Thời điểm ăn dặm lý tưởng cho trẻ và những nguyên tắc tối ưu bố mẹ cần biết để chuẩn bị cho con yêu ăn dặm suôn sẻ

Ăn dặm là một giai đoạn rất quan trọng nhưng không dễ dàng, cũng không thể bỏ qua đối với các bé và các bậc phụ huynh.

Ăn dặm đánh dấu một bước tiến lớn trong quá trình lớn lên và trưởng thành của trẻ, từ việc chỉ bú mẹ hoàn toàn, trẻ sẽ bắt đầu làm quen với các loại thức ăn khác và bắt đầu bộc lộ khả năng cũng như sở thích ăn uống của riêng mình.

Thời điểm ăn dặm lý tưởng cho trẻ và những nguyên tắc tối ưu bố mẹ cần biết để chuẩn bị cho con yêu ăn dặm suôn sẻ-1

# Ăn dặm là gì?

Ăn dặm là khi chúng ta bắt đầu cho trẻ làm quen và ăn bổ sung các thức ăn thô khác ngoài sữa mẹ, bao gồm tinh bột, các loại vitamin từ rau, thịt, cá, trứng, hoa quả, sữa... nhằm bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, giúp bé phát triển toàn diện, rồi dần dần tiến gần đến giai đoạn cai sữa.

Tuy nhiên, các loại thức ăn này chỉ có tác dụng bổ sung chất dinh dưỡng chứ không thay thế được sữa mẹ bởi sữa mẹ cung cấp nhiều yếu tố kháng khuẩn giúp trẻ tăng đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh. Chính vì vậy khi bé bắt đầu ăn dặm, mẹ vẫn cần cho bé bú đầy đủ, sau đó tiến hành giảm lượng sữa và tăng lượng thức ăn dần theo độ tuổi của trẻ.

Thời gian ăn dặm thường bắt đầu từ khi bé đủ 6 tháng tuổi và kết thúc khi bé được hơn 1 tuổi. Tuỳ vào thể chất mà mỗi bé sẽ có thời gian ăn dặm khác nhau. Do đó, bố mẹ không nên quá nóng vội mà bắt đầu hay kết thúc sớm vì sẽ làm mất đi hứng thú ăn uống và khiến bé bị tiêu chảy.

# Trẻ mấy tháng ăn dặm được?

Dựa vào nghiên cứu và điều tra thực tế, tổ chức y tế thế giới WHO khuyến cáo độ tuổi thích hợp và an toàn nhất cho bé ăn dặm là từ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên trong quá trình nuôi con các mẹ nên lưu ý thời điểm ăn dặm cũng có thể chậm hơn tùy vào thể trạng và cơ địa của trẻ, nếu chọn sai thời điểm thì sức khoẻ cũng như hệ tiêu hoá của trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Thời điểm ăn dặm lý tưởng cho trẻ và những nguyên tắc tối ưu bố mẹ cần biết để chuẩn bị cho con yêu ăn dặm suôn sẻ-2

Theo các phân tích khoa học, 6 tháng tuổi chính là giai đoạn cơ thể bé gần như đã được chuẩn bị kỹ càng và sẵn sàng ăn dặm. Hệ tiêu hóa của bé đã có thể tự tổng hợp và tiết ra 1 chất enzym mang tên “amylase” với khả năng tiêu hóa, hấp thụ tinh bột. Khi đó, bé có thể làm quen và tập ăn các các loại thức ăn dạng lỏng, vị ngọt và có thể đặc hơn sữa mẹ một chút. Việc hấp thu tinh bột sẽ giúp bé có thêm nhiều năng lượng hơn để khám phá thế giới xung quan và phát triển toàn diện.

