Giáo dục giới tính cho vị thành niên: Chậm trễ là có tội

Một nửa dân số Việt Nam ở độ tuổi dưới 25, thụ hưởng một cuộc sống tốt hơn so với bố mẹ chúng nhưng hành trang vào đời vẫn còn một lỗ hổng kiến thức lớn về giới tính.

Một nghiên cứu của Trung ương Đoàn TNCSHCM cho thấy phần đông lớp trẻ không được học các vấn đề về giới tính, SKSS khi ngồi trên ghế nhà trường, vì thế giới trẻ đang đứng trước rất nhiều nguy cơ.

Đa số thanh niên Việt Nam biết ít nhất một biện pháp tránh thai nhưng có tới 80% số thanh niên lại không sử dụng bao cao su trong lần quan hệ tình dục đầu tiên – 65% những ca HIV mới nhiễm ở Việt Nam ở độ tuổi 15 – 19. Bộ giáo dục và đào tạo thông báo bắt đầu từ năm 2006 – 2007 chương trình giáo dục dân số, SKSS chính thức được đưa vào nhà trường từ lớp 1 đến lớp 12.

Tuổi vị thành niên là giai đoạn phát triển đặc biệt của cuộc đời con người, là độ tuổi chịu ảnh hưởng rất mạnh của các điều kiện văn hóa, giáo dục của gia đình và xã hội

Việc soạn thảo chương trình đã bắt đầu từ những năm 1980. Nhiều khó khăn được nêu lên khi thực hiện chương trình này, phụ huynh chưa nhất trí cao về việc giảng dạy môn này, “vẽ đường cho hươu chạy”, giáo viên cũng e ngại khi lên lớp – điểm yếu nhất hiện nay là vị thành niên (VTN) ít được tiếp cận với thông tin về SKSS hoặc thông tin không đầy đủ, khi gặp khó khăn họ không biết tìm sự trợ giúp ở đâu.

Thật ngạc nhiên khi hiểu biết của VTN về SKSS được mô tả như trên nhưng một quan chức ngành giáo dục lại cho rằng GDGT phải 20 năm nữa mới thực hiện được. Dù chương trình GDGT đưa vào nhà trường có chậm nhưng còn hơn là không bao giờ hoặc quá chậm trễ. Nên nhớ rằng những số liệu về tình hình SKSS VTN nói trên đã có ngay từ khi chương trình GDGT chưa đưa vào nhà trường, là hậu quả của việc để trẻ lớn lên tự nhiên như vây cỏ, không có hiểu biết để tự bảo vệ.

Khủng hoảng tâm lý tuổi VTN

Con người ngày nay sống thọ hơn và cũng trưởng thành sớm hơn. Xã hội tiến nhanh đến mức tạo ra giữa các thế hệ một khoảng cách về tâm lý, sở thích, lối sống, các giá trị… và hậu quả là càng ít hiểu nhau hơn. Cha mẹ cần hiểu về lứa tuổi VTN nhiều hơn, đó là cách tốt nhất giúp VTN vượt qua những khủng hoảng của lứa tuổi và để giảm bớt sự cách biệt giữa các thế hệ.

Người ta vẫn thường định nghĩa tuổi VTN là độ tuổi từ 10 – 19. Nhưng tuổi trưởng thành thường đến chậm hơn tuổi VTN khoảng 5 năm, chứ không phải ngay sau tuổi 19. Nhiều nước có những nghi thức ở đánh dấu sự kết thúc tuổi VTN (phải thực hiện một thử thách của cộng đồng hay được xăm trên mình, hay bị cắt bao quy đầu, cắt âm vật). Nhiều nước phương Tây công nhận đã qua tuổi VTN bằng nhiều hình thức, nhiều giai đoạn, ví dụ VTN Mỹ có thể được phép lái xe ở tuổi 16 nhưng chưa được đi bỏ phiếu; được bỏ phiếu vào tuổi 18 nhưng chưa được phép uống rượu; được phép uống rượu vào tuổi 21 nhưng không nhất thiết phải sống độc lập.

