Là phụ huynh có con học lớp 1, tôi thấy nhiều cha mẹ chê SGK thậm tệ và ước con được học giống ngày xưa, các vị đang muốn kéo lùi giáo dục về 30 năm trước sao?

Nếu sau ngần ấy năm, từ thế hệ chúng ta cho đến thế hệ con cháu, hàng chục thế hệ vẫn quanh đi quẩn lại chỉ ngần ấy bài đọc, kiên định theo một phương pháp chỉ để phụ huynh thấy quen thuộc, để cha mẹ dễ dàng kèm con, đứa lớn chỉ bài được cho đứa nhỏ, chẳng phải chúng ta đang giậm chân tại chỗ sao?

- “Sách học bây giờ nó cứ gượng gạo kiểu gì ấy nhỉ, không hiểu dạy trẻ kiểu gì nữa? Chả nhẽ dạy lừa nhau là khôn, lười nhác là tốt cho mình, dối trá để có lợi...”.

- “Ca dao tục ngữ, đồng dao, văn chương Việt Nam thiếu gì trích đoạn hay mà toàn mô phỏng và viết lại truyện nước ngoài, mình đọc còn thấy chán nữa là con”.

- “Lời nói không đầu đuôi, cộc lốc, khó hiểu, bạo lực…, không có chút nhân văn nào. SGK viết cho học sinh cả nước học mà toàn thấy tiếng địa phương, nhiều từ vựng mang tính đánh đố. Chẳng trách sao học sinh ngày càng vô lễ, hời hợt, sống vội”.

- “Đọc SGK mới mà thương các con thắt ruột. Giá như trẻ bây giờ được học như ngày xưa thì hay biết mấy!”.

Từ những ngày đầu 5 bộ sách giáo khoa mới được áp dụng dạy cho trẻ lớp 1 năm học 2020 - 2021, những ý kiến tranh cãi gay gắt về sách tiếng Việt như trên đã dày đặc trên các diễn đàn mạng. 

Ngoài việc chương trình mới được nhiều phụ huynh phàn nàn là quá nhanh, quá nặng nề so với trẻ, nội dung của sách tiếng Việt cũng là tâm điểm chú ý trong những ngày qua. Các phụ huynh có con vừa chân ướt chân ráo vào lớp 1, những người quan tâm đến vấn đề giáo dục, các chuyên gia, KOLS, các nhà báo… cũng vào cuộc, và đa phần chê trách SGK chương trình mới thậm tệ.

Là phụ huynh có con học lớp 1, tôi thấy nhiều cha mẹ chê SGK thậm tệ và ước con được học giống ngày xưa, các vị đang muốn kéo lùi giáo dục về 30 năm trước sao?-1

Là phụ huynh có con học lớp 1, tôi thấy nhiều cha mẹ chê SGK thậm tệ và ước con được học giống ngày xưa, các vị đang muốn kéo lùi giáo dục về 30 năm trước sao?-2

Nhiều ý kiến tranh cãi về bộ sách giáo khoa năm nay.

Là một người có con vào lớp 1 năm nay, tôi cũng từng “vật lộn” dạy con học đánh vần, ức chế vì con có quá nhiều bài tập, choáng vì chương trình nhanh như tên bắn… Xét lại, tôi thấy SGK mới đúng là không hoàn hảo, nhưng để gọi bằng những từ ngữ tiêu cực như các phụ huynh ở trên, có lẽ đã hơi quá lời!

Hãy bình tĩnh với SGK mới

Sau khi đọc rất kỹ bộ sách tiếng Việt của con tôi cũng như 4 bộ còn lại, đặc biệt là bộ sách Cánh Diều đang tốn rất nhiều giấy mực và thời gian tranh cãi, tôi thực sự nghĩ các anh chị nên ngồi xuống uống miếng nước, hít thở sâu và… bình tĩnh. Không biết tôi có quá dễ tính hay không, nhưng tôi nghĩ rằng, những vấn đề mà các anh chị đề cập đến đều có lý do cả. 

Đầu tiên, các anh chị có lẽ đã bị “đóng đinh” với những bộ SGK cũ và mất quá nhiều công sức để nhớ tiếc nó, nên không nhìn ra:

SGK mới được làm để phù hợp với cách dạy và học theo phương pháp mới

Khác với thời chúng ta, chữ được giới thiệu rất từ tốn. Cả văn bản dài, bài thơ, bài đọc được trích dẫn ra, học sinh sẽ chỉ cần “nhặt” ra chữ/vần/từ chứa vần cần học và ghi nhớ từng chữ cái, sau đó ráp chúng lại bằng cách đánh vần. Chương trình năm nay học nhanh hơn, đòi hỏi cao hơn, trẻ được giới thiệu âm/vần rất sớm và các văn bản được làm ra để phục vụ việc ĐỌC CHỮ, với mục đích cuối là học sinh có thể đọc trơn tru từng tiếng và nhận diện âm. 

