Quỳ gối để xin việc hay ăn mày lòng thương hại?

Trong khi nhiều độc giả cho rằng, hành động này khó chấp nhận, một số nhà tuyển dụng lại tỏ ra thông cảm với thanh niên quỳ gối xin việc trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.

Trong khi nhiều độc giả cho rằng, hành động này khó chấp nhận, một số nhà tuyển dụng lại tỏ ra thông cảm với thanh niên quỳ gối xin việc trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.

Hành động quỳ gối cầm biển xin việc trên đường Nguyễn Chí Thanh của nam thanh niên quê Cổ Bi (Gia Lâm, Hà Nội) trưa 5/1 thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Đàn ông sức dài, vai rộng - quỳ gối có hèn kém?

Chỉ sau ít giờ đồng hồ, bức ảnh chụp chàng trai này bên tấm bảng và chiếc xe đạp được lan truyền trên các diễn đàn. Đây cũng là chủ đề bàn luận của nhiều thành viên.

Quỳ gối để xin việc hay ăn mày lòng thương hại?
Thanh niên quỳ gối xin việc trên đường Nguyễn Chí Thanh gây tranh cãi. Ảnh: Người Lao Động.

Nickname Trần Ngọc Từ Huy viết: “Không có việc làm thì đi kiếm, cầm bảng quỳ xin có giúp kiếm ra việc đâu. Hành động chỉ nói lên anh ta lười biếng, ngay cả đi tìm việc cũng không muốn, chỉ đợi người ta đến tận nơi và chỉ sẵn việc cho làm”.

Nguyễn Long cũng đồng tình với ý kiến trên. Anh cho rằng, đàn ông con trai hãy lấy sức và khả năng của bản thân để làm những việc có ích. “Đừng ngồi quỳ gối xin, hành động này trông không hay ho gì, không biết đi làm việc còn những hành động gì khác?” - người này bày tỏ.

Bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng, việc cành cao thì khó kiếm, còn nhân viên bán hàng hoặc những công việc khuân vác, đưa đồ sẽ rất nhiều, chỉ cần bạn chăm chỉ và chịu khó.

Đây không phải trường hợp đầu tiên sử dụng hình thức tìm việc đặc biệt này. Trước đó, vào tháng 8/2015, ông bố trẻ Phùng Đức Ninh (sinh năm 1990, quê Lương Tài, Bắc Ninh, cử nhân Đại học Điện lực) cũng khiến nhiều người chú ý khi cầm bảng đứng gần ngã tư đường Láng, Hà Nội xin việc để mua sữa cho con.

Theo quan điểm của phần lớn dân mạng, một người tốt nghiệp đại học và đã làm chồng, làm bố không nên có hành động như vậy.

Không thiếu cách để có việc làm

Về vấn đề này, diễn giả Huỳnh Minh Thuận - tác giả cuốn sách Vui chơi để kiếm sống - cho biết, trước tiên nên đặt bản thân vào vị trí của những chàng trai này. Trong cuộc sống, có ai không sợ thất nghiệp, không lo lắng khi không có tiền để sống. Chúng ta nên mừng vì bạn ấy chưa đi ăn cướp hay làm việc phạm pháp.

Anh cũng cho rằng, cộng đồng mạng không nên ném đá những người này. "Tại sao người xin ăn không bị ném đá, mà các bạn lại hành động như vậy với những người xin việc?" - anh nhấn mạnh.

Quỳ gối để xin việc hay ăn mày lòng thương hại?
Diễn giả Huỳnh Minh Thuận. Ảnh: NVCC.

Nhiều bạn trẻ thuộc tầng lớp trí thức của xã hội. Các bạn được trang bị kiến thức kỹ càng trước khi lập nghiệp. Trong thời đại internet phát triển, hãy tận dụng trình độ của mình để tìm công việc mong muốn qua email, Facebook, YouTube...

Hiện nay, giới trẻ còn vướng phải sai lầm ngay từ suy nghĩ trong quá trình xin việc.

Anh Thuận cho biết, các nhà tuyển dụng đều quan tâm tới việc bạn sẽ làm được gì cho họ. Họ bỏ tiền ra thuê các bạn cũng có thể coi như đó như một khoản đầu tư. Họ rất quan tâm đến chuyện khoản đầu tư này có sinh lợi hay không. Nếu bạn muốn được tuyển dụng, hãy học cách chứng minh mình là "khoản đầu tư" sinh lời.

Bên cạnh đó, nhiều bạn tốt nghiệp ra trường đều chỉ nghĩ phải đi xin việc, quên mất còn lối đi cho bản thân là tự tạo ra công việc phù hợp với mình.

"Nhìn vào hành động của các bạn, nếu là nhà tuyển dụng, tôi nghĩ không dám chọn vì có chút hoài nghi về khả năng. Chỉ cần tự tin, chăm chỉ, bạn sẽ làm được nhiều hơn những gì bạn nghĩ" - anh bày tỏ.

Còn theo anh Vũ Thế Bình - một nhà tuyển dụng chia sẻ, chúng ta nên đánh giá việc làm trên dưới hai góc độ.

Xét về nhân văn, hành động của những chàng trai này đều xuất phát từ lòng hiếu thảo và khát khao kiếm tiền để nuôi sống bản thân cũng như gia đình. Tuy nhiên, theo khía cạnh xã hội, anh không đồng tình với các bạn trẻ.

Anh Bình cho rằng, ở thời buổi hiện nay, bên cạnh những cơ quan, công ty đòi hỏi nhân sự có trình độ cao, còn rất nhiều hình thức tuyển việc không yêu cầu bằng cấp.

Anh chia sẻ: “Tôi cho rằng, bằng cấp chỉ là bước đệm cho quá trình thăng tiến của bạn. Nếu bạn đòi hỏi công việc thuộc các lĩnh vực chuyên sâu như y học, công nghệ thông tin… thì học vấn là điều cần thiết. Nhưng với những công việc có yêu cầu chủ yếu về sức khỏe, thể chất, các nhà tuyển dụng thường chỉ đòi hỏi ở bạn sự chăm chỉ, cần cù, chịu khó học hỏi”.

Bất kỳ ai dù có trình độ cao hay thấp, trước mỗi công việc đều có quá trình tiếp thu, lĩnh hội từ người đi trước. Chỉ cần các bạn trẻ có niềm đam mê và tinh thần cầu tiến, bạn sẽ tìm được công việc phù hợp với mình.

“Đã đến nhiều nơi nhưng bị từ chối?” chỉ là lý do khó tin của những người không sẵn sàng lăn xả bản thân.

Hãy tự đứng trên đôi chân của mình. Hãy chấp nhận bất cứ công việc hợp pháp nào có thể giúp bản thân bạn có tiền" là lời khuyên của anh Vũ Thế Bình dành cho các bạn trẻ còn lúng túng và bế tắc trong quá trình xin việc.

Trưa 5/1, nam thanh niên tên Nguyễn Việt Hải (sinh năm 1993, sống tại Gia Lâm, Hà Nội) quỳ gối trên đường Nguyễn Chí Thanh thu hút sự chú ý của nhiều người.

Chàng trai này cho biết, anh có bố chạy xe ôm, mẹ làm nông nghiệp. Hoàn cảnh gia đình tương đối khó khăn, anh thôi học từ năm lớp 6.

Hiện tại, do không muốn ăn bám gia đình, anh quyết định đi xin việc nhưng không nơi nào chấp nhận vì đều đòi hỏi bằng cấp.












Theo Zing



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.