Những biến đổi quan trọng ở tuổi VTN: Những biến đổi thể chất và tinh thần luôn song hành, tuổi VTN bản thân nó là một “giai đoạn khổ ải”. Cơ thể thay đổi và VTN phải chống chọi với nhiều áp lực có tính xung năng – nhất là xung năng tính dục và hầu hết các em ở lứa tuổi luôn băn khoăn, xao động về hình ảnh bản thân.

Quá trình khám phá bản thân là quá trình hình thành nhân cách, chính trong giai đoạn này nhiều khi VTN rơi vào tình trạng hoang mang, dao động, mất phương hướng đến mức có thể xem tuổi VTN về bản chất như là tuổi hay có những rối nhiễu tâm trí: Hoài nghi, coi thường các giá trị, lo hãi nhưng cũng bộc lộ con người thật và muốn tự khẳng định. VTN cần phá cách để xây dựng, muốn từ bỏ tuổi thơ để tạo lập một phương thức quan hệ mới với xã hội.

Giới hạn “bình thường” và bệnh lý của hành vi ở tuổi VTN: Điều không “bình thường” lại chính là những biểu hiện vượt quá mức bình thường: Nói luôn miệng, bốc, tình cảm quá khích, trứng cá đầy mặt… Tuổi VTN là tuổi rất dễ tự ái và nhạy cảm với mọi ánh mắt và lời nói của người xung quanh, nhất là của bạn bè. Nhu cầu hòa nhập với nhóm bạn chuyển thành ý chí muốn vượt qua tính rụt rè, nhút nhát và để được bạn khác giới yêu mến. Con trai hay tỏ ra trịch thượng, coi thường con gái và con gái thì hay làm dáng rất lộ liễu. Mọi biểu hiện đó đều là bình thường, kể cả tính hung hăng, gây gổ vì giai đoạn này các em đang dồi dào sức sống. Tuy nhiên, khi hành vi vượt quá mức bình thường thì có thể là một triệu chứng bệnh lý.

Nhận biết triệu chứng bệnh lý: Khi nhận thấy VTN có những rối loạn như mỏi mệt, mất ngủ, nhức đầu, ăn quá nhiều, dị ứng, cả những trạng thái như khi thì lo sợ khi thì liều lĩnh, sợ bị cô lập, không chịu đến trường, hay gây chuyện, hiếu động, hung bạo hoặc lặng lẽ, ít nói… nhưng triệu chứng đáng ngại nhất lại là những biểu hiện trì trệ, thiếu năng động.

Trong sự phát triển của tuổi dậy thì (về sinh lý, tâm trí và thể chất ranh giới của trạng thái bình thường và bệnh lý nhiều khi khó xác định. Nguyên nhân của những biến đổi bệnh lý không bắt nguồn từ quá trình dậy thì mà từ các yếu tố bẩm sinh, cấu tạo tinh thần và sức nặng di truyền. Những cá thể chịu áp lực của những yếu tố đó không thể đối phó được với những đòi hỏi của một cơ thể đang phát triển cho nên cuối cùng đã phát sinh các biểu hiện bệnh lý.

Ví dụ, trầm cảm thường được coi là một trạng thái bình thường của tuổi dậy thì lại có thể báo hiệu bệnh sa sút trí tuệ sớm nhưng bệnh lý này có thể qua đi khi chấm dứt giai đoạn biến động gay gắt nhất của tuổi dậy thì. Trong cuốn sách “Bệnh học giới tính” Hirschfeld đã nói về những khủng hoảng của tuổi dậy thì, nêu lên những rối nhiễu thần kinh và tâm lý. Theo ông, những bất thường đo liên quan trực tiếp đến giai đoạn khủng hoảng của tuổi dậy thì với nhiều biểu hiện từ nhẹ đến nặng như tính ăn cắp vặt, thích đi lang thang, thích đốt nhà, thích đặt chuyện hoang đường và cả tự tử.

