NSƯT Quốc Anh: “Sẽ không bỏ tấu hài…”

Trước hôm vở chèo “Oan khuất một thời” (Nhà hát Chèo Hà Nội, kịch bản: NSƯT Lê Chức, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang) công diễn, NSƯT Quốc Anh gọi điện thoại nhắn tôi qua gặp anh để lấy vé mời, kèm theo một lời “bỏ nhỏ”: “Đến nhé! Vở này có nhiều cái hay, đáng để xem đấy!”.

Hôm ấy không còn là Lý Trưởng, Lý Toét hay Nghị Hách, Bá Kiến, Thầy bói mù… như mọi khi - hài - mà lâu nay khán giả thường thấy trên sân khấu hay băng đĩa lậu rao bán nhan nhản ngoài đường; NSƯT Quốc Anh vào vai Nguyễn Trãi hết sức tinh tế, đầy thần thái, nhân cách sừng sững, oan khiên tột cùng… Sau đêm diễn, NSUT Quốc Anh tâm sự:

- Khi vở diễn này ra rạp, nhà hát “cấp” cho tôi hai chục đôi vé mời bạn bè, người thân. Tôi “phân phát” thế này: năm đôi cho những người buôn thúng bán bưng tôi quen; năm đôi cho những bác xích lô, xe ôm tôi biết; năm đôi mời bạn cũ là bộ đội, còn lại năm đôi tôi mời những người quen biết khác. Tôi muốn lắng nghe phản hồi từ họ, lắng nghe thị hiếu khán giả ở những tầng lớp khác nhau để điều chỉnh diễn xuất của mình cho hợp lý.

- Phải chăng lâu nay anh chỉ diễn hài, bây giờ quay lại chính kịch, cảm giác không tự tin lắm nên mới phải làm như vậy?

- Cũng không hẳn như thế! Đúng là mười lăm năm nay tôi toàn đóng những vai hài, vai “đểu”… bây giờ mới quay trở lại với chính kịch. Nguyễn Trãi là một vai lớn. Mất tự tin thì không hẳn nhưng tôi trăn trở rất nhiều. Mấy đêm liền tôi thức trắng, tôi nghĩ về vai diễn, làm thế nào để lột tả được cái “thần” của Nguyễn Trãi, để đẩy được cái hồn cốt Nguyễn Trãi mà tôi thể hiện lên cao nhưng không được bi thảm…

- Nghe nói, sau khi đọc kịch bản, anh đã phóng xe máy hàng trăm cây số về Côn Sơn (Hải Dương) để thắp hương cầu xin cụ Nguyễn phù hộ cho mình?

- Tâm linh thì như thế! Thực tế, khi được đạo diễn Doãn Hoàng Giang phân vai Nguyễn Trãi tôi đã trăn trở rất nhiều. Tôi đọc kịch bản này khi đang “chạy Show” đi diễn hài ở Bắc Kạn. Tôi đọc một mạch và bị ám ảnh bởi nhân cách sừng sững mà oan khiên tột cùng của ông. Sau đó, tôi quyết định một mình phi xe máy về Côn Sơn thắp hương cho cụ. Giữa không gian linh thiêng ấy, tôi cảm thấy như mình được phù trợ để thăng hoa…

- Có vẻ như sau những vai hài, lần này quay trở lại với chính kịch, anh muốn có cho mình một vai diễn để đời?

- Vai Nguyễn Trãi là một vai diễn hay, mang lại cho tôi nhiều cảm xúc và chắc chắn sẽ là vai diễn tạo ấn tượng trong lòng khán giả. Thực tế tôi đã rất trăn trở với vai diễn này. Để diễn tròn vai, tôi đã nghiền ngẫm rất nhiều cuốn sách viết về cụ, về nhân cách và nỗi oan khiên của cụ. Đây là vai diễn để đời hay chưa, tôi không dám chắc!? Nhưng quan điểm của tôi về nghệ thuật là không bao giờ có đỉnh. Bởi nếu coi là đã đến đỉnh rồi thì rất dễ để mình bị tụt dốc. Bản thân tôi sẽ cố gắng để tạo ra những hình tượng mới thông qua vai diễn, chứ tôi không muốn bị “đóng đinh” bởi một dạng vai nào.

- Thực tế là anh đã rất thành công trong vai diễn này. Khán giả, trước nay chỉ xem anh diễn hài, tỏ ra rất ngạc nhiên khi anh vào vai chính kịch lại “ngọt” đến vậy…

- Với vai diễn này, nhiều người nói rằng tôi đang lột xác. Nhưng với tôi, “xác” là cái vẻ bề ngoài cố hữu, dù có hóa trang khéo thế nào đi chăng nữa thì người ta vẫn nhận ra đó là Quốc Anh. Tôi cố làm sao để đẩy cái hồn cốt của nhân vật mà tôi đang thể hiện lên cao, thoát ra khỏi cái bề ngoài ấy…

- Dường như anh đã dốc toàn tâm toàn lực để hoàn thành vai Nguyễn Trãi, một vai diễn mà tôi cho rằng đó là vai diễn đỉnh cao của anh. Nhất là màn cuối, trước khi Nguyễn Trãi phải chịu án tử…

- Màn này khiến tôi mất nhiều công sức và cũng gây cho tôi sự ám ảnh. Cả tôi và đạo diễn Doãn Hoàng Giang đều mất ăn mất ngủ. Diễn làm sao để nhân vật uống đủ bảy vò rượu do nhân dân mang đến trước khi thi hành án tử hình với bi kịch được đẩy lên đến tột đỉnh của nỗi đau mà khán giả vẫn không cảm thấy tiết tấu lớp diễn bị rề rà?

Khi tôi diễn, mỗi vò rượu được uống xong, khán giả đều vỗ tay rào rào còn tôi thì đã khóc thực sự. Tôi cho rằng, trong chèo cổ của ta từ xưa đến nay chưa có nhân vật nam nào được xây dựng với tính cách đầy đặn và có số phận như vậy. NSND Doãn Hoàng Giang đã có những cách tân táo bạo để dựng nên một tượng đài Nguyễn Trãi bi tráng. Đó là nỗi đau thế sự bi hùng!

Từ trước đến nay, mỗi khi nhận vai, tôi đều dốc toàn tâm toàn lực để hoàn thành tốt vai diễn.

- Quay trở lại với chính kịch, anh không định bỏ hài đấy chứ?

- Tôi sẽ vẫn diễn hài và sẽ tiếp tục thay đổi. Không phải bởi diễn hài cát-sê cao, nhanh nổi tiếng... mà bởi vì tôi tự thấy mình có duyên với hài, nhất là những vai “hề áo dài” như Lý Trưởng, Lý Lác...

Cát-sê cao, nhanh nổi tiếng không thực sự quan trọng mà quan trọng là tôi được làm nghề, được khán giả biết đến ở nhiều dạng vai. Đúng là với “sân khấu bình dân” là tấu hài, sự nổi tiếng cũng đến nhanh hơn và tôi cũng không phủ nhận nhờ băng đĩa hài mà khán giả biết đến tôi nhiều hơn. Rõ ràng, với sân khấu đại chúng, tác động và sự lan tỏa nhanh hơn nhiều. Với tôi, sân khấu nào người nghệ sĩ cũng nên diễn hết mình thì làm nghề mới “bền” được!

- Xin cảm ơn anh!

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.