Sinh viên làm bồi bàn: Ám ảnh với cảnh trừ lương

Không chỉ bị trừ lương, mất ngày công, nhiều sinh viên còn phải chịu sự sai bảo vô lý và ánh mắt dèm pha từ thực khách với công việc bưng bê đồ và lau dọn bàn.

Không chỉ bị trừ lương, mất ngày công, nhiều sinh viên còn phải chịu sự sai bảo vô lý và ánh mắt dèm pha từ thực khách với công việc bưng bê đồ và lau dọn bàn.

Để có thêm những khoản tiền trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày và nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng của bản thân, không ít sinh viên đã học cách kiếm tiền, tìm việc làm ngay khi mới bước vào cổng trường đại học. Một trong những nghề thu  hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ là làm bồi bàn ở các quán ăn, phòng trà, tiệc cưới dịch vụ…

So với nhiều việc làm thêm, đây là công việc có nguồn thu nhập khá tốt. Nhưng để trở thành người chuyên nghiệp và nhận được sự tin tưởng từ quản lý, không ít các cô cậu sinh viên phải trải qua thời gian làm quen với nghề đầy cực khổ.

Nỗi lo trừ lương

Nguyễn Minh Ngọc – sinh viên ĐH Hà Nội – từng đảm nhiệm công việc này trong năm thứ 2 đại học. Nhớ lại thời làm quen với chuyện kiếm tiền, Ngọc cho hay, trong thời gian háo hức tìm việc, cô nhận được lời giới thiệu làm bồi bàn cho quán đồ ăn văn phòng từ một người quen.

Do lịch học bận rộn, thường dàn chải cả ngày nên thời gian rảnh của Ngọc rất ít. Hàng ngày, nữ sinh chỉ được nghỉ từ 11h trưa đến 2h chiều. Bởi vậy, khi nhận được thông tin tuyển dụng công việc chỉ cần làm vào giờ cao điểm, với mức lương 2,5 triệu mỗi tháng, Ngọc nhanh chóng rủ một người bạn, cùng ứng tuyển.

Những ngày mới làm quen với công việc bồi bàn, nhiều sinh viên thường bị phạt tiền, trừ lương vì lỗi không đáng kể. Ảnh minh họa. 

Không đơn giản như suy nghĩ của những cô sinh viên năm đầu. Khi nhận việc, cửa hàng yêu cầu phải có mặt tại quán ăn từ 10h30 đến 14h để nhận nhiệm vụ. Với mong muốn thử sức mình, 2 cô gái đã đồng ý ký hợp đồng công việc.

Kể từ đó, sau mỗi tiết học, Ngọc và bạn luôn phải vội vàng đến chỗ làm để kịp giờ. Nhiều khi, do tiết học kết thúc muộn, đường từ trường đến quán ăn xa, cả hai phải đi rất nhanh mà vẫn không kịp đến đúng giờ quy định. Mỗi lần như đều bị quản lý nhắc nhở và trừ lương. Bên cạnh đó, những công việc như ghi order, bưng bê cũng khiến 2 cô bạn không khỏi bỡ ngỡ. Mỗi khi khách hàng tỏ ra không hài lòng do làm chậm hoặc chuyển đồ ăn sai, hai cô gái tiếp tục đối mặt với sự khiển trách và trừ vào hành chính.

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình là lần kiểm tra ở lớp xong muộn, 2 đứa vội vàng đi xe tới nơi làm. Đến đoạn đường có đèn đỏ, chúng mình không để ý và bị cảnh sát giao thông giữ lại khá lâu. Khi tới quán ăn đã 12h. Chị quản lý rất bực và hỏi lý do. Sau khi nghe cả hai trình bày, chị không tin và yêu cầu kiểm tra biên bản phạt. Nhưng không may, chúng mình cũng quên không cầm theo biên bản và mọi người đều nghĩ là nói dối” – nữ sinh nhớ lại.

Sau một tháng, Ngọc nhận được lời khen tiến bộ của quản lý. Tuy nhiên, với những lần vi phạm và trừ tiền, cô chỉ nhận được 700.000 đồng. Thất vọng về kết quả đạt được, cùng sự mệt mỏi vì thời gian eo hẹp giữa học tập và làm thêm, Ngọc quyết định nghỉ việc để tìm công việc khác phù hợp hơn.

Minh Anh – sinh viên Cao đẳng du lịch Hà Nội – cũng là một trong những trường hợp gặp nhiều rủi ro từ công việc tưởng chừng đơn giản này. Nhằm kiếm thêm thu nhập cho cuộc sống, chàng trai chọn cho mình việc phục vụ lễ cưới hỏi. Không những vất vả như bồi bàn trong quán ăn, nhà hàng mà những sinh viên đảm nhận công việc này còn phải thực hiện nhiều yêu cầu hơn thế. Đặc biệt là việc thường xuyên phải di chuyển xa cho mỗi buổi làm.

