Được xem là ông anh cả
của truyền hình Hong Kong nhưng vì nhiều lý do, ATV (tiền thân là RTV)
không thể trụ lại sau gần 60 năm hoạt động. Vào những năm 90 của thế kỷ
trước, mặc dù rating luôn bị áp đảo bởi hãng truyền hình đối thủ TVB
nhưng sự tồn tại của ATV tạo nên một cuộc cách mạng trên màn ảnh nhỏ xứ
Cảng thơm.
Nhiều người nhận định, nếu không có ATV thì TVB sẽ khó vững mạnh như
hiện nay bởi ATV từng nhiều phen khiến TVB điêu đứng, phải dốc toàn lực
để “chống trả”. Nhờ thế, TVB cho ra đời nhiều tác phẩm quy mô, được xếp
vào danh sách phim truyền hình kinh điển.
Đối với khán giả Việt Nam, ATV từng là thương hiệu được yêu thích qua
những bộ phim truyền hình dài tập, với không ít tên tuổi quen thuộc như
Chân Tử Đan, Trần Đình Uy, Trần Tú Văn, Vạn Ỷ Văn, Trịnh Tắc Sĩ, Doãn
Thiên Chiếu…
Nhất đỏ nhì đen (1991)
Ra đời đúng vào thời điểm cực thịnh của dòng phim cờ bạc, bộ phim Nhất đỏ nhì đen
đã tạo nên cơn sốt khắp châu Á với nhân vật chính Thạch Chí Khang do
Trần Đình Uy đảm nhận. Tác phẩm này được phát lại nhiều lần trên truyền
hình Việt, hiện đang thu hút khán giả SCTV mỗi trưa lúc 11h45.
Nhất đỏ nhì đen là tác phẩm thành công nhất của tài tử Trần Đình Uy. |
Dự định ban đầu chỉ 30 tập, thành công bất ngờ của Nhất đỏ nhì đen khiến ATV thực hiện tiếp phần 2 vào năm 1992.
Tinh võ môn (1995)
Trước khi nổi tiếng qua hình ảnh võ sư Diệp Vấn trên màn ảnh rộng, vai
diễn khiến khán giả nhớ đến Chân Tử Đan chính là Trần Chân trong bộ phim
truyền hình Tinh võ môn.
Chân Tử Đan vai Trần Chân. |
Được làm lại từ tác phẩm cùng tên của huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long, Tinh võ môn
phiên bản truyền hình đã khai thác sâu hơn cuộc đời của Trần Chân - đệ
tử của Hoắc Nguyên Giáp, người được tôn vinh như một vị anh hùng Trung
Hoa trong giai đoạn chống Nhật.
Ngày mai trời lại sáng (1997)
Sự kết hợp của Trần Tú Văn và mỹ nam Đài Loan - Mã Cảnh Đào - trong một
câu chuyện tình nhiều biến động đã mang lại thành công lớn cho bộ phim Ngày mai trời lại sáng, gồm 2 phần với độ dài 105 tập.
Bộ phim có mặt nhiều tên tuổi của TVB và ATV. |
Tác phẩm tập hợp dàn diễn viễn giỏi nghề của 2 hãng ATV và TVB còn có sự
góp mặt của Đặng Tụy Văn, Thiệu Mỹ Kỳ, Thương Thiên Nga, Lâm Vỹ Thần,
Tần Bái, Bào Khởi Tịnh…
Chàng Miêu phiêu bạt (1997)
Lần đầu tiên, màn ảnh nhỏ Hong Kong xuất hiện một nhân vật chính không
đẹp trai cũng không phong độ, mà lại mập, xấu và khù khờ. Đó là Lê Định
An - người quen gọi là Miêu mập, một thanh niên bị thiểu năng trí tuệ
nhưng tốt bụng, hiếu thảo trong tác phẩm Chàng Miêu phiêu bạt.
Miêu mập đã trở thành hình ảnh tiêu biểu của Trịnh Tắc Sĩ. |
Bằng tài năng của mình, Trịnh Tắc Sĩ - nam diễn viên có thân hình khổng
lồ - tạo dấu ấn mạnh mẽ khi thể hiện một Miêu mập chân thực, sinh động
trên màn ảnh nhỏ. Suốt từ đó đến nay, dù có thêm nhiều vai diễn mới
nhưng khán giả vẫn gọi anh là Miêu mập.
Tôi có hẹn với cương thi (1998)
Cho đến nay, Tôi có hẹn với cương thi (Khử tà diệt ma) vẫn là tác phẩm truyền hình ăn khách nhất, thành công nhất về đề tài kinh dị của Hong Kong.
Bộ phim đã giúp ATV giành lại thị phần từ tay đối thủ TVB, sản sinh nhiều ngôi sao được yêu thích như Vạn Ỷ Văn (vai Mã Tiểu Linh), Doãn Thiên Chiếu (vai Phương Thiên Hữu), Dương Cung Như (vai Vương Trân Trân), Trần Khải Thái (vai Sơn Bổn Nhất Phu), Đỗ Văn Trạch (vai Kim Chánh Trung)...
Doãn Thiên Chiếu và Vạn Ỷ Văn trong Tôi có hẹn với cương thi. |
Thành công của Tôi có hẹn với cương thi đã tạo niềm tin cho ATV thực hiện tiếp phần 2 (43 tập, 1999), phần 3 (38 tập, 2004) đều đạt tỷ suất người xem rất cao.
Ngoài 5 bộ phim từng được khán giả Việt yêu thích trên đây, ATV còn sở hữu không ít tác phẩm ăn khách tại bản xứ như Lý Tiểu Long truyện (1992) với Ngô Đại Duy, Lữ Tụng Hiền, Quan Vịnh Hà, Vạn Ỷ Văn; Tiên hạc thần châm (1992) với Ông Hồng, Doãn Thiên Chiếu; Ngân hồ (1993) với Huỳnh Nhật Hoa, Tăng Hoa Thiên, Giang Hoa; Hồng Hy Quan (1994) với Chân Tử Đan, Thái Hiểu Nghi; Bao Thanh Thiên (1995) với Kim Siêu Quần, Lữ Lương Vỹ..
Mới đây, TVB đã bỏ ra 17 triệu HKD (tương đương 47 tỷ đồng) mua lại
2.000 giờ phim với khoảng 80 tác phẩm đặc sắc nhất của ATV để giúp hãng
này vượt qua giai đoạn khó khăn nhất về tài chính. Tuy nhiên, khán giả
ATV vẫn bất lực chứng kiến những ngày “cuối đời” èo uột vì chính phủ
không tiếp tục cấp phép phát sóng miễn phí. Điều này đồng nghĩa với việc
ATV sẽ sớm chấm dứt hoạt động sau gần 60 năm đồng hành cùng người dân
xứ Cảng thơm. Hiện tại, sự sống của ATV đang được đếm ngược đến ngày
1/4/2016.
Theo Zing