Teen thi trượt và áp lực “bôi tro trát trấu” bố mẹ

Cứ đến bữa ăn, phải đối mặt với mọi người trong gia đình là Linh chán chường, lo sợ. Không là những lời than thân trách phận của mẹ thì cũng là tiếng thở dài của bố… như là “địa ngục” với cô học trò.

Cứ đến bữa ăn, phải đối mặt với mọi người trong gia đình là Linh chán chường, lo sợ. Không là những lời than thân trách phận của mẹ thì cũng là tiếng thở dài của bố… như là “địa ngục” với cô học trò.

Nỗi sợ thi trượt

Được gia đình kỳ vọng sẽ làm “nở mày nở mặt” bố mẹ nên khi có điểm, L.T.H, thí sinh quê ở Đồng Nai như trở thành “tội đồ” trong mắt bố mẹ. Tin tưởng vào khả năng của con, bố mẹ H đã tin chắc con mình sẽ giành một suất vào ĐH Ngân hàng TPHCM.

Ngày đưa con đi thi, bố H còn tự hào kể về con: “Con mình nó thi vậy thôi chứ đỗ là hiển nhiên, quan trọng là có được điểm cao nhất nhì trường hay không!”. Thi xong, H không tự tin ở bài làm nhưng chẳng thể nào chia sẻ được với bố mẹ.

Ngày có điểm thi, bố mẹ H cùng bỏ việc vì “không còn mặt mũi nào mà ra khỏi nhà”. Người bố tức giận đập hết đồ đạc, chửi mắng con là đồ vô dụng, mỗi việc học cũng không xong. Rồi ông lại quay sang trách vợ không biết dạy con.


Ảnh minh họa

Người mẹ thì lại khóc kể lể công lao bố mẹ, trách H “bôi tro trát trấu” vào mặt gia đình. Chưa hết, mỗi lần ở trong khu phố hay con cái đồng nghiệp bố mẹ báo tin đỗ thì H lại bị đem ra so sánh với người này hết người khác.

Cảm giác như mọi tội lỗi đều do mình mà ra, đã buồn vì kết quả không như ý, giờ H từng ngày phải trải qua nỗi sợ hãi do sự thất vọng từ bố mẹ. Muốn đến gặp gỡ bạn bè, đi tập thể dục, xem phim… để giải khuây nhưng H không dám vì mẹ cô đã nói “mày đừng có ra ngoài nhơn nhơn làm ê chề bố mẹ”. Cậu cũng không còn tâm trạng làm nguyện vọng 2 khi bố mẹ đã quá kỳ vọng vào trường ngân hàng.

Cũng từ ngày có kết quả thi, Linh, một nữ sinh ở TP.HCM như sống ở địa ngục cùng với mọi thành viên trong gia đình. Bố Linh là người ít nói, ông không hề lên tiếng nhưng trước đây vui vẻ với con bao nhiêu, giờ ông lại lánh mặt không muốn nhìn con gái. Nhưng khi “đụng” mặt, ông lại buông tiếng thở dài não nề thể hiện sự thất vọng của mình.

Còn bà mẹ, không trách con mà lại tự trách bản thân khi không ngừng than thở do mình mà ra, mình chăm con chưa đến nơi đến chốn, không bằng con nhà người khác nên sao con thua kém bạn bè. Chẳng những vậy bà còn cho rằng: “Chắc kiếp trước tao sống ác, làm điều gì không hay nên giờ đầu tư hết cho mà vẫn bị trả giá thế này” làm Linh vô cùng hoảng sợ.

“Thà mẹ trách thẳng em, em còn thấy nhẹ nhàng hơn. Đằng này mẹ làm vậy chẳng khác nào “tra tấn” tinh thần em. Cả ngày không giáp bố mẹ, em chỉ ở trong phòng nhưn đến bữa ăn là em phải nhìn cảnh bố thở dài không muốn ăn, mẹ lại than thân trách phận”, Linh bộc bạch.

