Kết luận điều tra bất ngờ trong vụ "cậu Thủy"

Các lần "tìm mộ liệt sĩ" của Thuý đều diễn ra cùng một "kịch bản", từ làm giả di vật, hài cốt cho đến quá trình bốc mộ.

Cùng với kết luận điều tra, Công an Quảng Trị cũng đã đề nghị truy tố 5 bị can gồm: Nguyễn Văn Thúy (“cậu” Thủy, 56 tuổi, ngụ tại thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), Mẫn Thị Duyên (vợ “cậu Thủy”, 53 tuổi), Mẫn Đức Phương (em ruột Duyên, 37 tuổi, ngụ tại thị trấn Chờ), Nguyễn Trường Sơn (con rể Duyên, 28 tuổi, ngụ xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), Nguyễn Anh Chiều (con rể Duyên, 32 tuổi, ngụ xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội) về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Xâm phạm mồ mả hài cốt”.

Riêng bị can Nguyễn Văn Hoành (em ruột Thúy, 46 tuổi, ngụ huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) bị truy tố về 3 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Xâm phạm mồ mả hài cốt” và “Trộm cắp tài sản”.

Công an cũng đề nghị truy tố Vũ Đức Chung (69 tuổi, quản trang nghĩa trang liệt sĩ huyện ĐăkTô, tỉnh Kon Tum, đang được tại ngoại) về tội “Xâm phạm mồ mả, hài cốt”. Đối tượng Chung đã nhận 30 triệu đồng để nhóm của Thúy lấy một số hài cốt liệt sĩ vô danh ở nghĩa trang.



Vụ án bị khởi tố vào cuối tháng 10/2013. Đây là đường dây khép kín, các bị can có mối quan hệ ruột thịt với hai chủ mưu là vợ chồng Thúy – Duyên. Năm 2008, Thúy và Duyên đi tù về, hành nghề lừa tìm kiếm mồ mả, hài cốt. Hai năm sau, họ chuyển sang "nghề" tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.


Thúy và đồng bọn trong một số lần gây án

Cùng thời gian trên, một cán bộ tại một ngân hàng nhờ Thúy tìm người thân. Sau khi làm giả hài cốt thân nhân của người này, Thúy phán “còn nhiều hài cốt” và đề nghị phát tâm cất bốc. Ngân hàng này sau đó triển khai chương trình “Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ”.
 
Các lần "tìm mộ liệt sĩ" của Thuý đều diễn ra cùng một "kịch bản", từ làm giả di vật, hài cốt cho đến quá trình bốc mộ. Vợ chồng Thúy đến nhiều nghĩa trang liệt sĩ vờ là khách tìm đến khu mộ vô danh để tìm hiểu. Nhờ thông tin từ hai nghi can chủ mưu này, những người trong đường dây của Thúy vào ban đêm đã mò tới đào trộm.

Chúng dùng một thanh sắt khoảng 80cm cạy nắp mộ, dùng tay lấy phần xương cốt cho vào bao nilon rồi "dọn dẹp" xung quanh sạch sẽ. Trong những lần đi trộm mộ, Thúy luôn mang theo hai tấm bằng Tổ quốc ghi công của hai anh trai để nếu bị phát hiện sẽ bịa chuyện rằng đang đi tìm hài cốt người thân.

Để củng cố niềm tin của các nạn nhân và có căn cứ bịa đặt hài cốt là liệt sĩ, nhóm Thúy lùng mua nhiều đồ dùng cũ như bi đông, dép cao su, mũ cối, ngôi sao, cúc áo bộ đội… rồi giao Phương (em Duyên) khắc tên làm giả thành những di vật.

Việc tạo dựng kích cỡ, hướng... mộ giả do Duyên "đạo diễn", giao Phương, Hoành (em Thúy) và Sơn (con rể Duyên), Chiều (con rể Duyên) thực hiện. Sau khi sắp xếp các xương ống tay, ống chân, xương sọ…, các nghi can đặt thêm "di vật" vào rồi rải thêm đất, tưới nước nện chặt bề mặt...

Chuẩn bị xong hiện trường giả, Thúy gọi điện cho những người nhờ tìm kiếm thân nhân liệt sĩ thông báo đã tìm ra. Trong lễ cất bốc, Thúy làm lễ để “nhập vong”, Duyên đi sau dìu đến vị trí chuẩn bị từ trước. Tuy nhiên, chỉ đến tối nhóm này mới thực hiện việc cất bốc "hài cốt liệt sĩ" để hạn chế việc bị phát hiện trò lừa đảo.

Kết luận điều tra của cảnh sát cho hay nhiều liệt sĩ đóng quân và hy sinh ở một địa điểm, nhưng được nhóm này tìm thấy hài cốt cách đó hàng trăm km. Với thủ đoạn trên, nhóm Thúy đã làm giả mộ liệt sĩ ở nhiều tỉnh như Quảng Trị, Quảng Nam, Gia Lai, Bình Phước, Đăk Lăk… Chỉ riêng 3 đợt cất bốc năm 2012 - 2013 thực hiện cho một ngân hàng, nhóm này đã trộm khoảng 60 hài cốt liệt sĩ tại nghĩa trang ở 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Với mỗi hài cốt vờ tìm được, các nghi can lấy tiền công 110-115 triệu đồng, riêng các phần hài cốt thực hiện cho một ngân hàng thì thỏa thuận 75 triệu đồng. Tổng cộng, nhóm này đã chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng.

Theo Thu Hằng (Pháp Luật Việt Nam)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.