Hai trẻ mồ côi ám ảnh cái chết của mẹ đúng ngày Mùng 1 Tết

Tết đối với hai đứa trẻ này là cơn ác mộng khi đó chính là ngày xảy ra án mạng gia đình, cha sát hại mẹ.

Bốn năm rồi, hai chị em Nguyễn Thị Thương (SN 2003) và Nguyễn Mạnh Hùng (SN 2005, ngụ xóm 14, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) không có Tết. Tết đối với hai đứa trẻ này là cơn ác mộng khi đó chính là ngày xảy ra án mạng gia đình, cha sát hại mẹ.

Hai trẻ mồ côi ám ảnh cái chết của mẹ đúng ngày Mùng 1 Tết
Bà Hảo bên cháu ngoại mồ côi mẹ.

Thảm án ngày mùng Một Tết

Bi kịch xảy ra vào sáng 10/2/2013 (tức mùng Một Tết 2013). Người gây án mạng là Nguyễn Cảnh Linh (SN 1981), cha của chị em Thương. Linh mang theo chiếc búa bổ đinh đi xe máy đến nhà mẹ vợ để gọi vợ con về chuẩn bị đón Tết. Bức xúc vì người vợ (SN 1983) không chịu về, Linh đã dùng búa mang theo đánh liên tiếp vào vùng đầu vợ gây tử vong.

Sau ngày mẹ mất, cha ngồi tù, chị em Thương được bà ngoại Hồ Thị Hảo (57 tuổi) đưa về cưu mang. Còn căn nhà cũ thường xuyên cửa đóng then cài, trở thành nơi thờ phụng người phụ nữ xấu số. Chỉ năm hết Tết đến, người nhà mới đến mở cửa dọn dẹp, thắp nén nhang cho người quá cố.

Đưa đôi tay sần sùi, chai sạm vuốt tóc đứa cháu ngoại bất hạnh, bà Hảo kể lại bi kịch của con gái. Linh và con gái bà là người cùng làng, tự nguyện đến với nhau bằng tình yêu. Ngày cưới, ai cũng nghĩ cô dâu may mắn khi lấy được người chồng có nghề nghiệp ổn định, thoát li được cảnh đồng ruộng chân lấm tay bùn. Hạnh phúc đơm hoa khi hai đứa con đủ nếp lẫn tẻ lần lượt chào đời. Cặp vợ chồng trẻ được cha mẹ chồng xây một căn nhà cấp bốn ra ở riêng ngay trong vườn.

Thế nhưng, những tháng ngày hạnh phúc bên chồng đối với người vợ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Linh ngày càng tỏ ra là một người đàn ông đổ đốn, ham mê cờ bạc, lại có thói vũ phu. Những đồng tiền làm được đều đội nón ra đi sau những cuộc sát phạt trên chiếu bạc. Lúc hết tiền, Linh lại về đòi tiền vợ. Những lúc người vợ mở lời khuyên can là lúc thân thể chị phải gánh nhận những trận đòn tàn nhẫn từ chồng.

Chán nản vì người chồng vô trách nhiệm, người vợ quyết định gửi con cho nhà ngoại để ra Hà Nội mở quán cơm bình dân. Nhận thấy công việc làm ăn của vợ gặp nhiều thuận lợi, Linh xin nghỉ việc ra Hà Nội phụ vợ. Cũng tại đây, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng thường xuyên xảy ra khi Linh vẫn chứng nào tật nấy.

Những đồng tiền người vợ vất vả kiếm được đều bị người chồng lấy sạch đi đánh bài, rồi uống rượu say khướt. Mỗi lần lớn tiếng cãi nhau là Linh lại “thượng cảnh chân, hạ cẳng tay” với vợ. Không chấp nhận được người chồng cờ bạc, vũ phu, người phụ nữ quyết định nghỉ việc kinh doanh, trở về quê, sống li thân với Linh.

“Nó về xin phép bố mẹ chồng rồi ôm hai đứa con qua nhà tôi ở, với ý định chia tay một thời gian để chồng hối hận, tu chí làm ăn, để gia đình được quay về đoàn tụ như trước. Nào ngờ, chỉ vì con gái tôi không chịu về trong ngày Tết mà phải chết tức tưởi như vậy. Con gái chết, con rể ngồi tù, hai đứa cháu ngoại vô tội của tôi không dám nghĩ đến tương lai”, bà Hảo nức nở.

Con rể bà Hảo tại phiên tòa sơ thẩm.

Ước nguyện làm giỗ cho mẹ

Bà Hảo có bốn người con, người con gái xấu số đã qua đời là con thứ hai. Chồng mất sớm, một mình bà Hảo gồng gánh nuôi cả đàn con. Vất vả rồi cũng có ngày được nhìn thấy các con yên bề gia thất, nhưng bà chưa kịp nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già thì nỗi đau ập đến.

Hết nuôi đàn con thơ, giờ lại gánh trên vai hai đứa cháu ngoại bất hạnh. Các con đã yên bề gia thất, ngôi nhà nhỏ chỉ mình ba bà cháu sớm tối thui thủi bên nhau. Thu nhập chính phụ thuộc vào hai sào ruộng, để có tiền trang trải cuộc sống, nuôi cháu ăn học, bà phải chạy chợ bán rau.

