Phan Huyền Thư: "Bóng ai như tôi đi qua cõi đời"

Bố là bóng. Linh hồn là bóng. Thân xác là hình.

Là con gái của NSND Thanh Hoa và nhạc sĩ Phan Lạc Hoa nhưng Phan Huyền Thư lại được biết đến bằng thơ và phim tài liệu, với không ít giải thưởng Diều Vàng, Diều Bạc... Mặc dù vậy, những thành công trong công việc không lấp được trong chị khoảng trống mà người cha đã để lại, khi ông bất ngờ lựa chọn sự ra đi lúc mới chỉ 35 tuổi và con gái ông còn chưa đầy 10 tuổi...

(Ảnh: Thúy Hằng - Đẹp)

"Có cảm giác bố tối chưa thể siêu thoát"

- Đến bây giờ, ký ức về bố chị còn lại thế nào?

- Đối với tôi, bố luôn tồn tại, bố không phải là ký ức. Bố là cảm xúc sống động, thiêng liêng và luôn là hiện tại. Tôi có cảm giác bố tôi chưa thể siêu thoát sau 27 năm. Có lẽ vì bố còn nhiều người yêu quý và nhắc nhớ đến mình. Một năm dương gian cũng chỉ bằng một ngày hạ thế... Còn yêu quý nhau thì còn vương vấn. Tôi đã trưởng thành để biến sự thiếu hụt đó thành một thói quen và cân bằng được cuộc sống của mình. Bố vẫn luôn ở bên tôi.

- Khi con người không còn hiện hữu, sẽ để lại một khoảng trống. Khoảng trống đó đã ám ảnh chị như thế nào?

- Một cách duy tâm, tôi luôn có những linh cảm và những "giao tiếp" đặc biệt với ông. Sự ra đi của bố chắc chắn đã ảnh hưởng đến cả cuộc đời tôi. Phần lớn những biến cố không hay đến với tôi, tôi đều được một linh cảm mách bảo. Vì thế thái độ của tôi thường là... chấp nhận. Đúng hơn, là đón nhận. Nếu đã biết "trời cao đất dày" là gì thì việc đón nhận số phận một cách trân trọng là thái độ cần thiết. Cái gì trời ban cho ta, phải cố mà giữ lấy, cái gì trời lấy đi của ta thì đừng tìm mọi cách "xích mích" với ông trời để đòi lại. Thỏa hiệp được với số phận của mình cũng là một cách sống.

- Dưới cái bóng của những ám ảnh, chị đã rút ra được điều gì?

- Chẳng ai có lỗi với bất hạnh của mình ngoài chính mình. Đấy là những gì tôi chiêm nghiệm và chấp nhận. Bố mẹ tôi đã từng rất yêu nhau. Sau đó nhận ra không thể tiếp tục chung sống. Rồi bố tôi mất. Sau đó là những đồn thổi, dư luận... Một phần sức ép đó chắc cũng vì mẹ tôi là người có tài và nổi tiếng. Nếu mẹ là người vô danh thì chắc cũng chẳng ai thèm dèm pha...

Bản thân tôi đã có một lời hứa với chính mình: Tuyệt đối không để cho các con phải chịu sức ép về tâm lý và công việc. Vợ chồng tôi có những quy ước riêng để đảm bảo sự bình yên cho các con. Chẳng hạn, không bao giờ tranh luận với nhau trước mặt con. Tôi muốn tránh cho các con những điều mà mình đã không bao giờ muốn phải nghe, phải thấy khi còn nhỏ.

(Ảnh: Thúy Hằng - Đẹp)

Mẹ là hình. Bố là bóng

- Chị thấy mình giống ai?

- Đa phần người không biết mặt bố thì thấy tôi giống mẹ. Người biết thì lại bảo tôi giống bố. Tính cách tôi có vẻ giống bố nhiều hơn. Bố tôi luôn tồn tại trong tôi từ cách nghĩ, cách làm và có sự giao cảm rất mạnh mẽ mỗi khi tôi có nhu cầu chia sẻ về mặt tinh thần. Đặc biệt là bố tôi rất quý trọng bạn bè. Có lẽ, tôi ảnh hưởng tinh thần "đại hiệp" của bố.

- Vậy còn cái bóng nghệ sỹ của mẹ?

- Tôi được thừa hưởng một tài sản vô giá là tài năng và danh tiếng của mẹ. Trước đây, mẹ đã rất kỳ vọng rằng tôi sẽ trở thành một nghệ sỹ biểu diễn. Nhưng cuộc sống của nghệ sỹ biểu diễn khá ồn ào so với cá tính của tôi. Cuối cùng, tôi chọn chìm sâu vào văn chương và suy tưởng để được tự do và được là chính mình. Nhưng ít nhiều, trong tôi vẫn còn một cái bóng nghệ sỹ.

Với mẹ tôi, điều đó còn có ý nghĩa hơn là nếu tôi trở thành một diễn viên mà không có tư chất nghệ sỹ. Ảnh hưởng rõ nhất của mẹ lên tôi là tính chân thành, nhân hậu, thích đèo bòng, yêu gia đình, thích có nhiều con và hay lo toan những điều lặt vặt trong bếp...

