Giới trẻ sốc trước tâm thư "người bạn Nhật"

Với lập luận “đáng tự hào… để rồi đáng xấu hổ…” khi nói về người Việt, bức tâm thư được cho là của một du học sinh Nhật Bản mới xuất hiện gần đây đã khiến giới trẻ “sốc”.

Với lập luận “đáng tự hào… để rồi đáng xấu hổ…” khi nói về người Việt, bức tâm thư được cho là của một du học sinh Nhật Bản mới xuất hiện gần đây đã khiến giới trẻ “sốc”.

“Thật đáng tự hào nếu bạn được lớn lên ở một đất nước được thiên nhiên ưu đãi với rừng vàng biển bạc. Đáng xấu hổ nếu xem đó là khoản thừa kế kếch xù, không bao giờ cạn. Nhưng thật tiếc đó lại là những gì tôi thấy.

Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4.000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4.000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường. Nhưng, thật buồn vì đó cũng là điều tôi thấy mỗi ngày.” – “Người bạn Nhật” viết trong bức tâm thư Việt Nam - nhà giàu và những đứa con chưa ngoan.

Để chứng minh điều đó, “người bạn Nhật” chỉ ra hàng loạt dẫn chứng cụ thể khiến nhiều người Việt Nam chỉ biết gật đầu thừa nhận.

“Tôi tự hào là con Rồng cháu Tiên. Tôi cũng tự hào khi là công dân của một đất nước có nền văn hóa lâu đời. Nhưng, cũng như tác giả đã viết, đôi khi, tôi thấy xấy hổ.” độc giả có địa chỉ email nguyenthienton…@yahoo.com viết. Trong lời cảm ơn gửi đến “người bạn Nhật”, độc giả Nguyễn Binh (saunav…@yahoo.com) cho rằng: “Chúng ta - những người Việt Nam muốn tiến bộ thật sự, nên lắng nghe với thái độ cầu thị.”

Giới trẻ sốc trước tâm thư "người bạn Nhật" - 1

Bức tâm thư được cho là của một du học sinh Nhật được lan truyền trên mạng

Độc giả Lê Trung Thông (muadong…@yahoo.com) cũng thừa nhận những điều “người bạn Nhật” viết ra là một sự thật không thể chối cãi: “Là một người Việt trẻ, khi đọc những dòng tâm thư ấy, tuy có chút tự ái nhưng tôi thấy nó hoàn toàn đúng. Cảm ơn một bạn trẻ người Nhật đã nói thẳng ra những điều đó. Để rồi từ đó, tôi mong muốn lớp trẻ sẽ có những suy nghĩ, hành động thiết thực để duy trì văn hóa dân tộc và phát huy nếp sống văn minh".

Khâm phục tác giả bài viết khi mới sống 4 năm tại Việt Nam mà đã có thể nói lên một hiện thực đang diễn ra tại đây, tuy nhiên, độc giả Lê Toản (levantoan…@gmail.com) lại tỏ ra tiếc nuối khi cho rằng “một bài viết sẽ không thể thay đổi được bản tính đã ăn vào máu thịt”. “Cuộc sống vốn đã diễn ra từ lâu. Khi đất nước càng phát triển, đặc tính con người càng bùng phát mạnh mẽ. Nếu ở Nhật, khi thảm họa xảy ra, các mặt hàng nhu yếu phẩm được giữ giá; thì ở Việt Nam lại xảy ra điều ngược lại. Thật đáng buồn!” – Độc giả này viết.

Trước thắc mắc vì sao một người nước ngoài mới đến Việt Nam 4 năm đã có thể nói lên những điều ít người Việt nhận ra, độc giả Đinh Cường (dinhcuong…@gmail.com) cho rằng: “ Vì chúng ta là người trong cuộc. Lâu nay chúng ta đã quen với những điều đó nên không dễ để nhận ra vấn đề. Còn người nước ngoài, khi đến Việt Nam họ thấy quá khác so với đất nước họ nên họ dễ nhận ra”. Độc giả này còn cho biết anh thích đọc những bài viết của người nước ngoài nói về Việt Nam vì chúng rất khách quan và thực tế.

Trong khi đó, độc giả yk.thai…@yahoo.com lại cho rằng, những tật xấu được “người bạn Nhật” nêu ra, người Việt ai cũng biết nhưng “chẳng ai nghĩ đến việc sửa” (?!).

Giới trẻ sốc trước tâm thư "người bạn Nhật" - 2

Sau một sự kiện, nhiều người đứng dậy ra về, bỏ mặc những mảnh giấy báo (dùng để lót chỗ) phủ trên mặt đường (Ảnh: Hồng Phú)

Là một người Việt đang sinh sống tại Nhật Bản, độc giả có email saochoi…@rocketmail.com chia sẻ: Nội dung trong bài viết của “người bạn Nhật” cũng là chính những điều độc giả này nghĩ đến khi thầm so sánh nước bạn – nước mình. Độc giả này cho biết, đã có những cuộc tranh luận nảy lửa xung quanh vấn đề này những người bạn đang sống tại Việt Nam và những du học sinh ở nước ngoài. “Tôi rất muốn sống ở Việt Nam - nơi tôi được sinh ra và có một tuổi thơ đẹp. Nhưng thật buồn khi ở đó có biết bao điều khiến tôi phải băn khoăn” – độc giả saochoi…@rocketmail.com buồn bã viết.

Tuy nhận được nhiều ý kiến ủng hộ, song bức tâm thư được cho là của du học sinh Nhật Bản vẫn khiến nhiều người không “tâm phục khẩu phục”. Đa số các ý kiến đó đều cho rằng, với 4 năm sinh sống tại Việt Nam, một người nước ngoài chỉ có thể nhận biết được phần nào đó của thực tế.

Độc giả duongthuy…@gmail.com viết: “Tôi luôn tự hào về đất nước Việt Nam - quê hương tôi như chính bạn tự hào về nước Nhật. Tôi biết những điều bạn nói là không sai, nhưng nó chỉ đúng một phần. Tôi không tin rằng, khoảng thời gian đến nước tôi, bạn chưa nhận được chút tình yêu người, mến khách nào của người Việt. Đề cao đất nước, quê hương mình không sai, nhưng cười nhạo quê hương người khác là không đúng. Tôi hi vọng bạn có một góc nhìn khác về quê hương tôi”.

Cũng như vậy, độc giả Đinh Văn Hùng (hungdv…@yahoo.com.vn) cho rằng những gì “người bạn Nhật” nói là đúng nhưng chưa đủ. “Để hiểu hết về văn hoá và con người Việt Nam, có lẽ bạn còn phải đi và sống ở đất nước tôi nhiều hơn!” – Độc giả này nhắn nhủ "người bạn Nhật".

“Vẫn có người bỏ rác vào thùng”

Đó là sự thật – một sự thật mất lòng. Chỉ có điều, không phải ai cũng vậy. Thùng rác vẫn đầy hằng ngày chứng tỏ vẫn có người bỏ rác vào. Vẫn có những người nhận lại được tiền mình đã vô tình làm mất... Thực tế là, trong mỗi con người nói riêng và mỗi đất nước nói chung đều luôn tồn tại những mặt tốt và những mặt xấu... Hi vọng tương lai không xa, những mặt xấu của người Việt sẽ biến mất để thế giới nhìn nhận chúng ta đẹp cả tinh thần lần thể chất!

Độc giả nguyenthinghia…@gmail.com

Theo Khampha


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.