Điều an ủi nhất cho bà là hai chị em Thương dù thiếu vắng tình thương của cha lẫn mẹ nhưng vẫn là những đứa trẻ ngoan ngoãn, siêng năng, học giỏi. Hai chị em biết thương yêu, chăm sóc nhau và tự giác trong học tập. Năm nào chị em Thương cũng đạt thành tích tốt. Hết hè năm nay Thương sẽ lên lớp tám, Hùng lên lớp sáu. Ngoài những giờ lên lớp, hai chị em lại xắn tay làm hết công việc nhà để bà có thời gian buôn bán ở chợ.

Cũng theo bà Hảo, con gái bà mất ngay trong ngày mùng Một Tết. Với quan niệm ngày Tết là ngày đoàn viên, ngày đón năm mới nên người dân đại phương kỵ làm giỗ trong ngày Tết. Chính vì thế, bốn năm qua, chưa năm nào con gái bà được làm giỗ. Nhớ ngày mất của con, người mẹ chỉ biết mang cặp bánh chưng, dẫn hai đứa cháu ngoại qua thắp lên bàn thờ nén nhang để tưởng nhớ, an ủi vong linh con gái.

“Nhiều lần nghe cái Thương thút thít khóc nói nhớ mẹ, rồi lại hỏi vì sao ai qua đời cũng có ngày giỗ mà mẹ lại không, tôi chỉ biết ôm cháu vào lòng mà khóc. Nghỉ hè vừa rồi, nó xin ra Hà Nội rửa bát thuê cho nhà người quen để kiếm tiền Tết năm nay làm giỗ cho mẹ. Mới đầu tôi không cho đi vì nó còn nhỏ dại.

Nhưng nghĩ lại, hoàn cảnh cháu mình khác những đứa trẻ khác, cho nó đi cho khuây khỏa, để học cách tự lập dần, sau này còn chăm sóc em trai. Tôi giờ già yếu như thế này sống chết lúc nào không hay”, bà Hảo tâm sự.

Nhắc đến người con rể tội lỗi, bà Hảo cho biết thêm, từ ngày Linh bị bắt, dù đau đớn vì cái chết của con gái mình nhưng bà vẫn lặn lội đưa hai đứa cháu ngoại vào thăm cha. Vì theo bà, người chết cũng đã chết rồi, có hận thù cũng không thể làm con gái bà sống lại, huống gì bà còn hai đứa cháu. Chúng mất mẹ đã bất hạnh lắm, bà không muốn chúng lại mất thêm cha.

Linh gây trọng tội nhưng vẫn là cha của hai cháu ngoại của bà. Giữ tình cha con cho các cháu, đó là điều duy nhất bà có thể làm được để an ủi cháu mình, để con gái xấu số được yên lòng nhắm mắt. Từ ngày Linh bị bắt, cha con gặp nhau ba lần. Một lần tại phiên tòa sơ thẩm và hai lần gặp tại trại giam. Những lần gặp con, người cha tội lỗi chỉ biết ôm mặt khóc.

Cháu Hùng lau nước mắt kể: “Lúc mẹ còn sống, mỗi lần được giấy khen, mẹ thường thưởng quà bằng cách dẫn hai chị em cháu đi mua mỗi đứa một bộ quần áo mới. Mẹ còn khuyên cố gắng học sau này thoát li khỏi đồng ruộng cho đỡ khổ cái thân. Giờ mẹ mất, mỗi lần nhận giấy khen, cháu chẳng biết khoe với ai ngoài bà ngoại. Mỗi lần tan học thấy các bạn được bố mẹ đưa đón, cháu thấy buồn và rất nhớ mẹ”.

Cháu gái đang đi làm thuê ngoài Hà Nội để thực hiện tâm nguyện kiếm tiền về làm giỗ cho mẹ. Ở nhà chỉ mình bà Hảo và cậu cháu trai sớm tối thui thủi. Hùng nhỏ thó, da đen nhẻm, nụ cười buồn. Cậu bé ngây thơ nói về ước mơ của mình: “Mỗi lần nghe ai đó nhắc đến mẹ, chị Thương lại khóc. Em ước có mẹ sống lại để chị Thương không phải khóc, để chị em cháu luôn có mẹ bên cạnh”.

Nghe cháu nói, bà Hảo bật khóc. “Đời con cháu tôi sao bất hạnh thế này. Chúng sẽ sống như thế nào nếu một ngày nào đó tôi nằm xuống. Chỉ mong bố chúng cải tạo tốt, nhanh trở về để làm chỗ dựa cho hai đứa con”, bà nghẹn lời.

Bạn đọc hảo tâm giúp đỡ nhân vật trong bài viết xin liên hệ bà Hồ Thị Hảo (xóm 14, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), số điện thoại 0973.812.061

Theo PLO

chồng giết vợ

cha giết mẹ

trẻ mồ côi


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.