Hối hận của cô con dâu giết bố chồng bằng thuốc độc
Bị đổ tiếng oan là lười làm, lếu láo, Chìa bỏ thuốc sâu vào thức ăn khiến người đàn ông này thiệt mạng.
Hơn chục năm nay, người ta chỉ biết Chìa là đứa con dâu mất nết, đã lười làm, ham ăn còn đầu độc bố mẹ chồng chứ mấy ai hiểu rằng phía sau hành động bất nhân ấy của Chìa là một nỗi niềm không thể bày tỏ.
Mặc dù đã đọc qua bản án song khi giáp mặt, tôi vẫn không thể tin nổi Nguyễn Thị Chìa, sinh năm 1976, quê ở Bình Kiều, Khoái Châu (Hưng Yên), đang cải tạo ở trại giam số 5 lại là một kẻ giết người. Gương mặt khắc khổ, già rất nhiều so với tuổi, Chìa nói chuyện một cách khó nhọc, miễn cưỡng bởi có hay gì đâu một kẻ giết người trong khi nạn nhân lại là bố chồng thì những điều đơm đặt, thi phi sẽ không ít.
Tội ác của người phụ nữ thôn quê
Theo cáo trạng, hai chục năm về trước, Chìa là một cô gái duyên dáng đảm đang nên mặc dù chỉ học hết lớp 7 song cô gái này vẫn được nhiều người đánh tiếng hỏi làm vợ. Năm 19 tuổi, Chìa về làm vợ anh Nguyễn Văn Cang, người cùng xã Bằng Kiều. Tuổi mới lớn đã lấy chồng trong khi anh Cang lại hay đi làm xa nên Chìa gặp không ít khó khăn khi tiếp xúc với bố mẹ chồng. Cô thường bị mẹ chồng bóng gió mắng chửi nhưng vì nghĩ đến các con nên Chìa âm thầm chịu đựng, không dám tâm sự với chồng vì sợ anh buồn lòng. Đứa con thứ 2 ra đời càng đẩy người chồng đi nhiều hơn, lâu hơn với những lăn lộn mưu sinh và hố sâu ngăn cách tình cảm giữa bố mẹ chồng Chìa và con dâu càng thêm nghiêm trọng. Đang độ tuổi xuân, lại trong thời gian ở cữ, Chìa cứ béo trắng ra, người đẫy đà, tròn trĩnh. Cô trở thành cái gai trong mắt mẹ chồng vì cho rằng cô là thứ con dâu vô tích sự, chỉ biết ăn với đẻ, làm khổ con trai bà. Riêng với ông Chương, bố chồng của Chìa thì sự mơn mởn của cô con dâu vắng chồng khiến ông nảy sinh tà ý. Theo lời tâm sự của Chìa thì ông Chương hay tỏ ra quan tâm quá mức cho phép khiến Chìa rất khó chịu. Trong suy nghĩ của Chìa, bố chồng không được vào buồng con dâu đằng này ông Chương lại cứ vô tư ra vào buồng cô, mỗi khi cô bồng con con bú, ông ta lại nói vọng vào rằng Chìa cần gì không để bố giúp. Có lần Chìa không trả lời, ông Chương liền chạy vào buồng con dâu, giả vờ dỗ dành đứa bé.
Ngày 11/9/2000, sau khi đi mua quà Trung thu cho các con về, Chìa vào buồng cho đứa con nhỏ bú. Hai mẹ con đang nằm thì ông Chương không biết từ đâu chạy vào hỏi han khiến Chìa vừa bất ngờ vừa sợ. Sau đó, cô đã bế con chạy về bên mẹ đẻ nhưng bị bố chồng "khoác" cho cái tội: hư đốn, lười nhác đến bữa không chịu nấu ăn, bố nói còn cãi.
Uất nức, người đàn bà này đã nghĩ đến việc trả thù. Một hôm được bố chồng nhờ nấu cơm, Chìa lén bỏ gói thuốc chuột mua sẵn từ trước vào nồi canh rau cải. Cơm canh nấu xong thì mẹ chồng Chìa cũng đi làm về. Cô dọn mâm bát, mời bố mẹ chồng ăn cơm còn mình ngồi ôm con ngoài võng. Không biết trong canh có độc nên ông bà Chương cứ vô tư ăn uống, 2 tiếng sau thì lên cơn co giật, nôn mửa.
