Hành trình "trả nợ cuộc đời" của tử tù bị lãng quên

Thoát án tử hình, giấc mơ được sống của Đặng Văn Thế đã trở thành hiện thực. Với Thế, được sống, đó đã là một điều kỳ diệu.

Thoát án tử hình, giấc mơ được sống của Đặng Văn Thế đã trở thành hiện thực. Với Thế, được sống, đó đã là một điều kỳ diệu. Bởi vậy phải sống sao cho xứng đáng với niềm hạnh phúc lớn lao này. Thế bắt đầu hành trình trả nợ cuộc đời…

Đặng Văn Thế luôn là hạt nhân trong các hoạt động thi đua ở Trại giam số 6 và được chuyển đến khắp các phân trại để gây dựng phong trào trong phạm nhân.
Đặng Văn Thế luôn là hạt nhân trong các hoạt động thi đua ở Trại giam số 6 và được chuyển đến khắp các phân trại để gây dựng phong trào trong phạm nhân.

Sau khi được “xuống xiềng” Đặng Văn Thế được chuyển sang buồng giam khác. Chuyển đến trại giam để thi hành án thì chắc khó đưa “đàn con cháu" đi nên Thế quyết định chia tay với đàn mèo của mình bởi "vương vấn nhiều chỉ khổ chúng nó khi mình không còn ở đây". Không thấy Thế ở phòng giam cũ, con Mã, lúc này đã sinh lứa khác với 4 cái tên rất kêu Mùa – Xuân – Đã – Đến dẫn cả đàn con đi tìm.

Tiếng mèo kêu vang cả khu trại, giám thị bảo Thế, thôi, gọi “con cháu” vào trước khi chia tay. “Các con ơi, ông ở đây”, Thế hô to. Con Mã lần theo tiếng nói, tìm đến. Nó chui qua lỗ thông gió rồi nhảy vào lòng Thế dụi dụi đầu rồi lần lượt cắp các con vào “đoàn tụ”.

“Đến con vật nó còn sống tình nghĩa với mình thế này thì mình phải cải tạo thật tốt, để trả món nợ ân tình mà các Ban, các giám thị…dành cho”, Thế tự hứa với bản thân.

Sau khi hoàn tất thủ tục, Đặng Văn Thế được chuyển đến Trại giam số 6 – Bộ Công an (đóng ở Thanh Chương, Nghệ An) để thi hành bản án chung thân. Những năm tháng sống trong phòng biệt giam đã giúp Thế rèn luyện bản lĩnh, sức chịu đựng và ý chí bởi vậy, việc cải tạo đối với người vừa từ cõi chết trở về không mấy khó khăn.

Thế hăng say lao động, ngoan ngoãn, tu tâm cải tạo. Trong quá trình cải tạo Ban giám thị, cán bộ quản giáo phát hiện khả năng văn nghệ, khuấy động phong trào ở người tù này nên chuyển Thế từ phân trại này qua phân trại khác, đến cả 9 điểm mục tiêu để gây dựng phong trào trong phạm nhân. Mới chỉ học đến lớp 4 nhưng Thế là hạt nhân trong cuộc thi văn nghệ, tìm hiểu pháp luật được phát động ở trại giam. Thế lên kịch bản, tổ chức các bạn tù luyện tập, thi đua lẫn nhau…

Thế cũng không ngừng tích lũy kiến thức từ tủ sách của Trại giam để chuẩn bị cho việc hòa nhập cuộc sống sau khi ra trại
Thế cũng không ngừng tích lũy kiến thức từ tủ sách của Trại giam để chuẩn bị cho việc hòa nhập cuộc sống sau khi ra trại

Thế được Hội đồng giáo dục bầu vào Ban tự quản, là cầu nối giữa Ban giám thị, Hội đồng cán bộ với phạm nhân, được đi họp, tiếp thu ý kiến và về truyền đạt lại cho các phạm nhân khác. Chưa bao giờ trong đầu Thế xuất hiện 2 từ “trốn trại” bởi như anh nói: “Cuộc sống tôi có được trân quý lắm, làm thế là tôi giết mình thêm 1 lần nữa, giết bố mẹ mình một lần nữa, là có tội với các giám thị, cán bộ quản giáo đã thương, tin tưởng tôi”.

Thế vẫn viết thơ, viết nhật ký đều đặn, viết bằng tay trái. Những vần thơ của Thế mộc mạc lắm, là tiếng lòng biết ơn của anh dành cho cuộc đời, cho cán bộ quản giáo, cho giám thị và để động viên chính mình.

Thế kể nhiều về những ân nghĩa mà giám thị, quản giáo đã giành cho mình. Đó là tấm áo mưa quản giáo Sang đưa cho Thế trải lên màn trong một đêm mưa. Đó là con mèo Mương cán bộ Tài mang vào cho Thế nuôi cho đỡ buồn, cho Thế bận rộn mà quên đi những suy nghĩ tiêu cực trong những ngày ở buồng biệt giam. Đó là cây xương rồng Ban Tú tặng Thế trước khi nghỉ hưu động viên Thế vững vàng hơn trong hành trình chờ đợi sự ân giảm của Chủ tịch Nước. Hay gói kẹo, chục trứng gà của Ban Tỵ dành cho Thế bồi dưỡng, cả những lời động viên, khích lệ của Ban Viện khi Thế chông chênh giữa đêm Giao thừa trong phòng biệt giam. Và cả những quan tâm, động viên và những lời nhận xét thẳng thắn của Ban Hoàn (giám thị Nguyễn Viết Hoàn) trong quá trình Thế cải tạo ở Trại giam số 6.

