Chém nhau vì mừng cưới bằng phong bì rỗng

Ấm ức vì người hàng xóm mừng đám cưới con gái bằng phong bì rỗng, người cha đem chuyện ra trách móc.

Ấm ức vì người hàng xóm mừng đám cưới con gái bằng phong bì rỗng, người cha đem chuyện ra trách móc. Không ngờ sự việc dẫn đến hai bên hỗn chiến, người mang thương tật, kẻ vướng vòng lao lý.

Ngày 19/11, TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án “giết người” theo đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Văn Mã (tức Mã “hai vợ”, SN 1964, Bà Rịa - Vũng Tàu).

Ẩu đả vì cái phong bì

Theo bản án sơ thẩm, cuối năm 2013, Nguyễn Văn Mã tổ chức đám cưới cho con gái. Trong số khách mừng, có một phong bì rỗng ruột của người hàng xóm là chị Đỗ Thị Hoàn. Khoảng 10h ngày 8/12/2013, trên đường đi lấy ảnh cưới của con, Mã gặp chị Hoàn đang ngồi uống nước trước nhà một người quen. Nhớ lại “chiếc phong bì rỗng”, Mã mắng chị Hoàn vì cho rằng người này cố ý.

Tức giận, Hoàn cầm ca nước ném vào mặt Mã. Bị hắt nước, Mã túm tóc người phụ nữ này dúi xuống đất, hai bên xảy ra xô xát. Ba người hàng xóm đứng gần đó đến can ngăn, hai bên tiếp tục chửi bới. Thấy vậy, chị Hoàn bảo con về báo cho chị chồng là Lê Thị Hoa. Nhận tin, chị Hoa cùng chồng là Lê Công Danh bưng bát cơm đang ăn dở chạy ra.

Hoa hỏi: “Sao đàn ông mà đánh đàn bà con gái?” thì bị Mã dùng tay đánh. Bênh vợ, anh Danh bỏ bát cơm đến đấm 2 cái vào mặt Mã làm ông ta ngã xuống. Lúc này, Mã rút một con dao xếp từ trong người ra hăm dọa khiến ba người nhà Hoa rút vào trong nhà.

mừng cưới bằng phong bì rỗng, giết người
Cha con bị cáo Mã sau phiên tòa.

Biết chuyện cha ẩu đả với hàng xóm, con trai Mã là Nguyễn Văn Anh (SN 1990) mang theo một tuýp sắt, một con dao chặt củi chạy đến hiện trường. Đến nơi, Anh mang xe máy của cha cùng con dao chặt củi, tuýp sắt về nhà cất, lấy một con dao khác bỏ vào túi quần rồi quay lại chỗ đánh nhau.

Trong lúc Anh đi, chị Hoàn điện thoại báo cho chồng là Lê Hồng Đẹp. Người này chạy xe máy đến lao thẳng vào Mã khiến cả hai ngã nhào. Sau đó, Mã cùng con trai lao đến đánh Đẹp. Lê Công Danh nhìn thấy liền chạy ra can ngăn thì bị cha con Mã cầm dao xông tới đâm. Anh đâm trượt vào ngực phải của anh Danh gây rách da, Mã cầm dao xếp đâm một nhát vào ngực trái của Danh.

Lúc này, anh Đẹp cũng nhặt một cái cuốc phang vào Mã, chị Hoàn cũng dùng cán dao cạo mủ cao su đánh Mã nhưng không để lại thương tích. Theo kết quả giám định, anh Danh gây thương tích 13%.

Suốt quá trình điều tra, Mã không thừa nhận việc đâm anh Danh. Anh thừa nhận chỉ đâm anh Danh một nhát duy nhất vào ngực phải chỉ gây rách ra, vết thương bên ngực trái của nạn nhân không phải do cha con Mã gây ra mà do một người khác trong nhóm này.

Tuy nhiên, xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn tuyên phạt Mã 6 năm tù, Anh lãnh án 5 năm tù cùng về tội “giết người”. Sau phiên tòa, cả hai cha con họ cùng làm đơn kháng cáo. Trong đó, Mã kêu oan còn con trai người này xin giảm nhẹ hình phạt.

Hủy bản án quá nhiều vi phạm

Tại phiên tòa phúc thẩm, cha con Mã giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Mã “hai vợ” cho rằng việc cấp sơ thẩm cố tình khép tội mình là không đúng. Người đàn ông này đưa ra hàng loạt các tình tiết mâu thuẫn trong vụ án.

“Bị cáo không đâm anh Danh, con dao mà cơ quan điều tra cho rằng đó là vật chứng trong vụ án, bị cáo đã dùng để đâm anh Danh là không đúng. Bị cáo sống bằng nghề chăn vịt nên thường mang theo dao bấm để cắt dây bao cám. Con dao mà cơ quan điều tra nói là vật chứng mới hơn, dao của bị cáo cũ hơn và bị tù ở phần đầu”, người đàn ông lặp lại lời khai tại phiên tòa sơ thẩm.

Đối với các chữ ký của bị cáo trên bì thư niêm phong vật chứng, bị cáo Mã khẳng định mình hoàn toàn không ký những chữ ký này, ai đó đã mạo danh chữ ký của bị cáo. Ngoài ra, bị cáo cũng cho rằng một số vật chứng khác không đúng với thực tế, bị cáo đề nghị HĐXX xem xét.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị cáo còn quá nhiều sai sót. Tòa vạch ra cái sai sót như biên bản thu giữ tang vật và kết luận giám định vết thương của người bị hại do tang vật gây ra không đồng nhất, cơ quan điều tra đã thu giữ mấy con dao chưa rõ, bị cáo và một số người liên quan không thừa nhận chữ ký trên bì thư niêm phong vật chứng nên cần xem xét, giám định chữ ký.

Suốt quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo không thừa nhận có dùng dao đâm bị hại. Quá trình xảy ra xô xát có nhiều người tham gia, trên người nạn nhân có nhiều vết thương nhưng chỉ có một vết thương gây thương tích chưa thể xác định rõ ai gây ra...

Từ đó, HĐXX tuyên hủy toàn bộ bản án, trả hồ sơ để cấp sơ thẩm điều tra, truy tố, xét xử lại từ đầu.

Theo VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.