Cha mẹ bị hại cãi nhau vì... xin tha cho bị cáo

Phiên xử vụ dâm ô đối với trẻ em xuất hiện một tình huống khá lạ: Cha mẹ của bị hại cãi nhau ngay tại tòa vì người thì xin HĐXX tha cho bị cáo, người thì phản đối.

Phiên xử vụ dâm ô đối với trẻ em xuất hiện một tình huống khá lạ: Cha mẹ của bị hại cãi nhau ngay tại tòa vì người thì xin HĐXX tha cho bị cáo, người thì phản đối.

Ngày 11/1, Tòa Hôn nhân và Gia đình TAND TP.HCM đã xử phúc thẩm vụ VTH (hơn 18 tuổi) dâm ô đối với trẻ em.

Xin ngủ nhờ rồi giở trò
 
Kết quả hình ảnh cho Cha mẹ bị hại cãi nhau vì... xin tha cho bị cáo
Ảnh minh họa.

Theo hồ sơ, cha mẹ cháu T. (15 tuổi) đã chia tay, hai chị em sống cùng cha ở phường 10 (quận Tân Bình). Khoảng 1h30 ngày 30/6/2016, T. nằm ngủ trên gác thì thấy đau ở vùng ngực nên giật mình thức giấc và phát hiện H. (hàng xóm) đang sờ soạng mình. Cháu hoảng sợ la lên, cha của cháu nghe tiếng thức giấc chạy lên, đánh người hàng xóm một bạt tai rồi đuổi về.

Hôm sau, mẹ của T. đã đến Công an phường 10 trình báo sự việc. Tại cơ quan công an, người hàng xóm khai nhận đêm đó đi làm về không có chìa khóa vào nhà nên đến nhà xin ngủ nhờ. Lợi dụng lúc cha của cháu T. ngủ say, đã mò lên gác và xâm phạm nạn nhân

H. bị khởi tố, truy tố về tội dâm ô đối với trẻ em. Xử sơ thẩm hồi tháng 10/2016, TAND quận Tân Bình đã phạt 9 tháng tù. Sau đó, bị cáo kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt.

Cha xin tha cho bị cáo, mẹ phản đối

Tại phiên xử phúc thẩm hôm qua, trình bày lý do xin giảm án, bị cáo nói mình đã thật sự hối hận, giờ xin giảm án để còn về đi làm nuôi em, nuôi mẹ. “Bị cáo mà bị bắt thì không ai nuôi em, nuôi mẹ cả” - H. nói.

Cha của nạn nhân nói: “Thưa HĐXX, nhà nó khổ lắm, cha nó chạy xe ôm, mẹ nó bị lao phổi nặng. Nó có hai đứa em, đứa học lớp 9, đứa kia 12 tuổi bị lao màng não chưa biết sống chết… Tội nghiệp nó phải nghỉ học đi phụ hồ kiếm tiền lo em, lo mẹ. Nó lỡ lầm một lần vậy rồi, tòa tha cho nó, mai mốt nó không dám nữa”.

Ngay lập tức, mẹ của cháu T. lên tiếng phản đối gay gắt: “Tha sao được mà tha, danh dự con gái tôi để đâu? Giờ đồn rùm trong xóm rồi, tha sao được mà tha! Đi đâu người ta cũng hỏi. Đời người con gái có nhiêu đó, tha sao được mà tha!”...

“Vậy chứ nhà nó khổ vậy rồi bắt nó làm gì nữa? Nó nhỏ dại, lầm lỡ một lần, cho nó cơ hội chứ. Tôi đã đánh nó rồi. Thưa tòa, con gái tôi thì tôi thương chứ! Con gái sống với cha, mẹ nó đi lấy chồng rồi, mọi việc xin để cho cha quyết định. Xin tòa tha cho thằng H.” - người chồng vẫn tha thiết đề nghị.

Nghe cha nạn nhân nói như vậy, lúc này mẹ của bị cáo H. ngồi phía sau cảm động khóc thút thít. Còn mẹ của cháu vẫn không chịu, định cãi thêm nữa nhưng chủ tọa ngắt lời: “Về danh dự của cháu, mong chị an tâm và suy nghĩ như thế này: cháu T. không có làm gì sai hết, cháu không hề có lỗi gì cả, cháu là nạn nhân mà. Vì vậy việc gì gác lại được thì xin hãy gác lại, cứ bàn tới bàn lui mãi mới là không tốt cho cháu. Người ta nói gì kệ người ta, mình hãy lo tập trung vào công việc của mình thì hơn chị à! Người làm sai là bị cáo, trách nhiệm của bị cáo với việc làm sai thì chúng tôi đang xử lý đây”.

Nghe chủ tọa nhỏ nhẹ khuyên nhủ, mẹ của cháu T. không nói thêm nữa mà quay sang nhìn chồng cũ: “Được rồi, muốn cãi lát ra ngoài cãi”.

VKS, HĐXX đều đồng ý cho bị cáo hưởng án treo

Phát biểu quan điểm, đại diện VKS cho rằng bản án sơ thẩm đã xét xử đúng người, đúng tội. Mức án 9 tháng tù là tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo. Tuy nhiên, vì bị cáo là người dân tộc Khmer, tuổi đời còn rất trẻ, trình độ học vấn thấp, khả năng nhận thức pháp luật còn hạn chế. Vì vậy, việc cách ly bị cáo ra khỏi xã hội là không cần thiết và chưa thể hiện được tính nhân đạo của pháp luật.

Nghe vậy, H. không hiểu là đại diện VKS đang đề nghị HĐXX cho mình được hưởng án treo nên ngơ ngác lắc đầu không chịu, vẫn khư khư xin tòa “cho được giảm án để sớm về đi mần lo cho em, cho mẹ”. Đại diện VKS bèn đề nghị HĐXX giải thích pháp luật cho bị cáo hiểu thế nào là án treo… Giải thích xong, HĐXX hỏi H. rõ chưa. Bị cáo gật đầu lộ vẻ mừng: “Dạ hiểu, hưởng án treo là được ở nhà nhưng không được phạm tội nữa, phạm tội nữa là bị chồng án”.

Đồng tình với đại diện VKS, HĐXX nhận định bị cáo thuộc trường hợp được cho hưởng án treo theo quy định tại Điều 60 BLHS và hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Từ đó HĐXX tuyên phạt H. chín tháng tù treo.

“Người ta chửi gì cũng phải xin lỗi nghe con”

Phiên tòa kết thúc, mẹ của cháu T. nhìn mẹ bị cáo, liếc một cái trút hết căm phẫn. Bà chửi thề mấy câu rồi kéo con gái bước ra ngoài.

Mẹ bị cáo gầy nhom, hơi thở thoi thóp, bước chân liêu xiêu tới ôm đứa con trai tội lỗi. Bà mừng rỡ mà nước mắt hai hàng: “Lát ra người ta chửi gì cũng phải chịu nghe con, người ta chửi gì con cũng phải nói xin lỗi nghe con”. H. gật đầu, đôi mắt đỏ hoe.

Theo Pháp Luật TPHCM


dâm ô trẻ em

bị hại

bị cáo


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.