Những người đảm nhiệm công việc này cần luyện tập kỹ lưỡng mọi thao tác, khả năng ứng biến và đặc biệt là làm quen và thích ứng nhanh với môi trường. Bởi chỉ cần sơ suất nhỏ, các nhân viên sẽ dễ dàng mất cả ngày công và không nhận được sự tín nhiệm trong những buổi tiệc khác.

Dù cẩn trọng, Minh Anh cũng như bao bạn bè không tránh khỏi sai lầm trong những buổi làm việc đầu tiên. Chàng trai cho biết: “Ngày đầu làm quen với công việc, vì sơ ý, mình đã làm đổ mâm canh trong quá trình sắp cỗ. Không may mắn, chủ nhà hôm ấy khá khó tính nên đã mắng mình thậm tệ khiến mình không nói được gì. Kết quả ngày hôm ấy ngoài việc làm không công, mình còn nhận thêm một trận mắng từ anh quản lý”.

Đôi lần, vì thiếu các bạn nữ nên Minh Anh và những chàng trai khác đều phải trở thành người đa-di-năng khi phải thực hiện việc trang trí bàn tiệc, cắm, tỉa hoa… “Hoặc có trường hợp, khách khứa sai vặt và gọi đủ thứ vô lý, nằm ngoài phận sự của mình. Nhưng vì giữ uy tín cho đoàn nên mình vẫn phải đi tìm hoặc mua giúp họ”.

Những ngày đầu đi làm khiến chàng trai rơi vào tình trạng mệt mỏi. Nhất là khi đám cưới, tiệc ở xa, phải dậy từ rất sớm để đến nơi và kịp giờ làm. "Vừa đi tàu xe mệt, tới đám lại phải bắt tay ngay vào việc nên nhiều khi mình khá đuối sức. Có lúc đói mà không có thời gian để ăn, nhìn đồ ăn bụng sôi cồn cào nhưng cũng không dám lấy vì sợ mất hình ảnh của đoàn và bị khiển trách” – chàng trai cho hay.

Cơ hội học hỏi miễn phí

Bên cạnh những thiệt hại ban đầu, không ít sinh viên cũng thu thập được khá nhiều điều thú vị từ công việc tưởng chừng đơn giản này. Tiến Đạt – sinh viên năm nhất, ĐH Kiến trúc Hà Nội, phục vụ tại một quán ăn dành cho khách Tây – hào hứng kể về chuyện đi làm thêm của mình. Do lịch học bận rộn, chàng trai chọn làm ca từ 17h đến 23h hàng ngày.

Tại nơi làm việc, Tiến Đạt đảm nhiệm công việc order, bưng bê đồ và lau dọn mỗi khi khách hàng xong bữa. Do khéo léo và trọng quy chuẩn thời gian, Đạt không mấy khi phải hứng chịu các hình phạt của quán. Đồng thời, do ca làm việc kết thúc muộn nên Đạt thường xuyên ngủ lại quán. Bởi vậy, ngoài thu nhập từ công việc, chàng trai tiết kiệm thêm kha khá tiền đi lại và sinh hoạt nếu ở tại phòng trọ.

Bên cạnh đó, do khách hàng đều là người nước ngoài, dùng tiếng Anh, nam sinh luôn có cơ hội được rèn luyện khả năng nghe nói miễn phí. Chỉ sau 2 tháng đi làm, khả năng giao tiếp ngoại ngữ của chàng trai phát huy khá tốt. Ngoài ra, những vị khách này thường không chỉ trả tiền đồ ăn, họ còn thường xuyên thưởng thêm cho nhân viên tiền phục vụ. Bởi vậy, nam sinh Kiến trúc cũng thu về thêm cho bản thân khá nhiều từ khoản này.

Còn đối với Minh Anh, mỗi đám phục vụ, chàng trai và các thành viên trong đoàn bồi bàn sẽ được trả công khoảng 150.000 đồng. Trường hợp phải đi xa, sẽ được đưa đón hoặc trả thêm tiền chi phí đi lại. “Chưa kể nhiều khi, sau đám cưới, nhà chủ cũng gói gém đồ cẩn thận, mời chúng mình mang về. Mỗi lần như vậy, tiết kiệm thêm 2-3 bữa ăn. Hoặc có những mùa chạy xô, chúng mình thu về được khá nhiều” – chàng trai thành thật chia sẻ.

Bởi vậy, đối với những sinh viên này, bồi bàn một trong những công việc đem đến nhiều điều thú vị. "Tuy vất vả, nhưng làm nhiều cũng quen. Sau nhiều lần làm việc, chúng mình học thêm được sự khéo léo, cẩn trọng và nhiều kinh nghiệm ứng biến cho bản thân. Đây là những điều trên sách vở không bao giờ có được. Mình đã trưởng thành hơn rất nhiều từ việc làm thêm này" - Minh Anh bày tỏ.

Theo Zing



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.