Khi con thi trượt, kỳ vọng của mình không thành, nhiều phụ huynh cũng do tâm trạng buồn chán đã vô tình thái độ, lời nói quay sang trách móc, thể hiện sự thất vọng về con. Thế nên không ít thí sinh, khi kết quả thi không như mong muốn điều sợ nhất là phải đối diện với người thân.

Năm nào cũng vậy, sau mỗi kỳ thi đại học đều có những trường hợp thí sinh tìm đến cái chết vì thi trượt vô cùng thương tâm. Nhiều em không đối diện được thất bại của mình nhưng phần lớn điều các em muốn là giải thoát bản thân, trốn tránh khỏi áp lực từ xung quanh hay như là một sự chuộc lỗi với bố mẹ.

Thời điểm này, trên các diễn đàn, mạng xã hội, không ít thí sinh thi trượt lập hội tâm sự về sự buồn chán, bế tắc của mình. Trong đó, có em kêu “không chịu nổi áp lực từ bố mẹ”, thậm chí có suy nghĩ “chỉ muốn chết”.

Giúp con đối diện thất bại

Theo chuyên gia Trần Năng Thể, áp lực “Phải đỗ đại học bằng được” đè nặng lên vai rất nhiều bạn trẻ Việt Nam. Nguyên nhân xuất phát từ việc coi trọng bằng cấp từ xã hội, áp lực từ gia đình cho rằng chỉ có duy nhất một con đường thi đỗ vào đời chứ không còn có cách nào khác.

Thế nên khi trượt đại học với nhiều gia đình, thí sinh đồng nghĩa với việc “con đường duy nhất” đó đã khép lại. “Khi chịu quá nhiều áp lực thì các bạn trẻ sẽ mất hết khả năng tự quyết, tự chọn… Nhiều người tìm đến cái chết như một sự giải thoát”, ông Thể nói.

Chuyên gia này nhấn mạnh, từ áp lực đó nên khi thi trượt, bản thân các em đã thấy bế tắc. Người thân không chia sẻ, giúp đỡ lại thường phán xét, chê bai này nọ thì rất nguy hiểm. Tiến trình tự tử là giai đoạn giữa thời điểm khủng hoảng bột phát và hành động.

Trong giai đoạn khủng hoảng họ đã tìm cho mình nhiều phương án nhưng cạn kiệt, không đủ sức để giải quyết vấn đề. Và khi cao điểm, họ rơi vào ý tưởng: tự tử là giải pháp hữu hiệu. Thí sinh thi trượt thêm áp lực từ những người xung quanh rất dễ bị khủng hoảng.

Theo ông Thể, trong khủng hoảng của một bạn trẻ, bố mẹ cần phải kịp thời phát hiện các dấu hiệu ở con cái để ngăn chặn kịp thời tiến trình đi đến hành động. Để làm được điều này, chính phụ huynh cũng cần “thông tư tưởng” cho mình, còn rất nhiều con đường để con mình bước vào đời.

Th.S tâm lý Nguyễn Thị Trường Hân cho rằng, cũng vì quá kỳ vọng nên phụ huynh đã tạo áp lực lên con, bản thân họ không chấp nhận con mình thua cuộc. Khi thi trượt, những lời trách móc, phê bình của bố mẹ chính là điều làm nhiều em bị khủng hoảng vì lúc này các em cần lời động viên, chia sẻ. Ngoài ra nên cùng con tìm nguyên nhân điểm thi chưa được tốt để rút kinh nghiệm hay như cùng vạch ra nhiều định hướng trước mắt cho con. 

"Thái độ của phụ huynh tác động rất lớn đến cách hành xử của trẻ trước mỗi thất bại. Thất bại cũng có giá trị của nó, giúp con vững vàng trước khi thi trượt thì sau này con sẽ mạnh mẽ hơn trước mọi khó khăn trong cuộc sống", bà Hân chia sẻ. 

Theo Hoài Nam
Dân Trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.