Tuy nhiên thực tế luôn có những trường hợp ngoại lệ, một số bé có dấu hiệu muốn ăn dặm từ trước 6 tháng tuổi như là bé đã ngồi vững và có hành động đưa mọi thứ vào miệng để nếm thử thì mẹ cũng có thể bắt đầu cho bé tập làm quen với ăn dặm sớm hơn. Hoặc có những trường hợp bất khả kháng như mẹ bị mất sữa, sữa mẹ không đảm bảo chất lượng, bé chán sữa, dị ứng với sữa… thì bố mẹ cũng có thể lên chế độ tập ăn dặm cho bé từ 5 tháng tuổi, thậm chí sớm hơn với những yêu cầu cụ thể riêng để đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe cho bé.

# Cách cho bé ăn dặm đúng cách

Để quá trình ăn dặm của bé diễn ra suôn sẻ, đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe thì bố mẹ nhất thiết phải học cách cho bé ăn dặm đúng cách, cụ thể là phải nắm rõ và tuân thủ những nguyên tắc ăn dặm cơ bản dưới đây:

1. Nguyên tắc ngọt - mặn:

Thời gian đầu mới tập ăn dặm, bố mẹ nên lựa chọn bột ăn dặm vị ngọt trước sau đó mới chuyển qua bột ăn dặm vị mặn. Bột ăn dặm vị ngọt có hương vị gần giống với sữa mẹ, giúp bé dễ dàng thích nghi hơn. Khi bé đã quen với kết cấu đặc của bột, mẹ có thể chuyển dần sang bột vị mặn để bé làm quen thêm với mùi vị mới.

2. Nguyên tắc ít - nhiều:

Cho bé tập ăn dặm với lượng thức ăn ít trước, sau đó tăng dần theo thời gian. Ví dụ: ngày đầu tiên mẹ cho bé ăn từ 1 - 2 muỗng bột rồi tăng từ từ lên thành 1/3 chén, 1/2 chén đến 1 chén.

Tuân thủ nguyên tắc này giúp bé dễ dàng thích nghi với kết cấu đặc của thức ăn, đảm bảo an toàn cho hệ tiêu hoá và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ.

Thời điểm ăn dặm lý tưởng cho trẻ và những nguyên tắc tối ưu bố mẹ cần biết để chuẩn bị cho con yêu ăn dặm suôn sẻ-3

3. Nguyên tắc “tô màu chén bột”:

Khi làm bột ăn dặm cho bé, mẹ cần đảm bảo đủ 4 nhóm thức ăn để bé phát triển toàn diện. Cụ thể:

- Nhóm bột đường gồm có: gạo, bột mì, bún, phở, ngô, khoai…

- Nhóm đạm gồm có: thịt, cá, trứng, sữa, tôm, đậu nành và các loại đậu khác,...

- Nhóm chất béo gồm có: dầu ăn cho bé, bơ, phô mai và các loại hạt có dầu.

- Nhóm vitamin và khoáng chất gồm có: rau củ và các loại trái cây tươi.

Khi chế biến, mẹ không nên cho quá nhiều muối, mắm hay bột ngọt vào thức ăn vì sẽ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ do thận phải hoạt động quá sức.

4. Không ép trẻ ăn:

Trong quá trình ăn dặm, nếu trẻ có dấu hiệu biếng ăn, mẹ nên tạm ngưng phương pháp này trong khoảng 5 - 7 ngày rồi mới thực hiện lại. Việc áp trẻ ăn dặm sẽ làm bé bị căng thẳng và khiến tình trạng chán ăn diễn ra nhiều hơn.

# Các giai đoạn ăn dặm của bé

Theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng thì trẻ nên được ăn dặm từ khi 6 tháng tuổi và kết thúc khi được 24 tháng tuổi với 3 giai đoạn chính như sau:

1. Giai đoạn ăn bột - bắt đầu khi bé được 6 tháng tuổi.

Chén bột đầu tiên là bột loãng (2 muỗng bột trong 200ml nước). Để thay đổi khẩu vị, bạn nên cho bé ăn bột ngọt và bột mặn đan xen nhau.

