
Tôi là con gái út trong gia đình, mẹ tôi 55 tuổi vừa nghỉ hưu. Tôi luôn nghĩ rằng mẹ mình là một người phụ nữ kiên cường, hy sinh và chịu đựng. Có lẽ chính điều đó khiến tôi chưa bao giờ nghĩ đến ngày mẹ bảo ly hôn. Thế nhưng điều không tưởng ấy đã xảy ra.
Một buổi chiều, mẹ gọi tôi vào phòng và bảo: "Mẹ muốn nói với con chuyện này. Mẹ đã suy nghĩ rất lâu rồi, và mẹ muốn ly hôn với ba con." Tôi gần như chết lặng. Câu nói ấy như sét đánh ngang tai. "Sao lại thế được, mẹ? Mẹ với ba đã ở bên nhau cả đời rồi cơ mà?" Tôi thốt lên, không giấu nổi sự bối rối. Mẹ thở dài, ánh mắt chất chứa nhiều nỗi niềm mà tôi chưa từng thấy. "Con à, mẹ biết con và anh con sẽ khó chấp nhận, nhưng mẹ thực sự không muốn sống như thế này nữa. Mẹ đã chịu đựng quá đủ rồi. Mẹ muốn sống cho chính mình, ít nhất là phần đời còn lại."
Nghe mẹ nói, tôi vừa buồn vừa giận. Tôi bắt đầu nhớ lại tuổi thơ của mình. Ba mẹ tôi, nhìn bề ngoài luôn là một cặp vợ chồng gương mẫu. Ba là một người đàn ông nghiêm khắc, ít nói, khó gần. Mẹ thì hiền lành, luôn nhẫn nhịn. Sâu trong tiềm thức, tôi cũng nhớ những lần ba mẹ cãi nhau nhưng thường là vì những chuyện nhỏ nhặt. Dần dần, mẹ trở nên ít nói hơn còn ba thì ngày càng lạnh lùng. Tôi hỏi mẹ: "Mẹ có chắc là mẹ muốn làm vậy không? Mẹ và ba đã ở bên nhau hơn 30 năm rồi. Không phải mọi gia đình đều có lúc bất hòa sao?" Mẹ lắc đầu, giọng mẹ chùng xuống: "Con không hiểu đâu, từ lâu mẹ đã không còn cảm thấy hạnh phúc. Mẹ chỉ ở lại vì các con. Nhưng bây giờ, các con đã trưởng thành có cuộc sống riêng. Mẹ nhận ra rằng mình không cần tiếp tục sống một cuộc sống vô nghĩa nữa."

Tôi đau lòng khi nghe mẹ nói như vậy. Tôi tự trách mình vì đã không nhận ra mẹ không hạnh phúc. Tôi luôn nghĩ mẹ ổn, mẹ chấp nhận cuộc sống như thế. Nhưng hóa ra, trong suốt những năm tháng ấy mẹ chỉ đang cố gắng giữ gìn một vỏ bọc hạnh phúc vì anh em tôi. Sau cuộc nói chuyện với mẹ, tôi quyết định nói chuyện với ba. Ba ngạc nhiên khi nghe tôi nhắc đến chuyện ly hôn. Ông im lặng một lúc rồi chỉ nói: "Nếu mẹ con muốn, thì ba không cản. Nhưng ba không hiểu, mẹ con muốn gì nữa. Nhà cửa, con cái đều đủ đầy cả. Ba không có lỗi gì lớn." Tôi cảm nhận được sự tự ái trong giọng nói của ba. Ông là một người đàn ông truyền thống, luôn nghĩ rằng việc chu cấp đầy đủ về vật chất là đã làm tròn trách nhiệm.
Tôi quay lại nói chuyện với mẹ. Mẹ không trách ba nhưng chính sự thiếu sẻ chia và tình cảm giữa hai người đã khiến mẹ cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Mẹ nói: "Ba con không bao giờ lắng nghe mẹ, không bao giờ hỏi mẹ cần gì. Mọi thứ chỉ xoay quanh ba con, còn mẹ thì như một cái bóng trong gia đình này. Mẹ ốm đau bố con cũng chưa một lần chăm sóc. Mẹ đã quen nhịn nhục, nhưng giờ mẹ muốn được sống thật với cảm xúc của mình." Những lời mẹ nói khiến tôi không thể phản bác. Tôi nhận ra rằng, đôi khi việc ở bên nhau quá lâu mà không có sự thấu hiểu cũng có thể khiến tình yêu tan biến. Dù buồn tôi dần hiểu rằng mẹ có quyền quyết định cuộc sống của mình, đặc biệt khi chúng tôi đã trưởng thành và không còn cần mẹ phải hy sinh tất cả vì mình nữa.
Sau nhiều lần nói chuyện, mẹ vẫn giữ vững quyết định của mình. Mẹ bắt đầu chuẩn bị giấy tờ và tôi thấy mẹ trở nên nhẹ nhõm hơn. Dù vậy, gia đình tôi vẫn phải đối mặt với nhiều lời dị nghị từ họ hàng, hàng xóm. Nhiều người nói mẹ tôi ích kỷ, rằng ở tuổi này còn ly hôn thì không ra sao cả. Nhưng mẹ không quan tâm. Mẹ bảo: "Người ngoài không sống thay mẹ, không hiểu nỗi khổ của mẹ. Mẹ không cần họ phải chấp nhận."
Vài tháng sau, ba mẹ tôi chính thức ly hôn. Mẹ chuyển ra sống riêng, thuê một căn nhà nhỏ và bắt đầu học cách tận hưởng cuộc sống theo cách của mình. Mẹ đi học yoga, tham gia các câu lạc bộ đọc sách và thỉnh thoảng đi du lịch cùng bạn bè. Tôi thấy mẹ cười nhiều hơn, ánh mắt mẹ cũng rạng rỡ hơn. Dù vẫn còn cảm giác mất mát khi gia đình không còn nguyên vẹn, tôi dần hiểu rằng đây là điều tốt nhất cho mẹ.
Câu chuyện của mẹ khiến tôi nhận ra rằng, hạnh phúc không có tuổi tác. Dù ở độ tuổi nào, chúng ta cũng có quyền được sống thật với chính mình, tìm kiếm niềm vui và ý nghĩa trong cuộc sống. Đôi khi yêu thương không phải là níu kéo mà là học cách chấp nhận và ủng hộ những quyết định của người mình thương yêu.

Theo Thương Trường