Nhìn thấy cảnh đó, Chìa sợ hãi, vội chạy sang hàng xóm đưa nhờ đưa bố mẹ chồng đi cấp cứu nhưng ông Chương không qua khỏi. Mẹ chồng Chìa may mắn giữ được mạng sống nhưng cũng phải nằm điệu trị tại bệnh viện Bạch Mai một thời gian dài. Bố chồng chết hôm trước, hôm sau Chìa bị bắt. Với bản án chung thân về tội giết người, Chìa vào trại giam số 5 cải tạo, đem theo cả những điều bí mật của mình về người bố chồng. Cô câm nín trước tất cả nhữn dị nghị, điều tiếng của thiên hạ về một cô gái ngoan, hiền lành thế mà bỗng dưng lại có hành động giết bố mẹ chồng.
Khát khao hướng thiện
"Tôi khóc cho phút nông nổi của mình, thương người quá cố và thương cho cả chính mình”, Chìa tâm sự. Giết người, phải đền tội, Chìa chỉ thấy thương hai đứa con nhỏ và điều cô mơ hồ lo sợ đã xảy ra. Sau một năm bặt tin, anh Cang đã thăm vợ bằng một lá đơn xin ly dị khiến Chìa chết lặng. Bao nhiêu ngày ngóng tin chồng, muốn được một lần gặp chồng để bày tỏ hết nguồn cơn nhưng tất cả đã không còn cơ hội. Cô nói với quản giáo rằng không muốn bỏ chồng, không muốn rời xa các con, mong chồng cô nghĩ lại và tha thứ cho cô. Chìa còn nhờ người nói hộ mình với anh Cang nhưng tất cả chỉ là im lặng và từ chối. Không thấy hồi âm từ phía chồng, Chìa ngậm ngùi ký vào đơn ly dị.
“Chị ơi, em khổ quá. Bản án lương tâm dành cho em còn đau đớn hơn tất cả những gì em đang phải chịu đựng”, Chìa bật khóc. Cô bảo không muốn nhắc lại chuyện cũ, chỉ mong được bình tâm cải tạo để sớm được trở về với các con nhưng “không biết chúng có nhận em làm mẹ của chúng không nữa”.
Vào trại khi đứa con nhỏ chưa đầy 1 tuổi khiến Chìa nhớ con vô cùng nhưng nỗi cô đơn vì không được gia đình đến thăm càng làm cô sợ hãi. Chìa bảo mấy chị em cùng buồng thấy hoàn cảnh của cô như vậy cũng thương, thường động viên, an ủi nhưng chẳng thể làm cô vơi đi nỗi buồn khi mà những lá thư cô gửi về cho gia đình, cho cha mẹ, anh chị em cứ lặng lẽ rơi vào thinh không. 13 năm sống trong trại giam, chưa một lần được gia đình đến thăm, Chìa khao khát lắm một lá thư người thân. Cô mong tin con, mong tin về cha mẹ, những người ruột thịt nhưng tất cả cứ tuột dần khỏi tay cô, không cho cô có chỗ để mà bấu víu. Chìa bảo, giờ không thể khóc được nữa rồi vì 13 năm qua, khóc quá nhiều, đau quá nhiều, ấy thế nhưng khi tâm sự với chúng tôi, nhắc về cha mẹ, về các con, người phụ nữ thôn quê ấy lại trào nước mắt. Nỗi ám ảnh về cái tết Trung thu năm nào, mua quà cho con mà chưa kịp tặng thì bị bắt vào tù khiến Chìa day dứt, xót xa. Cô chỉ mong sớm được về nhà, nấu cho con một bữa ăn ngon để bù lại những mất mát, thiệt thòi còn các con tha thứ hay không cũng đành chấp nhận...Những lời Chìa nghe thật xót xa, đắng đót.
"Nhận mức án chung thân cho tội danh giết người, tôi không dám oán trách điều gì. Tới giờ phút này, tôi chỉ muốn nói rằng, tôi thực sự muốn được trở về làm lại cuộc đời và được thắp nén hương tạ tội đối với quá cố", Chìa nói. Cô bảo, từ nay đến ngày về còn nhiều việc phải làm, không thể ngồi nghĩ quẩn hay tiêu cực được. Mơ ước của cô là về quê hương mở một xưởng may nhưng không biết có được người thân ủng hộ hay không.
Chia tay Chìa, nhìn những giọt nước mắt vẫn tuôn rơi trên má người đàn bà nửa đời nhọc nhằn với những quẩn quanh hạnh phúc, tôi chợt hiểu ra rằng thời gian sẽ là phương thuốc màu nhiệm để người ta nhìn lại mình mà sống tốt hơn cho dù không dễ dàng gì.
Theo Nguyễn Tấn (Khampha.vn)