Năm 2014, Thế được chuyển đến đội sản xuất của phân trại tại huyện Nam Đàn. Đường từ trại đến điểm sản xuất đi qua Mỹ Sơn quê Thế. Chuyến xe chở phạm nhân xuất phát từ 4h sáng để đến điểm sản xuất kịp giờ làm. Ngồi trong xe, giữa mờ ảo sương sớm, cán bộ hỏi: “Thế, có nhìn thấy đường về nhà không?”. “Mờ lắm, nhưng sắp sáng rồi cán bộ ạ”. Cán bộ cười: “Sắp sáng rồi”. Thế hiểu, cán bộ quản giáo tin tưởng vào mình…

Phạm nhân Đặng Văn Thế trong 1 phân cảnh về tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tổ chức trong trại giam.
Phạm nhân Đặng Văn Thế trong 1 phân cảnh về tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tổ chức trong trại giam.

Năm 2015, Thế vinh dự là phạm nhân góp mặt trong phóng sự nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Công an nhân dân với tư cách là phạm nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích trong thời gian thi hành án tại Trại giam số 6. Thế bảo, đó là niềm vinh dự rất lớn của mình, là sự ghi nhận của Ban, của Tổng cục thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) đối với những nỗ lực cải tạo không mệt mỏi của Thế.

“Số tôi đi tù nhưng “đỏ” vì luôn được các Ban, các cán bộ quản giáo tin tưởng và thương mình. Tôi có tội, điều đó không thể phủ nhận nhưng các Ban, các cán bộ luôn xem tôi như một đứa con, đứa em lạc lối. Chính những yêu thương và tin tưởng đó đã tiếp sức cho tôi, để tôi vững vàng hơn trên con đường tìm lại sự sống cho chính mình. Nếu có viết bài, nhờ em gửi lời cảm ơn chân thành của tôi đến các Ban, các quản giáo”, Đặng Văn Thế nói.

Trong câu chuyện của mình Thế cũng nhắc nhiều đến bố mẹ, những người mà đi gần hết cuộc đời vẫn chưa hết những âu lo về con cái. Những lúc thấy bất lực trước nghiệt ngã cuộc đời, hình bóng cha mẹ già lại hiện lên, như để cứu rỗi cuộc đời Thế. Đó là hình ảnh người mẹ già lọ mọ bán từng yến lúa để xuống thăm Thế, gửi tiền lưu ký. Là lời động viên đầy tin tưởng của bố mỗi khi nhận được tin Thế được giảm án.

Đặng Văn Thế: Chính những yêu thương và tin tưởng của các Ban, các giám thị, của bố mẹ và cả những người không quen biết đã tiếp sức cho tôi, để tôi vững vàng hơn trên con đường tìm lại sự sống cho chính mình.
Đặng Văn Thế: "Chính những yêu thương và tin tưởng của các Ban, các giám thị, của bố mẹ và cả những người không quen biết đã tiếp sức cho tôi, để tôi vững vàng hơn trên con đường tìm lại sự sống cho chính mình".

“Thương mẹ nhiều con cố nén nỗi đau/ Để vươn lên trong quá trình cải tạo/ Con nguyện hứa sẽ vâng lời quản giáo/ Để ngày mai được trở lại làm người” (Tạ tội).

Thơ của Thế cũng tràn đầy lạc quan và tin tưởng, rằng, sẽ có ngày Thế được trở về, để “trả nợ cuộc đời”, để bù đắp những tủi nhục mà bố mẹ đang phải trải qua: “Mai mốt này khi con được hoàn lương/ Sẽ cố gắng làm đứa con thật tốt/ Dù khó khăn chẳng làm điều dại dột/ Để mẹ hiền có được chút niềm vui”.

Trong cuộc thi "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện" do Tổng cục VIII, Bộ Công an phát động, tập thơ và cuốn tự truyện của Thế giành được giải Nhất.

“Cuộc sống này đáng quý lắm. Đã được sống, tôi phải sống sao cho xứng đáng. Suy nghĩ tích cực, cố gắng cải tạo tốt là cách tôi cảm ơn cuộc đời, cảm ơn những yêu thương mà mọi người dành cho tôi”, Thế bộc bạch.

Bằng những cố gắng không mệt mỏi đó, năm nào Thế cũng được ghi vào danh sách giảm án. Với Thế đó là con đường duy nhất để đưa anh về với cuộc sống bình thường, để anh có thể tự tay bón cho bố mẹ mình thìa cháo khi các cụ ở tuổi xế chiều.

Ngày 15/6/2016, phạm nhân Đặng Văn Thế đã nhận được quyết định giảm án, tha tù trước thời hạn. Kết thúc hơn 19 năm cơm tù áo số, trong đó có 11 năm nằm chốn biệt giam, Thế đã trở về với gia đình, trong vòng tay yêu thương rộng mở của bố mẹ già và cộng đồng xã hội. Một cuộc sống mới đang chờ Thế, dẫu sẽ đầy rẫy những khó khăn, thử thách...

Theo Dân trí


tử tù


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.