Sau khoảng 1 tháng với bột loãng, bạn có thể cho trẻ ăn bột đặc hơn (4 muỗng bột trong 200ml nước). Có thể cho thịt và rau đã nấu chín, thái nhỏ sau đó xay mịn, cho vào chung với bột. Đây cách giúp bé hấp thụ chất xơ thúc đẩy quá trình tiêu hóa và cũng là tập cho bé quen dần với mùi vị thức ăn.

Những thức ăn dặm đầu tiên của bé nên có mùi vị nhẹ nhàng và các thành phần phải nhuyễn mịn. Bạn có thể bắt đầu với việc trộn lẫn bột với một chút sữa hàng ngày của bé. Việc này giúp giới thiệu cho bé một kiểu thức ăn mới với vị quen thuộc, làm cho bé bớt lạ lẫm khi ăn

Thời điểm ăn dặm lý tưởng cho trẻ và những nguyên tắc tối ưu bố mẹ cần biết để chuẩn bị cho con yêu ăn dặm suôn sẻ-4

2. Giai đoạn ăn cháo - bắt đầu khi bé được 10 tháng

Giai đoạn này bé đã mọc răng và có thể nhai thức ăn, bạn có thể bắt đầu nấu cháo cho bé ăn. Chén cháo đầu tiên của bé nên là cháo loãng.

Bạn cần cho bé ăn cả thịt và rau xanh để đảo bảo đủ chất. Bạn không nên xay nát thức ăn, khiến bé không học nhai được, từ đó không cảm nhận được mùi vị thức ăn, dẫn đến bé nhanh chán, có thể gây ra biếng ăn. Bạn nên băm nhỏ thịt và rau xanh thay vì xay nhuyễn tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, bạn chỉ nên nêm cho trẻ bằng muối hoặc nước mắm và phải nhạt hơn khẩu vị người lớn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể cho bé làm quen với các thức ăn mềm như bún, phở, mì, nui… để trẻ đổi khẩu vị, kích thích sự ngon miệng.
 
3. Giai đoạn ăn cơm nát - bắt đầu từ khi bé mọc đủ 20 răng sữa

Đây là giai đoạn bé đang tiến dần đến sinh nhật 2 tuổi, mọc được 20 chiếc răng, đã qua giai đoạn ăn cháo, bé có thể đã biết cắn nhai nghiền nát thức ăn trước khi xuống dạ dày. Khi đó là thời điểm thích hợp để tập cho bé ăn cơm và các thức ăn người lớn khác. 

Nên bắt đầu bằng cơm mềm, nấu nhão, dằm nát trộn với thức ăn xé nhỏ. Lúc này, bạn cũng nên cho bé làm quen với các loại canh rau (nên cắt ngắn rau cho bé dễ nhai và không bị hóc). 

Thời điểm ăn dặm lý tưởng cho trẻ và những nguyên tắc tối ưu bố mẹ cần biết để chuẩn bị cho con yêu ăn dặm suôn sẻ-5

# Nguy hiểm tiềm ẩn khi ăn dặm sai cách

Nhiều người vẫn có thói quen cho con ăn dặm theo kinh nghiệm và cảm tính tương đối dẫn đến chế độ ăn dặm của bé chưa thỏa đáng, thậm chí cho bé ăn dặm sai cách nên có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Cụ thể, ăn dặm sai cách tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hại cho hệ tiêu hóa và sức khỏe của trẻ, điển hình là những tác hại sau:

- Trẻ ăn nhiều nhưng vẫn chậm lớn, không tăng cân.

- Trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng, thấp còi.

- Làm tăng nguy cơ trẻ bị rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu.

- Tăng khả năng dị ứng thức ăn, nhất là với các bé có cơ địa nhạy cảm.

- Trẻ chán ăn, lười ăn và dễ béo phì do ăn dặm không đúng cách và không điều độ.

- Trẻ không biết nhai và chậm phát triển.

- Làm tổn thương thận.

Theo V.K (tổng hợp) - Vietnamnet


Ăn Dặm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.