Khi các bậc cha mẹ nhận thấy con cái có những biểu hiện bất thường đừng vội hốt hoảng, lắng nghe ý kiến của chúng chứ không vội phản đối, tôn trọng sự khác biệt kể cả khi chúng sống không ngăn nắp lắm, phòng bừa bộn, ăn mặc như bụi đời hay như siêu sao. Bị áp đặt một lối sống do người lớn đặt ra là điều khó chịu với VTN và dễ gây phản ứng. Ngược lại quá quan tâm cũng làm cho VTN cảm thấy gò bó vì nhân cách đang còn biến động và chính VTN cũng chưa hiểu nổi mình. Không coi nhẹ mọi vấn đề của VTN, làm sao để các em giữ được lòng tin vào cha mẹ vì lúc này các em vẫn cần có cảm giác an toàn. Chúng cần cảm thấy sự hiện diện của cha mẹ nhưng không muốn cha mẹ quá sốt sắng với cuộc sống của chúng.

Một số đặc tính của vị thành niên đối với hành vi tính dục: Ngay từ thời cổ đại, nhà hiền triết Hi Lạp Aristote đã có nhận xét đáng ngạc nhiên về tuổi VTN (đại ý): “Đó là những người có xu hướng ham muốn đó thành hành động. Trong số những ham muốn thể chất thì ham muốn tình dục dễ giải tỏa và phóng túng nhất. VTN là tuổi luôn biến đổi và ham muốn của họ cũng thất thường, mạnh mẽ, sôi nổi nhưng không kiên định…”.

VTN có những thay đổi về sinh lý, xúc cảm, nội tiết có ảnh hưởng đến hành vi tình dục, các hoạt động tình dục xảy ra ở lứa tuổi này thường không dự kiến trước và không thường xuyên, thường không tin rằng những nguy cơ về hành vi tình dục có thể xảy ra với chính mình (có thai, lây nhiễm bệnh…). Không mấy khi chủ động chuẩn bị các biện pháp tránh thai, hoạt động tình dục thường do những đòi hỏi bên ngoài vấn đề tình dục, ví dụ: Do nể nang, do xúc động, đặc biệt nhạy cảm với những ảnh hưởng tương đồng.

Tính cách dễ xấu hổ của nam nữ VTN cũng là một trong những tính cách thường thấy có thể gây trở ngại cho vấn đề bảo vệ sức khỏe: Các em thích sự kín đáo, riêng tư vì vậy khi gặp khó khăn trong đời sống (ví dụ có biến cố do quan hệ yêu đương) các em không thích đến các phòng khám nên thường hay bị chậm trễ, ngại dùng các biện pháp tránh thai vì lo lắng bố mẹ, bạn bè biết.

Nhiều trung tâm chăm sóc sức khỏe cho VTN đã tạo ra một bối cảnh gần gũi dễ tiếp cận hơn cho VTN chứ không phải là một khung cảnh giống như phòng khám hay bệnh viện

Trong bối cảnh xã hội ngày nay (những nguy cơ đe dọa của đại dịch AIDS, VTN quan hệ tình dục, sử dụng ma túy) gia đình và nhà trường cần làm sao để các em biết sợ sự lây nhiễm HIV/AIDS (tỷ lệ VTN biết sợ lây nhiễm HIV là bao nhiêu quan trọng hơn nhiều thông tin khác) vì đó là cơ sở để các em thay đổi hành vi.

Ngày nay xã hội nhìn nhận nhân cách phổ biến nhất ở lứa tuổi VTN như thế nào? Còn cần thêm các khảo sát xã hội học, nhiều xã hội vẫn nhìn nhận VTN là những người chưa phát triển đầy đủ, thiếu trách nhiệm và chưa có khả năng để quyết định trong cuộc đời. Bởi thế, VTN phải trải qua một giai đoạn dài khi họ không được coi là trẻ con nhưng cũng chưa được xem là người lớn. VTN biết về tình dục và có hoạt động tình dục là do sự phát triển tâm sinh lý, do nhiều ảnh hưởng của đời sống hiện đại và thường sớm hơn sự mong đợi của người lớn và xã hội.