- Có bao giờ chị thấy buồn vì người ta không quá chú ý đến Phan Huyền Thư đã làm được gì, mà chỉ nhắc đến chị chỉ vì chị là con của NSND Thanh Hoa?

- Tôi thấy thoải mái khi không ai nhận ra "liên đới về gia quyến" của mình. Nhiều năm trước tôi đã phải tạo vỏ bọc và giấu giếm bản thân rất nhiều để mọi người đừng chú ý đến mình. Thậm chí tôi còn tránh xuất hiện chỗ đông người cùng mẹ. Suốt cuộc đời, tôi cố gắng sống tốt cũng chính là để bảo vệ danh tiếng của mẹ. Tôi tự hào về mẹ và bố. Bố là bóng, mẹ là hình.

Bóng là tròn, là nhẹ, là khuất

- Trước kia, Phan Huyền Thư là một cô gái trẻ cá tính. Còn bây giờ?

- Gai góc cũng đến lúc rụng dần, sắc nhọn có đến lúc được mài, thẳng thắn rồi cũng đến lúc sẽ được uốn nắn, thậm chí bẻ cong... Trong cuộc sống, tôi sợ nhất là đánh mất mình. Nếu cá tính là tôi thì nó phải được tìm thấy trong tác phẩm. Mọi thứ nhận xét và dư luận áp đặt phiến diện chỉ là phù du.

- Một chồng, hai con, gia đình có vẻ êm ấm, sao chị vẫn có vẻ cô đơn vậy? Phải chăng vì chị quá nhạy cảm?

- Con người ta sinh ra vốn dĩ đã có nhu cầu tìm kiếm sự chia sẻ rất bản năng. Tôi còn cảm thấy cô đơn có nghĩa là tôi còn có nhưng xu hướng tư duy độc lập.

- Chị cứng cỏi, trước những lời dèm pha, chị chỉ còn lặng lẽ khóc. Tại sao chị không phản ứng?

- Tìm cách trả thù? Chơi xấu lại đối tượng? Khẩu chiến? Bút chiến? Kêu ca thanh minh khắp nơi? Lu loa mình bị đối xử tệ bạc?...Theo bạn thì tôi nên làm gì? Tôi thấy "tiểu nhân đắc ý" khi nghĩ đến câu: "Sự trả thù ghê gớm nhất là... tha thứ".

- Chứ không phải chị không "thèm chấp" là vì cái tôi trong chị quá lớn sao?

- Không. Theo tôi đấy là biểu hiện của sự tự trọng thôi!

- Những vấp ngã đã gây ra cho chị điều gì?

- Tôi cũng chẳng có vấp ngã gì ghê gớm ngoài ngã vào văn chương nghệ thuật. Say mê rồi còn đam mê quên đường về... Những trò đòn bẩy vặt vãnh của đời sống là điều không tránh khỏi với những người trẻ và thiếu kinh nghiệm. Chẳng có gì khiến tôi ân hận, kể cả những sai lầm. Trong sai lầm, sơ suất, tôi phải cố gắng tìm cho mình một thái độ cầu thị và tự trọng để không đánh mất bản thân.

- Có bao giờ chị muốn mình không là người nổi tiếng, không là người của công chúng, mà "mi chỉ là người bình thường" - nói như nhà thơ Lê Đạt không?

- Khổ nỗi, người nổi tiếng thật người ta không thấy mình là "người nổi tiếng". Người thèm nổi tiếng thì hay ngộ nhận và ảo tưởng về sức ép dư luận. Tôi không thích sự ồn ào và thói thị phi, đơm đặt. Tôi thích im lặng và làm việc hoặc tham gia những công việc từ thiện xã hội hoặc chí ít cũng dành thời gian chơi với con... Tôi chỉ sợ mình không được là mình thôi, có nghĩa là sợ phải lên gân, sợ phải tạo vỏ bọc, sợ phải đóng vai. Bác Đạt với tôi cũng đã từng nói chuyện với nhau về điều này, sống ở đời sướng nhất là làm người tài trong thân phận người thường.

- Là dân sáng tác, chị tìm cách nào vượt qua được những chiếc bóng của người đi trước, để được là mình?

- Tôi yêu những cái bóng vĩ đại đó. Tôi cũng thầm ao ước, biết đâu mình cũng tạo được một cái bóng sau này. Đấy là tham vọng viển vông của tôi...

- Ám ảnh nào theo đuổi chị nhiều nhất trong những thước phim tư liệu?

- Trong những bộ phim của tôi, bóng ma ám ảnh lại là cái nhẫn tâm của những người đang sống với sự sống của con người... Cái bóng đó không thấy được mà chỉ đè nặng tâm trí người xem.

- Còn chính bản thân chị với cái bóng? Chị sẽ nghĩ về nó theo nghĩa nào?

- Với tôi. Bóng là linh hồn. Bóng cũng là kích thước tài năng. Bóng là ảo ảnh. Bóng là nguyên lý được hình thành ở nơi có nguồn sáng. Bóng là tròn, là nhẹ, là khuất... Nếu nói về bóng thì... tôi muốn hát lên câu thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã được nhạc sỹ Phú Quang phổ nhạc: "...Bóng ai như tôi đi qua cõi đời..."

Theo Thi Anh



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.