Do phương pháp dạy và học thay đổi, nên người làm sách khi chọn ngữ liệu cho trẻ lớp 1 có lẽ cũng rất áp lực vì chỉ được chọn ngữ liệu có chứa âm vần đã học. Các tác giả tuân thủ nguyên tắc nếu vần nào chưa được học thì sẽ không đưa tiếng chứa vần đó vào bài đọc, nên văn bản bị gượng ép, trúc trắc cũng không lạ.

Là phụ huynh có con học lớp 1, tôi thấy nhiều cha mẹ chê SGK thậm tệ và ước con được học giống ngày xưa, các vị đang muốn kéo lùi giáo dục về 30 năm trước sao?-3

Một trong những bài học bị suy diễn và chỉ trích là "tối nghĩa", "xuyên tạc" truyện ngụ ngôn.

Vẫn biết ngôn ngữ trong SGK phải phổ thông, trong sáng, tránh ngôn ngữ địa phương, vùng miền, tránh từ lạ lẫm với trẻ, nhưng những từ như “thở hí hóp”, “chả”, “nhá”, “má”... được dùng trong sách, nó không phải là tiếng Việt sao? Khi dạy, giáo viên sẽ giải thích cho các con. Tôi thấy lạ khi các anh chị cứ bảo phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nhưng khi SGK đưa vào từ ngữ đa dạng, có trong từ điển đàng hoàng, thế mà anh chị vẫn nhảy dựng lên!

Tôi nói thật, SGK tiếng Việt mà có từ nào chưa hiểu, các anh chị hãy tra từ điển, cùng học với con, giải thích mở rộng cho con bằng từ đồng nghĩa, thế là trẻ được mở rộng vốn từ vựng, có gì mà phải ầm ĩ? 

Tôi không thấy việc dùng từ địa phương hay từ cổ trong SGK tào lao, chỉ nghĩ rằng đó là cách giới thiệu những từ ngữ, cách biểu đạt đa dạng, không bị đóng khuôn trong trường từ vựng quá quen thuộc và cũ mòn. 

Là phụ huynh có con học lớp 1, tôi thấy nhiều cha mẹ chê SGK thậm tệ và ước con được học giống ngày xưa, các vị đang muốn kéo lùi giáo dục về 30 năm trước sao?-4

Là phụ huynh có con học lớp 1, tôi thấy nhiều cha mẹ chê SGK thậm tệ và ước con được học giống ngày xưa, các vị đang muốn kéo lùi giáo dục về 30 năm trước sao?-5

Nhiều từ địa phương, từ lạ được đưa vào SGK mới.

Từ mà người soạn SGK dùng không sai (tôi không khen hay nhé!), chỉ có điều nó không dễ, không quá phổ quát, nên giáo viên và phụ huynh cũng phải đọc để đồng hành cùng con.

Lại nói đến nội dung, nhiều người phàn nàn rằng SGK đưa vào những bài học… phản giáo dục, không nhân văn, xa lạ với trẻ. Tôi đồng ý một phần. Quả thực những ví dụ về ngụ ngôn nước ngoài không hẳn là phù hợp để giới thiệu cho trẻ lớp 1. Nhưng cũng cần nói lại, những trang sách các anh chị chia sẻ đang gây tranh cãi luôn có cấu trúc 2 phần, nếu tách riêng từng phần thì đúng là ngô nghê, khó hiểu, nhưng ráp 2 phần lại thì thành ra 1 câu chuyện có đầu có đuôi. Chúng ta có thể chê vụng về, không hay, chứ không thể nói là không có tính giáo dục. 

Vì năm nay, trẻ sẽ được dạy theo hướng mở, không tuyên truyền một chiều mà dạy trẻ về cả cái tốt và cái xấu, cái đúng và chưa đúng sai, sau đó hướng dẫn trẻ rút ra bài học đúng.

Giáo viên (và cả phụ huynh) phải đồng hành với trẻ là vì thế. Những truyện ngụ ngôn ấy cũng tương tự như ngày nhỏ ta đọc “Trí khôn của ta đây”, đọc “Trạng Quỳnh”, nhưng lớn lên có phải ai cũng khôn lỏi, mưu mẹo vặt đâu? 

Điều được nhất ở sách tiếng Việt mới năm nay, ấy là các nhân vật chính trong sách phần lớn đều thân quen, gần gũi với bé, là người thân, người thường chứ không phải các thần tượng thời đại cũ.

