“Mốt” chụp ảnh hở hang: Một vết thương xã hội

Nhan nhản trên internet, trên blog những hình ảnh cô gái thè lưỡi, oằn mình, phơi ngực. Không khó để bắt gặp những “nữ sinh thời hội nhập” ăn mặc “thiếu vải” đi ngoài đường. Hình như đó đang là “mốt”...

Trào lưu không lành mạnh này được một bộ phận giới trẻ tung hô đang trở thành những xu hướng quá đà.

Mỗi lần vào mạng ai cũng phải đương đầu với một hệ thống ngôn ngữ mới không phải tiếng Việt lại càng chẳng hẳn ngoại ngữ; ngập ngụa trong những hình ảnh uốn éo khiêu khích của các nữ sinh là những bức ảnh ăn mặc kì quái với tiêu đề tự sướng của “hot girl”, “hot boy”.

Phải chăng quan niệm văn hóa thẩm mỹ của một bộ phận giới trẻ ngày nay đã thay đổi? Những lời dạy về “công, dung, ngôn, hạnh”, hay những lời truyền tai một thời của con gái Tràng An “nhất dáng, nhì da, tam thanh, tứ tọa” để chỉ dáng vóc, cử chỉ là đứng đầu, làn da đẹp thứ hai, lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng lễ phép và đứng ngồi ý tứ, khéo léo đã trở nên giáo điều lạc hậu?

Mỗi lớp thế hệ trẻ Hà Nội lớn lên là con cháu của những nữ sinh Tràng An thuở trước. Và họ sẽ đau lòng thế nào khi chứng kiến lối ăn mặc “sành điệu” phá tan mọi quy chuẩn nét đẹp duyên dáng á Đông, những bức ảnh “tự sướng” nghèo nàn thiếu vải, hay những câu nói sống sượng trên trang blog của không ít gương mặt còn chưa qua tuổi học.

Chỉ cần lên google, và gõ một cụm từ nhạy cảm về nữ sinh, một loạt hình ảnh “phản văn hóa” sẽ xuất hiện. Xu hướng tự chụp ảnh hở hang, thậm chí là tự chụp ảnh khỏa thân, để thu hút đăng nhập trên blog, thể hiện đẳng cấp không còn là một hiện tượng mới lạ. Thậm chí còn có những cô bé chui vào tủ quần áo lộn tung cả quần áo lót vứt chỏng chơ làm “bối cảnh” rồi ưỡn ẹo kéo váy hở đùi ngồi chụp ảnh với vẻ mặt đầy mãn nguyện. Không những thế có cô còn nhảy vào trong bồn tắm, phụt nước ướt sũng chụp ảnh để lộ hết cả ngực, cả mông.

Các trang blog mang tính tương tác giữa người xem và người viết - được lợi dụng để truyền tải hình ảnh riêng tư, khiến người ta có cảm giác dường như như sự ngưỡng mộ “ngực to, bụng thon, chân dài”. Người ta còn bàn luận về hình ảnh của một số người được coi là nổi tiếng vì có vòng 1 to nhất Hà Nội, rồi so sánh ngực em này to hơn em kia.

Những bức ảnh tự chụp hở hang của một bộ phận giới trẻ không chỉ dừng lại trên các blog cá nhân mà còn được công bố nhan nhản trên mạng như một thứ trào lưu được tuyên truyền rộng rãi trong giới trẻ như một thứ “mốt”, như “chuyện bình thường” rất đáng báo động. Nguy hiểm hơn, trong số những bức ảnh đó đã có không ít những khuôn mặt chỉ chừng 11, 12 tuổi đua nhau tung hình “nóng” lên mạng.

Xét đến nguyên nhân của những xu hướng quá đà này, trước hết xuất phát từ sự buông lỏng giáo dục gia đình của các bậc cha mẹ học sinh. Trong nhịp sống hiện đại, những ông bố bà mẹ không ngần ngại sắm sửa đầy đủ cho con em mình máy ảnh, một laptop. Nhưng sự chu cấp đầy đủ lại vô tình đẩy những đứa trẻ vào thói đua đòi a dua, sa đọa. Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng này là không ít các “hot girl”, “hot boy” đua nhau khoe hình thể trên mạng nên giới trẻ đã bị ảnh hưởng trước những “thần tượng”. Từ hình tượng vô tư, đáng yêu đã chuyển sang hình tượng phụ nữ quyến rũ, với cử chỉ gợi cảm, vũ đạo bốc lửa, pha “lộ hàng” ngoài chủ ý hay những tấm hình khỏa thân với phát ngôn nghệ thuật.

Mới đây nhất, cũng trên một trang mạng, người ta còn thấy đăng hàng loạt ảnh của một cô diễn viên nổi tiếng, trong đó có cả bức hở áo để lộ nguyên cả bên ngực trần. Những hình ảnh của các “thần tượng” đó đã ít nhiều tác động đến giới trẻ - lứa tuổi còn chưa vững vàng về mặt tâm lý.

Qua trao đổi với nhà văn, nhà phê bình văn hóa Băng Sơn về vấn đề giới trẻ và mốt ăn mặc hở hang và trào lưu chụp ảnh khiêu gợi tung lên mạng hiện nay, ông cho biết sự bắt chước, đua đòi của bộ phận giới trẻ cá biệt này là “một vết thương của xã hội”. Nhồi nhét vào đầu lứa tuổi vị thành niên những phong cách thời trang ăn mặc phản cảm, một phần cũng là trách nhiệm của người lớn, của phương pháp giáo dục khi mà xã hội đang ngày một đổi thay với tốc độ chóng mặt.

Nhìn vào những website mọc lên như nấm là “mảnh đất hoan nghênh” cho các hình ảnh thiếu tính lành mạnh, làm thế nào để giới trẻ không bị “nhiễm độc”? Câu hỏi đó không chỉ tập trung vào khả năng tự nhận thức, tự chọn lọc cách ứng xử văn hóa của giới trẻ mà còn xoáy thẳng vào trách nhiệm giáo dục của mỗi bậc phụ huynh, hay mở rộng ra là trách nhiệm của những nhà quản lý văn hóa, truyền thông.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.