Một đặc điểm nhân cách của VTN là bất mãn với người lớn nhưng lại luôn bắt chước người lớn (Jame Baldwin). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tuổi VTN là lực lượng quan trọng làm thay đổi xã hội chứ không phải chỉ là nỗi phiền muộn của gia đình và xã hội. Tuổi VTN là một hiện tượng văn hóa cho nên chịu ảnh hưởng từng giai đoạn phát triển của xã hội và mỗi thế hệ VTN có những vấn đề đặc thù mà gia đình và cộng đồng phải đối diện. Những thế hệ VTN trước đây ở nước ta, chưa có vấn đề ma túy như hiện nay. Vào những năm 60 thế kỷ trước ở Mỹ, chính sinh viên Mỹ là lực lượng tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống chiến tranh ở Việt Nam, góp phần làm cho chính phủ Mỹ phải thay đổi chính sách.

Trong Hội thảo công bố kết quả Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam, ngày 26 tháng 8 năm 2005 cũng có những nhận định về VTN như sau:

Thanh thiếu niên Việt Nam ngày nay lạc quan và tràn đầy hy vọng. Họ nhìn thấy tương lai với những cơ hội rộng mở hơn cha mẹ mình ngày trước. Họ thấy được giá trị của nhà trường, công việc và phần lớn không có những hành vi gây hại cho bản thân…

Thanh thiếu niên Việt Nam hiện có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao và các chất gây nghiện khác tương đối thấp, ít bạo lực giữa các cá nhân, vấn đề tự tử không phổ biến và hành vi tình dục nguy cơ cao cũng không nhiều. Thanh thiếu niên Việt Nam đồng thời cũng có nhiều hoài bão về học tập và làm việc. Vậy mục tiêu trong thời gian tới phải là tiếp tục duy trì sức khỏe và hạnh phúc của thanh thiếu niên đồng thời cải thiện các cơ hội kinh tế và xã hội nói chung cho họ” (Trích trang 4, phần tóm tắt Thông tin).

Nguy cơ sức khỏe thường gặp ở tuổi vị thành niên

Tuổi VTN là giai đoạn phát triển đặc biệt của cuộc đời con người, là độ tuổi chịu ảnh hưởng rất mạnh của các điều kiện văn hóa, giáo dục của gia đình và xã hội, đồng thời cũng là lứa tuổi gây nhiều lo ngại cho các bậc cha mẹ và cho cộng đồng vì các nghiên cứu xã hội học ở nhiều nước đều đã nêu lên những hành vi đáng lo ngại của lứa tuổi này.

Nguồn gốc của nguy cơ: Có một giai đoạn quan trọng mở màn cho những tác động tâm lý – tình cảm tiêu cực mà VTN phải vượt qua là giai đoạn các em gặp một hoàn cảnh, một sự cố không thuận lợi xảy đến, khiến các em phải đối diện với những tác động stress (công kích tâm lý hay căng thẳng thần kinh đến mức làm cho cơ thể mất thăng bằng và phát sinh bệnh). Những tác nhân gây stress rất đa dạng, từ nhỏ đến lớn, từ sinh lý đến tâm lý: Những bực bội ở trường, bất mãn với chính bản thân, mắc bệnh mạn tính, xích mích với bạn, môi trường sống không an toàn (bất hòa với hàng xóm), mất người thân yêu, cha mẹ chai tay (với một số VTN thì việc cha mẹ li dị và phải sống với những người xa lạ, bố dượng hay mẹ kế hay các anh chị em không cùng cha mẹ sinh ra là những điều “không chịu nổi”), gia đình khó khăn, mất hy vọng…

Một số em phải chịu đựng nhiều stress cùng một lúc hay trong một thời gian dài, cho nên có thể phát sinh nhiều trạng thái tâm lý và hành vi bất thường: Lo hãi, sống thu mình, không cởi mở, lãnh đạm, thờ ơ với mọi người, hoặc trở nên hung hãn hoặc luôn cảm thấy bứt rứt trong người hoặc dễ sa vào nghiện ngập ma túy. Hành vi có nguy cơ của VTN có gốc rễ từ chính tính cách đặc trưng nhất của lứa tuổi này. Tính trẻ con và tính người lớn pha trộn – một người lớn chưa đủ chín, thích bắt chước người lớn nhưng lại không có trách nhiệm của người lớn, chuẩn bị trở thành người lớn nhưng lại chống đối và bỡn cợt cả người lớn.

Theo Bác sĩ Đào Xuân Dũng



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.