Tinh thần làm sách như thế là mới mẻ, cởi mở, nhưng thao tác và ngôn ngữ thì cần được xem xét lại. Nhưng thao tác thì thay đổi dễ thôi, cái tinh thần mới mẻ kia mới quan trọng. Nếu năm sau SGK có phải sửa đổi, hiệu đính, mong rằng các nhà biên soạn hãy giữ tinh thần đó. 

Dạy con thế nào với sách mới?

Điều quan trọng hàng đầu của chúng ta bây giờ với SGK mới, tôi nghĩ không phải là nhặt sạn, mà là gạn đục khơi trong, tìm ra cách để có thể “đối thoại” với SGK, giúp con học tập hiệu quả. 

Tôi cho rằng, việc phụ huynh lấy mình ra làm thước đo để nói rằng SGK Tiếng Việt mới có kiến thức quá nặng có lẽ hơi chủ quan. 

Theo tâm lý lứa tuổi, với một đứa trẻ 6 tuổi, việc tiếp nhận ngôn ngữ mẹ đẻ và ngoại ngữ diễn ra rất nhanh, gấp rất nhiều lần so với người trưởng thành do bộ nhớ trong đầu là hoàn toàn mới, dữ liệu chứa trong đó chưa nhiều. 

Điều đó giống như chúng ta đã đi quen một con đường hai chiều, chật chội, đông đúc nhưng lại thấy hoàn toàn dễ chịu. Trong khi cũng con đường đó, phân luồng một chiều, đường rộng rãi hơn, ít lộn xộn hơn, chúng ta sẽ cảm thấy bức bối vì chưa thích nghi kịp với sự thay đổi còn người lần đầu đi con đường một chiều đó thì thấy hoàn toàn bình thường. Vì vậy, các anh chị muốn dạy tiếng Việt cho con đang học lớp 1 thì không chỉ phải nghiên cứu trước nội dung và phương pháp dạy học mà còn phải thoát ra khỏi lối mòn tư duy của cá nhân. 

Là phụ huynh có con học lớp 1, tôi thấy nhiều cha mẹ chê SGK thậm tệ và ước con được học giống ngày xưa, các vị đang muốn kéo lùi giáo dục về 30 năm trước sao?-6

Mô hình phân biệt cách sử dụng chữ "g", "gh", "ng", "ngh" mà tôi viết để dạy con.

Thực tế, cái mới và cái cũ luôn luôn mâu thuẫn, thậm chí xung đột nhau, nhiều khi bác bỏ nhau. Thật nực cười khi những người nhớ tiếc sự nhân văn, trác tuyệt của SGK cũ cảm thấy “tiếc thay” cho lũ trẻ thế hệ 2000 vì không còn sách đó nữa. Cho các con học những bài mà từ thế hệ mẹ qua thế hệ con vẫn không thay đổi, đó là cách dễ, nhưng không phải là cách để tiến lên. 

Thế giới thay đổi từng ngày, nhưng phụ huynh chỉ muốn cho con học như mình để tiện kèm chẳng phải là muốn kéo lùi giáo dục về 30 năm trước sao?

Tôi hiểu rằng tất cả chúng ta đều sốc vì sự thay đổi đột ngột này. Đáng lẽ, Bộ GD&ĐT cho thí điểm trước khi đưa vào chính thức thì sẽ đỡ hơn. Nhưng sự thật là chúng ta cần tìm cách để giúp con học vui với bộ SGK mà trường con chọn. Đầu lớp 1, mới bắt đầu học ghép vần thì bài đọc chỉ loanh quanh mấy chữ đã học, những âm dễ, vần ngắn, nên đôi khi câu văn sẽ gượng ép, lủng củng, kỳ cục. Chúng ta muốn có văn chương mượt mà, ấm áp tình cảm, giáo dục cao thì đợi đến khi con đọc thông viết thạo, lúc ấy sách không đáp ứng thì hẵng phê bình chứ!

SGK không phải là con đường duy nhất dẫn đến tri thức. 

Sách hay, sách tốt bây giờ nhan nhản, anh chị mua về đọc cho con nghe, vừa luyện thêm chữ vừa nuôi nấng tâm hồn non nớt của con. Nếu giả sử thích SGK cũ quá, cứ tải về đem in ra mà cho con xem, mà đố chữ gieo vần. Nhưng nhớ là đừng trống đánh xuôi kèn thổi ngược, đừng bê y xì kiểu đánh vần cũ mà áp dụng, làm con bối rối vì cô dạy một kiểu, bố mẹ dạy kiểu khác nhé!

Một điều nữa tôi cũng cần nói, ấy là thái độ phản biện của chúng ta về SGK mới. Từ các diễn đàn mạng đến ngoài đời, người tỏ thái độ chán nản cũng lắm mà người chửi nhóm tác giả biên soạn đầu óc ngu dốt, nhân cách tồi tệ cũng nhiều. Suy nghĩ logic một chút đi các anh chị, đâu có ai muốn dạy trẻ con lười biếng, khôn lỏi, lọc lừa… chứ?

