phí. Cái mà tôi cảm thấy đáng sợ ở đây chính là cảm giác đó. Tâm lý này hoàn toàn bình thường, nhưng nếu đắm chìm trong đó sẽ là điều...bất thường.

Nghề báo vốn được mệnh danh là nghề có "quyền lực thứ 4" - tức là điều bạn phản ánh sẽ ảnh hưởng đến nhiều người, sẽ có nhiều người xem/đọc và tin tưởng, nên có lẽ cảm mà người làm báo có thể mắc phải là sự ảo tưởng rằng mình là người có "quyền lực", khiến cho người khác phải nể sợ, khiến cho người khác phải dâng hiến cho mình một cái gì đó. Chứ đó không hẳn là chuyện bạn giàu hay bạn nghèo, gia đình bạn có tiền hay không, bạn có đang cần tiền hay không.

Tôi cũng từng không ít lần được tặng quà. Nếu như món quà đó từ những người bạn yêu quý tôi thì tôi nhận. Nhưng nếu có mục đích đằng sau, tôi tuyệt đối không bao giờ nhận. Ngoài nỗi sợ "của biếu là của lo, của cho là của nợ", hay "chả ai cho không ai cái gì", thì có lẽ tôi sợ nhất chính mình sẽ bị nghiện những ưu ái và coi đó là lẽ thường tình, chứ không liên quan đến việc gia đình tôi có điều kiện hay không.

Nhưng đó là quan điểm riêng của tôi. Tôi không thể yêu cầu ai cũng lựa chọn cách sống của mình!

Cảm ơn chị vì đã dành cho tôi một cuộc trò chuyện thực sự chia sẻ như những người đồng nghiệp!

Theo Trí thức trẻ


BTV Ngọc Trinh

VTV


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.