Nên nhớ, theo chương trình mới, SGK không phải là pháp lệnh, nghĩa là bài đọc chỉ mang tính gợi ý, còn việc dạy cần sự sáng tạo, truyền tải, tâm huyết của giáo viên. Với cách học mới này, trẻ cũng phải tư duy nhiều hơn, được có cơ hội phát biểu ý kiến, đặt vấn đề nhiều hơn, thay vì học thụ động, một chiều. 

Là phụ huynh có con học lớp 1, tôi thấy nhiều cha mẹ chê SGK thậm tệ và ước con được học giống ngày xưa, các vị đang muốn kéo lùi giáo dục về 30 năm trước sao?-7

Như cái bài ví dụ Bi có 3 quả cam trong cặp mà anh chị chê trách, cậu bé vặn lại chị thì bị bảo là trả treo, hỗn láo, nhưng thú thật, trẻ con nhà tôi toàn nói thế. Chúng để ý từng tí lời người lớn, tìm ra các lỗ hổng hoặc phát ngôn chưa đúng, chưa chuẩn mực của người lớn mà lên tiếng. Cái gì sai sự thật là bị vặn ngay. Trẻ con bây giờ không “ngoan” theo kiểu gọi dạ bảo vâng, mà ngoan theo những nguyên tắc. Giống như ngày xưa đứa trẻ nào ra đường, nhìn thấy người lớn mà không chào lập tức sẽ bị bảo là hỗn. Còn thời nay, người lớn cũng cần học các tôn trọng, chào hỏi trẻ vậy.

Hơn nữa, có thể trong SGK mới, cách thức tổ chức bài học gây tranh cãi, cách ép vần, dùng quá nhiều ví dụ từ ngụ ngôn nước ngoài cần phải xem xét lại, nhưng khi muốn phê bình, người phản biện cần phải có chuyên môn ngôn ngữ, sư phạm, tâm lý lứa tuổi… đã. Tức là tranh luận đúng vấn đề, dựa trên các lý thuyết, nghiên cứu cụ thể, và phải biết mình ở đâu, đang nói cái gì đã. 

Nếu không có chuyên môn, những phụ huynh chỉ nên thắc mắc, không nên phán xét thứ không phải là chuyên môn của mình.

Thật lạ là người ta ít khi đòi sửa máy tính thay kỹ sư, tính tiền giúp kế toán, thậm chí chẳng mấy khi đòi dạy hóa học thay thầy giáo hóa học, nhưng lại rất dễ dàng “làm thầy” của thầy giáo dạy văn và thích phán bệnh thay bác sĩ.

Là phụ huynh có con học lớp 1, tôi thấy nhiều cha mẹ chê SGK thậm tệ và ước con được học giống ngày xưa, các vị đang muốn kéo lùi giáo dục về 30 năm trước sao?-8

Cuối cùng, các anh chị ạ, hãy đưa ra quan điểm phản biện một cách văn minh. Chúng ta có quyền lên tiếng vì sự học của con cái mình, của những mầm non đất nước mình, có quyền bày tỏ bức xúc với SGK, nhưng chỉ nên tập trung vào chủ thể đó, thay vì tấn công cá nhân những người viết sách, chủ biên sách hoặc lên đồng chửi bới cả nền giáo dục. Tấn công cá nhân, hạ bệ uy tín, danh dự người khác là một sự ngụy biện xấu xí mà nhiều người ưa vin vào để làm sức mạnh cho mình, nhưng nó không phải là luận điểm, luận cứ lành mạnh trong tranh luận. 

“Muốn qua thì bắc cầu Kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”

Con cái chúng ta có thể hay chữ, giỏi giang hay không thì chưa biết, còn cả một tương lai phía trước để thẩm định. Cầu Kiều có vững chắc hay không thì cũng cần đợi các “kỹ sư” xem xét lại. Nhưng có một điều chắc chắn, sự tử tế, lòng trắc ẩn, sự biết ơn... của chúng cần rất nhiều chăm bón, giáo dục của chúng ta. Chúng ta sẽ dạy gì cho con, nếu cứ lớn tiếng thóa mạ, chỉ trích những người đang xây nền móng giáo dục của chúng bằng những ngôn từ hằn học và định kiến?

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/la-phu-huynh-co-con-hoc-lop-1-toi-thay-nhieu-cha-me-che-sgk-tham-te-va-uoc-con-duoc-hoc-giong-ngay-xua-cac-vi-dang-muon-keo-lui-giao-duc-ve-30-nam-truoc-sao-162201210083005852.htm

sách giáo khoa


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.